January 15, 2009
.
Báo Tiền Phong hôm nay (15/1/2009) đưa tin: “Tiến
sĩ, nghị sĩ trẻ 36 tuổi người Đức gốc Việt Phillipp Roesler vừa được
tín nhiệm cử giữ chức Phó Thống đốc kiêm Bộ trưởng Kinh tế bang
Niedersachsen, bang lớn thứ hai ở Đức” với phần giới thiệu tiểu sử bản thân ông Phillipp Roesler hơi bị dài, kể cả quá trình ông “gia
nhập đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP), đảng đại diện cho giới trí thức và
doanh nhân ở Đức. Sáu năm sau, ông được bầu làm Chủ tịch Đoàn thanh
niên của FDP bang Niedersachsen và ba năm sau đó, ở tuổi 27, trở thành
Tổng Thư ký trẻ tuổi nhất trong lịch sử đảng FDP ở cấp bang”.
Nhưng
Tiền Phong không đăng đầy đủ (mà ai cũng biết cách đây 8 ngày) rằng
nước Đức theo chế độ đa đảng và FDP chỉ là một đảng nhỏ xíu ở Đức, còn
ông Philipp Roesler là tín đồ Công giáo.
Trang Thông tin Berlin đăng lại bài từ Vietcatholic có đoạn như sau:
“FDP
là một đảng nhỏ với 8,1% do cử tri bầu và đảng lớn CDU đạt 48,3% số
phiếu vào năm 2003. Do đó FDP và CDU (Dân Chủ Thiên Chúa Giáo) phải
liên minh mới đủ trên 50% số phiếu để cầm quyền tại tiểu bang
Niedersachsen.
Sau
5 năm, tiểu bang Niedersachsen đã bầu lại chính phủ vào ngày 27/01/2008
và đảng FDP dưới sự dẫn dắt của chủ tịch Dr. Philipp Roesler vẫn đạt số
phiếu có một chút gia tăng là 8,2%. Hai đảng liên minh FDP và CDU tiếp
tục đủ trên 50% số phiếu để cầm quyền cho 5 năm tới”.
“Đảng
FDP tại Đức là đảng Tự Do Dân Chủ tranh đấu cho quyền tự do của mỗi
người dân, nghiêng về thành phần trung lưu, tầng lớp trí thức và luôn
thúc đẩy canh tân thị trường kinh tế tự do” như chính cái tên của nó, không phải đảng “đại diện cho giới trí thức và doanh nhân ở Đức” như báo Tiền Phong viết.
May
cho ông Philipp Roesler là ông ở Đức nên chỉ cần dựa vào tài năng đã có
thể thành công rực rỡ trên chính trường. Nếu ông ở Việt Nam thì trước
tiên ông phải có “lý lịch đỏ” là điều kiện cần để thực hiện kế hoạch
“chui sâu, leo cao” vào đảng Cộng sản Việt Nam thì mới có hy vọng kiếm
một “ghế” nào đó trong bộ máy chính quyền. “Lý lịch không rõ ràng” như
ông Philipp Roesler (không biết cha mẹ ruột là ai) hoặc “thân nhân ba
đời chín kiếp” dính dáng đến “ngụy quân ngụy quyền” thì tài năng mấy
cũng đành vất xó mà thôi.
Ngay
cả cái tôn giáo ông Philipp Roesler đang tín ngưỡng cũng là vấn đề
“không được chấp nhận”. Bởi lẽ tôi chưa từng thấy có vị lãnh đạo nào từ
cấp cơ sở đến Trung ương ở Việt Nam hiện nay trong lý lịch ghi có tôn
giáo cả. (Nếu có, quý vị làm ơn chỉ ra cụ thể dùm).
Nếu
ông Philipp Roesler lại “cứng đầu cứng cổ” không chịu cúi mình chui vào
đảng bự duy nhất mà lại nhảy ra thành lập đảng mới, hay ông lại thích
gia nhập vào đảng bé khác thì số phận ông cũng giống như các cụ Hoàng
Minh Chính, Trần Khuê (Đảng Dân Chủ XXI), ông Đỗ Nam Hải (khối 8406),
v.v…; tức ông Philipp Roesler sẽ được Nhà nước ta “quan tâm chăm sóc”
bằng cách thiết lập lô cốt, trạm canh chung quanh nhà theo dõi sát sao
“đường đi nước bước” của ông; Thỉnh thoảng ngoài đường lại xuất hiện
“bọn thanh niên xã hội đen lực lưỡng” sẳn sàng lăn xả vào ông nếu thấy
ông có ý định tiếp xúc với các nhà ngoại giao nước ngoài hay “các tên
đồng bọn” cùng đảng phái với ông; Hoặc ông sẽ được “bảo vệ đặc biệt”
bằng cách cho vào nhà tù tường vách bốn bề kiên cố cho nó “an toàn”,
làm gì có điều kiện để ông Philipp Roesler nhảy tót lên ghế Bộ trưởng
Kinh tế cho ông đứng chung với Thống đốc bang cười toe toét.
.
Tạ Phong Tần