Thứ Năm, 2024-12-12, 3:08 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 24 » Hướng đi tương lai cho Việt Nam
12:47 PM
Hướng đi tương lai cho Việt Nam

Mai Thanh Truyết



Thế giới ngày nay đang chuyển dần theo xu hướng toàn cầu hóa trong mọi lãnh vực từ chính trị, quân sự, kinh tế đến khoa học, phát triển và môi sinh.... Lằn ranh biên giới giữa các quốc gia đang lần lần được tháo gở để nhường bước cho  những qui định chung đã được bàn thảo và đồng ý trước . Một số quốc gia Âu châu đã đi tiên phong trong việc áp dụng cùng hệ thống tiền tệ và thuế khóa khi giao dịch. Do đó chiều hướng mới của lịch sử toàn cầu là sẽ khó chấp nhận một nước nào trên thế giới đứng độc lập hay tự cô lập. Không một hiện tượng hay vấn nạn nào xảy ra cho một quốc gia mà không liên đới ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Biên giới địa dư đang bị xóa dần dưới nhiều hình thức khác nhau.

Bầu khí quyển bao bọc thế giới cần được mọi người lưu tâm đúng mức và có biện pháp xử lý cấp thời. Nguồn nước sinh hoạt, các mạch nước ngầm...cần phải được san sẻ giữa các quốc gia để tránh cảnh thiếu-thừa. Các giòng sông lớn sẽ không còn là tài sản của bất cứ quốc gia nào. Các nước không thể viện dẫn bất cứ lý do gì  để quản lý và sử dụng tắc trách nguồn nước chảy xuyên suốt qua địa phận mình mà không có sự tham dự và thảo luận của các quốc gia liên hệ. Tất cả phải cùng chăm sóc các đại dương để bảo vệ nguồn tài nguyên biển cho nhân loại, ngăn chặn kịp thời các vi phạm đến từ bất cứ quốc gia nào. Sẽ không còn một địa danh nào trên quả địa cầu được xem là miễn nhiễm hoàn toàn cả! Ngay cả trong lãnh vực tôn giáo, Tây phương đã lần lần từ bỏ ý niệm dân tộc của họ là con của Thượng đế, là một giống người được soi sáng hơn cả so với các dân tộc khác. Ngày nay đã có ít nhiều cảm thông về lòng tin giữa các tôn giáo với nhau. Và trong một tương lai không xa, tôn giáo sẽ không còn là những cuộc tranh chấp dành quyền lảnh đạo tinh thần của con người, mà phải là một tác hợp hữu cơ trong đó mọi đức tin của mỗi tôn giáo đều được tôn trọng như nhau. Đây cũng chính là hiện tượng toàn cầu hóa cho vấn đề tâm linh của con người.

Việt Nam, một thành tố của cộng đồng thế giới, nếu muốn tìm một hướng đi thích ứng cho đất nước cũng phải hội nhập vào xu hướng chung của toàn cầu. Quả thật không còn con đường nào khác hơn cho các quốc gia trên thế giới; ngay cả một nước hùng mạnh về quân sự và kinh tế như Hoa Kỳ hay một nước đang trên đà phát triển như Việt Nam. Đây mới đích thực là bánh xe lịch sử mà Việt Nam phải quay theo.

Với chiều hướng suy nghĩ trên các gợi ý sau đây được đề nghị cho Việt Nam một khi đã bước vào thiên niên kỷ mới.

