Duy Hoang, Asia Times 14/01/08, Phạm Giang Sơn lược dịch
Các toán thương lượng của Việt Nam và Trung Quốc mới đây đã thông báo đưa ra một thoả thuận cuối cùng về việc phân chia đường ranh giới bị tranh chấp khá lâu giữa hai nước dài 1350 cây số trên đất liền. Trong khi sự thoả thuận trên dường như đã giải quyết được một mối bất đồng âm ỉ giữa hai quốc gia, thì nó lại gây ra những rạn nứt sâu xa hơn giữa giới lãnh đạo CSVN và vài thành phần trong quân đội về vấn đề làm sao để đối phó một cách tốt nhất với kẻ láng giềng lớn hơn ở phương bắc .
Cách xử lý của chính phủ Hà Nội trong việc thương lượng về biên giới cũng dấy lên nhiều cảm xúc mạnh mẽ trong hàng ngũ sinh viên và trí thức Việt Nam, mà nhiều người trong họ tin rằng Ðảng cộng sản Việt Nam đang cầm quyền hiện đang quy phục Bắc Kinh, là nơi họ phải lệ thuộc vào để tìm sự ủng hộ chính trị.
Việt Nam và Trung Quốc cùng có chung một biên giới đúng ra là đã hàng ngàn năm. Vào cuối thế kỷ thứ 19, nhà cầm quyền thực dân Pháp, thay mặt cho Việt Nam, và nhà Thanh, thay mặt cho Trung Hoa, đã hoàn thành một hiệp ước chính thức nhằm vạch rõ ra đường biên giới trên đất liền. Theo hiệp ước đó thì có 333 cột mốc biên giới đã được cắm.
Ðường biên giới phần lớn được giữ nguyên vẹn cho đến khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam vào năm 1979. Theo sau một cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu, Trung Quốc triệt thoái quân đội của họ nhưng vẫn chiếm đóng các cứ điểm chiến lược mà trước đây thuộc về Việt Nam. Khi hai nước tái lập quan hệ ngoại giao vào năm 1991, các đường biên giới trên đất liền và ngoài biển phải chờ đợi một giải pháp cuối cùng.
Bắc Kinh thúc đẩy cho tuyên bố chủ quyền của họ bằng cách tạo ra các thời hạn giả tạo và các sự kiện mơ hồ không rõ ràng với thực tế. Vào tháng 7/1997, Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân khẳng định với người đồng nhiệm bên phía Việt Nam, Ðỗ Mười, rằng một hiệp định biên giới phải được định đoạt trước năm 2000, và nó được hoàn tất vào giờ thứ 11 ngày 30/12/1999.
Giới lãnh đạo Hà Nội lúc đầu giữ kín nội dung bản hiệp định không cho công bố cho toàn dân Việt Nam biết. Nhà cầm quyền bắt giữ và kết án tù lâu năm nhiều nhà tranh đấu dân chủ trẻ tuổi, những người đã lên tiếng thắc mắc về hiệp định biên giới này và một hiệp ước phân định Vịnh Bắc Bộ vào năm sau đó.
Vì gấp rút muốn hoàn tất hiệp định biên giới 1999, địa điểm chính xác cuả nhiều cột mốt biên giới mới không được giải quyết và cần phải thương lượng thêm. Vì thế, Bắc Kinh thiếu kiên nhẫn một lần nữa lại khăng khăng đòi hỏi đường biên giới phải được giải quyết cho xong trước ngày 31/12/2008, cho nên thoả thuận cuối cùng được hai bên đồng ý chỉ có vài tiếng đồng hồ sau nửa đêm.
Phía Việt Nam từ lâu vẫn tin rằng nhà nước Trung Quốc đã bí mật cho chuyển dời nhiều cột mốc biên giới lâu đời hàng trăm năm. Dân làng ở tỉnh Quảng Ninh thuộc khu vực tây bắc Việt Nam kể lại rằng nhiều cột mốc đã di chuyển một cách bí ẩn vào ban đêm và đường biên giới của Trung Quốc tiến gần hơn vào các vùng đông dân cư của Việt Nam. Tại vài khu vực ít người sinh sống trên phần đất Việt Nam, cũng có nhiều báo cáo cho biết người Trung Hoa và các sắc dân thiểu số của Trung Quốc được tái đinh cư một cách có hệ thống.
