Thứ Ba, 2024-11-05, 8:37 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 9 » Giữa nhiệm kì X, Đảng vẫn chơi vơi
8:41 PM
Giữa nhiệm kì X, Đảng vẫn chơi vơi

Khâu cán bộ: dao động, kèn cựa, tham lam, cửa quyền

Hội nghị Trung ương 9 của đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5-1 đến 14-1-09 để kiểm điểm nửa nhiệm kỳ 5 năm của Khóa đảng X (2006 – 2010) vào lúc Việt Nam đang phải đối phó với 2 vấn đề nghiêm trọng: Nguy cơ tụt hậu kinh tế và tình trạng bất trị của cán bộ, đảng viên tham nhũng và suy thoái đạo đức. ...

Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng đã yêu cầu các Ủy viên Trung ương đảng phải “Quán triệt quan điểm biện chứng, đánh giá đúng tình hình”

Ông Mạnh nói : “ Tại Hội nghị này, với vai trò của cấp chiến lược, nơi trực tiếp đề ra đường lối, nghị quyết và chỉ đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chúng ta phải xem xét, nhìn nhận vấn đề ở tầm chiến lược; quán triệt quan điểm biện chứng, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh đúng thực tiễn để đánh giá đúng tình hình đất nước và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, phân tích ưu điểm, khuyết điểm, tìm đúng nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích, trên cơ sở đó đề ra những mục tiêu, giải pháp quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.”

“Hội nghị lần này sẽ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng trong nửa đầu nhiệm kỳ (2006 - 2008); kiểm điểm 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về Chiến lược cán bộ và Hội nghị cũng sẽ bàn, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.”

Ông Mạnh cũng nhắc lại rằng mục tiêu của Đại hội X của Đảng ta năm 2006 đã “xác định 5 năm 2006 - 2010 có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đầu của thế kỷ XXI.”

Các mục tiêu, phương hướng tổng quát của Đại hội X, theo lời ông Mạnh, nhằm: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phát triển văn hoá; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.”

Kinh tế đi xuống

Nhưng sau khi đi được nửa chặng đường, đảng của Mạnh đã đạt được bao nhiêu phần trăm mục tiêu đề ra ?

Nhìn chung tình hình kinh tế trong hai năm 2006 – 2007 tương đối khả quan, nhưng qua năm 2008 mục tiêu phát triển tổng sản lượng quốc gia dự trù lúc đầu là 7,5 - 8%, sau thấy không thực tế và bị mưa lụt làm hại mùa màng nên hạ xuống 7%, sau cùng Nhà nước thông báo đạt được 6,23 %. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên viên kinh tế thì con số này qúa cao với thực tế.

Lý do: Nhiều xí nghiệp phải giải công hay hoạt động không liên tục vì hàng không bán được do ảnh hưởng nghiệm trọng giây chuyền của cuộc khủng hỏang tài chính và kinh tế Mỹ từ tháng 2-2008. Các thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam ở Châu Aâu và Mỹ châu bị ngưng đọng vì mức mua bán của người dân địa phương cũng giảm thiểu.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói với báo chí ở Việt Nam: “Suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất do không nhận được đơn đặt hàng. Chỉ tính riêng một số tỉnh phía Nam, phía Bắc - nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, mấy tháng nay đã cho 22.000 lao động nghỉ việc.”

Theo số thống kê chính thức của Bộ Lao động Việt Nam, hết năm 2008, cả nước có gần 30.000 người làm việc trong các doanh nghiệp bị mất việc. Họ cũng dự đoán sẽ có thêm 150,000 công nhất mất việc trong năm 2009.

Nhưng số người “ăn nhờ” vào số công nhân này, từ xưa vẫn thiếu việc làm hay không có khả năng để sống tự lập như ông già, bà cả, phụ nữ, trẻ em cũng sẽ bị “vạ lây” nâng số người ngồi không lên đến hàng triệu người. Có người đã ước định khỏang 14 triệu người Việt Nam hiện sống trong tình trạng không có việc hay thiếu việc làm.

