Một số giáo chức và CCB khu vực Hà Đông – Hà Nội
Chúng tôi là một số CCB và giáo chức ở khu vực Hà Nội xin bày tỏ với
các lãnh đạo đảng CSVN về những điều phiền muộn của mình trước tình
trạng chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc đang có nhiều hiện tượng
rất không bình thường và đáng lo ngại.
Hình 1
Nỗi đau của người Việt Nam trong nước và ngoài nước chưa một phút nguôi
ngoai khi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm
từ 1974 và một phần quan trọng của quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc và
nước ngoài cưỡng chiếm từ 1988. Để hợp thức hóa cho việc cưỡng chiếm
hai quần đảo HS – TS, Trung Quốc ngày… đã có quyết định thành lập thành
phố Tam Sa thuộc tỉnh đảo hải Nam Trung Quốc bao gồm hai quần đảo này
của Việt Nam. Nhiều năm qua phía Trung Quốc đã gây ra nhiều thiệt hại
về người và của cho nhân dân Việt Nam, những ngư dân vô tội Việt Nam
khai thác trên vùng biển thuộc lãnh hải từ ngàn xưa ông cha để lại đã
nhiều lần bị tàu hải quân Trung quốc đuổi bắt, bắn giết dã man đặc biệt
là vụ 9 ngư dân Hậu Lộc và Hoằng Hóa Thanh hóa bị giết hại, 8 ngư dân
bị bắt ngày 8/1/2005… Trung Quốc đã dùng sức ép buộc các công ty
Bristish Petroleum của Anh, công ty ExxonMobil của Mỹ phải rút giấy
phép thăm dò năng lượng trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt nam…
Gần đây Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc ( CNOOC ) thông
báo dự án 29 tỷ USD để phát triển các mỏ năng lượng trên suốt vùng biển
đông đang bị tranh chấp mà trước đây thuộc hoàn toàn thuộc chủ quyền
của Việt Nam. Theo Vietnamnet 10/12/2008, Cục Hải dương Trung Quốc đã
họp báo công bố chủ trương khuyến khích các đơn vị, cá nhân khai thác,
sử dụng các đảo không có người ở, với mục đích được gọi là “bảo vệ chủ
quyền biển của Trung Quốc” ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hàng trăm con dân đất Việt đã dũng cảm hy sinh trong nhiều
cuộc chiến không cân sức với kẻ ngoại bang để bảo vệ chủ quyền lãnh
thổ, nhưng họ chưa một lần được chính thức tôn vinh công khai. Và thực
tế lịch sử không ai có thể phủ nhận được về biên giới lãnh hải của Việt
Nam trong mấy thập niên qua đã bị Trung Quốc xâm lấn thì ngày
02/01/2009, trả lời báo Điện tử Vietnamnet Thứ trưởng Bộ ngoại giao Vũ
Dũng đã khẳng định như đinh đóng cột:
“Không có chuyện Việt Nam mất đất, cắt đất cho nước này, nước kia như một số mạng nước ngoài đưa tin”. Thấy điều khẳng định đó vẫn còn lỏng lẻo, ông Vũ Dũng còn củng cố thêm: “Những mạng này do thiếu thông tin hoặc cố tình làm sai lệch thông tin và những ý đồ khác nhau”. Chúng tôi rất trăn trở về lời khẳng định này.
Trước hết chúng tôi xin được thắc mắc:
• Vì sao rất nhiều SGK, nhiều tài liệu và nhiều thế hệ học sinh được
ghi nhận rằng: Diện tích phần đất liền của đất nước là 330.991 km2 và
một phần biển có diện tích gấp nhiều lần phần đất liền (Niên giám thống
kê 1996) thì lại có rất nhiều SGK in vào những năm 2006 – 2007 lại đưa
ra con số 329.297 km2 cho diện tích phần đất liền (Niên giám thống kê
2003). Vậy diện tích 1694 km2 đến 2003 mất đi đâu? Giải thích thế nào
hiện nay SGK 2008 lại đưa ra con số mới cộng cả phần đất liền với phần
diện tích các đảo là 331.212 km2 (Niên giám thống kê năm 2006). Vậy
chính thức riêng phần đất liền theo niên giám 2006 chúng ta có diện
tích là bao nhiêu?
• Thác Bản Giốc theo ông Vũ Dũng chúng ta chỉ thực sự có chủ
quyền ở phần thác phụ, phần thác chính đẹp nhất, hoành tráng nhất lại
thuộc về phía Trung Quốc. Trong khi đó nhiều thế hệ người Việt Nam đã
được giáo dục là toàn bộ thác Bản Giốc là kỳ quan của Việt Nam, một
danh thắng được in hình trong nhiều tranh ảnh, sách vở, tem thư… của
Việt Nam. Trong cuốn “Vấn đề Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc” NXB Sự thật đã ấn hành sau cuộc chiến tranh biên giới 1979 đã khẳng định :
“Tại khu vực mốc 53 xã Đàn Thuỷ - huyện Trùng Khánh - tỉnh Cao Bằng
trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc từ lâu là của Việt Nam và chính
quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó” (Trang 11).
