Chủ Nhật, 2024-11-10, 2:28 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 13 » Dân chủ và Quyền lực Đa nguyên
3:50 PM
Dân chủ và Quyền lực Đa nguyên
 

Huỳnh Nguyên Đạo bị áp giải ra khỏi tòa án Sài Gòn, ngày 10-05-2007. (Hình Reuters/Kham)

"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân;
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo"

Nguyễn Trãi


ĐDCND - Huỳnh Việt Lang, tức là Huỳnh Nguyên Đạo, sinh năm 1968, ủy viên trung ương đảng DCND, bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt ngày 15 tháng 8 năm 2006, tuyên án hai năm rưởi tù, vu cáo tội “88”, tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN. Bài này viết hồi cuối tháng 6 năm 2006, hơn một tháng trước khi anh bị bắt tại Sài Gòn.

Huỳnh Nguyên Đạo viết "Ngày mai, có thể nhiều người trong số họ sẽ bước vào những lao tù tăm tối, song họ vẫn quyết tâm đứng lên chống lại bạo quyền. Một trong những mục tiêu chúng ta muốn có là nền dân chủ đại chúng (mass democracy). Khả năng của mỗi cá nhân, cơ hội tham gia vào đời sống xã hội chỉ có thể nảy nở và phát triển trong nhận thức luận đa nguyên. Công bằng xã hội chính là công lý mà mọi công dân trong một quốc gia luôn phấn đấu để đạt được. Chính đa nguyên trong chính trị là con đường tốt nhất dẫn đến công bằng xã hội. Nếu ngày mai không đến… thì hôm nay vẫn là một ngày cần thiết dành cho đấu tranh dân chủ tại Việt Nam".

Huỳnh Nguyên Đạo hiện đang bị giam tại trại giam Z30A, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, cùng với các đảng viên lãnh đạo khác của đảng DCND như Bác sĩ Lê Nguyên Sang, luật sư Nguyễn Bắc Truyển và luật sư Trần Quốc Hiền.


Dân là đối tượng trực tiếp và cao nhất của chính trị. Bạo quyền luôn cần phải chế phạt. Trước khi các tư tưởng về nhân quyền và nhân quyền được khẳng định trên thế giới, tư tưởng yên dân là nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã được khẳng định trong sử sách nước ta. Dân chủ là một nhu cầu tự nhiên và tự thân của con người, không hề là sản phẩm ngoại nhập. Dân chủ không đối kháng với quyền lực, dân chủ khiến quyền lực đuợc thực thi dân chủ hơn.

Quốc gia lấy quốc dân làm gốc là một chân lý đúng ở mọi nơi và mọi thời đại. Một nhà nước trưởng thành về chính trị không bao giờ xem quần chúng là những trẻ con ấu trĩ về chính trị ! Không lý gì, khi con người đang sống trong một thế giới đa văn minh, đa văn hoá, đa cực lại có thể chấp nhận một thể chế chính trị đơn cực cùng một tư duy chính trị nhất nguyên. Trong các chế độ dân chủ thực thụ, mọi người sinh ra đều hiển nhiên được hưởng các quyền dân chủ, bất kể trình độ dân trí của người đó đến mức nào.

Các hiểu biết về dân chủ đôi khi giống như cảnh ngắm đào nở ngày Tết. Thưởng đào phải lạnh, đốt lửa là tục. Càng lạnh càng hay, càng lạnh càng nhã. Việc này nhiều người quanh năm phất tay ra lệnh, mình khoác áo bông dày rất ư minh bạch. Chỉ có những kẻ suốt mùa ăn không no, mất nhà nên nằm vỉa hè – đương nhiên không thể hiểu được…

