Chủ Nhật, 2024-12-22, 12:20 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 19 » Tranh cãi chung quanh cuộc triển lãm Nghệ Thuật Cất Tiếng của Hội Văn học Nghệ Thuật Việt Mỹ
11:42 AM
Tranh cãi chung quanh cuộc triển lãm Nghệ Thuật Cất Tiếng của Hội Văn học Nghệ Thuật Việt Mỹ
Trong tuần qua, cuộc triển lãm có chủ đề “Nghệ Thuật Cất Tiếng”, do Hội Văn học Nghệ Thuật Việt Mỹ tổ chức tại quận Cam, đã tạo nên sự bất mãn trong Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn tại Hoa Kỳ và nhiều nơi trên Thế Giới,  khiến hàng trăm người Việt tại quận Cam và những vùng phụ cận dự định kéo về khu Little Sàigon để biểu tình phản đối. Thông tín viên Hà Giang tìm hiểu sự việc này và có bài tường trình như sau.


Cuộc triển lãm có chủ đề “Nghệ Thuật Cất Tiếng” là một cuộc triển lãm do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ tổ chức tại Nam California, quy tụ hơn 50 tác giả, với đủ mọi loại tác phẩm gồm hội họa, điêu khắc, thơ v.v… của nhiều nghệ sĩ cả trong nước lẫn hải ngoại. Lẽ ra một cuộc triển lãm quy mô như thế phải được khán giả hưởng ứng nhiệt liệt, nhưng đã đón nhận những phản ứng rất gay gắt của cộng đồng.


Ban tổ chức cho biết khi quyết định trưng bầy những biểu tượng của đảng CSVN trong cuộc triển lãm, được tổ chức ngay trong lòng một nơi được mệnh danh là thủ đô của
Người Việt Tỵ Nạn, họ đã có mục đích khởi đầu một cuộc đối thoại về những quan điểm chính trị khác biệt.

 
Ngay sau ngày khai trương, một vài tác phẩm được trưng bầy đã tạo cho một số khán giả nhiều nỗi bất bình. Hình ảnh của những tác phẩm này đã được nhanh chóng truyền qua mạng lưới internet, tạo ra sự tranh cãi của người Việt ở khắp nơi trên thế giới, nhiều người đã gửi email hoặc gọi phôn về cho ban tổ chức biểu lộ sự bất mãn, và yêu cầu họ lấy những tác phẩm đó ra khỏi cuộc triển lãm.

Tác phẩm đã gây nhiều xôn xao nhất, là một bức hình có tựa đề “
Thủ Đức” của tác giả Brian Đoàn, hình chụp một cô gái trẻ mặc áo thung đỏ trên ngực có hình sao vàng.  Cô ta đứng cạnh một bàn kính thấp, trên mặt bàn để tượng bán thân của Hồ Chí Minh.


Cô Ngọc Phương Nam, thành viên của tổ chức có tên là Thanh Niên Cờ Vàng phát biểu:


Nghệ thuật mà đem đến cho người ta sự căm phẫn người ta phải đau khổ khi nghĩ đến cái quá khứ đau thương của người ta, thì mình phải lên tiếng nói của mình, là mình tẩy chay cuộc triễn lãm có tấm hình của Hồ Chí Minh và lá cờ máu.”


Brian Đoàn nói rằng ông chỉ muốn đùa giỡn với bức tranh đó. Ông Đoàn giải thích về bức tranh của mình trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình SBTN như sau:


Thì cái đó là tôi muốn đùa nghịch á mà, tôi muốn giỡn chơi. Thật ra thì cái xã hội chủ nghĩa nó, bây giờ không ai còn tin nó nữa…”


Một tác phẩm khác cũng đã gây phản ứng không kém là bức tranh vẽ lá Quốc Kỳ cờ vàng ba sọc đỏ, song song với 3 sọc đỏ là 3 hàng dây kẽm gai. Bức tranh được chú thích là hiện người dân Việt Nam đang phải sống trong một chế độ ngục tù.


