Thứ Sáu, 2025-01-24, 12:53 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 15 » Có điều gì bất thường, khẩn trương?
9:09 PM
Có điều gì bất thường, khẩn trương?

Nông Đức Mạnh cảnh báo hiện tượng "Tự Diễn Biến", "Tự Chuyển Hoá" trong đảng

Hội nghị Trung ương 9 của đảng Cộng sản Việt Nam bế mạc sớm hơn một ngày đã là việc không bình thường, nhưng nội dung bài diễn văn bế mạc của Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư, còn gây ngạc nhiên hơn với nhiều điểm mang tính bất thường và khẩn trương liên quan đến hai vấn đề : Bảo vệ lãnh thổ và An ninh chính trị nội bộ.

Theo thông báo ngày khai mạc, Hội nghị 9 hay còn được gọi là Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa đảng X (2006-2010), diễn ra từ ngày 5-1 đến 14-1, nhưng đến chiều ngày 13 đã kết thúc. Chương trình của Hội nghị, lúc đầu đặt trọng tâm vào 3 đề mục : 1) Kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng trong nửa đầu nhiệm kỳ (2006 - 2008); 2) Kiểm điểm 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; 3) 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về Chiến lược cán bộ và Hội nghị cũng sẽ bàn, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.”

Nhưng, theo lời phát biểu của ông Mạnh thì tình hình kinh tế đã được ưu tiên thảo luận, kế đến là vấn đề Bảo vệ lãnh thổ đang làm mọi người Việt Nam băn khoăn trước hiểm hoạ đe doạ xâm lăng quần đảo Trường Sa của Trung Hoa. Và sau cùng, nhưng không kém phần quan trọng là công tác Bảo vệ an ninh chính trị nội bộ. Hai việc duyệt lại công tác phòng, chống tham nhũng và Chiến lược cán bộ, tuy được bàn thảo nhưng không đưa ra được quyết định mới cụ thể nào.

Tuy nhiên Thông báo của Trung ương đảng lại không nói gì đến hai vấn đề lãnh thổ và an ninh chính trị nội bộ này mà chỉ đưa ra các nhận xét về tình hình kinh tế, công tác cán bộ và chuyện chống tham nhũng.

Cả Nông Đức Mạnh lẫn Trung ương đảng thừa nhận nhiều đảng viên đảng viên tiếp tục “suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống”.

Tại sao lại có sự đảo ngược các đề tài thảo luận ?

Có lẽ vì các Ủy viên Trung ương đảng cảm thấy lúng túng trước tình hình kinh tế đang suy thoái và nạn công nhân mất việc làm trước Tết Nguyên Đán gia tăng từng ngày khắp nơi, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Tỉnh Đồng Nai v.v… nên buộc Ban Bí thư Đảng phải thay đổi chương trình thảo luận để không bị dư luận phê bình thờ ơ trước những bức xúc và khó khăn của người dân.

Kinh tế nguy cơ – Công nhân mất việc

Ông Mạnh nói: “Về phát triển kinh tế - xã hội, so với khả năng và tiềm lực của đất nước thì những kết quả đạt được còn thấp; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc, còn tiềm ẩn các yếu tố bất ổn. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Những yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường chưa được tăng cường đúng mức. Việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu.”

Ông Mạnh cảnh giác: “Từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội X, tình hình khu vực và trên thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế ở nhiều nước trên thế giới có thể còn kéo dài, sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị và kinh tế thế giới trong những năm tới. Ở trong nước, bên cạnh mặt thuận lợi, như tình hình chính trị - xã hội ổn định, lạm phát bước đầu được kiềm chế, kinh tế vĩ mô dần ổn định đang củng cố lòng tin của nhân dân và các nhà đầu tư nước ngoài, tình hình năm 2009 và một vài năm tới được dự báo là sẽ còn khó khăn hơn.”

Tuy ở cương vị đứng đầu đảng nhưng ông Mạnh cũng không nắm rõ tình hình để nói cho dân biết khả năng kinh tế trong 3 năm tới sẽ khó khăn như thế nào, dù đó là thời gian còn lại của Khóa đảng X.

Vì vậy những nhận xét và dự đóan của ông Mạnh nên được coi như cách nói “qua đường”, vì không ai ngoài những đảng viên lãnh đạo đảng và nhà nước có thể biết được mức xuống dốc của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân tới mức nào, trong khi chính nạn nhân là các tầng lớp công nhân, nhân dân lao động, không có bảo hiểm lao động hay qũy thất nghiệp, lại không được biết để đối phó.