I. Trật tự hàng dọc
I.1. Quyền lực đảng trị

Dưới ách độc tài, sức mạnh chính phủ khá mờ nhạt trong thực tiễn xã hội. Các định chế có vẻ trung lập khác như hệ thống luật pháp, hệ thống giáo dục, tổ chức lao động… kể cả quốc hội cũng có số phận tương tự. Ở Việt Nam , thay vào đó là vị thế của một tập đoàn thống trị được mệnh danh là đảng cộng sản (ĐCS). Với tư cách là cơ sở ngoại vi của đảng, độ khả tín của các định chế này tỷ lệ nghịch với mức dính líu vào ĐCS. Mối liên kết trong xã hội được sắp xếp theo một trật tự hàng dọc, cùng người quản trò là ĐCS. Trật tự hàng dọc này đã cung cấp thứ đảng muốn chớ không phải thứ dân cần; cơ chế ấy chỉ biết đưa ra những biện pháp bảo vệ tập đoàn thống trị chớ không cung cấp được những viễn cảnh cho nhân dân vận động tiến lên. Trong trật tự hàng dọc này không hề có chỗ tồn tại cho hệ thống an sinh xã hội và chế độ phúc lợi. Các chính sách nhà nước bỏ mặc nỗi lo toan của các gia đình – viên gạch nền kết nên xã hội. Các công dân bị thải về nhà với tấm thân tàn ma dại, sau khi bị vắt kiệt sức lao động.

Các định chế trong chế độ đảng trị không hề đại diện cho khát vọng của nhân dân về quyền tự do và tự quản. Quyền lực đảng trị đã xóa nhòa vai trò quyết định của chính phủ và nhà nước. Quyền lực đảng trị tập trung vào một nhóm/tập đoàn người có quyền lợi không gắn liền với cả dân tộc. Luật pháp thiết lập cách khiên cưỡng, trật tự xã hội bị xáo trộn lên. Nhân dân đang chết dần trong cái trật tự khốn kiếp ấy. Nhu cầu về trật tự vốn có trong cuộc sống nhân dân bị cơ chế đảng trị chối bỏ. Trật tự yên bình cần có của xã hội bị phá nát bằng các mệnh lệnh hành chính thông qua trật tự hàng dọc này. Chế độ cộng sản Việt Nam giản lược công bằng xã hội trong lãnh vực kinh tế. Ý tưởng này dẫn đến quyết định cho các đảng viên cộng sản (CS) làm kinh tế tư nhân. Họ lờ đi điểm mấu chốt của công bằng xã hội nằm ngay trong thể chế chính trị, họ mặc nhiên trao thêm một đặc lợi vào tập đoàn công chức đã giữ lắm đặc quyền.

Bạo lực không thể thao túng được chân lý. Nhà nước độc tài đã xử dụng bạo lực chính quyền để bảo vệ quyền lực đảng trị. Hành động xử dụng quyền lực bằng bạo lực gây ra những hệ quả vô cùng nghiêm trọng, làm băng hoại đạo đức xã hội, cổ võ chủ trương bức hiếp những người thân cô thế yếu. Bạo lực đảng trị đã bóp méo quá trình vận động hài hòa của xã hội. Dẫu giải thích khiên cưỡng như thế nào cũng không xóa nhòa được bản chất tàn bạo của nó: các quyền lực xuất phát từ bạo lực là một hình thức căn bản thực hiện sự khống chế giữa con người với nhau.

I.2. Tư duy chính trị đơn cực
Trong tình hình hiện nay, đường lối thiết lập trật tự theo chiều dọc ngày trở nên phản động, chúng kìm hãm sự phát triển và hội nhập của xã hội. Với nỗ lực nhằm duy trì sức mạnh của ĐCS, chính quyền độc tài đã duy trì mô thức tư duy chính trị đơn cực. Quyền công dân của người Việt Nam không có gì khác so với công dân tất cả các nước trên thế giới; không thể viện dẫn những lý do hoàn cảnh như dân trí, kinh tế, ổn định xã hội… mà áp đặt đảng quyền. Chính tư duy chính trị đơn cực là cách thức mong muốn khắc sâu thái độ chấp nhận thụ động của dân chúng.

Nhận thức luận đơn cực chỉ phù hợp với các chế độ chuyên chế, bởi thỏa mãn được các ý nguyện của thiểu số thống trị với đa số bị trị. Lối tư duy này hoàn toàn không phù hợp với đà phát triển đa dạng và đa nguyên của xã hội, chặn đứng khả năng chọn lựa của cuộc sống. Dân chủ đã bị đảng quyền thủ tiêu. Mặt khác, chính nhận thức luận đơn cực về quyền lực đã gây phân hóa xã hội. Trật tự xã hội bị chẻ nát vụn ra bởi hệ thống quyền lực dọc – áp đặt từ trên xuống của đảng CS. Cơ chế đảng trị cố gắng xóa sạch vai trò của hệ thống quyền lực hàng ngang – các cam kết trong xã hội dân sự.

