Nam Nguyên, phóng viên RFA
2009-01-13
Tết
đang đến gần, nhưng không khí Tết chưa nhộn nhịp như thời gian những
năm kinh tế đi lên. Phải chăng năm nay nhiều gia đình ở Việt Nam sẽ có
một cái tết kiệm ước.
Hơn 50 triệu người Việt Nam sống
ở khu vực nông thôn, đối với những ai gắn bó với cây lúa hạt gạo thì Tết Kỷ Sửu
này muốn vui nhưng trong lòng tê tái thế nào.
Vụ hè thu được mùa nhưng lúa ế
để lại nhiều dư vị đắng cay. Anh ba một trung nông vùng đồng bằng sông Cửu Long
nói với chúng tôi:
“Theo tôi thấy chắc năm
nay ăn Tết bèo bọt lắm. Bởi vì nông dân vướng vào vụ lúa tụt giá ai cũng lỗ nặng
hết. Thường năm sắp tớiTết chợ búa đông người, còn năm nay tôi thấy là những chợ
huyện như chỗ tôi ra vắng tanh như chợ ‘bà đanh’. Nông dân năm nay tiền ăn Tết
chắc không có, ăn Tết không được xung như những năm trước
đâu.”
Chi tiêu hạn hẹp
Ở thành thị, những năm trước
qua rằm tháng Chạp là không khí Tết đã vương vương khắp nơi. Năm nay tình hình
kinh tế diễn biến đầy khó khăn, tăng trưởng tín dụng quá nóng gây ra lạm phát,
tiếp theo là thắt chặt tiền tệ khiến hoạt động kinh tế bị chững lại, nhiều
doanh nghiệp lao đao vì cạn vốn.
Tình hình trong nước còn đang
lao đao thì lại xảy ra suy thoái toàn cầu, khiến cho chỗ dựa chính của nền kinh
tế là thế mạnh xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mãi lực thị trường giảm đáng
kể, một số ước tính cho thấy có thể giảm từ 20 tới 30% so với mùa Tết năm
ngoái. Một trong những nguyên do chính là đang có hàng trăm ngàn công nhân bị mất
việc làm.
Đối với họ sinh tồn đã là khó
nói chi việc sắm Tết. Những người còn có việc làm thì cũng không rủng rỉnh tiền
lương tiền thưởng như thời kỳ hoàng kim kinh tế tăng trưởng 8,5%.
Đưa ra những sự kiện như vừa
nói để thấy rằng năm nay đại đa số các gia đình Việt Nam sẽ trải qua một mùa Tết
kiệm ước. Chi tiêu gia đình sẽ rất hạn hẹp. Một người dân TP.HCM mô tả cho
chúng tôi những gì mà ông cảm nhận:
“Cũng như mọi năm tôi thấy
siêu thị vẫn chuẩn bị hàng nhiều, cũng tranh hoàng chuẩn bị cho Tết nhưng đa phần
những người trong gia đình tôi và bạn bè cảm thấy nó ‘lạnh’, mặc dù thời tiết
có lạnh hơn do Tết năm nay đến sớm, nhưng lạnh đây là không có cái xung cái nhộn
nhịp như mọi năm nữa. Tôi cảm thấy mọi người tiết kiệm đi và công việc buôn bán
của gia đình tôi cũng kém những năm trước.”
Không khí Tết đến gần
Thật ra đối với người Việt
Nam dù thế nào một năm có ba ngày Tết, sang hèn giàu nghèo cũng đều có Tết theo
cách của mình. Báo chí Việt Nam những ngày này mô tả không khí Tết đang nóng dần
lên ở các siêu thị.
Nói như thế nghĩa là đề cập tới
các thành phần trung lưu trở lên, những người có nguồn thu nhập tương đối bảo đảm.
Tuy vậy, phản ánh trên báo
chí cho thấy một thị trường Tết khác thường và trầm lắng, hàng hoá bán rất chậm.
Đa số các doanh nghiệp than là hàng tồn kho rất nhiều dù ngày Tết không còn xa.
Nếu như có thể giảm chi tiêu ở
những thứ biếu xén xa xỉ, thì thực phẩm là thứ khó thể cắt giảm. Chính vì vậy
những nhà cung cấp thịt gà, thịt heo, thịt bò vẫn có thể mỉm cười không lo ế.
Trong khi các loại bánh kẹo
bán chậm, được khuyến mãi dưới nhiều hình thức, thì giá gà tăng đột biến mức
tăng từ 20 tới 30% so với trước đó.
Theo lời ông Phạm Văn Minh,
giám đốc công ty Phú An Sinh, chuyên doanh chăn nuôi giết mổ gia cầm, thì từ đầu
tháng Chạp âm lịch, giá gà thả vườn Tam Hoàng đã tăng từ 52 ngàn lên 65 ngàn một
Kg, gà ta tăng từ 90 ngàn lên 100 ngàn một Kg.
Ông Minh được VietnamNet
trích lời nói rằng, thịt gà sẽ được tiêu thụ mạnh chứ không suy giảm như nhiều
mặt hàng khác. Bởi vì theo ông người tiêu dùng có nhu cầu cúng tế và thịt gà
cũng không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết.
Chỉ riêng khoản cúng tế, giới
chuyên môn dự báo 2 triệu hộ gia đình ở TP.HCM sẽ cúng gà luộc nguyên con vào
ngày 23 và 30 tháng Chạp, ngày mùng 1 và mùng 3 Tết. Như vậy nhu cầu tổng cộng
khoảng 8 triệu con gà thả vườn Tam Hoàng hoặc gà ta.
Để đáp ứng nhu cầu này cần
nguồn cung cấp dồi dào, nếu không giá thịt gà còn gia tăng nữa.
Theo lời ông Phạm Văn Minh,
có thể lý giải giá thịt gà tăng cao là vì, kinh tế chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng
vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thời gian trước, cũng như nhiều trại nuôi
đóng cửa vì làm ăn thua lỗ:
“Khoảng 20 tới 30% treo
chuồng không có khả năng tiếp tục nuôi nữa, chỉ có các công ty lớn đủ lực duy
trì chờ thời điểm tăng giá lên trở lại.”
Ngoài quần áo, bánh kẹo mứt,
bánh chưng bánh tét thực phẩm thịt thà là hàng hoá tiêu thụ cho mùa Tết. Một loại
hàng hoá khác quan trọng không kém là cành hoa cây cảnh, thì đang có nhiều dự
báo trái ngược.
Nếu như Vnexpress mô tả thị
trường hoa Tết khởi động sớm ở Hà Nội, dự báo hoa Tết đắt hơn năm ngoái từ 10 tới
30%, thì ngược lại Vietnam net ngày 12/1 lại có bài Cây cảnh Tết vắng khách, người
bán như ngồi trên lửa. Tờ báo mô tả tình trạng ở TP.HCM và các nhà cung cấp ở
vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Có lẽ phải từ sau 23 tháng Chạp
đưa ông Táo về trời, thậm chí 3 ngày trước tết thì mới thực sự thấy được chuyển
biến thị trường của mùa Tết Kỷ Sửu.
|