Thông báo số 20 — 20.01.2009
| Ông Phùng Quang Quyền | Houston
(TX) — VPLL/ĐVD trân trọng thông báo cùng quý đồng bào, các đoàn thể
đấu tranh, tổ chức nhân quyền và cơ quan truyền thông, báo chí được rõ
là theo thông tin nhận được từ Việt Nam, cơ quan an ninh CSVN đã phóng
thích ông Phùng Quang Quyền vào ngày 17/01/2009. Kể từ lần bị bắt sau
cùng vào ngày 20/11/2007, ông đã bị giam giữ tổng cộng 424 ngày.
Ông
Phùng Quang Quyền là người Việt gốc Hoa, sinh năm 1956, cư trú tại Thị
trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Kể từ năm 2005, ông đã
cộng tác tích cực với chương trình Tiếng Dân Kêu và tương trợ nhiều gia
đình nạn nhân bị cưỡng chiếm đất đai.
Ông bị bắt lần đầu vào
ngày 19/11/2006 do sự liên hệ hoạt động yểm trợ phong trào khiếu kiện
với ông Đoàn văn Diên trước đó, và đã bị tạm giam điều tra trong một
thời gian dài.
Vào ngày 25/2/2008, ông Phùng Quang Quyền đã công
khai tự nhận là thành viên của Đảng Vì Dân trong phiên toà phúc thẩm.
Nguồn tin cũng cho biết là vì sự tuyên bố này, ông bị xử 1 năm 6 tháng
tù giam, dù ông không phải là thành viên của Hiệp Hội Đoàn Kết Công
Nông Việt Nam. Sự kiện ông Quyền không trực thuộc HHĐKCNVN đã được ông
Đỗ Thành Công, Phát ngôn nhân Đảng Dân Chủ Nhân Dân, xác nhận với VPLL
Đảng Vì Dân vào ngày 27/2/2008.
Căn cứ vào tinh thần lời tuyên
bố tư cách đảng viên của ông trước phiên toà phúc thẩm, Đảng Vì Dân đã
chính thức công nhận ông Phùng Quang Quyền là một đảng viên kể từ ngày
25/2/2008.
Được biết trong suốt thời gian bị giam giữ, ông Phùng
Quang Quyền đã liên tục khẳng định rằng: Ông chỉ đấu tranh đòi công
bằng xã hội và những việc làm đó hoàn toàn không có tội hay sai trái.
Theo
một số thân hữu ở Lâm Đồng cho biết, hiện nay ông Quyền vẫn đang bị
kiểm soát nghiêm nhặt tại địa phương, tương tự như tình trạng đã có
trước khi ông bị bắt giam.
VPLL Đảng Vì Dân trân trọng cảm ơn sự
quan tâm, thăm hỏi và trợ giúp mọi mặt của các cơ quan nhân quyền, đoàn
thể đấu tranh và thân hữu hảo tâm ở khắp nơi trong suốt thời gian qua.
Nhân
đây, chúng tôi xin chân thành kêu gọi quý đồng bào, các đoàn thể đấu
tranh, tổ chức nhân quyền và cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục ủng
hộ tinh thần cho gia đình ký giả Trương Minh Đức -- người chiến sĩ nhân
quyền đã bị nhà cầm quyền CSVN kết án 5 năm tù giam vào ngày 28/3/2008
vừa qua, vì các nỗ lực đấu tranh cho dân chủ tự do, công bằng xã hội và
quyền lợi của dân nghèo.
Trân trọng thông báo, Nguyễn Công Bằng Tổng thư ký ĐVD www.dangvidan.net
...
Việt Nam phải thay đổi chính thể Lâm Thế Nguyên (ÐVDVN)
Ðất
nước và dân tộc Việt Nam đang mỗi ngày có thêm nhiều vấn đề đáng ưu tư.