Nhà nước hiện nay bị đánh mất vai trò đại diện quốc dân, rũ bỏ trách nhiệm bảo vệ khung trật tự vốn có cho xã hội. Chức năng đầu tiên của một nhà nước là đảm bảo trật tự xã hội bị thay bằng các nỗ lực bảo vệ trật-tự-đảng-muốn. Nhà nước đảng trị đang vươn bàn tay sắt vào mọi ngóc ngách cuộc sống, hòng bóp chết hoàn toàn tự do. Nhân dân trong trật-tự-đảng-muốn không còn là đối tượng được phục vụ mà trở thành đám đông bị thống trị. Nhà nước độc tài đã đánh mất những giá trị đạo đức hợp pháp trong mắt nhân dân. Nhà nước này đã chối bỏ trách nhiệm của mình trong việc dẹp đi những chướng ngại về chính trị và kinh tế giới hạn khả năng tự do và bình đẳng về nhân phẩm con người. Các định chế được thiết lập nhằm biến con người thành công cụ phục vụ cho ý chỉ của đảng. Chính lối mòn tư duy đơn cực đã dẫn đến những tranh luận không đáng có về mặt pháp lý trong thời gian qua. Sự tôn trọng những quyền tự do cơ bản của công dân là nền tảng pháp lý trong việc tồn tại và phát triển một nhà nước. Hoàn toàn sai lầm nếu vận dụng theo hướng ngược lại: xử dụng hệ thống pháp lý của một nhà nước như công cụ chế tài/triệt hạ các quyền tự do của công dân.

I.3. Tư duy chính trị đơn cực và phong trào dân chủ
Tư duy chính trị đơn cực giam giữ tâm trạng con người trong tình huống thời chiến: nếu không phải bạn thì là kẻ thù. Kiểu suy nghĩ này cũng gây ra những nguy hại không kém ngay trong hàng ngũ những chiến sỹ dân chủ, bởi nó gạt phăng những cơ hội đối thoại cần có giữa những người cùng chiến tuyến chống độc tài. Thực tiễn sinh động mà chúng ta đang bước vào phức tạp hơn trước nhiều bởi khả năng tương tác lẫn nhau trong thế giới ấy. Xu hướng đơn cực sẽ chống lại chính nhận thức dân chủ về các giá trị, thậm chí cả các nguyên tắc dân chủ. Quán tính của chính trị nhất nguyên dẫn đến tình trạng tập trung hóa quyền lực cao độ - một biểu hiện của chuyên chế. Quan điểm đấu tranh bạo động làm triệt tiêu ý nghĩa của cuộc sống, biến những người dân chủ thành các giác sỹ liều mạng trên đấu trường chính trị; bởi mục tiêu phấn đấu không vượt ra khỏi cá nhân họ, lý tưởng tranh đấu chưa thoát khỏi ý thức chính trị của tập thể mà họ là thành viên. Nhà nước phi dân chủ luôn nuôi dưỡng nhận thức luận đơn cực như một phản xạ có điều kiện để thủ tiêu đấu tranh. Những tư duy đứng đắn không thể hùa theo, tung hô lẻo mép những chủ trương được nhai mớm cho từ bộ máy nhà nước toàn trị.

Lối tư duy chính trị đơn cực không còn là cái khung/mô hình (paradigm) tham chiếu chủ đạo trước những biến động thời cuộc ở xã hội Việt Nam . Những người dân chủ ái quốc cần thực hiện cách mạng ngay trong chính cách nghĩ của mình về thực tại. Thực sự dân chủ là một hệ thống tư tưởng có nhận thức luận và triết học bao quát hơn, phản ánh đúng được mô hình xã hội cần vươn tới, nhất là đối với các nước kém phát triển. Cách mạng dân chủ cần những thay đổi nhất định về tri thức và tư duy trong việc cảm nhận các khái niệm xã hội. Chẳng thể hy vọng được gì từ cơ chế gồm những quan chức chẳng do ai bầu lên ngoại trừ tập đoàn chính trị.