Tuy nhiên nhà nước CSVN vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2009 ra là 6,5%, mặc dù Hội đồng Chính phủ đã nhìn nhận trong phiên họp tháng 12/2008 : “ Năm 2009, dự báo tình hình kinh tế- xã hội nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những thuận lợi và cơ hội nhất định, đó là: môi trường chính trị- xã hội ổn định; các nguồn lực và tiềm năng tăng trưởng còn lớn; thị trường nội địa hơn 86 triệu dân; nguồn vốn trong dân còn nhiều; giá nguyên liệu, thiết bị trên thị trường thế giới đang xuống thấp trong khi chúng ta lại có nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn; vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta nhiều.”

Ngân hàng Thế giới không đồng tình với dự đoán của Việt Nam. Họ bảo mức phát triển nên đặt ra là 5% cho năm 2009.

Như vậy, không biết nhà nước CSVN đã căn cứ vào đâu để đưa ra con số 6,5 % ? Sự cách biệt 1,5 % là khoảng cách kinh tế rất lớn trong thực tế và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân nếu không đạt được mức dụ trù.

Ngân hàng Thế giới báo cáo: “Xuất khẩu hàng hóa (của Việt Nam) và dịch vụ đang giảm, phản ánh sự đi xuống của các nền kinh tế của những đối tác thương mại chính. Kiều hối và đầu tư trực tiếp nước ngoài, hai nguồn chính của hoạt động kinh tế năm 2007, cũng đang giảm xuống từ mức cao do sự suy giảm của các điều kiện kinh tế toàn cầu.

Những thách thức bên ngoài này kết hợp với những thách thức bên trong bắt nguồn từ thâm hụt lớn của cán cân vãng lai cũng như những điểm yếu trong lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp làm tình hình khó khăn hơn”. (Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, 18-12-08)

Trong khi ấy, Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư viết trên Tạp chí Công Sản Số 24 (168) năm 2008 về hậu qủa kinh tế thế giới xuống dốc đối với Việt Nam :“Cuộc khủng hoảng đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Đây là những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.”

Do nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ đang trên đà suy giảm mạnh bởi tác động của khủng hoảng tài chính, trong 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt 16,7%, thấp hơn khá nhiều so với mức 26,7% của năm 2007. Tỷ trọng của thị trường Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã giảm, từ 20,7% của năm 2007 xuống còn 17,7% trong 9 tháng đầu năm nay. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng nhất là may mặc, giày da, gạo, cá basa, cà phê...”

Ông Phúc viết tiếp: “Cuộc khủng hoảng cũng tác động đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang European Union (Liên hiệp Châu Âu) và Nhật Bản - hai thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, do bị tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng, người tiêu dùng của các thị trường này cũng phải cắt giảm chi tiêu, nên nhu cầu nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ có xu hướng giảm. Tỷ trọng của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng đã giảm, chỉ còn 16,5%, trong khi năm 2007 là 18%.”

Theo ước tính của ông Phúc: “Xuất khẩu cả năm 2008 dự kiến chỉ đạt khoảng 64 tỉ USD, tăng 31,8% so với thực hiện năm 2007, thấp hơn so với dự báo của Chính phủ vào đầu tháng 10-2008 cả về kim ngạch và tốc độ tăng (tương ứng là 65 tỉ USD và 33,9%) do xuất khẩu giảm không chỉ về số lượng các đơn hàng, mà cả về giá bán của hàng hóa xuất khẩu. Năm 2009, dự kiến kim ngạch xuất khẩu là 64 tỉ USD, giảm cả về kim ngạch và tốc độ tăng kim ngạch so với con số đã được trình Quốc hội đầu tháng 10-2008 (số trình Quốc hội tháng 10-2008 tương ứng là 67,7 tỉ USD và 18%).”

Về khả năng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam trước bối cảnh kinh tế xuống dốc leo thang từ nước này qua nước kia, ông Phúc bi quan: “Tác động lớn nhất của cuộc khủng hoảng này là làm thay đổi hoàn toàn và sâu sắc ngành công nghiệp tài chính Mỹ và hệ thống tài chính toàn cầu. Trong những năm tới, dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam sẽ suy giảm, vì do bất ổn kinh tế và sự suy thoái kinh tế toàn cầu.”