Tính tiêu cực trong phát triển

Đối với Việt Nam, nếu nhìn về các con số thống kê, không ai có thể phủ nhận  mức phát triển tăng vọt hàng năm. Về mặt xuất cảng trên thế giới, Việt Nam được xếp hàng thứ nhì về gạo, thứ ba về cà phê, cao su, tiêu, trà, điều; các mặt hàng nầy đã chiếm vị trí quan trọng trong cán cân xuất cảng chỉ sau dầu hỏa. Ngược lại, Việt Nam phải trực diện với muôn vàn vấn nạn ô nhiễm môi trường. Nhưng để đổi lại, người dân chẳng những không được hưởng những phúc lợi do xuất cảng đem lại mà còn phải chịu đựng thêm nhiều áp lực kinh tế trong đời sống hàng ngày và sức khỏe ngày càng bị đe dọa nhất là đồng bào miền Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Các nghịch lý trên đưa đến những mặt tiêu cực sau đây: 1- Nhiều dịch vụ phát triển quá nhanh chóng và không được điều nghiên kỹ lưỡng như việc thiết lập các trung tâm giải trí, khách sạn, sân golf.. . với mục đích phục vụ cho người giàu và ngoại quốc tạo thêm ranh giới cách biệt giữa tuyệt đại đa số quần chúng và một nhóm thiểu số "tư bản mới"; 2- Một số tư bản mới đã thành hình, từ đó phát xuất ra thêm nhiều mâu thuẫn và hệ lụy tiêu cực trong hệ thống quyền lực - kinh tế - chính trị. Chính hai mặt tiêu cực trên đã là một trong nhiều nguyên nhân chính tạo nên khủng hoảng xã hội gần đây.

Việc tăng trưởng kinh tế - kỹ nghệ quá nhanh so với tốc độ trước khi có chính sách đổi mới, nhưng không đủ nhanh so với nhu cầu của quốc gia, đã tạo nên những biến động ảnh hưởng lên môi trường ở những vùng được phát triển mạnh. Tại các nơi trên, bầu không khí ngày càng ô nhiễm thêm. Thán khí cùng với nhiều kim loại độc hại như chì, thủy ngân, manganese, chrome và một số hợp chất hữu cơ nhẹ làm dung môi trong quá trình sản xuất đã được ghi nhận. Nguồn nước bị ô nhiễm, đặc biệt ở các vùng tiếp nhận trực tiếp nguồn nước thải từ các nhà máy vào hệ thống cống rãnh. Kết quả phân tích cho thấy ô nhiễm hữu cơ đã được ghi nhận ở Bến Than, thượng nguồn sông Đồng Nai, nguồn nước chính cung cấp nước cho cư dân thành phố. Ở nhiều nơi, chỉ dấu oxy hòa tan (Dissolved oxygen_DO) giảm xuống đến 2.3 mg/L (nếu chỉ số DO xuống dưới 3,5, cá tôm sẽ không đủ nguồn oxy trong nước để có thể tồn tại được). Lượng E-coliform, vi khuẩn gây bịnh đường ruột và có thể làm chết người nếu không cứu cấp kịp thời, tăng trung bình túy nơi từ 14.000 đến 480.000 MPN/100mL ở kinh Nhiêu Lộc (tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt ở Hoa kỳ là 23MPN/100mL) (MPN, most probable numbers). Đặc biệt cũng tại Bến Than, độ mặn đo được vào giữa tháng 2/1999 (giữa mùa khô) là 400 mg/L. Mới đây nhất, sự kiện nhà máy bột ngọt Vedan đã biến sông Thị Vải thành dòng sông chết chỉ là một trong những hệ luỵ của phát triển và quản lý tồi tệ của VIỆT NAM mà thôi.

Về các bãi chứa rác, các bãi chính không bảo quản đúng tiêu chuẩn như bãi rác Đông Thạnh ở Hốc Môn đã xảy ra nhiều vụ "bể bờ" làm cho nước rỉ chảy tràn ra sông Rạch Tra và Sàigòn năm 2000. Cũng tại nơi bãi rác nầy, chính quyền đã chi ra trên 500 tỷ đồng (tương đương 32 triệu Mỹ kim) để xây dưng nhà máy xử lý nước rỉ. Nhưng tiếc thay, nhà máy chỉ hoạt động không hơn một tuần lễ sau khi khánh thành vào giữa tháng 7/2002. Ngoài ra, còn vô số bãi rác "phụ" chen lẫn trong các khu dân cư đông đúc đã làm tăng thêm điều kiện cho các bịnh truyền nhiễm phát triển. Và còn bao nhiêu bãi rác sau đó như Gò Cát I, II, III,IV, khu liên hợp Đa Phước….tiếp tục gây thêm ô nhiễm cho người dân sống quanh vùng do việc quản lý và xử lý nguồn nước rỉ của rác không đúng quy luật.

