Thứ Ba, 2024-11-05, 8:43 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 21 » Ý nghĩa lịch sử trận hải chiến Hoàng Sa
5:25 AM
Ý nghĩa lịch sử trận hải chiến Hoàng Sa

Trần Gia Phụng



Sự hy sinh của Ngụy Văn Thà và đồng đội trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-01-1974 là thiên anh hùng ca bất tử, mãi mãi vang vọng như nhạc hồn đất nước trong lịch sử hào hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-01-1974, đã được nói và viết đến nhiều. Nhân kỷ niệm 35 năm xảy ra trận hải chiến nầy, ở đây chỉ xin ôn lại vài ý nghĩa lịch sử của trận chiến anh dũng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.

1.- VIỆT NAM CỘNG HÒA

Trước hết, cần phải ghi nhận hoàn cảnh khó khăn của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hay Nam Việt khi trận Hoàng Sa xảy ra: Hiệp định Paris (27-01-1973), cũng giống hiệp định Genève (20-7-1954) là hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, mà giải pháp chính trị không rõ ràng, chỉ để cho quân đội Hoa Kỳ đơn phương rút quân trong danh dự mà thôi.

Trong khi quân đội Hoa Kỳ rút lui, Hoa Kỳ giảm, rồi ngưng viện trợ cho VNCH thì Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) hay Bắc Việt chẳng những không rút quân khỏi lãnh thổ VNCH, mà còn được Cộng sản Quốc tế (CSQT) tăng cường quân lực, liên tục tấn công VNCH.

Lợi dụng hoàn cảnh quân đội Hoa Kỳ rút lui và quân đội hai miền Nam và Bắc Việt Nam mải mê đánh nhau, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH) hay Trung Quốc đưa hạm đội hùng hậu đánh chiếm Hoàng Sa ngày 19-01-1974.

Việt Nam Cộng Hòa ở thế lưỡng đầu thọ địch (hai đầu bị địch tấn công). Trong khi chiến đấu chống cộng sản Bắc Việt, Quân lực VNCH cương quyết chiến đấu bảo vệ tổ quốc, chống đánh tập đoàn bành trướng Bắc Kinh. Phải nhấn mạnh là toàn thể quân dân VNCH, từ trên đến dưới, một lòng cương quyết bảo vệ lãnh thổ của tổ quốc kính yêu.

Ngày 17-01-1974, trước những tin tức về việc các chiến hạm Trung Quốc hăm dọa quần đảo Hoàng Sa, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến thăm Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Chiến Thuật, đã chỉ thị cho vị Tư lệnh HQ Vùng I là Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, chuẩn bị chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Trong trận chiến nầy, Hải quân VNCH đã gây thiệt hại nặng nề cho hạm đội Trung Quốc, nhưng ngược lại, hạm đội Trung Quốc cũng gây thiệt hại không ít cho Hải Quân VNCH. Chiếc tàu bị thiệt hại nặng nhất về phía chúng ta là Hộ tống hạm HQ10 do thiếu tá Ngụy Văn Thà chỉ huy.

Hộ tống hạm HQ10 bị trúng đạn ở phòng máy chánh và bị nghiêng về bên phải. Phòng chỉ huy cũng bị trúng đạn. Cả chỉ huy trưởng cùng chỉ huy phó đều bị thương. Biết tình trạng chiếc tàu không thể cứu vãn, chỉ huy trưởng Ngụy Văn Thà ra lệnh cho chỉ huy phó Nguyễn Thành Trí và thủy thủ đoàn còn lại phải đào thoát. Toàn bộ thủy thủ đoàn yêu cầu chỉ huy trưởng cùng rời tàu luôn, nhưng Ngụy Văn Thà từ chối Ông cương quyết ở lại chết theo tàu. Nguyễn Thành Trí xin ở lại với chỉ huy trưởng, cũng không được chấp thuận.

Ngụy Văn Thà ở lại biển Đông, hy sinh thân mạng đền nợ nước, là một anh hùng dân tộc, tiếp nối truyền thống hào hùng của Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản… Sự hy sinh của anh em Hải quân VNCH ở Hoàng Sa ngày 19-01-1974 càng ngày càng thêm sáng ngời, nổi bật trước sự hèn nhát của nhà cầm quyền và bộ đội CSVN, hiện đang để cho Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải, mà chẳng dám lên tiếng.

2.- VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Trước tin Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, nhà nước Bắc Việt, đảng Lao Động tức đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) và quân đội CSVN, thường tự mệnh danh là “quân đội nhân dân anh hùng, chiến thắng cùng một lúc hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ”, đã hoàn toàn im lặng mà không dám lên tiếng.