Vấn đề thương lượng biên giới đã phát sinh ra nhiều ý kiến mạnh mẽ khác nhau giữa giới lãnh đạo Ðảng Cộng sản Việt Nam và vài thành phần trong quân đội. Nhiều tin tức tiết lộ hồi tháng 12 cho biết, cùng với nhiều địa điểm khác, phe quân đội chống đối việc nhường lại cho Trung Quốc một khu vực bờ sông có tính chiến lược được biết qua cái tên là bãi Tục Lãm, nằm ngay giao điểm giữa Trung Quốc, Việt Nam và Vịnh Bắc Bộ.
Sau khi Ðài Chân Trời Mới, một đài radio không được thừa nhận ở trong nước, phát thanh trên toàn cõi Việt Nam trên làn sóng AM, đưa tin về sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liền vội vã làm một cuộc tham quan công khai đến quận lỵ gần khu vực bờ sông, rõ ràng là để chứng tỏ cho mọi người thấy sự quan tâm của đảng và nhà nước.
Nhiều cựu chiến binh, nhất là những người đã chiến đấu trong cuộc chiến biên giới năm 1979, đã kịch liệt phản đối sự nhượng bộ biên giới cho Trung Quốc. Ông Trần Anh Kim, một cựu trung tá đồng thời là một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng đã bày tỏ sự thất vọng của nhiều cựu chiến binh khi nghe rằng chính phủ chịu nhường một dãi đất mà phía Việt Nam đã chiến đấu bảo vệ cách đây hai thập niên.
Với tâm trạng này, các viên chức Bộ quốc phòng chịu trách nhiệm về việc đánh dấu đường biên giới đã kín đáo biểu lộ sự lo lắng của họ. Một số còn đi xa hơn khi nhìn nhận sự hổ thẹn của họ đối với lịch sử và dân tộc. Việc cá nhân họ và toàn thể quân đội nói chung trong tương lai có còn tiếp tục tuân theo mệnh lệnh nữa hay không là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Cho đến nay, cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh vẫn chưa tiết lộ các chi tiết chính xác của hiệp định biên giới hoặc đưa ra một bản đồ chính thức mới. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn duy nhất với báo chí nhà nước, một thứ trưởng ngoại giao của Việt Nam phụ trách việc thương lượng với Bắc Kinh đã nói không đúng sự thật về việc Viêt Nam bị mất mát các di tích lịch sử, trong đó có Ải Nam Quan và thác Bản Giốc.
Viên thứ trưởng ngoại giao đã bác bỏ những lời cáo buộc trên các trang blog và trang web hải ngoại rằng chính phủ của ông ta đã cắt đất nhượng biển bằng cách lập luận rằng họ đã tìm cách giữ lại phần lớn bãi Tục Lãm –mặc dù sự thật là theo các bản đồ lịch sử thì toàn bộ khu vực đó đã từng thuộc về Việt Nam.
Tình trạng ngoại giao khó xử
Vấn đề khó xử cho cộng sản Việt Nam là làm sao bảo toàn được sự kiểm soát của đảng, mà không phải cắt nhượng chủ quyền đất nước. Ðể duy trì sự ủng hộ cho lý tưởng chính trị của Bắc Kinh, Hà Nội phải cố gắng đều đặn làm hài lòng quan thày phương bắc, nhưng Trung Quốc luôn gây ra khó khăn. Hiện đang có 4 vụ tranh chấp lãnh thổ quan trọng khác giữa Việt Nam và Trung Quốc, theo thứ tự sẽ ảnh hưởng đến tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam trong những năm sắp tới.
Ðầu tiên là Vịnh Bắc Bộ, đã chính thức được phân chia trong một hiệp ước vào năm 2000, mặc dù bản đồ chính thức vẫn chưa được công bố. Có một số sự kiện xảy ra trong nhiều năm gần đây về việc tàu hải quân Trung Quốc bắn vào các tàu đánh cá Việt Nam đang hành nghề trên biển, trong vài trường hợp đã đưa đến nhiều mất mát nghiêm trọng về nhân mạng.