Nhìn chung, tình trạng môi sinh ở Việt Nam đã đến mức báo động, nhất là ở các thành phố lớn mặc dù mức độ khai triển kỹ nghệ vẫn chưa phát triển tương xứng với nhu cầu của dân chúng toàn quốc, chỉ tập trung váo những thành phố lớn mà không lưu tâm hay quy hoạch tùy theo điều kiện của từng địa phương. Hiện nay vẫn còn khoảng 75% dân chúng sống tập trung ở các vùng nông nghiệp, vẫn sống trong điều kiện sơ khai của thời đại phát triển kỹ nghệ.

Từ các nhận định trên, nguyên nhân của việc trì trệ phát triển cho những năm gần đây cũng như hiện trạng ô nhiễm ở Việt Nam có thể được tóm tắt vào những ghi nhận sau đây:

- Hệ thống tiền tệ Việt Nam chưa hoán chuyển được và chưa thiết lập được thị trường chứng khoán cùng các luật định ngân hàng phức tạp và thay đổi thường xuyên, không bảo đảm tối thiểu cho cuộc giao thương với bên ngoài.

- Hệ thống ngân hàng không hữu hiệu, chưa thể hiện chức năng đúng đắn trong dịch vụ trao đổi và không có tính xuyên suốt trong báo cáo. Thống đốc ngân hàng Nhà nước mới đây đã xác quyết chức năng của ngân hàng là phục vụ cho nhu cầu của quốc gia và dân chúng chứ không thi hành theo chỉ thị và mệnh lệnh của Đảng nữa (?)

-  Mặc dù có sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB), Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Chương trình phát triển LHQ (UNDP).. . về tài chính và kỹ thuật cho việc nâng cấp và giải quyết các vấn nạn môi sinh ở Việt Nam do sự phát triển kỹ nghệ và nạn gia tăng dân số, nhưng hầu hết các hạng mục, công trình trên vẫn còn nằm bất động trên hình thức các dự án khả thi. Mức độ thi công tiến hành quá chậm do thủ tục hành chánh rườm rà và bất nhất cũng như các tệ nạn quan liêu, tham nhũng khiến cho đôi khi dự án phải bị bỏ dở nửa chừng.

- Việc phá hoại các rừng ven biển và việc dẫn nước mặn vào sâu trong đất liền để khai thác dịch vụ nuôi tôm là một trong những nguyên nhân chính cho việc nhiễm mặn. Ngay cả việc nuôi tôm, sau một vài mùa có thu hoạch cao, dịch vụ nầy lần lần đi vào phá sản vì tôm con bị chết quá nhiều do hệ sinh thái thay đổi và môi trường sinh sống của tôm không còn đồng nhất như vùng nước mặn nguyên thủy. Việc thay thế chloramphenicol, một hóa chất được sử dụng như thuốc kháng sinh  trong kỹ nghệ nuôi tôm đã bị cấm vì không đáp ứng được tiêu chuẩn xuất cảng qua Liên Hiệp Âu châu và Hoa Kỳ, bằng rễ của cây thuốc cá có chất rotenone trong thời gian gần đây cũng sẽ là một đề tài cần phải thảo luận và nghiên cứu lại trong kỹ nghệ nầy. Ảnh chụp từ vệ tinh năm 1999 cho thấy khoảng 150.000 mẫu tây ở ven biển Cà Mau, Bạc Liêu đã bị bỏ hoang trong số khoảng 200.000 mẫu đã khai thác trong thời gian 5 năm trở lại đây. Từ xa xưa, các rừng tràm, đước, vẹt.. . đã phát triển vững mạnh trong vùng nầy, thiết lập một hệ sinh thái thiên nhiên vừa cân bằng và cầm chân nước mặn tiến sâu vào đất liền, vừa là môi trường sống thích hợp cho tôm cá, do đó tôm khó thể phát triển lâu dài được vì sự mất cân bằng trên.

- Trong những năm sau nầy, lãnh đạo Việt Nam có khuynh hướng cứng rắn hơn trong việc điều hành quốc gia. Đường lối và chính sách hiện tại thể hiện sự bất an, bối rối trong quyết định trước những vấn nạn sinh tử của đất nước.