Theo phân tích của ông Phúc, vì “Các nước châu Á, nơi chiếm tới 80% dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, cũng đang chịu tác động lớn của cuộc khủng hoảng. Việc huy động vốn trên thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí vốn trở nên đắt đỏ hơn. Hậu quả là các nhà đầu tư sẽ hạn chế tăng thêm đầu tư mới và thực hiện các dự án đã cam kết. Đã có xu hướng một số công ty mẹ ở chính quốc yêu cầu các chi nhánh tại Việt Nam phải giảm đầu tư để rút vốn về để tháo gỡ khó khăn cho các công ty mẹ. Do vậy, trong dài hạn, nếu khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới không bị chặn lại thì chắc chắn nó sẽ tác động tới đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.”

Nông Đức Mạnh, trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị 9 tại Hà Nội, cũng đã trấn an mọi người rằng tuy đất nước đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam cũng đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thi hành các Nghị quyết của Đại hội đảng X.

Ông Mạnh nói : “ Quyết tâm đó được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng và phức tạp, khó lường, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính ở một số nền kinh tế lớn dẫn đến sự suy giảm kinh tế thế giới bắt đầu từ giữa năm 2007. Trong nước, bên cạnh những mặt thuận lợi rất cơ bản nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn do sự yếu kém nội tại của nền kinh tế; những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; sự chống phá của các thế lực thù địch; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều tổ chức cơ sở đảng yếu, sự buông lỏng, yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành v.v...; và những tổn thất nặng nề do thiên tai, dịch bệnh gây ra.”

Vì những khuyết tật này mà ông Mạnh lưu ý các Ủy viên Trung ương đảng: “Đây cũng là lúc mà chúng ta cần đi sâu nghiên cứu để góp phần giải đáp những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, như : Quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển, giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, giữa tăng trưởng kinh tế và an sinh, công bằng xã hội; quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, giữa đổi mới và ổn định; quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước v.v... Nói tổng quát hơn, tuy chúng ta kiểm điểm giữa nhiệm kỳ nhưng những nội dung thảo luận và những bài học rút ra được từ thực tiễn vừa qua không chỉ có ý nghĩa đối với nửa nhiệm kỳ còn lại, mà còn thiết thực góp phần định hướng cho chặng đường đổi mới và phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.”

Chệch hướng chăng ?

Như vậy, đáng lý ra nội dung thảo luận chính tại Hội nghị kỳ 9 phải đặt trọng tâm vào 2 lĩnh vực : Tình hình Kinh tế – Tài chính của quốc gia và kết qủa của các biện pháp thi hành các chính sách xây dựng và phát triển nền kinh tế trong 2 năm qua. Và, đưa ra định hướng xây dựng và phát triển để đối phó với cuộc khủng hỏang kinh tế thế giới đang ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ngược lại Nông Đức Mạnh lại ưu tiên bảo mọi người hãy “kiểm điểm 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí” và “ 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về Chiến lược cán bộ và Hội nghị cũng sẽ bàn, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.”

Tại sao đảng Cộng sản lại thờ ơ trước cảnh dân thiếu ăn, thiếu mặc vào những ngày cận Tết để dành thời giờ bàn những chuyện ai cũng biết đã thất bại cả rồi ?

Việt Nam thi hành Luật Phòng, chống Tham nhũng từ năm 2005. Đảng cũng đã tiêu phí hàng tỷ tiền dân vào nhiều cuộc họp bàn chống tham nhũng từ trung ương xuống địa phương, nhưng tham nhũng vẫn trơ ra như gỗ và cán bộ, đảng viên tham nhũng vẫn coi trời bằng vung để tha hồ tác oai, tác quái khắp các cơ quan, các ngành, các cơ sở của chính quyền để moi tiền của dân và tiền nhà nước.