Sở dĩ CSVN không dám lên tiếng vì từ năm 1950, Hồ Chí Minh đã nhiều lần sang Trung Quốc cầu viện để chống Pháp. Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) đã hết sức giúp đỡ CSVN. Trung Quốc giúp đỡ CSVN không phải vì tình nghĩa quốc tế cộng sản, mà chính vì để bảo vệ nền an ninh biên giới phía nam của Trung Quốc. Đảng CSTQ ào ạt viện trợ cho CSVN từ 1950 đến 1954. Viện trợ nhiều mà không có điều kiện để trả, thì chỉ còn cách duy nhất là nhượng bộ về chính trị, về giao dịch, về lãnh thổ…

Hiệp định Genève ký kết ngày 20-7-1954, chia hai nước Việt Nam tại vĩ tuyến 17, CSVN ở phía bắc và Quốc Gia Việt Nam (QGVN) ở phía nam. (QGVN đổi thành VNCH sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955.) Vì chủ trương đánh chiếm miền Nam bằng võ lực, CSBV cương quyết từ chối đề nghị của Liên Xô năm 1957, theo đó cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam cùng vào Liên Hiệp Quốc như hai nước riêng biệt

Ở Bắc Việt, ngày 24-5-1958, Ban bí thư Trung ương đảng Lao Động chỉ thị tổ chức học tập chủ thuyết Mác-Lê để xây dựng miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa và tiến hành cách mạng ở miền Nam. Muốn tiến đánh miền Nam thì một lần nữa phải nhờ đến sự trợ giúp của Trung Quốc.

Vay nợ Trung Quốc từ năm 1950 chưa trả hết, nay CSVN một lần nữa lại muốn nhờ Trung Quốc tiếp tục giúp đỡ để tấn công VNCH, bành trướng thế lực cộng sản xuống phía Nam. Đây là hai lý do chính khiến thủ tướng CSVN là Phạm Văn Đồng đưa ra công hàm ngày 14-9-1958, tán thành quyết định về lãnh hải của Trung Quốc và triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. Phạm Văn Đồng ký công hàm trên phải được sự đồng ý của Hồ Chí Minh và bộ chính trị đảng Lao Động. Quyết định nầy sẽ tạo ra những hậu quả không lường trước được.

Điểm sai lầm chiến lược lớn lao nhất, trở thành tội phản quốc, rước voi về giày mộ tổ, là CSVN đã dựa vào Trung Quốc để đánh miền Nam, viện cớ “chống Mỹ cứu nước”. “Chống Mỹ cứu nước” chỉ là cái cớ để kích động lòng dân. Tuy nhiên, riêng cái cớ nầy cũng đã sai lầm. Trong lịch sử Việt Nam, Trung Quốc đã nhiều lần xâm lăng Việt Nam. Vào thế kỷ 15, nhà Minh chẳng những xâm lăng nước ta, mà còn muốn tiêu diệt toàn bộ nền văn hóa của chúng ta, đốt hoặc tịch thu sách vở, bắt bớ nhân tài, đập phá các bia đá… Ngược lại, trong lịch sử thế giới, sau thế chiến thứ hai, những nước bị bại trận trước Hoa Kỳ đều được Hoa Kỳ viện trợ, giúp đỡ tái thiết, và đều trở nên cường thịnh: Đức, Nhật Bản, Nam Hàn… Giữa tăm tối và ánh sáng, giữa đói nghèo và thịnh vượng, CSVN đã đi vào con đường tăm tối đói nghèo, như thi sĩ Nguyễn Du đã viết: “Ma đưa lối, quỷ đem đường, / Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.” (Kiều, câu 2665-2666).

Ngoài ra, cần chú ý rằng người Tây phương đến Việt Nam thường sẽ ra đi, vì văn hóa, phong thổ, khí hậu, đời sống người Tây phương khác hẳn với Việt Nam, nên rất ít người Tây phương chịu ở lại Việt Nam. Ngược lại, Trung Quốc ở sát nước ta, phong thổ, khí hậu, văn hóa, văn minh, đời sống gần giống người Việt Nam, nên một khi người Trung Quốc đến nước ta, thường sẵn sàng ở lại nước ta.