- Có nhiều thành phần tham gia vào việc phát triển Việt Nam. Đó là quân đội, công an, chính quyền, tư nhân, và ngoại quốc. Một khi đã nắm chặt quyền lực trong tay, cộng thêm sức mạnh kinh tế có sẵn, các thành phần như công an, quân đội, và chính quyền có khả năng tạo ra nạn kiêu binh có thể làm xáo trộn xã hội mà lãnh đạo sẽ khó kiểm soát được. Điều nầy sẽ làm giảm thiểu mức đầu tư của dân chúng và nhất là đầu tư quốc tế.

- Đối với nhu cầu phát triển, điều kiện tiên quyết là phải có sự bàn thảo và đồng thuận giữa chính quyền và các tư nhân. Cho đến nay, sự hợp tác giữa chính quyền – tư nhân – ngoại quốc chưa được đặt trên căn bản công bằng và đồng thuận, do đó vẫn còn nhiều cản ngại trong việc giao thương quốc tế. Vẫn còn có nhiều thiên vị cho các đối tác có liên quan đến chính quyền (tức là Đảng). Công ty quốc doanh chiếm đa số vẫn còn được tài trợ và ưu đãi mặc dù làm ăn thua lỗ. Việc kiểm soát môi sinh còn quá lỏng lẻo đưa đến việc lơ là trong bảo quản và xử lý phế thải.

- Một số dự án có tầm vóc quốc gia, đối tác được chọn chưa thu thập đầy đủ dữ kiện nghiên cứu tác hại môi trường, nhân sự chuyên nghiệp không đáp ứng được nhu cầu của công trình, do đó nhiều dự án phải bị bỏ dở nửa chừng.

- Các công ty tư vấn ngoại quốc được Việt Nam mời đến để khai triển một số dự án kỹ thuật và tính khả thi trong từng điều kiện hiện có. Đôi khi Việt Nam dùng tư cách chủ nhà để "chỉ đạo" dự án hay sữa đổi không đúng với quy cách kỹ thuật làm cho dự án càng khó được thực hiện hoàn chỉnh. Cũng có nhiều công ty ngoại quốc vì muốn được trúng thầu mà thiết lập dự án khả thi khi chưa hoàn tất thủ tục điều tra cơ bản. Điều nầy làm cho việc phát triển Việt Nam bị trì trệ về thời gian, tài lực, nhân lực, và nhất là làm giảm thiểu niềm tin của người dân về thực tâm xây dựng đất nước của những người có trách nhiệm. Một thí dụ điển hình mới nhất là dự án cầu đường và đường ngầm Thủ Thiêm bị nứt nẻ trước khi khánh thành vì dùng xi măng Kiên Lương thay vì dùng xi măng Đài Loan như hợp đồng đã ghi, cũng như tiền hối lộ lên đ61n 800 ngàn Mỹ kim cho cán bộ Việt Nam để được trúng thầu do chính phủ Nhật Bản khám phá ra.

Qua việc nhận diện được một số nguyên nhân căn bản đưa đến sự kiện chậm phát triển cho Việt Nam trong những năm gần đây, chỉ cần một ít động não, việc truy tìm giải đáp cho bài toán phát triển cũng không khó vậy.

Cực đoan trong quản lý đất nước


Từ các hiện tượng tiêu cực trong phát triển, ấu trĩ trong quản lý môi trường, lãnh đạo Việt Nam còn thể hiện tính cực đoan trong quản lý đất nước. Đứng trước xu hướng toàn cầu hóa trong mọi lãnh vực của con người, lằn ranh quốc gia, chủng tộc cũng lần lần phai mờ dần. Cùng với sự tiếp tay của các nước hậu kỹ nghệ, người dân ở các quốc gia đang phát triển ngày càng được tiếp thu và hấp thụ thêm  nhiều thành quả của tiến bộ khoa học để cải thiện xã hội từng bước một. Tuy nhiên, cũng cần nhận rõ thêm nhiều mặt tích cực và tiêu cực của một số quốc gia Tây phương trong cung cách hành sử trước xu hướng trên  để có cái nhìn khái quát về các phương cách tiếp cận môi sinh cho toàn cầu. Xin đan cử ra đây hai trường hợp điển hình để từ đó lãnh đạo Việt Nam có thể chuyển hóa được những nét cực đoan trong việc quản lý và phát triển đất nước. Đó là trường hợp nước Đức và Pháp.