• Khu vực Hữu nghị quan trước kia được gọi là Mục Nam Quan, Trấn Nam
Quan, Ải Nam Quan… Ông Vũ Dũng lại tuyên bố tất cả nằm trong lãnh thổ
của Trung Quốc! Trong khi đó cũng theo cuốn sách kể trên lại viết:
“Trung Quốc đã phá nát cột mốc 18, xoá vết tích đường Biên giới lịch sử
rồi đặt cột km số 0 vào sâu lãnh thổ Việt Nam trên 100 m và coi đó là
quốc giới giữa hai nước ở khu vực này”. (Trang 10).
• Chúng tôi thật sự không hiểu nổi Đảng và nhà nước CSVN phát huy quyền
làm chủ của nhân dân nhưng lại ngăn chặn, sách nhiễu, đàn áp, bắt những
người dân biểu tình bày tỏ lòng yêu nước một cách ôn hòa như : cuộc
biểu tình ngày 9 và ngày 16/12/2007 để phản đối Trung Quốc có quyết
định thành lập thành phố Tam Sa bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa của Việt Nam; cuộc biểu tình 29/4/2008, phản đối Trung Quốc chính
trị hóa việc rước đuốc có liên quan đến việc sát nhập bất hợp pháp hai
quần đảo HS - TS vào bản đồ của Trung Quốc.
• Chúng tôi nghĩ: Khẳng định về diện tích lãnh thổ, về vấn đề đường
biên giới, vấn đề cột mốc là vấn đề hết sức hệ trọng. Vấn đề đó phải có
tiếng nói của nhân dân tức là trưng cầu dân ý. Mặt khác, các quyết định
của quốc hội vừa qua (nếu có) cũng không thể coi là hợp lòng dân vì khi
thay đổi hiến pháp, thể chế này chưa từng bao giờ trưng cầu dân ý như
quy định của hiến pháp đầu tiên năm 1946.
• Chúng tôi cũng như dư luận vô cùng phiền muộn trước vận mệnh
của đất nước. Còn nhớ, tháng 12/2007 trong số chúng tôi cùng đứng tên
một bức thư kêu gọi người dân có trách nhiệm trước vận mệnh đất nước -
khi đó Trung quốc vừa thành lập Tam Sa. Sau đó ít lâu thầy giáo Vũ Hùng
(ở Hà Tây cũ) đã trở thành người tù lương tâm vì đứng tên trong bức thư
đó; nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, chị Phạm Thanh Nghiên (ở Hải phòng), nhà
thơ Trần Đức Thạch (ở Nghệ An), sinh viên Ngô Quỳnh v.v... đang bị giam
giữ cũng vì những lý do tương tự. Chúng tôi tin họ là những người vô
tội.
Hình 2
Trong thời khắc hệ trọng này chúng tôi kiến nghị:
1. Sớm công bố chính thức bản đồ phân định biên giới, biển, đảo
giữa Việt Nam và Trung Quốc song song với việc công bố công khai bản đồ
phân giới giữa chính quyền thực dân Pháp và triều đình nhà Thanh để đối
chứng. Trong gần 100 năm thuộc địa, dưới sự cai trị và bảo hộ của đế
quốc Pháp chẳng lẽ đất đai của quốc gia ngày nay khi có độc lập, chủ
quyền lại có chu vi và diện tích nhỏ hơn hồi mất hết chủ quyền.
2. Quốc hội, những người có trách nhiệm phải rà soát và huỷ bỏ những
điều khoản luật, thông tư, chỉ thị, nghị định, quyết định… không phù
hợp với nội dung và tinh thần điều 69 của hiến pháp. Để nhân dân có
quyền bày tỏ và thể hiện lòng yêu nước chính đáng một cách hòa bình của
mình mà không bị cản trở, ngăn chặn, sách nhiễu… như đã từng chịu đựng
khi các cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên và các chiến sĩ dân chủ xảy
ra trong những năm qua.
3. Nếu thực sự vì nước vì dân, Đảng và nhà nước CSVN nên cầu
thị, tuân theo nguyện vọng của đại đa số ngưồi dân, tôn trọng thế trận
lòng dân nhằm nâng cao sức đấu tranh của nhân dân một cách hòa bình và
hữu hiệu để đòi lại những phần lãnh thổ, lãnh hải bị lấn chiếm mà vẫn
giữ mối tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt – Trung. Đừng cố tình
đẩy nhiều thế hệ người Việt Nam hôm nay cũng như mai sau vào những khó
khăn không đáng có khi phải tranh đấu đòi lại chủ quyền đích thực của
dân tộc mình với những hậu quả để lại tương đương hay nặng nề hơn công
hàm năm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, khi ông là đại diện đã đặt
quyền lợi của đảng trên quyền lợi dân tộc, quyền lợi của chủ nghĩa cộng
sản trên quyền lợi đất nước.
Một số giáo chức và CCB ở khu vực Hà Đông – Hà Nội
Đồng ký tên (14/01/2009
|