Mặc dù các ngư dân này mạo hiểm đi vào các vùng biển đã từng nuôi sống họ qua hàng thế hệ, nhà nước Việt Nam chắc đã phải nhượng bộ các vùng đánh cá đó cho Trung Quốc, hoặc là hải quân Trung Quốc đã xâm phạm vào khu vực kinh tế đặc quyền của Việt Nam. Cho dù là với bất cứ lý do nào, thì tin tức về việc tàu chiến Trung Quốc đánh chìm các tàu đánh cá Việt Nam hầu như là không được loan tải trên báo chí truyền thông chính thức trong nước nhưng lại được bàn thảo rộng rãi trên các trang blog cá nhân.
Thứ hai là việc Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đoạt của Việt Nam ngày 19/01/1974. Chính phủ Hà Nội vẫn tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này, nhưng cố tình dấu kín không cho toàn dân biết ai đang thật sự chiếm đóng hai quần đảo đó. Lý do là Hoàng Sa đã từng do chính phủ miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) gìn giữ trong thời kỳ chiến tranh và cộng sản Bắc Việt lại ngấm ngầm ủng hộ cho đồng minh Trung Quốc của họ xâm chiếm quần đảo này.
Thứ ba là Quần đảo Trường Sa, được tuyên bố chủ quyền toàn bộ bởi Việt Nam, Trung Quốc, Ðài Loan, và một phần bởi các quốc gia Ðông Nam Á khác. Vào cuối năm 2007, Trung Quốc đi một bước xa hơn bằng cách chính thức thôn tính luôn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi Hà Nội công khai phản đối hành động trên, thì họ lại đàn áp những sinh viên và blogger Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc
Thứ tư là vùng lòng chảo phía nam đảo Côn Sơn, một khu vực giàu có về dầu hoả và khí đốt nằm ngoài khơi miền Nam Việt Nam và hoàn toàn bên trong khu vực kinh tế đặc quyền hợp pháp của đất nước. Năm ngoái, Trung Quốc đã áp lực công ty ExxonMobil phải rút ra khỏi một giấy phép thăm dò năng lượng do phía Việt Nam cấp phát.
Sau đó không lâu, Tập đòan Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) thông báo một dự án 29 tỷ Mỹ kim phát triển các mỏ năng lượng trên suốt cùng biển Ðông đang bị tranh chấp, bao gồm vùng lòng chảo phía nam đảo Côn Sơn, cách Việt Nam khoảng 150 cây số và cách điểm tận cùng phía nam của đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 1600 cây số.
Trong dịp đón mừng tết âm lịch hồi năm ngóai, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết, theo tin tức cho biết, đã gặp gỡ các sĩ quan chỉ huy cao cấp trong vùng Ðà Nẵng, là tổng hành dinh quân sự của khu vực, phụ trách việc giám sát các quần đảo đang tranh chấp. Ông Triết nhắc nhở các sĩ quan phải chờ đợi chính phủ trung ương ra lệnh trước khi họ tiến hành các biện pháp riêng. Diễn biến này xảy ra trong phản ứng về việc Trung Quốc xâm nhập vào lãnh hải Việt Nam và sự thiếu kiên nhẫn của một số nhân vật trong quân đội về thái độ rụt rè của chính phủ.
Cách đây một thập niên, giới lãnh đạo Hà Nội có thể tự xoay sở trong mối quan hệ với Trung Quốc mà không bị phê bình công khai. Với sự truyền bá rộng rãi của internet và một phong trào các blogger ngày càng lớn mạnh, thì khả năng của nhà nước nhằm uốn nắn và kiểm soát ý kiến quần chúng đã giảm bớt một cách đáng kể. Với những nỗi băn khoăn lo lắng ngày càng gia tăng trong quân đội và sự chăm chú theo dõi của quần chúng càng lớn hơn, thì không còn nữa những ngày mà bộ chính trị của Ðảng cộng sản Việt Nam có thể bí mật thoả thuận với Bắc Kinh.
|