Pháp quốc và người Pháp luôn luôn tự hào là chiếc nôi của cách mạng dân chủ trên thế giới qua cuộc nổi dậy phá ngục Bastille năm 1789. Họ đã kiêu hãnh vì có một nền văn hóa ưu việt và một ngôn ngữ văn minh, tiến bộ nhất trên thế giới. Nước Pháp cũng là một trong những quốc gia đầu tiên phát triển công-kỹ-nghệ và có nền kinh tế thịnh vượng hàng đầu. Nhưng đứng trước nhu cầu toàn cầu hóa, người dân Pháp đã thể hiện một số mặt tiêu cực có thể làm chậm lại tiến trình đi đến gần nhau của các dân tộc trên thế giới để cùng giải quyết những vấn đề chung cho nhân loại. Các thí dụ điển hình sau đây liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ trong giao dịch quốc tế đã nói lên tính "cô lập" tiêu cực của người Pháp.

Kể từ năm 1994, chính phủ Pháp đã dự phóng tính toàn cầu hóa của nhân loại nên khuyến cáo về việc sử dụng tiếng Anh trong giáo dục, dịch vụ công cộng và trao đổi quốc tế. Claude Allegré, Bộ trưởng giáo dục Pháp thời bấy giờ đã yêu cầu các nhà nghiên cứu khoa học trong khi viết luận án hay báo cáo nên trình bày bằng Anh ngữ. Nhưng cho đến nay (2008), đa số các tài liệu nghiên cứu từ Pháp vẫn hoàn toàn soạn thảo bằng Pháp ngữ, và đây là một cản ngại lớn cho thế giới và nước Pháp trong việc trao đổi các tiến bộ của khoa học. Hiện tại chỉ còn 130 triệu người nói tiếng Pháp so với hơn 6 tỷ người hiện diện trên thế giới.

Tính cực đoan còn thể hiện trong việc trao đổi trong lãnh vực hàng không. Các phi công Pháp vẫn tiếp tục cưỡng lại lệnh của chính phủ đề ra trong luật an toàn không lưu vào tháng 2/2000 về việc sử dụng Anh ngữ khi đi và đến phi trường De Gaulle (Paris). Hai sự kiện kể trên thể hiện rõ tinh thần tự mãn và tự ái dân tộc cực đoan của người Pháp. Kết quả là hiện tại nước Pháp không còn ảnh hưởng mạnh về kinh tế-chính trị-văn hóa đối với các quốc gia đang phát triển như ngày xưa nữa. Vị trí của nước Pháp đã tụt xuống hàng thứ yếu cùng với các trì trệ về kinh tế-xã hội mà chính phủ Pháp đang phải đương đầu. Trước kia, ảnh hưởng của văn hóa và ngôn ngữ Pháp rất quan trọng đối với Việt Nam. Vào giữa thế kỷ 20, có thể nói rằng hầu hết trí thức từ Bắc chí Nam đều sử dụng Pháp ngữ một cách rành rọt. Cho đến ngày nay, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học toàn quốc (2000) có 528.380 thí sinh, trong đó có 471.585 thí sinh chọn môn Anh ngữ làm ngoại ngữ chính, trong khi chỉ có 18.006 chọn Pháp ngữ và 5.801 chọn tiếng Nga. Chính những nét đặc thù trên thể hiện tính cực đoan của dân Pháp và đang là một cản lực lớn cho sự phát triển của đất nước nầy.

