Thứ Tư, 2024-12-04, 2:35 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 24 » Vụ Mục Sư Nguyễn Thị Hồng: Xác định “không phạm tội” nhưng vẫn kêu án ba năm tù
5:22 AM
Vụ Mục Sư Nguyễn Thị Hồng: Xác định “không phạm tội” nhưng vẫn kêu án ba năm tù
medium_vn_220109_mucsuhong.jpg

Mục Sư Nguyễn Thị Hồng (phải) và một trong năm người con trong ngày thụ phong mục sư hồi tháng 9 năm 2007. (Hình: website anhduong.info)


Sài Gòn (NV) - Mục Sư Nguyễn Hồng Quang vừa có bài tường thuật về vụ tòa án Sài Gòn xử bà Nguyễn Thị Hồng - một nữ mục sư của Hội thánh Tin Lành Mennonite, Việt Nam - hôm 14 tháng 1.


Bà Nguyễn Thị Hồng bị truy tố vì “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của một công ty có tên là Tuynen Vĩnh Long (đã giải thể) và ông Nguyễn Chương Cống (đã chết). Song theo mục sư Nguyễn Hồng Quang, tại tòa, đại diện viện kiểm sát thực hành quyền công tố còn lặp đi, lặp lại nhiều lần về những vi phạm khác “nghiêm trọng” hơn là “tham gia hoạt động tin lành Mennonite trái phép” và bỏ trốn khi bị truy nã.

Mục sư Nguyễn Hồng Quang kể rằng, về nguyên tắc, đây là vụ án được xét xử công khai nhưng chính quyền CSVN hạn chế tối đa số người tham dự và chỉ có vài thân nhân của bà Hồng, cố tình vào phòng xử ngồi chờ từ trước, rồi ở lì trong đó mới được... tham dự. Cũng vì vậy, đa số người dự khán là sĩ quan an ninh và cán bộ nhà nước.

Theo mục sư Nguyễn Hồng Quang, bà Nguyễn Thị Hồng từng là giám đốc công ty xây dựng Tú Tri và điều hành một hợp tác xã có tên Vạn Thành. Trong quá trình hoạt động, do khủng hoảng kinh tế, công việc xuất cảng bị đình trệ, công ty xây dựng Tú Tri và hợp tác xã Vạn Thành nợ công ty Tuynen Vĩnh Long 298 triệu, nợ ông Nguyễn Chương Cống 120 triệu. Ðại diện Viện Kiểm Sát Sài Gòn cho rằng, bà Nguyễn Thị Hồng đã bỏ trốn không trả nợ, thậm chí không ra trình diện khi bị truy nã nên hành vi đó cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên tại tòa, bà Hồng khẳng định, bà chưa bao giờ bỏ trốn, không trả nợ và mãi đến khi bị bắt, bà mới biết bà bị truy nã. Cũng tại tòa, bà Nguyễn Thị Huệ, vợ ông Nguyễn Chương Cống - bên được viện kiểm sát xem là “bị hại” - đã yêu cầu tòa tha bổng bà Nguyễn Thị Hồng, bởi với “bị hại”, bị cáo vốn là người có đầy đủ thiện ý thanh toán nợ, không có ý định “chiếm đoạt tài sản”.

Luật sư bào chữa cho bà Nguyễn Thị Hồng đã trưng dẫn nhiều chứng cứ và các qui định pháp luật của chính quyền CSVN để khẳng định thân chủ của ông không “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Công ty xây dựng Tú Tri và hợp tác xã Vạn Thành từng có ba thương vụ với công ty Tuynen Vĩnh Long. Hai thương vụ đầu, bà Nguyễn Thị Hồng thanh toán đầy đủ tiền bạc. Khoản nợ bị kết buộc là chiếm đoạt phát sinh ở thương vụ thứ ba hoàn toàn do thua lỗ, khi xuất cảng hàng hóa qua Singapore, vào lúc châu Á gặp đại khủng hoảng, tiền thu về không đủ trả các chi phí cho thuế, công vận chuyển, phí lưu kho. Do đây là khó khăn chung mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trong thời điểm từ 1996-1998, Bộ Tư Pháp CSVN từng ban hành một văn bản yêu cầu không truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân trở thành con nợ, do thua lỗ vì khủng hoảng kinh tế. Luật sư bào chữa cho bà Hồng đã yêu cầu đại diện viện kiểm sát chứng minh bà Hồng thực sự “chiếm đoạt tài sản” nhưng viện kiểm sát không đáp ứng được yêu cầu này...