Nếu Bắc Việt và Nam Việt cùng vào Liên Hiệp Quốc theo đề nghị của Liên Xô năm 1957, thi đua xây dựng kinh tế, cùng nhau phát triển đất nước, thì không thể nào Trung Quốc tiến chiếm Hoàng Sa dễ dàng được. Đàng nầy, CSBV cố tình tiến đánh miền Nam, gây ra cuộc chiến, làm cho đất nước chia rẽ, điêu linh, yếu nghèo. Nam Việt bận chống lại Bắc Việt, bảo vệ nền tự do dân chủ ở miền Nam. Trung Quốc nhân cơ hội hai bên đánh nhau, và cơ hội Hoa Kỳ rút quân, liền bất ngờ đánh chiếm Hoàng Sa. Hoàng Sa tuy thuộc lãnh thổ của Nam Việt, nhưng cũng là lãnh thổ chung của Việt Nam, do cha ông người Việt để lại. Như thế, chính CSBV đã tạo điều kiện cho CSTQ tiến chiếm lãnh thổ Việt Nam. Có thể nói, đây là tội phản quốc hết sức lớn lao mà lịch sử không thể tha thứ được. Chính tội phản quốc nầy kéo theo những tội phản quốc về sau, khi CSVN ký các hiệp ước năm 1999 và 2000, nhượng đất (trong đó có thác Bản Giốc và ải Nam Quan) và nhượng biển trong vịnh Bắc Việt cho Trung Quốc.

3.- CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

Việc CSTQ đánh chiếm Hoàng Sa, đối với Trung Quốc, có nhiều ý nghĩa quan trọng:

Các triều đại quân chủ trước đảng CSTQ, đã nhiều lần đem quân xâm lăng Việt Nam, tìm đường xuống Đông Nam Á, đều bị người Việt Nam đẩy lui. Sau trận hải chiến ngày 19-01-1974, Trung Quốc đã chiếm được hải đảo chiến lược Hoàng Sa. Đây là một chiến công lớn lao của đảng CSTQ, vì CSTQ đã làm được việc mà tổ tiên họ không làm được.

Trung Quốc đã đầu tư dài hạn trong chiến tranh Việt Nam, tích cực giúp đỡ CSVN từ 1950 đến 1954. Sau năm 1954, tuy biết rằng CSVN chẳng có gì để trả nợ, nhưng vì âm thầm nuôi dưỡng ý đồ đen tối, CSTQ vẫn tiếp tục giúp đỡ Bắc Việt từ 1954 đến 1973, là năm ký hiệp định Paris. Theo đúng thời điểm Hoa Kỳ vừa rút quân khỏi Việt Nam, CSTQ liền xiết đất bù nợ mà CSVN đã thiếu Trung Quốc bấy lâu nay. Bắc Việt đành phải im tiếng cho kẻ thù truyền kiếp phương bắc cưỡng chiếm lãnh thổ do tổ tiên để lại.

Đây cũng là chiến công đầu tiên của Trung Quốc sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 25-10-1971, quyết định chấp nhận cho CHNDTH thay thế Trung Hoa Dân Quốc trong tổ chức nầy. Từ đây, Trung Quốc là hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, một trong ngũ cường có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ. Chi tiết nầy cho thấy không phải khi đứng ngoài LHQ, Trung Quốc mới hung hăng, mà cả khi đứng trong LHQ, Trung Quốc cũng cường bạo không kém.

Chiếm được Hoàng Sa, CSTQ đặt được một đầu cầu để tiến xuống phía nam và vào biển Đông. Có lẽ cần để ý đến cách đặt địa danh của Trung Quốc trong Thái Bình Dương. Biển phía đông Việt Nam, Trung Quốc đặt tên là Biển Trung Quốc (Mer de Chine = China Sea). Biển và quần đảo Indonesia, Trung Quốc đặt tên là Nam Dương Quần Đảo, tức là quần đảo trong biển phía nam của Trung Quốc. Như thế Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng vùng biển nầy là của Trung Quốc. Từ lâu, Trung Quốc khao khát tìm đường xuống phía nam.

Vùng biển nầy lại hứa hẹn nhiều tiềm năng về dầu hỏa dưới lòng biển, mà nhiều nước trên thế giới và cả các nước Đông Nam Á đang dòm ngó, nhất là từ khi các hảng dầu khí của Hoa Kỳ tuyên bố tìm thấy nhiên liệu quý hiếm nầy ở thềm lục địa Việt Nam từ năm 1973. Dầu hỏa là nhiên liệu chiến lược mà tất cả các nước phát triển trên thế giới đều cần đến. Các nước Tây phương đã khai thác, mua bán dầu ở Trung Đông và Nam Mỹ, trong khi Trung Quốc phát triển sau các nước Tây phương, đang rất cần dầu hỏa cho nền kỹ nghệ của Trung Quốc.