Trở về nước Đức, từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ, người dân và chính phủ Tây Đức trong vòng 10 năm phải cưu mang hai vấn nạn chính: 1- Một Đông Đức nghèo nàn và hạ tầng cơ sở cùng hệ thống công-kỹ-nghệ không còn phù hợp với cung cách phát triển mới; 2- Dân sinh va dân trí người Đông Đức ở dưới mức trung bình quá xa so với người Tây Đức. Thêm nữa sau gần 50 năm dưới chế độ Cộng sản, người dân Đông Đức không còn thấy một định hướng mới nào khác cho xã hội trước sự phát triển vượt bực của người anh em từ bên kia bức màn sắt.

Đứng trước tình trạng đó, thay vì hành sử với cung cách của kẽ chiến thắng về kinh tế và chính trị đối với người chiến bại, chính phủ và người dân Tây Đức đã mở rộng vòng tay cứu vớt đồng bào ruột thịt Đông Đức. Họ đã tân trang, chuyển vận các công nghiệp sạch qua Đông Đức cùng với việc hàn gắn vết thương ý thức hệ do một chủ thuyết không tưởng đã tạo ra sự nghèo đói cho phân nữa phần đất nước. Theo ước tính, Tây Đức dự trù chuyển dịch từ 200 đến 300 tỷ Mỹ kim trong vòng 20 năm tới để vực dậy kinh tế và xã hội ở miền đất nghèo khó nầy. Vì vậy khoảng cách kinh tế-kỹ thuật giữa hai miền đất nước lần lần được thu hẹp lại. Hai người anh em ruột thịt Tây và Đông Đức lần lần hội nhập vào sinh hoạt của một tổ quốc chung: quốc gia thống nhất Đức Quốc.

Về cung cách hành sử quốc tế, nước Đức thống nhất đã có tầm nhìn toàn cầu hóa bằng cách sáng lập và khai sinh đồng tiền chung cho Âu Châu: Euro Dollar. Nước Đức thống nhất không còn đứng về phía cánh hữu cực đoan và chính phủ Đức hiện tại đã chuyển vận theo xu hướng toàn cầu hóa về lập trường chính trị dưới sự lãnh đạo của đảng ôn hòa.

Về đối nội, nước Đức thống nhất đã xem đồng bào chính quốc như một. Về đối ngoại họ đã có cái nhìn vị tha hơn đối các quốc gia đang phát triển bằng cách mang đến cho các quốc gia nấy nhiều khoảng viện trợ không bồi hoàn và xóa nợ.. . hơn là tận dụng và bốc lột kinh tế-lao động.

Đức quốc trong chiều hướng tiếp cận tương lai như trên đã có một tầm nhìn thật dân tộc, nhân bản và một hướng đi khai phóng phù hợp với nguyên ắc căn bản chân chính cho nhân loại để tiếp tục cuộc hành trình vào thế kỷ 21. Tinh thần dân tộc cự đoan của người Đức, từng tự ví mình như một chủng loại siêu nhân, đã nhường bước cho khuynh hướng xích lại gần nhau trên thế giới.

Nhìn lại Việt Nam, chính quyền hiện tại vẫn tiếp tục giữ trong đầu ý tưởng siêu việt, đỉnh cao trí tuệ để điều hành đất nước mà không chịu mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài: thế giới của sự hợp tác hài hòa và tôn trọng lẫn nhau. Một nước Việt Nam thống nhất nhưng đâu đây vẫn còn phảng phất mối ngăn cách vô hình của người chiến thắng và kẽ chiến bại! Kết quả đã cho thấy trước mắt là, sau hơn 33 năm thống nhất đất nước, cho dù có ý nghĩ hết sức lạc quan, Việt Nam không còn thể hiện một chỉ dấu nào chứng nghiệm cho khuynh hướng đứng đắn trong việc phát triển quốc gia nữa. Lãnh đạo không tìm ra được hướng đi khả dĩ phù hợp cho sự hồi sinh của Việt Nam. Và người dân, như hàng thần lơ láo, quanh quẩn lo toan cho cuộc sống hàng ngày (mà vẫn chưa xong!) thì đâu còn trí tuệ nào nữa để nghiền ngẫm đến việc bồi đấp quốc gia.