II. Quyền lực dưới nhãn quan dân chủ
“Đời sống xã hội được duy trì bằng sự công bằng”

Aristote
II.1. Cuộc cách mạng dịch chuyển quyền lực
Khái niệm tiếm quyền, chiếm quyền hay cướp quyền thuộc hệ tư duy một chiều kiểu quyết định luận; khái niệm này không phản ánh hết được thực tiễn đa chiều của cuộc sống. Trong các chế độ dân chủ, quyền lực được giám sát và chế tài bởi luật pháp - tức cơ chế pháp trị. Căn cứ vào thực tế phân bổ thiếu cân bằng về quyền lực, khái niệm quyền lực đơn cực được các chế độ độc tài khuyếch đại thành một lý thuyết kinh điển bảo thủ. Trong chế độ độc tài CS, thuần tuý chỉ tồn tại cơ chế đảng trị. Để biện hộ cho vai trò độc tài lố bịch của mình, ĐCS luôn hô hào về một luật pháp phân biệt giai cấp. Trong khi nguồn gốc thực chất của quyền lực là sự tập trung vào tay những ai có chiến lược khai thác tối đa các nguồn lực mà họ có.

Quyền lực là một hiện tượng cơ bản trong cuộc sống con người đã tạo nên xã hội. Hệ thống chính trị dân chủ không hề nảy sinh theo kiểu đương nhiên từ bất kỳ quy luật nào của lịch sử, càng không thể xuất phát từ ý chí của các tập đoàn thống trị tự bầu. Trong một thể chế dân chủ thực thụ, quyền lực chính khách thể hiện qua số lượng cử tri mà họ khả dĩ nắm được. Cách thức nắm quyền lực của các cán bộ thuộc chế độ độc tài có khác, họ không cần phiếu bầu; họ tự bầu cho mình bằng bạo lực. Do đó các quan chức này không màng đến sự ủng hộ của dân chúng. Tức nền tảng của thể chế toàn trị là một khoảng chân không, quan không cần dân và dân đừng hòng níu áo được quan. Không ít suy nghĩ cho rằng những vướng mắc, suy hoại trong thực tế chỉ là các trục trặc phải có trên bước đường phát triển; có thể sửa chữa, tu bổ thì vẫn có thể “tốt đẹp” lại như cũ. Đó là ảo tưởng. Đương nhiên là tương lai thì sẽ khác quá khứ, nhưng đây là một quá khứ không thể tiếp diễn, cần dứt khoát đoạn tuyệt. Hành trình đi đến tương lai của nước nhà là một tư duy của dân chủ đa nguyên – tư duy tạo cơ hội lựa chọn cho tất cả công dân trong quốc gia này.

Chủ trương đấu tranh bất bạo động với mục tiêu trao quyền về tay nhân dân không hề phù hợp với khái niệm quyền lực đơn cực. Đa nguyên là một thuộc tính nội hàm trong lý luận dân chủ, nên cũng thể hiện nhất quán trong quan niệm về quyền lực. Quyền lực không đơn giản chỉ có trong cơ cấu công quyền, quyền lực ẩn chứa trong mọi cơ chế từ nhóm đến tổ chức đang tồn tại trong xã hội. Chính khả năng tuyên truyền, kháng cự, phát triển sâu rộng trong nhân dân là chiến lược tăng cường quyền lực xã hội của các tổ chức đấu tranh dân chủ. Đến một hạn mức nhất định, hệ thống công lực sẽ thay đổi theo một kịch bản chuyển quyền. Quá trình chuyển đổi quyền lực sẽ công nhiên diễn ra trong xã hội, bất chấp ý chí bảo thủ của một thiểu số phản động nào đó. Chuyển đổi quyền lực của cách mạng dân chủ còn là một quá trình tái phân bổ quyền lực trong xã hội mà người thụ hưởng chính là nhân dân. Cách khác, cách mạng dịch chuyển quyền lực là một cơ hội vận động lớn giúp mọi công dân trong quốc gia tham gia tích cực hơn vào đời sống xã hội. Quá trình này tái xác lập chủ thể quyền lực, công dân là cơ sở nền tảng của mọi thiết chế quản lý xã hội.