Ngoài ra ông Mạnh cũng không nói về những khuyết điểm của chính sách kinh tế được gọi là gọi là “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đang bị phê bình mơ hồ, không có tự do, mất bình đẳng và không công bằng do nhà nước chủ quản. Ông chỉ nhìn nhận: “Cuộc sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, ở một bộ phận bị giảm sút” .

Thật ra không phải chỉ có “một bộ phận” mà có rất nhiều bộ phận trong 87 triệu người dân, đa số là nông dân,thành phần lao động, dân ở vùng cao, vùng xa không có nghề chuyên môn, đang sống dở chết dở vì thiếu việc làm và lương thấp.

Báo chí bên Việt Nam loan tin: “Quyền trưởng đại diện ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cảnh báo: “Mặc dù tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm, song không có cơ sở nào để Việt Nam tự hài lòng. Không nên phấn khởi trước tốc độ giảm nghèo nhanh chóng mà quên đi thực tế là vẫn có tới 13,5 triệu người đang sống trong cảnh nghèo khổ tại Việt Nam, trong đó có 5 – 6 triệu người nghèo lương thực”.

Bộ Lao động thương binh và xã hội Việt Nam cho biết, hiện có 61 huyện nghèo đói nhất cả nước.

Tuy nhiên, mọi người đã không khỏi thất vọng khi nghe ông Mạnh chỉ biết kêu gọi suông toàn đảng phải: “Nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội X đề ra cho cả nhiệm kỳ là ngăn chặn suy giảm kinh tế, chủ động phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, nâng cao chất lượng toàn diện nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế đạt hiệu quả ngày càng cao.”

Nhưng muốn “đạt hiệu quả ngày càng cao” với cộng đồng nhân loại, Việt Nam phải được The World Trade Organization (WTO) công nhận có nền kinh tế thị trường, theo đó các tiêu chuẩn trong sáng, công bằng, luật pháp minh bạch, tự do canh tranh phải được thi hành.

Nếu chưa được nhìn nhận có nền kinh tế thật sự thị trường thì nhiều hàng hoá xuất cảng của Việt Nam, đặc biệt sang Hoa Kỳ, không được hưởng quy chế miễn thuế quan đặc biệt.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 6/2008, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN đã yêu cầu Hoa Kỳ nhìn nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và xin được hưởng quy chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (U.S. Generalized System of Preferences (GSP) Program), Tổng thống Bush chỉ hứa sẽ nghiên cứu nghiêm chỉnh nhưng không đưa ra thời hạn nào. Việc này phải qua Quốc hội mà Tổng thống Bush sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 20-1-09 nên quyền này thuộc về Chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Chương trình ưu đãi “Thuế quan Phổ cập” quan trọng này của Hoa Kỳ được Quốc hội cho phép từ năm 1974 và cho đến nay đã dành ưu tiên cho khoảng 5,000 loại hàng hoá nhập vào nước Mỹ không phải đóng thuế nhằm mở rộng sự lựa chọn cho Kỹ nghệ và khách hàng Hoa Kỳ, đồng thời tạo cơ hội mở mang kinh tế cho các nước kém mở mang như Việt Nam.

Tuy nhiên trong đảng CSVN hiện nay vẫn còn có những người Cộng sản bảo thủ, giáo điều hơn cả Cộng sản dưới thời Stalin và Mao Trạch Đông. Họ đã coi thường quyền lợi tối thượng của Tổ quốc và phúc lợi của người dân để âm mưu chống lại đòi hỏi hoàn toàn tự do kinh tế của WTO (World Trade Organization) mà Việt Nam đã được gia nhập từ năm 2006.

Lý do họ chống thị trường hóa thật dễ hiểu : Chừng nào nhân dân Việt Nam được quyền tự do làm kinh tế, luật pháp Việt Nam phải theo đúng tiêu chuẩn thương mại của thế giới và quyền lợi của mọi người, kể cả đảng viên Cộng sản, đều ngang nhau thì đảng mất quyền kiểm soát, nhà nước mất quyền chủ qủan nền kinh tế. Tất cả những việc này sẽ đưa đến việc đảng mất quyền lãnh đạo và mất lợi nên họ sợ.