Ông Đỗ Thông Minh từ Đông Kinh Nhật Bản chia sẻ:


Cái chuyện lá cờ vàng ba sọc đỏ mà lấy đó làm kẽm gai, thì nó là một cái sự cứa vào tim gan của tất cả những người quốc gia, chứ không thể lý luận rằng là ở đây có ngục tù, tại sao không lấy cái hình ảnh khác để làm ngục tù, mà lại lấy cái lá cờ thiêng liêng như vậy của dân tộc ra để mà đùa dỡn. Tôi hoàn toàn không thể chấp nhận được.


Ngay sau khi hiểu rõ được cảm nhận của khán giả, ông Hàm Trần, thuộc ban quản trị của hội, cũng là đạo diễn của phim Vượt Sóng, một cuốn phim trình bầy hình ảnh kinh khiếp của những trại tù “học tập cải tạo” sau biến cố 1975, đã viết thư kêu gọi ban tổ chức tháo bỏ bức tranh của Brian Đoàn xuống. Ông viết:  “Việc làm của chúng ta đã vả vào mặt cộng đồng bằng cách cho trưng bày những hình ảnh nói trên, tôi thúc giục mọi người trong ban điều hành của chúng ta hãy xem xét lại quyết định của mình”.


Cộng đồng đã dự trù sẽ
có một cuộc biểu tình đại quy mô trước cửa phòng triển lãm vào 9 giờ sáng ngày thứ Bẩy, 17 tháng 1. Nhưng Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ đã đột ngột tổ chức một cuộc họp báo vào lúc 10 giờ sáng thứ Sáu, để tuyên bố là phòng tranh đã đóng cửa với lý do không có giấy phép triển lãm. 


Trong khi cuộc họp báo đang được tiến hành ở ngoài trời, bên cạnh phòng tranh giờ đã đóng cửa thì ở ngoài khoảng hơn 50 đồng bào nghe tin có cuộc họp báo đã gấp rút kéo đến biểu tình sớm hơn dự định một ngày.


Một người biểu tình phát biểu:

Nghệ thuật phải vì nhân sinh, chứ không thể nghệ thuật là vì chính trị, mà đây là nghệ thuật của “họ, những hình ảnh họ trưng bầy hoàn toàn là chính trị, thí dụ như chúng ta thấy rằng có cái bán ảnh của Hồ Chí Minh, thứ hai là cô gái mặc áo đỏ có sao vàng…”


Cô Lan Dương, một người trong ban tổ chức nói họ tin rằng đã thành công trong mục đích khởi đầu được một cuộc đối thoại với cộng đồng.


Ông Đoàn Vi Hân, thân phụ của Brian Đoàn, là một cựu Thiếu Tá, trưởng ty An Ninh Quảng Ngãi, một người cũng đã đi tù cải tạo trên 10 năm phát biểu:


Tôi đến đây để cộng đồng thông cảm mặc dù là ngay tình của nó không phải là Cộng Sản, hoàn toàn không phải là Cộng Sản, nó cũng không phải là hoạt động cho Cộng Sản ở đây nữa, nhưng mà bây giờ tôi thấy cộng đồng tức tối như vậy, mà chính tôi cũng tức, ở chỗ này mà có cái ảnh Hồ Chí Minh với cờ đỏ sao vàng thì tôi không thể chấp nhận được, thành thử ra tôi xin lấy ảnh xuống, ngay tức khắc.”


Khi được hỏi ban tổ chức đã rút tỉa được những kinh nghiệm gì trong cuộc triển lãm này, cô Ysa Lê, chủ tịch hội đồng quản trị nói:

Chúng tôi học được sẽ phải làm việc với cộng đồng như thế nào, và chúng tôi nghĩ là chúng tôi sẽ phải học hỏi rất nhiều nữa."


Trong khi luật pháp bảo vệ quyền được triển lãm của các nghệ sĩ thì quyền phát biểu ý kiến, tẩy chay và kêu gọi mọi người tẩy chay không tham dự, cũng như việc biểu tình phản đối thuộc quyền tự do ngôn luận hiến định của người dân. Nét đặc thù này chỉ xuất hiện ở những nước dân chủ, và nó cho ta thấy tự do thực sự của người dân được bảo vệ ra sao./.



Hà Giang, thông tín viên RFA
Category: Chính trị | Views: 924 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 16
Khách: 16
Thành Viên: 0