Vì vậy tham nhũng vẫn tràn lan và kẻ tham nhũng ngày một nhiều. Trong khi Đảng và Nhà nước đã hòan toàn bất lực trước quốc nạn này vì người dân không dám tố cáo kẻ tham nhũng và kẻ tham nhũng thì ba đầu, sáu tay cứ khơi khơi lấy luật của nhà nước làm luật riêng của mình để lót xuống chân mà đi. Nếu kẻ tham nhũng có bị bắt thì vì cấp bé và thiếu tiền với lên ghế cao để chạy tội.

Bây giờ Nhà nước lại bày ra thêm trò “Dự thảo Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020”.

Tại Phiên họp bất thường của Chính phủ ngày 18-11 (2008), Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết kế họach mới có mục đích: “Ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ điều kiện phát sinh tham nhũng và xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, lành mạnh hoá các quan hệ xã hội là những mục tiêu lớn trong phòng chống tham nhũng.”

Ông Truyền cũng nói những biện pháp cụ thể của Chiến lược mới là nhằm: “Hạn chế tối đa điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật, nhất là trong quá trình ban hành và tổ chức thi hành các văn bản áp dụng pháp luật. Xây dựng nền hành chính hiệu quả, minh bạch, phục vụ nhân dân và xã hội với đội ngũ cán bộ, công chức trung thực, công tâm, liêm khiết, tận tụy. Tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.” (Báo điện tử Chính phủ)

Nhưng cũng như nhiều việc nói rồi bỏ đấy, Chiến lược này chưa ra đời. Chừng nào có là chuyện khác.

Vậy Nghị quyết 3 của khoá X nhằm “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” ngày 22/8/2006 đã ra các nhiệm vụ gì cho đảng viên ?

Văn kiện này ra lệnh cho toàn đảng phải:

1- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Tiến hành cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, tạo nên phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tệ tham nhũng, lãng phí trong Đảng, trong xã hội. Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ðưa nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giáo dục. Mở chuyên mục tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này trên các báo, đài.

Bảo vệ, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Các tổ chức đảng và đảng viên, cán bộ, công chức phải đề cao tinh thần tự tôn, tự hào về dân tộc, về truyền thống cách mạng của đảng, từ đó tự tu dưỡng bản thân, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Chi bộ đảng phải nắm chắc việc thực hiện nhiệm vụ và quan hệ xã hội của đảng viên trong chi bộ, giáo dục, nhắc nhở và kịp thời kiểm tra, xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, không được dung túng, bao che tham nhũng, lãng phí.

Trường hợp có hành vi tham nhũng, lãng phí cần được xử lý thì cấp ủy đảng phải tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng thực thi pháp luật, đồng thời lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị; thực hiện nghiêm túc kết luận xử lý gắn với củng cố nội bộ.

Chấn chỉnh, bảo đảm công khai, minh bạch trong quy hoạch và quản lý, sử dụng đất đai, công sở. Nghiêm cấm tùy tiện sửa đổi quy hoạch. Rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng đất, công sở; khắc phục ngay tình trạng quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng dự án chậm trễ, kéo dài. Ðất và công sở được sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả phải bị thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc bán đấu giá.”

Nghị quyết 3 cũng ra lệnh đảng phải:

Tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm, như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu - chi ngân sách, quản lý tài sản công và hệ thống ngân hàng thương mại. Thành lập các đoàn công tác liên ngành giữa Ủy ban kiểm tra của Ðảng với thanh tra, kiểm toán, công an, kiểm sát để phối hợp xử lý các vụ tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng. Công khai kết quả xử lý của các đoàn công tác này.

Chỉ đạo kiện toàn cơ quan thanh tra, điều tra thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí nói chung, trong lực lượng vũ trang nói riêng.

Nghiên cứu tổ chức các cơ quan phòng, chống tham nhũng theo hướng bảo đảm sự độc lập cần thiết với các cơ quan quản lý nhà nước theo cấp lãnh thổ và sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương. Tăng cường cán bộ cho các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án và kiểm tra của Đảng, đồng thời kiểm soát hoạt động của các cơ quan này v.v…

Tất cả những chỉ thị của Trung ương đảng đã không được thi hành đến nơi đến chốn nên nạn dân kiện cán bộ, doanh nghiệp cướp đất, bồi thường không đúng tiêu chuẩn, mất công bằng vẫn kéo dài từ ngày này qua tháng khác. Có nhiều vụ kéo dài cả chục năm vẫn chưa được đền bù thỏa đáng.