Tiêu biểu cho nhóm người này là Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Bình từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và là người then chốt trong việc soạn ra “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991.

Ông Bình viết một loạt 5 bài trong Tạp chí Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền tư tưởng của Trung ương đảng hồi tháng 11/2008 để kêu gọi toàn đảng tiếp tục kiên trì hấp hành theo Cương lĩnh này để “khẳng định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Phần viết về chủ trương Kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa của đảng, ông Bình kêu gọi đảng chống lại áp lực của WTO: “WTO không thừa nhận nước ta có kinh tế thị trường vì lẽ ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa, họ cho ta 12 năm nữa để cắt bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa mới được công nhận là kinh tế thị trường! Mặc họ, ta độc lập, tự chủ, đường ta ta cứ đi, không cần xin họ để có kinh tế thị trường "đầy đủ”! Kinh tế thị trường có nhiều dạng thức, nhiều hình thái khác nhau. Có kinh tế thị trường tự do cổ điển, có kinh tế thị trường chủ nghĩa tự do mới, có kinh tế thị trường xã hội của chủ nghĩa xã hội dân chủ, có kinh tế thị trường chỉ huy v.v… Mỗi kiểu thị trường ấy lại có nhiều mầu sắc khác nhau. Ở nước ta, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng là một hình thái kinh tế thị trường chứ sao, vậy ai được phép cấm? Thực chất họ ép ta từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa để có kinh tế thị trường tư bản mới được hội nhập thế giới. Ta không thể chấp nhận như thế dù trước "lý và luật của kẻ mạnh", ta cần phải khôn khéo, mềm mỏng trong sách lược vì lợi ích thực tiễn làm ăn kinh tế, nhưng căn bản không thể từ bỏ nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Tham nhũng – tư tưởng

Trong lĩnh vực chống Tham nhũng, sau 3 năm thi hành Luật và 2 năm thi hành Nghị quyết Trung ương 3, Mạnh vẫn nhìn nhận trước Hội nghị 9: “Kết quả cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn rất hạn chế.”

Thông báo cuộc họp của Trung ương nói rõ thêm: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém; việc chuyển biến từ nhận thức thành hành động trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế; một số cơ chế, chính sách chậm sửa đổi; tính khả thi của một số quy định phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa cao; tổ chức thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đồng đều, chưa sâu, nhiều nơi còn yếu; tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức vụ, quyền hạn còn yếu kém; công tác kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở nhiều nơi còn thiếu chủ động, chưa thường xuyên, có hiện tượng né tránh trong xử lý; nhiều vụ án tham nhũng còn xử lý chậm. Hoạt động của Ban Chỉ đạo và bộ phận giúp việc ở nhiều địa phương còn lúng túng; sự chỉ đạo, điều hành của một số cấp uỷ, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức gây bức xúc trong nhân dân.”

Về công tác Cán bộ, sau 10 năm thi hành Nghị quyết Trung 3 khóa đảng VIII thời Lê Khả Phiêu, ông Mạnh nói : “Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, khuyết điểm nổi lên là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng còn yếu. Công tác tư tưởng thiếu sắc bén, sức thuyết phục chưa cao; yếu kém trong công tác cán bộ chậm được khắc phục; công tác kiểm tra, giám sát còn một số mặt hạn chế. Phương thức lãnh đạo của Đảng chưa theo kịp yêu cầu của thời kỳ mới.”

Thông báo của Trung ương bổ túc: “Quan điểm công tác cán bộ là then chốt trong công tác xây dựng Đảng chưa được quán triệt thực hiện đầy đủ. Nhiều khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ chậm được khắc phục. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ vẫn diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý kịp thời. Chất lượng đội ngũ cán bộ còn nhiều yếu kém, bất cập; cơ cấu đội ngũ cán bộ vẫn mất cân đối, thiếu đồng bộ, chưa hợp lý.”

Biên giới – nội bộ

Ngoài ba lĩnh vực Kinh tế, Tham nhũng và Cán bộ, Thông báo cuối cùng cuộc họp của Trung ương không nói gì đến hai vấn đề có tín hiệu khẩn trương và bất ngờ là Bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ và tình hình an ninh chính trị Nội bộ như lời kêu gọi của Nông Đức Mạnh.