Do không có diễn biến cướp/giành quyền nên tránh tối đa được tình trạng bạo động vô bổ. Tức ngoài các nguyên nhân nội tại, chế độ độc tài còn sụp đổ vì sự khống chế từng bước của dân chủ đối lập. Dưới nhãn quan dân chủ, bản chất của cuộc cạnh tranh chủ quyền quốc gia cần phải xác định: giữa những công dân trong một quốc gia không hề có một cuộc chém giết thuần tuý. Chỉ là quá trình kiên trì vận động bằng nhiều phương pháp, hình thức và nội dung khác nhau. Qua cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của lực lượng yêu nước, cơ chế dân chủ sẽ từng bước được thiết lập trên lãnh thổ Việt Nam . Sẽ chẳng ngạc nhiên nếu đến một ngày nào đó, một nhà nước ngầm sẽ tồn tại song hành với nhà nước độc tài hiện nay.

II.2. Nhận thức dân chủ đa nguyên
Mọi sự vật hiện tượng không chỉ có hai mặt mà là nhiều mặt. Tư duy đa nguyên là một phần của nền văn hóa công dân trong xã hội dân chủ. Chỉ có tư duy đa nguyên mới dung nạp được hiện trạng có nhiều cách nhìn và quan điểm giải pháp khác nhau cho thực tiễn Việt Nam . Chỉ có nhà nước/đảng/chính thể nào đó độc tài – không hề có nhân dân độc tài. Tư duy đa nguyên cung cấp những thông tin cần thiết trong việc định vị các tập hợp dân chủ về tương quan lực lượng. Trong xã hội đa nguyên, chính phủ chỉ là một thành phần trong kết cấu xã hội bao gồm nhiều định chế khác nhau: các đảng phái, các hiệp hội, các đoàn thể nhân dân tự nguyện, các tổ chức phi chính phủ… Xã hội này sẽ dung nạp được phương thức dân chủ trực tiếp, góp phần chi phối hoạt động của bộ máy nhà nước, hạn chế hình thức dân chủ đại diện. Một khi bộ máy nhà nước hoạt động dưới áp lực của các định chế dân chủ trực tiếp thì quốc gia đẩy lùi được tình trạng nghèo đói, tham nhũng, bất công…

Trong cuộc đấu tranh dân chủ hiện nay, xác định vị thế của lực lượng dân chủ đang và cần ở đâu trong thời cuộc quốc gia là một vấn đề quan trọng. Chúng ta không thể sa đà trong mê trận tư duy đơn cực. Với nhận thức luận dân chủ đa nguyên, quyền lực gắn liền với các giá trị con người. Không có con người vô giá trị, chỉ có những cá nhân thiếu cảm nhận về giá trị bản thân. Nhận thức luận đa nguyên là phương tiện cần thiết để tiếp cận các hoạt động ủng hộ dân chủ. Tiến trình phổ cập tri thức dân chủ sẽ là công cụ hữu hiệu có thể đập tan được chế độ chuyên chế cách bất bạo động. Đa nguyên là đặc tính khẳng định căn bản nhất của nền dân chủ đại chúng.

Thực chất của thể chế dân chủ đa nguyên không phải lúc nào cũng hiệu quả, nhưng đây là biện pháp tốt nhất ngăn chặn được tình trạng lạm quyền và độc tài trong đời sống xã hội. Chỉ có nhận thức dân chủ đa nguyên mới có khả năng huy động được đa số nhân dân để xây dựng hiện tại, sáng tạo trong tương lai; tiến hành được cuộc cách mạng dân chủ toàn dân, toàn diện. Nhận thức dân chủ đa nguyên giúp lực lượng dân chủ sáng tạo ra cơ hội khắc phục thực tiễn, chớ không đơn giản là thụ động đối phó thực tiễn.