Phía Nhà nước Việt Nam (NNVN) và các tổ chức đối lập có thể đánh giá
từng vấn đề khác nhau, nhưng dù là từ chính kiến nào, không ai phủ nhận
được là Việt Nam ngày càng mất ổn định. Sự khủng hoảng nghiêm trọng
trong một số lãnh vực quan yếu đã được chính báo chí nhà nước đề cập
đến từ lâu. Vấn đề không còn là tranh luận xem Việt Nam có vấn đề hay
không, mà là hoá giải những vấn đề hiện hữu như thế nào.
Ðất
nước nào cũng có những vấn đề của nó ở mỗi thời kỳ và hoàn cảnh. Nhưng
đối với Việt Nam, phần lớn các vấn đề tồn đọng và mới phát sinh là hệ
quả của một chế độ thiếu yếu tính “kiểm soát và cân bằng” (check and
balance). Vì thế, nhiều vấn đề đã nảy sinh và bộ máy nhà nước không có
chức năng khách quan phù hợp để giải quyết. Do đó, muốn giải quyết một
cách hiệu quả thực trạng Việt Nam, yếu tố cần và đủ là phải thay đổi
chính thể. Vấn đề mới nảy sinh là thay đổi chính thể như thế nào?
Thay
đổi một chính thể không phải là tiêu diệt một chế độ bao gồm tất cả
những người phục vụ trong bộ máy đó. Trong tiến trình dân chủ hoá, thay
đổi chính thể chỉ là thay đổi thành phần nhân sự lãnh đạo, điều chỉnh
cơ cấu chính quyền và các chính sách đối nội, đối ngoại của quốc gia.
Ðối với trường hợp Việt Nam, thay đổi chính thể là chuyển thể bộ máy
độc tài toàn trị thành một cơ chế chính phủ dân chủ đa đảng, với một
bản hiến pháp do chính các đại diện dân cử thực sự của nhân dân soạn
thảo, và một bộ máy chính quyền, quân đội thực sự trực thuộc quốc gia.
Sự khác biệt giữa chuyển thể và lật đổ là: Chủ trương chuyển thể chỉ
nhằm phục hồi quyền thực sự làm chủ đất nước cho nhân dân, trong khi
chủ trương lật đổ có thể giải nhiệm toàn bộ viên chức chính quyền, giải
tán quân đội và thiết lập toàn bộ cơ cấu chính quyền mới như trường hợp
xảy ra ở Việt Nam vào tháng 4/1975.
Dân chủ hoá đất nước qua
việc thiết lập một chính phủ gồm những người được nhân dân chọn lựa từ
nhiều chính đảng khác nhau, kể cả người của đảng CSVN, sẽ tạo ra một
môi trường thi đua phục vụ quốc gia và quốc dân. Từ đó, đảng nào chứng
tỏ được thiện chí và khả năng sẽ được tín nhiệm cao, đảng nào làm điều
sai quấy sẽ bị các đảng khác và nhân dân lên tiếng tố cáo. Sự cạnh
tranh uy tín đó sẽ tạo áp lực chấp hành luật pháp lên tất cả thành phần
của xã hội, dù là người dân bình thường hay là viên chức chính quyền.
Hiến pháp được tôn trọng, luật pháp được thực thi, sẽ là yếu tố để xây
dựng một chính quyền tốt.
Với bối cảnh xã hội hiện nay, dân chủ
hoá đất nước là một nhu cầu vô cùng quan trọng. Một đất nước thật sự
dân chủ không những có môi trường phục hồi được nhân quyền của người
dân mà còn tạo ra điều kiện hoá giải những vấn nạn lớn của xã hội --
những vấn đề mà các chế độ độc đảng thường không thể giải quyết được.
Mặt
khác, sự thay đổi chính thể cũng cần thiết để Việt Nam có thể xét lại
toàn bộ các hiệp ước bất bình đẳng mà chế độ CSVN đã ký kết, trong đó
có cả vấn đề phân định lãnh hải và lãnh thổ.
Và sau cùng, sự
thay đổi chính thể là điều phải làm để kết thúc một giai đoạn lịch sử
phức tạp của dân tộc. Từ đó, định điểm đứng và hướng phát triển của đất
nước trong thời gian tới.
Lâm Thế Nguyên (ÐVDVN)
Nguồn: Ðảng Vì Dân
|