Ông Mạnh nói: “ Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phải tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Chăm lo nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong các chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế, an ninh, đối ngoại. Làm tốt nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho nhân dân một cách phù hợp, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, củng cố "thế trận lòng dân", xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao, đối phó kịp thời, thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về những thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Chủ động phát hiện từ xa, từ sớm và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ.”

Về an ninh nội bộ, ông Mạnh ra lênh toàn đảng phải: “Tăng cường công tác bảo vệ Đảng và bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, kết hợp với chống âm mưu "diễn biến hoà bình" và xử lý biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Tiếp tục xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, tận tuỵ phục vụ nhân dân.

Tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, đưa các mối quan hệ quốc tế đã được thiết lập vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác, phù hợp yêu cầu và lợi ích đất nước ta.

Tiếp tục thực hiện các chủ trương, biện pháp tích cực để xác định đường biên giới trên bộ, trên không, trên biển, thềm lục địa, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước.”

Ông Mạnh nói tiếp: “Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Kết luận Hội nghị Trung ương 9 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ; tiếp tục cụ thể hoá và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.”

Riêng trong lĩnh vực tư tưởng cán bộ mà hiện nay đang có rất nhiều người trong đảng, kể cả cấp Lãnh đạo, như cảnh cáo của Nguyễn Đức Bình, vẫn còn hoang mang, đặt nghi vấn tại sao phải tiếp tục kiên định Chủ nghĩa Cộng sản như ghi trong Cương lĩnh 1991, ông Mạnh yêu cầu: “Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tư tưởng. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, giải đáp có căn cứ khoa học những vấn đề lớn thực tiễn đất nước đang đặt ra; tập trung vào tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh 1991 và chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XI với chất lượng cao; nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, sắc bén, sức thuyết phục của công tác tư tưởng.”

Ông Mạnh kêu gọi các Uỷ viên Trung ương và toàn đảng tiếp tục: “đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tạo chuyển biến căn bản trong việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền phản động, làm thất bại âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch”.

Như vậy có điều gì băn khoăn đang được bàn luận, xì xèo to nhỏ trong đảng trước nguy cơ Trung Hoa xâm lăng các đảo còn lại tại Quần đảo Trường Sa, và sau khi nước này bắn tiếng cho các tư nhân đến khai thác tại các đảo không người ở Hoàng Sa và Trường Sa ?

Phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ Ngoại giao CSVN được hỏi trong cuộc họp báo ngày 8-1 (2009): “Báo chí Trung Quốc ngày 10-11/12/08 đưa tin, ngày 10/12/08, Cục Hải dương Trung Quốc họp báo công bố chủ trương khuyến khích các đơn vị, cá nhân khai thác, sử dụng các đảo không có người ở, đặc biệt mạng báo Kinh tế buổi chiều 11/12/08 cho rằng đối với khu vực Hoàng Sa- Trường Sa, việc khai thác đảo không có người ở có lợi cho việc bảo vệ chủ quyền biển của Trung Quốc. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam trước những thông tin này? (Thông tấn Xã Việt Nam)

Ông Dũng đáp: “Chúng tôi hết sức quan tâm đến thông tin này. Như các bạn đã rõ, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền hợp pháp của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản và lâu dài ở Biển Đông, các bên liên quan cần duy trì ổn định, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình.”

Có lẽ vì vậy mà ông Mạnh đã nắm lấy cơ hội báo động trước các Uỷ viên Trung ương đảng tại Hội nghị 9.

Còn việc bảo vệ an ninh chính trị nội bộ thì ở Việt Nam hiện nay, ngoài Quân đội và Công an, có lực lượng nào mạnh hơn để đe doạ “mạng sống” của đảng ? Hay là càng ngày càng có nhiều đảng viên muốn "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", muốn đảng phải lột xác, nhìn vào sự thật để từ bỏ chủ trương giáo điều, độc tài, phản dân chủ đưa đất nước và dân tộc tiến lên như nhân dân các nước láng giềng ?

Cũng có thể ông Mạnh đã đưa ra nhiều con Ngáo Ộp để doạ đông doạ tây trước khi mở cuộc thanh trừng trong đảng và ra tay đàn áp tập thể những cá nhân và lực lượng dân chủ đang ngấm ngầm nổi lên trong nhân dân?


Phạm Trần
14/01/2009

Category: Chính trị | Views: 920 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 6
Khách: 5
Thành Viên: 1
stilesburrowes520