Công tác phòng, chống tham nhũng trong Công an, Quân đội hầu như được coi là “chuyện riêng” của hai ngành này nên dân coi đó như vùng “đất cấm” nhìn vào. Cũng chẳng có thanh tra nào dám cả gan lỡ bước, sa chân vào chốn súng đạn ghê gớm này.

Đấy là chưa kể đến tình trạng các “Quan” tham nhũng còn biết bao che, bênh vực nhau theo kiểu “nay người mai ta”, hay “xấu chàng thì hổ đến ai” nên cứ thế bảo nhau kéo dài ra, ăn sâu hoẳm xuống xương tủy người dân.

Còn về “Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” thời Đỗ Mười đã tập trung vào các lĩnh vực “đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ”.

Việc thi hành cũng qua nhiều Chỉ thị, nhưng khâu này vẫn gây lúng túng cho đảng vì ngòai tình trạng có qúa nhiều cán bộ tham nhũng, cửa quyền, đảng cũng chưa ngăn chặn tận gốc được nạn ganh tị, cá lớn ép cá bé, bè phái, chiếu trên chiếu dưới trong đảng, sống mất đạo đức, gây bất bình trong nhân dân.

Nhiều cán bộ, nhất là những kẻ có chức có quyền lại coi dân như tôm tép, phục vụ thì ít và chủ đích là hành dân thì nhiều để moi tiền, moi của, mua quan, bán chức, chạy ghế, mua bằng cấp để được lên chức, lên lương.

Ba trong những khuyết điểm đã được nêu ra trong Nghị quyết 10 năm trước ngày nay vẫn còn nguyên vẹn như khi chưa có lời phê bình này:

Đó là:

1.- “Việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ nhiều khi còn chủ quan, chưa thật công tâm, chưa hợp lý, thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Bố trí cán bộ trong nhiều trường hợp còn nặng về cơ cấu, lúng túng, bị động khi bố trí cán bộ chủ chốt ở một số ngành và địa phương; hẹp hòi, định kiến, không mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ” .

2.- Nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý công tác cán bộ và nguyên tắc tập trung dân chủ chưa được cụ thể hóa. Công tác kiểm tra, quản lý cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ ở nhiều nơi bị buông lỏng. Phần lớn khi có đơn tố giác mới thanh tra. Không kiên quyết xử lý những cán bộ sai phạm. Còn thiếu các quy chế về quản lý cán bộ, luân chuyển cán bộ, nhân dân giám sát, phê bình cán bộ... Hệ thống tổ chức làm công tác cán bộ còn phân tán, chồng chéo, chức năng và trách nhiệm không rõ.

3.- Một số cán bộ không chịu tu dưỡng, rèn luyện, tự phê bình và phê bình, bị chủ nghĩa cá nhân chi phối.

Nghị quyết thời Đỗ Mười còn ra lệnh cho Cán bộ phải tuân theo kỷ luật đảng để “Cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức tổ chức kỷ luật. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm”, nhưng đã có mấy ai làm được nên trong suốt 10 năm qua, nhữg lời “vàng”, chữ “bạc” này đã bị cán bộ, đảng viên đem “mạ kền” hết cả cho nên đội ngũ mới rã đám như bây giờ.

Vì vậy mà khi Nghị quyết đòi hỏi cán bộ phải “Có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. ... Có ý thức và khả năng đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước” và “Gương mẫu về đạo đức, lối sống. Có tác phong dân chủ, khoa học, có khả năng tập hợp quần chúng, đoàn kết cán bộ” là đã đòi hỏi qúa đáng, vượt khả năng của họ nên bây giờ mới có tình trạng không ai còn muốn gương mẫu hay giữ đạo đức nữa.

Lẽ dễ hiểu là ai mà nghe theo đảng thì chết đói nên thà mất đạo đức mà có nhiều tiền còn hơn sống đời tử tế mà nghèo xác, nghèo xơ.


Phạm Trần
08/01/2009

Category: Chính trị | Views: 816 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 262
Khách: 262
Thành Viên: 0