Vì vậy, khi Hoa Kỳ quyết định rút lui khỏi Việt Nam, Trung Quốc liền chụp lấy cơ hội để đánh chiếm Hoàng Sa, mở đường vào biển Đông.

4.- HOA KỲ

Từ khi đảng CSTH thành công và thành lập chế độ CHNDTH năm 1949, người Hoa Kỳ rất lo ngại sự bành trướng của cộng sản. Từ tháng 1-1950, thượng nghị sĩ Joseph Raymond McCarthy (1908-1957), thuộc đảng Cộng Hòa, tiểu bang Wisconsin, phát động chiến dịch tố cộng, thịnh hành đến nỗi người ta gọi là chủ thuyết Carthyism.

Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp vào Đông Dương để chận đứng làn sóng cộng sản, công nhận chính thể Quốc Gia Việt Nam (QGVN) do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu ngày 4-2-1950. Từ đó, Hoa Kỳ viện trợ càng ngày càng nhiều cho Đông Dương qua tay người Pháp.

Sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954, Hoa Kỳ thay chân Pháp ở Việt Nam, giúp chính phủ QGVN rồi VNCH xây dựng miền Nam thành một quốc gia mạnh mẽ để chống cộng. Do sự hiện diện của đoàn cố vấn Hoa Kỳ, Bắc Việt đưa ra khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước”, tiến đánh miền Nam.

Từ thập niên 60, trong khi Bắc Việt mở cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam, Hoa Kỳ càng ngày càng tăng viện cho Nam Việt, nhưng đồng thời Hoa Kỳ bắt đầu nhận ra rằng CSQT không phải là một khối thống nhất, mà giữa Liên Xô và Trung Quốc có nhiều chia rẽ, tranh chấp. Nếu Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ cho Nam Việt, hai nước Liên Xô và Trung Quốc sẽ tạm thời bắt tay nhau để cùng giúp Bắc Việt. Muốn cho hai nước Liên Xô và Trung Quốc không xích lại gần nhau, Hoa Kỳ cần phải thay đổi chiến lược, rút ra khỏi Việt Nam, kiếm cách bắt tay với Trung Quốc để gây chia rẽ giữa hai cường quốc cộng sản Nga Hoa.

Sự giao thiệp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu bằng cuộc giao đấu bóng bàn hữu nghị giữa hai đội bóng bàn Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày 14-4-1971 tại Nhân Dân Đại Sảnh Đường Bắc Kinh do thủ tướng Trung Quốc là Chu Ân Lai chủ tọa. Ba tháng sau, Henry Kissinger, cố vấn An ninh quốc gia của tổng thống Richard Nixon, bất ngờ đến Bắc Kinh gặp Chu Ân Lai ngày 9-7-1971.

Sự liên lạc giữa hai bên đưa đến kết quả ngày 25-10-1971, Đại hội đồng lần thứ 26 của Liên Hiệp Quốc chấp nhận CHNDTH thay thế Trung Hoa Dân Quốc (THDQ) giữ ghế đại biểu của Trung Quốc, mà không gặp phản ứng phủ quyết của Hoa Kỳ. Như thế, vì quyền lợi của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh lâu năm là THDQ.

Tuy chưa chính thức công nhận CHNDTH, nhưng cuộc viếng thăm Bắc Kinh của tổng thống Richard Nixon bắt đầu từ ngày 21-2-1972, mặc nhiên chính thức hóa cuộc bang giao giữa hai nước. Từ đây, hai nước bắt đầu mở Văn phòng liên lạc tại thủ đô hai bên.

Trong khi đó, Hoa Kỳ thương thuyết với Bắc Việt và ký hiệp định Paris ngày 27-01-1973, đơn phương rút quân khỏi Việt Nam, mà lực lượng CSBV vẫn còn chiếm đóng lãnh thổ Nam Việt. Sau hiệp định Paris, Hoa Kỳ giảm viện trợ rồi cuối cùng cắt hẳn viện trợ cho Nam Việt (VNCH), trong khi CSQT tiếp tục tăng thêm viện trợ cho Bắc Việt để Bắc Việt tăng cường tấn công Nam Việt.

Đang lúc tình hình đang rất khó khăn cho Nam Việt, Trung Quốc đưa hạm đội đánh chiếm Hoàng Sa. Đương nhiên Hoa Kỳ, với những phương tiện thám thính khoa học không gian dư biết việc chuyển quân trên biển của Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ làm ngơ, hoàn toàn không giúp đỡ gì VNCH, để làm vui lòng người bạn mới giao thiệp là CHNDTH. Có tài liệu cho biết thêm rằng tàu chiến Hoa Kỳ đang di chuyển gần hải đảo Hoàng Sa, cũng không can thiệp giúp đỡ những binh sĩ VNCH đang lâm nạn trên biển cả.