II.3. Một nền độc tài đang hấp hối
Chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố; kinh tế cùng với môi trường, an ninh, giáo dục… chỉ là một trong các thành tố cấu thành nên chất lượng ấy. Sự phát triển đảm bảo tính bền vững chất lượng cuộc sống bao hàm cả yếu tố chính trị. Giữa đường lối con người quản lý nhau - hệ thống chính trị và tạo ra của cải - hệ thống kinh tế không hòa hợp thì sẽ dẫn đến một tất yếu: hệ thống này sẽ triệt tiêu hệ thống kia. Những gì đang diễn ra tại Việt Nam hôm nay không phải là cuộc đấu đá chính trị giữa cánh hữu với cánh tả, giữa bảo thủ và cấp tiến… mà là một cách mạng quốc gia giữa đa số nhân dân ủng hộ dân chủ và thiểu số cầm quyền độc tài. Việc giản lược các nhu cầu xã hội là hành động võ đoán. Không có một mô hình quyền lực cân bằng nếu không bắt nguồn từ những cơ chế cân bằng quyền lực. Hệ thống độc tài sẽ sụp đổ vì không tiêu thụ nổi quan điểm cân bằng quyền lực, dẫu chỉ ở mức khái niệm. Bằng quy định điều 4 trong Hiến pháp, cơ cấu đảng trị cộng sản đã ngang nhiên tước bỏ chủ quyền của quốc gia. Đại đa số công dân Việt Nam bị đẩy ra rìa những quyết định của một nhà nước đơn thuần, tất cả lệ thuộc vào những suy nghĩ được ban phát từ bộ chính trị đảng cộng sản. Mớ hổ lốn duy vật Marxist được bao biện thành một thứ chân lý dở hơi. Thực tiễn đã cho thấy rằng, một nền kinh tế thị trường không thể khớp với mô hình dân chủ tập trung. Thể chế đảng trị là một biểu hiện thiếu sự sòng phẳng về chính trị (political accountibility) .

Trên lý thuyết, chế định tập trung dân chủ của nhà nước độc tài hiện nay là hình thức dân chủ siêu đại diện. Nền dân chủ thực thụ không dung nạp được các phó bản như: dân chủ điều khiển, dân chủ siêu đại diện… Một khi công lý không còn được tôn trọng, tình trạng bất an sẽ lan tràn không ngừng trong xã hội. Do đó, không có gì quá khoa trương khi cho rằng: chế độ cộng sản độc tài Việt Nam đang hấp hối. Ý chí của chính quyền và nguyện vọng nhân dân đã lệch pha trong tiến trình phát triển ở VN, nguy cơ bị sa lầy về chính trị ngày trở nên lớn đối với chế độ độc tài VN.

Đa nguyên trở thành một đòi hỏi cấp thiết của chính trường Việt Nam . Trong cuộc đấu tranh này, lực lượng dân chủ đã nắm được chính nghĩa, song phần cần được thể hiện nhiều hơn, chính là tín nghĩa. Các thông điệp phát lên lời kêu gọi ủng hộ dân chủ, thực tiễn Việt lại đòi hỏi hơn vậy: mọi công dân Việt hãy có những hành động dân chủ thiết thực hơn. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, tri thức là biến số khả dĩ nhất làm thay đổi cán cân quyền lực chính trị trong xã hội, hoàn toàn phù hợp với cách thức đấu tranh bất bạo động của xu hướng dân chủ hóa Việt Nam. Cội nguồn của quyền lực từ tri thức có tính cách dân chủ hơn cả. Dùng quyền lực tri thức đấu tranh cùng bạo lực chính trị có thể giúp những kẻ yếu đuối, nghèo hèn đều có thể nắm lấy cái quyền mà mình vốn có.

Phụ lục:

Quốc hội VN – Ngôi mộ gió của nền dân chủ
Liệu Quốc hội – “Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”, kể cả một nhà nước có thể làm được gì một khi bị đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của một đảng ?! Một Quốc hội (QH) thiếu văn hóa nghị trường. Tình hình dân chủ trong QH VN như hàng trăm, hàng ngàn nấm đất trên bãi tha ma dọc theo bờ biển nước ta, không có hài cốt người bên dưới, người đời gọi là mộ gió. QH hiện nay là ngôi mộ gió của nền dân chủ nước ta. Bão phản kháng bất công trào lên trong sóng mắt nhân dân. Chưa bao giờ các quyền hạn công dân bị xem thường như hiện nay. Các cuộc họp QH vừa qua là các vở hài kịch nực cười nhất trên thế giới chinh trị thế kỷ XXI này, bởi các bộ trưởng đều do Bộ Chính trị quản lý – các bộ trưởng có quyền muốn trả lời sao cũng đặng – vì cả QH chợ trời kia cũng không thể cách chức được họ. Báo chí nhà nước lại nhao nhao lên đặt vấn đề trách nhiệm. Ngộ nhỡ nếu có một tuyên bố: chẳng ai phải chịu trách nhiệm - thì làm gì được nhau ?!
1.
Cơ cấu của QH hiện nay có số đại biểu chuyên trách chưa đến 25%, phần còn lại là kiêm nhiệm. Đã kiêm nhiệm tất vi phạm tình trạng xung đột lợi ích. Trong cấu trúc đại biểu QH hiện nay, đa số họ là quan chức thuộc bộ máy nhà nước đại diện cho lợi ích của cơ quan hành pháp - họ không có thời gian đại diện cho quyền lợi cử tri. Có thể nói trắng phớ ra: đây là một QH có đa số đại biểu hoạt động theo kiểu nghiệp dư ! Cuộc họp QH vừa qua phản ánh tương đối đủ về cách thức hoạt động của nền chính trị VN. Ngoài việc đưa ra những nguyên tắc, nội dung chung chung mà muốn thực hiện như thế nào lại là quyền của cơ quan hành pháp qua các nghị định, thông tư hướng dẫn; QH chưa thực hiện đúng chức năng của một định chế lập pháp. Có thể xác định rằng, có đến 75% số đại biểu của QH hiện nay đang ở tình trạng thiếu tư cách dân cử ở mức nghiêm trọng: vi hiến. Bởi trong hiến pháp đương thời không hề có một dòng nào đề cập đến việc cho phép/quy chế đại biểu QH kiêm nhiệm các chức vụ công cử hay dân cử nào khác.
2.
Điều cực kỳ quan trọng cần đặt ra là QH hiện nay đang đại diện cho ai. Trong văn bản Luật tổ chức Quốc hội: các nhiệm vụ và quyền hạn của QH không đề cập đến chức năng đại diện cho nhân dân (1). Vậy QH là một đại hội đảng CS mở rộng do các thành viên thiếu tư cách dân cử nhóm họp. Chỗ họ ngồi không từ việc tự ứng cử mà từ đảng CS cầm quyền đề cử ra. Thực trạng này được chứng minh rõ nét qua tỷ lệ đảng viên CS trong QH: 89,75% (447/498) (2), trong khi số lượng đảng viên CS chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng số cử tri cả nước. Ngay cả vị trí chủ tịch QH cũng không phải do QH đề cử mà là một ủy viên bộ chính trị được chỉ định. Lá phiếu bầu của công dân như chọn một bóng ma vì không mấy cử tri biết mặt đại biểu của mình. Cần phải thấy rằng, tất cả các bộ trưởng đều do ĐCS cử nên việc các bộ trưởng trả lời chất vấn quốc hội theo kiểu họ chỉ chịu trách nhiệm với đảng là điều dễ hiểu. Điểm gặp nhau giữa người chất vấn và người bị chất vấn là cả hai bên đều “băn khoăn, trăn trở và bức xúc”; cụm từ này một lần nữa vang vọng trong phát biểu từ chức của Thủ tướng Khải. Đặc điểm chung này xuất phát từ thành phần giống nhau: họ đều là đảng viên CS. Các đồng và cốt nhất loạt đổ lỗi cho cơ chế.
3.
Vậy cơ chế ở đây là gì ?! Thực ra, công tác tổ chức cán bộ không phải là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” như Thủ tướng Khải phát biểu trong diễn văn từ chức. Nguyên nhân chính của mọi sự thoái hóa đang diễn ra trong xã hội VN chính là cơ chế đảng cử và… đại biểu quốc hội - đảng viên bầu ! Cơ chế này không do bất cứ người dân nào viết ra – mà là từ các quan chức đảng. Một khi hoạt động bỏ phiếu bầu các công chức bị xem thường đến mức chỉ còn là một cuộc bỏ phiếu không chọn lựa thì không thể bàn đến sự tham gia của công dân vào việc tổ chức xã hội. Chế độ toàn trị gạt phắt đi các cuộc bầu cử công bằng, không tạo nên quyền kiểm soát và đối trọng về quyền lực. Quốc hội do một tập đoàn độc quyền lựa chọn không phải là quốc hội dân chủ.
Một trò hề nổi cộm trong kỳ họp quốc hội này là cách thức vận dụng thời gian. Trong đợt chất vấn vừa qua, yếu tố thiếu thời gian được vị chủ tịch QH đưa ra liên tục để ngắt các cuộc đối chất và gạt bỏ bớt số đại biểu đăng ký chất vấn. Để rồi cuối cùng, vị chủ tịch QH này tuyên bố: thời gian chất vấn hoàn thành trước kế hoạch… một buổi (3).
4.
Trong thời gian tới, các chương trình tranh đấu sẽ được tiến hành sát sườn hơn. Thúc đẩy tăng cường dân quyền và tác động đến cuộc bầu cử quốc hội năm 2007 sắp tới là một trong những mục tiêu hoạt động của lực lượng dân chủ Việt Nam .
Chính trị là một lãnh vực sinh hoạt nhân sự chớ không phải thuần tuý lý sự, đó là một trong những ranh giới đầu tiên phân biện giữa chính trị và triết học; do đó không nên đưa ra những sứ mệnh lịch sử, trách vụ quốc tế giao, kim chỉ nam ngoại lai … nào đó nhằm bao biện cho các chủ trương vô lý của một tập đoàn thống trị. Con đường dân chủ hóa đất nước chắc chắn không phải là một xa lộ cao tốc được vạch sẵn vào tương lai. Có những ổ gà, thậm chí ổ voi gây trắc trở, thậm chí làm sụp hầm những bánh xe dân chủ thiếu thận trọng.

