§ CTV CSsR Ngày
8 tháng 1 năm 2009, vừa đúng một tháng kể từ ngày các giáo dân bị đem
ra xét xử (8/12/2008), Tòa án Phúc thẩm – Tòa án Nhân dân Thành phố Hà
Nội, đã chính thức thụ lý hồ sơ vụ án kêu oan của tám nạn nhân là giáo
dân Thái Hà (vụ án thụ lý số 50/HSPT, ngày 8/1/2009).
Trong phiên xử ngày 8 tháng 12 năm 2008, sau khi vị Thẩm phán công
bố bản án cho các giáo dân với mức án tù từ treo cho tới cảnh cáo, tất
cả các bị cáo, kể cả những người bị cảnh cáo, đều cảm thấy mức án như
vậy là oan khiên đối với họ.
Vì thế, ngày 17 tháng 12 năm 2008, 9 ngày sau phiên tòa sơ thẩm, tất
cả tám bị cáo đều đồng loạt làm đơn kháng cáo kêu oan lên Tòa án phúc
thẩm.
Tại phiên tòa và trong các lần trả lời phỏng vấn các cơ quan thông
tấn báo chí, các bị cáo đều khẳng định các hành vi của họ là không có
tội. Do đó, dù mức án theo ý kiến của nhiều người là rất nhẹ, nhưng với
họ, dù tòa chỉ tuyên cảnh cáo thì vẫn là có tội và như vậy là oan đối
với họ. Họ sẽ tiếp tục cuộc hành trình đi tìm công lý và sự thật.
Bà Hợi cho biết: “Tôi không được thoải mái lắm với mức án như vậy.”
Bà Ngô Thị Dung – người bị kết án 15 tháng tù treo, thì cho rằng:
“Tôi sẽ tiếp tục đi tìm công lý, bởi như thế vẫn là oan sai. Tôi không
hủy hoại tài sản và gây rối bởi bức tường đó xây bất hợp pháp trên mảnh
đất của nhà thờ và tôi biết điều đó”.
Công cuộc đi tìm công lý cho bản thân, cho Giáo hội và cho dân tộc
của giáo xứ Thái Hà, cách riêng của tám giáo dân Thái Hà đang bước vào
một giai đoạn mới.
Theo như chúng tôi được biết, Tòa án Nhân dân Quận Đống Đa, nơi nhận
đơn kháng cáo đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án phúc thẩm lên Tòa án Nhân
dân thành phố Hà Nội từ ngày 23 tháng 12 năm 2008. Nhưng, mãi tới ngày
8/1/2009, khi Luật sư Lê Trần Luật tới xin Giấy Chứng Nhận bào chữa cho
các bị cáo thì Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mới chính thức thụ lý
vụ án.
Theo chúng tôi được biết, sau khi đã thụ lý vụ án thì trong khoảng thời gian 2 tháng, vụ án sẽ được đem ra xét xử.
Tại phiên tòa sơ thẩm, hàng ngàn giáo dân đã tới dự tòa để bày tỏ sự
hiệp thông với các nạn nhân. Họ hô vang khẩu hiệu “vô tội”. Nhiều người
trong số họ mong ước được đi tù thay cho tám giáo dân.
Sự kiện cả hàng ngàn người tới dự tòa là một sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử Tòa án tại Việt Nam từ trước tới nay.
Rất nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân đang mong chờ từng ngày ngày
khai mở phiên tòa phúc thẩm và bảo nhau sẽ tham dự phiên tòa phúc thẩm
để bày tỏ sự hiệp thông.
Tòa phúc thẩm sẽ xét xử ngày nào thì còn là điều bí ẩn. Điều căn bản lúc này là cùng
nhau cầu nguyện cho các nạn nhân kêu oan và mọi dân oan được can đảm
trong công cuộc đi tìm công lý và sự thật cho bản thân, cho Giáo Hội và
cho dân tộc Việt Nam.
9/01/2009
CTV CSsR
|