Thứ Sáu, 2024-11-22, 11:11 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 9 » Nộp tiền trước khi khiếu kiện?
6:10 PM
Nộp tiền trước khi khiếu kiện?

Tháng 12 năm ngoái, Ủy ban thường vụ quốc hội Đảng Cộng Sản Việt Nam đã thông qua một pháp lệnh khá lạ đời. Đó là - để nâng cao trách nhiệm của người đi khiếu kiện về quyết định hay hành vi hành chánh trong lãnh vực đất đai, mọi người đều phải nộp tạm ứng án phí và chịu án phí trong trường hợp đơn khiếu kiện không được tòa án chấp nhận. Bà Lê Thị Ba, chủ tịch ủy ban tư pháp quốc hội Cộng Sản Việt Nam đã giải thích về lý do ra đời của pháp lệnh này là để: 1/ Tránh tình trạng khiếu kiện tràn lan, thiếu căn cứ, gây bất ổn xã hội và 2/ Bảo đảm tính nhân đạo, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản... của công dân.

Căn cứ trên sự giải thích của bà Lê Thị Ba thì rõ ràng là tình trạng khiếu kiện đang xảy ra quá nhiều tại Việt Nam, khiến chế độ hoảng sợ và tìm cách ngăn chặn bằng cách phạt vạ người dân đang đứng lên đi đòi công lý lại cho chính họ. Điểm 2 của lời giải thích lại càng khó nghe và lồ lộ tính đạo đức giả khi một chế độ “ăn cướp của dân” lại muốn “bảo đảm tính nhân đạo” và “góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản... của công dân”. Đột nhiên mấy ông bà “đại diện dân” trong quốc hội Cộng Sản Việt Nam bỗng dưng nhân đạo hẳn ra và chăm lo sức khoẻ của dân một cách cao độ! Có thật vậy không?

Vấn đề khiếu kiện đất đại không chỉ mới xảy ra cách nay vài năm mà đã có từ năm 1979 và bùng phát mạnh mẽ từ năm 1986 khi mà đảng Cộng sản Việt Nam tung ra chính sách khoán nông nghiệp của Bộ chính trị, viết tắt là khoán 10. Trong chính sách cải tạo nông nghiệp sau khi chiếm Miền Nam Việt Nam, đảng Cộng Sản đã bắt tất cả nông dân phải đem ruộng đất canh tác nộp vào Hợp tác xã, để cùng làm chung và hưởng chung. Hậu quả là sản lượng nông sản tại đồng bằng miền Nam xuống dốc một cách thê thảm, dẫn đến nạn đói đe dọa lên cả nước vào những năm đầu thập niên 80. Đến năm 1985, Cộng sản Việt Nam phải mở cửa đề tìm thêm phương tiện từ bên ngoài để nuôi chế độ vì Liên Xô không còn đủ khả năng chi viện được nữa. Trong bối cảnh này, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã học được chính sách khoán 10 của ông Đặng Tiểu Bình, tức trả lại ruộng đất cho nông dân tự canh tác và chỉ nộp lại khoán sản phẩm cho nhà nước.

Trong thực tế, cán bộ hợp tác xã mang ruộng đất xấu trả lại cho nông dân và giữ lại những ruộng đất tốt cho mình hay chia chác cho thân nhân. Chính vì lý do này đã tạo ra làn sóng khiếu kiện - bùng nổ từ đầu năm 1990. Ngoài ra, từ năm 1991, Cộng sản Việt Nam mở rộng chính sách vận động đầu tư, cho các công ty quốc doanh của nhà nước hợp tác với những công ty ngoại quốc thành lập các xí nghiệp liên doanh. Đa số các công ty quốc doanh không có vốn nên đã hợp tác với các công ty ngoại quốc bằng cách: dùng vũ lực cưỡng bức và chiếm đoạt đất đai của người dân, trả với giá rẻ mạt để xây dựng các nhà máy sản xuất, hoặc xây dựng khách sạn, sân Golf để thành lập những trung tâm giải trí, du lịch. Tình trạng cướp đất này cũng đã tạo ra làn sóng khiếu kiện thứ hai. Song song, do nhu cầu mở rộng các khu chế xuất công nghiệp và xây dựng hạ tầng cơ sở, Cộng sản Việt Nam cũng đã chiếm đất, phá nhà của dân và chỉ bồi thường một số tiền tượng trưng. Sự kiện này đã tạo nên làn sóng khiếu kiện thứ ba.

Theo thống kế của Bộ tư pháp Cộng sản Việt Nam thì từ năm 1990 cho đến cuối năm 2006, đã có khoảng 28 triệu hồ sơ khiếu kiện - đa số thuộc về ruộng đất bị trưng dụng mà không được bồi thường một cách hợp lý. Có những ruộng đất của nông dân bị cướp đoạt đã bị mua đi bán lại đến hơn 5 lần, khiến cho tòa án Cộng sản Việt Nam không biết phải quyết vụ kiện từ đâu. Cũng theo thống kê của Bộ tư pháp Cộng sản Việt Nam cho biết là tòa chỉ có thể giải quyết khoảng 70% hồ sơ khiếu kiện. Nghĩa là hiện còn khoảng 8 triệu hồ sơ khiếu kiện chưa giải quyết. Vào năm 2002, ông Phan Văn Khải lúc còn là Thủ tướng đã cho lập một Ủy ban giải quyết vấn đề khiếu kiện ruộng đất giao cho ông Lê Huy Ngọ, cựu Bộ trưởng nông nghiệp, phụ trách thành lập một số Ủy ban Trung ương đến từng địa phương trực tiếp giải quyết; nhưng cuối cùng cũng không giải quyết được vì hai lý do rất cơ bản:

1/ Những chủ nhân ông của các ruộng đất mà nông dân đi khiếu kiện đã đổi qua nhiều đời chủ nên không thể nào lấy lại để giao trả cho chủ nhân đầu tiên. Nghĩa là những ruộng đất mà cán bộ Cộng sản Việt Nam lấy của dân từ thập niên 80 đã tẩu tán, bán lại cho những người khác làm chủ.

2/ Những công ty liên doanh bỏ tiền ra để trả cho nông dân một cách rẻ mạt khi trưng thu ruộng đất của họ thì nay đã bị phá sản, hay chuyển nhượng qua những công ty khác, nên nhà nước cộng sản Việt Nam không thể ép buộc để hoàn trà lại cho nông dân.

Những diễn tiến gây ra vấn nạn khiếu kiện nói trên cho thấy là đảng Cộng sản Việt Nam vì quá tham lam, tham nhũng, coi thường tài sản và nguyện vọng của người dân nên vấn nạn mới trở thành một bi kịch lớn trong xã hội Việt Nam với hơn 8 triệu người mất đất, mất ruộng mà không biết bao giờ có thể giải quyết được. Sau khi ông Lê Huy Ngọ giải quyết thất bại, từ năm 2004 Cộng sản Việt Nam đã cho lập ra hai cơ quan gọi là Nhà Tiếp Dân ở Hà Nội và Sài Gòn để nhận hồ sơ khiếu kiện của nông dân ở hai khu vực miền Nam và miền Bắc. Nhưng khi nông dân từ các tỉnh lên nộp hồ sơ thì cán bộ ở Nhà Tiếp Dân lại yêu cầu đi về địa phương nộp để giải quyết. Nhiều nông dân mang về địa phương nộp khiếu kiện thì địa phương lại yêu cầu lên Trung ương vì không có thẩm quyền. Sự phủi tay của cán bộ Cộng sản Việt Nam đã làm cho nông dân càng thêm phẫn nộ, đưa đến cuộc đấu tranh của dân oan khiếu kiện thuộc 17 tỉnh miền Nam ngay tại trụ sở Văn phòng 2 Quốc hội Cộng sản Việt Nam trong 27 ngày đêm vào giữa năm 2007.

Biến cố này đã làm cho Cộng sản Việt Nam lo sợ làn sóng chống đối sẽ lên cao, nên đã chỉ thị cho các địa phương phải nhận hồ sơ khiếu kiện của nông dân, nhưng kéo dài thời gian giải quyết để không cho nông dân tập trung về Hà Nội hay Sài Gòn. Tuy nhiên thủ đoạn câu giờ để né tránh giải quyết đã bị dân oan khiếu kiện lột mặt nạ, và nông dân tiếp tục rủ nhau từng đoàn đổ về Hà Nội, Sài Gòn biểu tình hầu như hàng ngày. Đặc biệt là số người dân oan khiếu kiện tập trung đông vào những ngày mà quốc hội hay Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam nhóm họp. Cộng sản Việt Nam đã cho công an ngăn chận, bắt bớ, thậm chí cho xe chở trả về địa phương nhưng rồi sau đó nông dân lại tiếp tục rủ nhau lên Hà Nội và Sài Gòn biểu tình tiếp. Điều này đã làm cho chế độ điên đầu tìm cách giải quyết.

Trong thế cùng quẫn đó, Cộng sản Việt Nam mới bày ra trò bắt nông dân phải nộp tiền ứng trước rồi mới đi khiếu kiện như đề cập bên trên. Thủ đoạn ngăn chận làn sóng khiếu kiện của nông dân này quá kém và sẽ phản tác dụng, vì người ta biết chắc là tòa án sẽ không bao giờ xét xử những vụ kiện của họ; nếu Cộng sản Việt Nam thật tâm muốn xét xử thì đã làm từ lâu. Khi biết là tòa án không có khả năng xét xử và giải quyết thì chắc chắn nông dân sẽ không đóng tiền tạm ứng án phí và sẽ tiếp tục đi biểu tình, đi khiếu kiện. Nếu Cộng sản Việt Nam có bắt thì cũng chỉ giữ vài tiếng đồng hồ rồi phải trả nông dân về lại địa phương như những lần trước. Và rồi nông dân sẽ tiếp tục khiếu kiện cho đến khi nào họ lấy lại được tài sản đã mất.

Rốt cuộc, pháp lệnh mà quốc hội Cộng sản Việt Nam buộc nông dân phải tạm ứng án phí trước khi đi khiếu kiện chỉ là trò “đánh lận con đen”, vừa không ngăn chặn được làn sóng khiếu kiện mà còn như chế thêm dầu vào lửa trước sự căm phẫn tột cùng của người dân.

Trung Điền
Jan 7 2009
Nguồn: Việt Tân

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 808 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0