Tôi
là một thanh niên thuộc thế hệ 8X. Năm 18 tuổi, cái tuổi mà ở các nước
phương Tây những người cùng lứa với tôi đã có thể tự quyết tất cả mọi
việc, và có quyền hạn đầy đủ theo pháp luật, thì tôi còn mài đũng quần
ở trường Đại Học Bách Khoa. Tôi đam mê cuộc sống, hài lòng với khung
cảnh xã hội xã hội chủ nghĩa, với những con người tôi được tiếp xúc
hằng ngày.
Rồi tôi được học về pháp luật. Tôi được biết rằng nó
là cái nền tảng giúp cho con người có thể sống hoà thuận và công bằng
với nhau. Rồi tôi thấy người ta phá luật. Người thực hiện pháp luật thì
chở quá tải, vượt đèn đỏ, người thực thi pháp luật thì doạ viết biên
bản để ăn hối lộ. Nhưng tôi vẫn tin đó là “một nhóm cá nhân tha hóa”..
Rồi tôi có cơ hội đi du học. Tôi được biết đến từ democracy
mỗi khi cùng bạn nước ngoài làm việc nhóm. À thì ra nó chỉ là “majority
rule”, tức là biểu quyết theo số đông. Dân chủ chỉ tầm thường như vậy
thôi.
Nhưng gần đây, khi chịu khó tìm hiểu sâu hơn về luật pháp, hiến pháp, tôi mới thấm thía ý nghĩa của dân chủ. Chỉ một câu này trong hiến pháp nước Việt Nam đã bác bỏ cả “tự do” lẫn “dân chủ”:
Điều
4 viết: “Đảng Cộng Sản Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp công nhân
... đại biểu trung thành của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư
tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà Nước và xã hội”. [Điều này chép lại Điều 6 Hiến Pháp Liên Bang Sô Viết dành độc quyền lãnh đạo cho Đảng Cộng Sản Liên Xô]
Không thể có tuyên bố nào vô lý hơn!
Cụm
từ “đại biểu trung thành” là rất lủng củng, nó không định tính cũng
chẳng định lượng, lại còn tự gán ghép cho Đảng Cộng Sản là đại biểu của
cả dân tộc. Cụm từ “lãnh đạo xã hội” cũng vậy, quá bao quát, ngông
cuồng và phủ định hoàn toàn dân chủ.
Nhiều người, trong
đó có cả chính tôi ngày xưa, luôn cho rằng: “Đảng Cộng Sản có năng lực;
Đảng Cộng Sản có công giải phóng dân tộc; vậy Đảng Cộng Sản lãnh đạo là
tất yếu”.
Về năng lực, công bằng mà nói, hiện nay chưa có Đảng
nào khả dĩ qua được Đảng Cộng Sản với 3 triệu đảng viên. Tuy rằng mạnh
nhất không có nghĩa là có đủ năng lực.
Nhưng về “công giải phóng dân
tộc”, chúng ta cần nhìn lại xem liệu nó có đủ lớn để chúng ta trao
quyền vĩnh viễn cho một tổ chức mà chúng ta đã từng mang ơn? Hãy thử
nhớ lại thời phong kiến, khi một địa chủ bỏ tiền ra giúp đỡ một người,
thì con cháu người đó muôn đời muôn kiếp làm nô lệ cho nhà địa chủ? Hãy
thử ngẫm lại câu ứng xử vui:
“Nếu có được 1 điều ước, anh sẽ ước gì?”
“Tôi sẽ ước cho mình có thêm được 1000 điều ước nữa”
Không
lẽ nhờ vào 30 năm nội chiến từng ngày (mượn lời cố nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn) mà Đảng Cộng Sản được quyền “lãnh đạo xã hội” đến muôn đời?
Ở Mỹ người ta thường nói “I owed you. Now I will help you, and let’s call it even” – tôi đã nợ anh, giờ tôi giúp lại cho anh, rồi chúng ta không ràng buộc gì nhau nữa nhé.
Tôi,
một người con đất Việt, vô cùng biết ơn Bác Hồ, Đảng Cộng Sản và những
người đã đấu tranh, hy sinh xương máu cho tổ quốc non sông.
Tôi
thể hiện lòng biết ơn bằng đóng góp vật chất và tinh thần, bằng sự tôn
trọng những người đi trước, lên án những di tích chiến tranh như nỗi
đau da cam,.v.v... Tôi tôn trọng Đảng Cộng Sản nói chung. Tôi muốn đóng
góp làm lại đất nước theo tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc.
Nhưng
tôi không chấp nhận trả ơn bằng cách làm nô lệ mãi mãi cho Đảng Cộng
Sản. Nếu như Đảng Cộng Sản không những không chịu từ bỏ vị trí độc tài
mà còn làm cho đất nước ngày càng tụt hậu về kinh tế, làm đảo lộn các
giá trị nhân văn, khuyến khích mọi người coi thường tri thức và coi
trọng quan hệ cá nhân, coi nhẫn nhục luồn cúi là đức tính và coi đóng
góp cởi mở là phá hoại; thì con cháu tôi sau này, cũng như con cháu của
nhiều người mà tôi quen biết, thà mang quốc tịch nước khác, thà tha
phương nơi xứ người, để có cơ hội được học hỏi trao đổi với những nền
văn hóa có dân chủ và tự do ngôn luận, vì tôi tin độc lập tự do là quý
nhất.
Nguyễn Như Ý