Chính quyền hiện nay nên chấm dứt trò chơi trịch thượng kẻ cả. Lực lượng dân chủ VN tranh đấu với những thành phần khốn cùng, bị bóc lột và bạc đãi đến cùng cực trong xã hội Việt hôm nay. Những ai từng quặn thắt ruột gan cùng những nỗi đau đời sẽ hiểu được chân giá trị của tự do và dân chủ. Giữa nỗi đau thương trầm thống đồng bào mình, những người yêu chuộng dân chủ Việt cất lên tiếng nói lương tâm. Ngày mai, có thể nhiều người trong số họ sẽ bước vào những lao tù tăm tối, song họ vẫn quyết tâm đứng lên chống lại bạo quyền. Một trong những mục tiêu chúng ta muốn có là nền dân chủ đại chúng (mass democracy). Khả năng của mỗi cá nhân, cơ hội tham gia vào đời sống xã hội chỉ có thể nảy nở và phát triển trong nhận thức luận đa nguyên. Công bằng xã hội chính là công lý mà mọi công dân trong một quốc gia luôn phấn đấu để đạt được. Chính đa nguyên trong chính trị là con đường tốt nhất dẫn đến công bằng xã hội.

Nếu ngày mai không đến… thì hôm nay vẫn là một ngày cần thiết dành cho đấu tranh dân chủ tại Việt Nam .

Sài gòn, ngày 30/06/2006.

Nguồn tham khảo:
1/ Alvin Toffler (1990), Power Shift, NewYork. Có đọc thêm bản dịch của Khổng Đức - Thăng trầm quyền lực. NXbản Thanh niên – 2002.
Chú thích:
1/ Theo điều 2 của Luật số 30/2001/QH10 về tổ chức quốc hội ban hành ngày 25/12/2001, các nhiệm vụ và quyền hạn của QH bao gồm trong ba chức năng chính: 1/ chức năng lập pháp; 2/ chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; 3/ chức năng giám sát. Mới đây nhất, trong suốt hai bài phát biểu trước và sau khi nhậm chức, người chủ tịch QH mới là Nguyễn Phú Trọng đều không nhắc đến chức năng đại diện của QH.
2/ Theo bài “3 thách thức của Quốc hội” của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đăng trên báo Tuổi trẻ, bản điện tử ngày 08/01/2006. Riêng về tổng số đại biểu QH tính đến thời điểm tháng 06/2006 có thay đổi, theo trả lời của ông chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng với báo SGGP chiều ngày là: 493 người.
3/ Kế hoạch dự trù cho phiên chất vấn QH là sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 17/06. Thực tế, diễn ra từ sáng ngày 14/6 đến trưa ngày 16/06. Chiều ngày 16/06, thủ tướng Phan Văn Khải đã cắt bỏ quy trình trả lời 14 câu hỏi chất vấn của QH, ông tự thay vào đó bằng phát biểu từ nhiệm.

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 908 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0