Nhóm
giải pháp đi kèm gồm ba yếu tố, được ông Thành đánh giá là khá đồng bộ:
bù lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp, bảo lãnh tín dụng cho doanh
nghiệp nhỏ, và hỗ trợ trực tiếp để kích cầu tiêu dùng ở các hộ nghèo.
Xét về
quy mô, 17.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD) là một lượng dồi
dào. Với khoản kích cầu đó, căn cứ thêm vào các loại lãi suất, phí suất
(tức phí bảo lãnh) hiện thời, có thể tính ra được lượng vốn sẵn sàng để
cho vay theo chương trình này lên tới xấp xỉ 20 tỷ USD, nghĩa là bằng
khoảng 52% tổng giá trị đầu tư xã hội của toàn Việt Nam trong năm 2008.
Và như
vậy, theo ông Thành, 17.000 tỷ đồng hỗ trợ là đủ cho nhu cầu đầu tư của
khu vực tư nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Câu hỏi về hiệu quả
Thời điểm
này, toàn bộ nền kinh tế đang theo xu hướng nguội lại, doanh nghiệp hạn
chế đầu tư, mở rộng, một phần do tình hình chung khó khăn, một phần do
hàng tồn kho còn nhiều. Tóm lại, nhu cầu về đầu tư hiện nay có thể
không lớn, khả năng mở rộng ồ ạt là thấp, nên không chắc họ sẽ có động
thái hưởng ứng gói kích cầu.
Dù vậy, một số nhà kinh tế vẫn cho rằng, doanh nghiệp nào có sẵn các dự án đầu tư tốt, thì đây vẫn là cơ hội để họ nắm bắt.
|
Ts. Nguyễn Đức Thành, GĐ. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. Ảnh nguồn: economics.vnu.edu.vn) |
“Hiệu
quả tăng trưởng là cái không thể có ngay lập tức, nhưng nếu được hỗ trợ
thật sự, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phản ứng tốt với khoản kích
cầu này” - Ts. Nguyễn Đức Thành nhận định. “Ít nhất, trong
bối cảnh kinh tế hiện nay, họ cũng kìm được việc thu nhỏ sản xuất, sa
thải nhân công, và như thế là góp phần chống thất nghiệp”.
Ông Thành nói thêm: “Vốn
vay sẽ tăng, nhưng tại thời điểm này, rất khó để ước lượng là tăng bao
nhiêu bởi điều đó còn phụ thuộc nhu cầu thực sự của doanh nghiệp. Nhưng
tôi tin rằng gói kích cầu này sẽ tạo yếu tố tâm lý tốt cho cả nền kinh
tế”.
Đủ cho khối tư nhân, thiếu nếu có thêm DNNN
Như trên
đã viết, với khoản bù lãi suất và bảo lãnh vay vốn mà Chính phủ vừa
quyết định thông qua, thì năng lực vốn có thể cho vay lên tới xấp xỉ 20
tỷ USD, bằng nửa tổng giá trị đầu tư của Việt Nam một năm (cụ thể là
năm 2008 vừa qua).
Lượng 17.000 tỷ đồng, do đó, theo ông Thành, là “thừa đủ để hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân”, “không cần nhiều hơn”.
Tuy vậy,
nếu các doanh nghiệp Nhà nước cũng tham gia vào chương trình, thì dự
kiến tình hình sẽ khác: Doanh nghiệp Nhà nước, với thế mạnh về tài
chính và nhất là về quan hệ - những mối liên hệ mật thiết với hệ thống
ngân hàng - có thể dễ dàng tận dụng lợi thế để nhận phần lớn khoản hỗ
trợ. Số tiền còn lại mới đến tay doanh nghiệp tư nhân.
Trong khi
trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân mới là lực lượng chủ đạo của nền
kinh tế. 95% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việt
Nam tăng trưởng chủ yếu nhờ khu vực tư nhân: Cơ cấu đóng góp của khối
tư nhân, Nhà nước, và nước ngoài (doanh nghiệp có FDI) vào GDP năm 2006
tương ứng là 41,3%, 17,7% và 41,1%.
|
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là nơi sử dụng nhiều lao động nhất trong nền kinh tế. (Ảnh nguồn: VietNamNet) |
Doanh
nghiệp tư nhân cũng là nơi sử dụng nhiều lao động nhất: Năm 2006, 50%
lao động làm việc cho khối tư nhân, 30% cho doanh nghiệp Nhà nước, 20%
cho khu vực có FDI.