Thay vì chứng minh bà Nguyễn Thị Hồng đã “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như cáo trạng, đại diện Viện Kiểm sát CSVN lại nói rất nhiều về việc “bị cáo” đã “tham gia hoạt động tin lành Mennonite trái phép”, rồi có “bốn lần qua Campuchia để học đạo Tin Lành” và “tham gia đạo Tin Lành Mennonite mà nhà nước xem là bất hợp pháp”,... cần “trừng phạt nghiêm khắc để bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cũng như lợi ích của nhà nước xã hội chủ nghĩa”... Do những nhận định và yêu cầu của đại diện viện kiểm sát vừa thô thiển, vừa lộ liễu (đàn áp tôn giáo bằng sự gán ghép một tội hình sự không hề có thật), nên theo mục sư nguyễn Hồng Quang, thẩm phán chủ tọa phiên xử đành phải “nhắc nhở” đại diện viện kiểm sát “đừng đề cập đến nhưng nội dung đó do chúng không liên quan đến vụ án” và cuối cùng, ông ta cắt ngang, không cho đại diện viện kiểm sát tiếp tục “tranh luận” nữa.

Cũng theo mục sư Nguyễn Hồng Quang, sau khi nghị án, hội đồng xét xử bà Nguyễn Thị Hồng tuyên bố: “Chấp nhận quan điểm của luật sư bào chữa cho bà Hồng, bác bỏ cáo buộc của viện kiểm sát, không truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi 'lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản' của công ty Tuynen Vĩnh Long, vì xét thấy không đủ chứng cứ cấu thành tội phạm. Nếu công ty Tuynen Vĩnh Long muốn đòi bà Nguyễn Thị Hồng trả nợ thì nên nhờ trọng tài kinh tế phân xử”. Tòa cũng ghi nhận “yêu cầu bỏ tư cách 'đại diện bị hại' của bà Nguyễn Thị Huệ, vợ ông Nguyễn Chương Cống, không truy cứu trách nhiệm của bà Hồng” song vẫn tuyên phạt bà Nguyễn Thị Hồng ba năm tù vì “trốn lệnh truy nã”.

Mục sư Nguyễn Hồng Quang kể rằng, đại diện viện kiểm sát đã tỏ ra rất bất ngờ trước phán quyết của tòa, theo lời đương sự tiết lộ với mục sư Quang và luật sư bào chữa cho bà Hồng, lúc đầu, viện kiểm sát dự trù hình phạt dành cho bà Hồng là từ 8 đến 10 năm tù và sau đó đã “điều chỉnh” còn 5 đến 7 năm tù. Ðại diện viện kiểm sát cho biết sẽ xin ý kiến cấp trên để biết rằng “có nên kháng nghị, yêu cầu tăng hình phạt hay không”.

Dựa trên diễn biến phiên xử, người ta có thể thấy rằng, bà Nguyễn Thị Hồng bị bắt giam, kết án tù không phải vì “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như cáo buộc. Bà bị bắt, kết án tù chỉ vì là một nữ mục sư của Hội Thánh Tin Lành Mennonite trong khi chính quyền CSVN xác định hội thánh này là bất hợp pháp.

Mục sư Nguyễn Hồng Quang kể thêm: “Một số sĩ quan an ninh bảo tôi khuyên gia đình đừng kháng án và làm đơn xin đặc xá. Sẽ không kịp Tết nhưng 30 tháng 4 thì có hy vọng về, như trường hợp... ông Nguyễn Việt Chiến”.

Vụ bắt, truy tố, xét xử, kết án mục sư Nguyễn Thị Hồng đang thu hút sự chú ý không chỉ của các hãng thông tấn nước ngoài mà còn kích thích sự quan tâm của đại diện cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam. Nhân viên lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã liên lạc với mục sư nguyễn Hồng Quang để thu thập thêm thông tin về vụ án có vỏ bọc bên ngoài là tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” này. (G.Ð)

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1030 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 6
Khách: 6
Thành Viên: 0