- Đó là mục tiêu trong “Đề án hỗ trợ đẩy mạnh xuất
khẩu lao động (XKLĐ) tại các huyện nghèo giai đoạn 2009-2015”, Bộ
LĐ-TB&XH soạn thảo.
|
Còn nhiều dân nghèo thuộc các dân tộc thiểu số chưa được XKLĐ Ảnh: P.C |
Cơ hội đổi đời
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng quản lý lao động
ngoài nước cho biết, mục tiêu của đề án là nâng cao chất lượng lao động
(LĐ), tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí để nhiều LĐ tại các huyện nghèo
được tham gia XKLĐ.
Giai đoạn 2009-2010, thí điểm đưa khoảng 10.000 lao
động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giai đoạn 2011-2015, đưa
50.000-60.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Hiện, tại 61 huyện nghèo trong cả nước, số người đi
XKLĐ rất ít. Trong hai năm (2006 và 2007), chỉ có khoảng 5.000 người đi
XKLĐ; một số huyện không có người tham gia.
So với số lượng của cả nước, số người đi XKLĐ của 61
huyện nghèo chỉ chiếm 3%; trong khi dân số của 61 huyện nghèo khoảng
2,4 triệu người và số người trong độ tuổi lao động là 1,3 triệu.
Theo ông Quỳnh, lý do khiến dân tại 61 huyện nghèo
chưa tham gia XKLĐ là vì trình độ văn hóa và tay nghề thấp, chỉ có
khoảng 9% tổng dân số có trình độ THPT và 10% đã qua đào tạo. Thu nhập
bình quân của các hộ nghèo khoảng 140.000 đồng/người/tháng nên không có
tiền để trang trải chi phí đi làm việc nước ngoài.
Các huyện nghèo chủ yếu nằm ở khu vực miền núi, xa
trung tâm tỉnh lỵ nên người dân không có điều kiện tiếp cận thông tin
về XKLĐ. “Vì thế, khi được tham gia Đề án, NLĐ nghèo sẽ có cơ hội đổi
đời” - Ông Quỳnh nói.
NLĐ được lo trọn gói
Theo thống kê đến cuối năm 2006, cả nước vẫn còn 61 huyện thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%.
Tỷ lệ hộ nghèo các huyện này cao gấp 3,5 lần tỷ lệ nghèo chung cả nước.
Thu nhập bình quân của nhóm hộ này khoảng 140.000 đồng/người/tháng.
|
Theo Đề án, NLĐ sẽ được hỗ trợ học bổ túc văn hóa để XKLĐ. Đối tượng là NLĐ thuộc các huyện nghèo, trong độ tuổi đi XKLĐ.
Mục tiêu là bổ túc thêm kiến thức văn hóa để NLĐ tham
gia học nghề, ngoại ngữ theo yêu cầu của từng thị trường lao động. Theo
đó, NLĐ sẽ được hỗ trợ học phí, tài liệu học tập, chi phí sinh hoạt
(tiền ăn, ở) trong thời gian học văn hóa.
Việc bổ túc văn hóa dự kiến thực hiện theo hai hướng:
Với người chưa tốt nghiệp tiểu học hoặc THCS, tổ chức học bổ túc tại
các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường dân tộc nội trú
theo chương trình của Bộ GD&ĐT; Với người kiến thức cơ bản còn hạn
chế để học nghề, sẽ được tổ chức học bổ túc kiến thức trong thời gian
học nghề.
Đối với NLĐ thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số sẽ được
hỗ trợ toàn bộ học phí học nghề, học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức
cần thiết; Hỗ trợ tiền ăn và sinh hoạt phí trong thời gian học (30.000
đồng/ngày); Hỗ trợ tiền trọ 200.000 đồng/tháng; Hỗ trợ trang cấp đồ
dùng cá nhân thiết yếu (400.000 đồng/người); Tiền tàu, xe đi và về (một
lần) từ nơi cư trú đến nơi đào tạo; Hỗ trợ chi phí làm thủ tục trước
khi đi (phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, làm lý lịch tư pháp).
NLĐ khác thuộc huyện nghèo, được hỗ trợ toàn bộ kinh phí học nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo cơ chế:
- Giai đoạn thí điểm (2009-2010), Bộ LĐ-TB&XH trực
tiếp tổ chức hướng dẫn đặt hàng đào tạo nghề, ngoại ngữ theo yêu cầu
của từng thị trường tiếp nhận lao động;
- Giai đoạn triển khai rộng (2011-2015), ngân sách Nhà
nước hỗ trợ cho các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH giới thiệu doanh nghiệp
XKLĐ, cơ sở tham gia Đề án với các địa phương để phối hợp tuyển chọn
đào tạo và đưa đi.
Ngoài ra, NLĐ thuộc các huyện nghèo còn được vay ưu
đãi toàn bộ chi phí hợp lý theo nhu cầu (ngoài phần đã được hỗ trợ) với
mức lãi suất cho vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (0,65%/tháng).
NLĐ tại các huyện nghèo không may xảy ra rủi ro khi
làm việc ở nước ngoài (không do lỗi của NLĐ) sẽ được xem xét miễn, giảm
lãi tiền vay hoặc xóa nợ khoản vay chưa trả hết.
Phong Cầm
|