Trong khi
đó, cũng năm 2006, cơ cấu vốn của các thành phần kinh tế này lần lượt
là: Tư nhân chiếm 28% tổng đầu tư xã hội, Nhà nước hơn 50%, FDI 20%”.
Tại hội
thảo ngày 11/1 vừa qua, “Biến động kinh tế năm 2008 và dự báo năm 2009:
Giải pháp và tầm nhìn cho doanh nghiệp Việt Nam”, chuyên gia kinh tế
Phạm Chi Lan đã khuyến nghị: “Nhà nước dành khoảng 17.000 tỷ đồng
để hỗ trợ các doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế, chủ yếu
là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay đầu tư phát triển, duy trì
sản xuất kinh doanh, giữ và tạo thêm việc làm”.
Bà Phạm Chi Lan cũng khuyến cáo các doanh nghiệp vừa và nhỏ “nên chủ động lên tiếng, đừng im lặng chờ Nhà nước đánh giá tiêu chuẩn đi vay vốn, để rồi lại rơi vào cơ chế xin - cho”.
Tăng gấp đôi thời gian xin - cho?
Một vấn
đề lớn nữa có khả năng ngăn trở tính hiệu quả của gói kích cầu, là việc
triển khai thực tế sẽ thế nào, liệu các doanh nghiệp tư nhân có tiếp
cận được sự hỗ trợ mà không bị đủ thứ thủ tục phiền hà vướng chân không?
Bởi lẽ,
ngoài quá trình thẩm định tài chính bắt buộc phải thực hiện với ngân
hàng khi đi vay vốn, giờ đây doanh nghiệp nhận bảo lãnh tín dụng còn
phải chịu thêm thủ tục thẩm định tài chính đối với việc này. Với hai
lần kiểm tra như vậy, không rõ thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp
sẽ bị kéo dài thêm bao lâu?
Hiện
nay, theo báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam
năm 2008, chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước
không những không được cải thiện mà còn có chiều hướng đang lo ngại.
Chi phí thời gian cho các thủ tục hành chính đang tăng lên. 23%
số doanh nghiệp phải bỏ ra trên 10% quỹ thời gian để thực hiện thủ tục
hành chính, nhất là các thủ tục hành chính phiền hà hậu đăng ký kinh
doanh. Chi phí không chính thức vẫn còn ở mức cao, và hầu như không
được cải thiện trong nhiều năm, bất chấp nỗ lực công khai của Chính phủ.
Trong
khi doanh nghiệp vốn đã khó tiếp cận ngân hàng: Từ trước đến nay, ngân
hàng thường ngại cho các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các đơn vị vừa
và nhỏ, vay vì sợ rủi ro chính sách và rủi ro kinh doanh. Trong cuộc
cạnh tranh để tiếp nhận khoản hỗ trợ 17.000 tỷ đồng này, doanh nghiệp
Nhà nước đang tiếp tục giữ lợi thế.
|
Kích cầu đầu tư và tiêu dùng là cần thiết để nền kinh tế không còn bị "đìu hiu". (Ảnh nguồn: VNN) |
Với những cái “nếu”
Đánh giá
chung của các chuyên gia kinh tế về khoản kích cầu 17.000 tỷ đồng là:
dồi dào về lượng, hợp lý về cách chọn lọc đối tượng hỗ trợ (không ưu
tiên các doanh nghiệp vay để nhập khẩu hàng tiêu dùng chưa thiết yếu,
vay kinh doanh chứng khoán…), nhưng hiệu quả đến đâu thì phụ thuộc vào
rất nhiều cái “nếu”.
Thứ nhất
là phải đảm bảo cho doanh nghiệp không bị sa lầy vào cơ chế xin - cho.
Thứ hai là phải đảm bảo hiệu quả hỗ trợ đến được đúng với đối tượng cần
hỗ trợ nhất: các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp
vừa và nhỏ. “Nếu làm được điều đó thì gói kích cầu này là tin tốt lành cho nền kinh tế” - Ts. Nguyễn Đức Thành bình luận.
|