Năm 1971, Hoa Kỳ bỏ rơi đồng minh Trung Hoa Dân Quốc tại LHQ. Sau năm 1973, Hoa Kỳ bỏ rơi tiếp đồng minh VNCH, mà một thời Hoa Kỳ đã từng ca ngợi là tiền đồn chống cộng của thế giới tự do.

KẾT LUẬN

Trước hết, ca dao Việt Nam có câu: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài,/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.”. Chính vì CSVN khôn nhà dại chợ, vì tham vọng quyền lực, quyết chí tấn công miền Nam, làm tiêu hao tổng lực dân tộc, nên Trung Quốc mới thừa cơ chiếm được hải đảo Hoàng Sa, làm bàn đạp để tiến xuống phía Nam.

Thứ đến là các thế lực bên ngoài, dầu Cộng sản Quốc tế hay Tư bản Quốc tế, đến Việt Nam đều vì quyền lợi của nước họ, chứ chẳng có chuyện tình nghĩa xã hội chủ nghĩa và cũng chẳng có chuyện thương yêu gì dân tộc Việt Nam. Cũng cần lưu ý thêm rằng tư bản và cộng sản là hai thế lực tương khắc nhưng tương sinh. Vì có cộng sản, tư bản Hoa Kỳ mới đến Việt Nam. Vì có tư bản Hoa Kỳ đến Việt Nam, cộng sản Bắc Việt mới nhờ cộng sản Trung Quốc đánh miền Nam. Khi tư bản Hoa Kỳ vừa quay lưng đi thì CSTQ nhào vào, chiếm liền hải đảo của chúng ta. Chẳng có người nước ngoài nào thương yêu dân tộc chúng ta. Nếu người Việt Nam mà cũng không thương yêu dân tộc mình thì càng tệ hại hơn nữa.

Ngày 19-01-1974, CSTQ đặt chân đến Hoàng Sa. Đây mới chỉ là bước đầu để CSTQ tiến vào biển Đông. Chắc chắn CSTQ sẽ còn tiến xa hơn nữa. Nếu một ngày kia, CSTQ trang bị thêm nhiều hàng không mẫu hạm, nhất là hàng không mẫu hạm chạy bằng nguyên tử lực, thì chắc chắn biển Đông sẽ dậy sóng, làm chấn động chẳng những các nước Đông Nam Á mà cả các nước trên thế giới.

Cuối cùng, sau khi “chống Mỹ cứu nước”, tiêu hao hàng triệu sinh mệnh của thanh niên và đồng bào toàn quốc, lại mất đất mất biển vào tay Trung Quốc, chắc chắn CSVN đã ngộ ra được hai điều: Thứ nhất CSTQ hành động hoàn toàn theo quyền lợi Trung Quốc, không có chuyện tình nghĩa xã hội chủ nghĩa anh em, và sẵn sàng chiếm đất chiếm biển của nước ta. Thứ hai, nếu muốn Việt Nam tiến bộ thì phải hướng về Mỹ, nên sau năm 1975, CSVN tìm tất cả các cách để được Mỹ thừa nhận và giúp đỡ. Khi rước Mỹ “cứu nước”, đảng CSVN xem như tự thú nhận là đã sai lầm trong quá khứ, một sai lầm đã giết hại hàng triệu sinh linh vô tội. Một đảng cầm quyền sai lầm trầm trọng như thế, không đáng đáng tin cậy để tiếp tục cầm quyền.

Trở về với trận hải chiến Hoàng Sa, nhân kỷ niệm ngày 19-01-1974, xin tất cả người Việt Nam hãy cùng nhau thắp nén hương lòng, tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của cố trung tá Ngụy Văn Thà và các đồng đội của ông, đã anh dũng chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên để lại. Sự hy sinh của Ngụy Văn Thà và đồng đội trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19-01-1974 là thiên anh hùng ca bất tử, mãi mãi vang vọng như nhạc hồn đất nước trong lịch sử hào hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Trần Gia Phụng
Toronto, Canada
19-01-2009

Nguồn: VietnamReview
Category: Lịch sử VN | Views: 4323 | Added by: danchu | Rating: 4.0/1
Total comments: 1
1 thanhnienvietnam  
0
Lại một kẻ phản động, chửi, nói xấu và xuyên tạc chế độ nữa bà con ơi...cho mày suốt đời sống kiếp lưu vong bên đó đi.

Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 527
Khách: 527
Thành Viên: 0