Lãnh đạo Việt Nam đã áp dụng chủ nghĩa hình thức thể hiện qua hầu hết các điều luật, biện pháp, quy định để quản lý đất nước. Nhân danh dân tộc, nhân dân để bào chửa cho những thất bại trong chính sách. Do đó dân có nghèo thêm, có khổ thêm cũng vì những hình thức luật pháp, hình thức dân chủ, hình thức tự do qua các Nghị Quyết. Làm sao người dân cảm thấy an toàn được khi mà đại đa số không đủ ăn, đủ mặc, không đủ nước sạch để sinh hoạt, nấu nướng, không đủ không khí trong lành để thở, vân vân và vân vân. Làm sao người dân gắn bó với quê hương và chế độ khi những điều kiện tối thiểu cho một cuộc sống bình thường không thể có được trên đất nước nầy.

Nước Việt Nam đã chính thức thống nhất từ năm 1976 về phương diện địa dư, nhưng tình tự dân tộc vẫn còn bị ngăn chặn do những rào cản vô hình. Người dân miền Nam vẫn còn mang nhiều uẩn khúc trong cuộc sống hàng ngày từ đó đến nay. Trái lại người miền Bắc, đa số còn đang hả hê với cuộc giải phóng miền Nam, mải mê tiếp thu xã hội vật chất trong Nam mà trong suốt cuộc chiến họ không thể nào hình dung được cái di sản "vĩ đại" của miền đất nầy.

Đứng trước xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới, báo Nhân Dân ngày 6/7/2000 đã nói thay quan điểm của đảng Cộng sản Việt Nam trước sức ép của toàn cầu hóa:" Toàn bộ vấn đề là ở chỗ, chúng ta, những người xây dựng chủ nghĩa xã hội, có thái độ và cần hành động như thế nào trước quá trình toàn cầu hóa? Câu trả lời của chúng ta là: "hội nhập", "mở cửa", dĩ nhiên trên cơ sở nguyên tắc của chúng ta, vì lợi ích của chúng ta, và trong hội nhập phải chủ động, phải căn cứ thực lực và không thể không cảnh giác, không thể quên đấu tranh, phải nên nhớ hội nhập mà không hòa tan". Tuy nói như thế, nhưng cuối cùng bài viết cũng phải thú nhận rằng:" Nếu không tranh thủ được những cơ hội do toàn cầu hóa mang lại, dù là toàn cầu hóa do chủ nghĩa tư bản chi phối nhu ngày nay, thì chúng ta không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội được". Cơ hội đó đã xảy ra ngày 13/7/2000 sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết hiệp ước thương mại giữa hai nước.

Và cuộc tranh thủ của Việt Nam là thực hiện "toàn cầu hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Và hiện tại là đất nước đã không thay đổi bao nhiêu, hay thay đổi theo chiều nghịch tạo ra khoảng cách giữa giàu-nghèo càng cách biệt và người nghèo càng nghèo hơn theo thời gian. Quả thật vậy, sau hơn tám năm áp dụng hiệp ước thương mại Mỹ-Việt, hiện tại vẫn còn quá nhiều phức tạp và rào cản trong thủ tục, nguyên tắc, luật lệ mà phía Việt Nam phải còn mất nhiều thời gian mới có thể thẩm thấu được "cuộc chơi của thế giới".

Với cung cách suy nghĩ trên cộng thêm tâm khảm của một não trạng nghi ngờ, mặc cảm phải tỏ ra chủ động và hội chứng chếch choáng hơi khói chiến tranh vẫn còn đâu đây, làm sao Việt Nam có thể hội nhập vào cộng đồng thế giới và tạo được một sự thông cảm toàn diện và đồng thuận ở cả hai mặt chính quyền và người dân như trường hợp của nước Đức ngày hôm nay.

Thay lời kết

Từ đây, trong giờ phút nầy, Việt Nam vẫn còn kịp thời gian để điều chỉnh phát triển qua các đề nghị sau:

- Việt Nam cần phải hội nhập và nói cùng một ngôn ngữ với thế giới. Sự tiến bộ và phát triển hài hòa trong mọi lãnh vực để phục vụ phúc lợi cho người dân ở các quốc gia tiên tiến là đúc kết của mọi tập hợp trí tuệ trên thế giới. Do đó không có tự ái dân tộc nào không cho phép chúng ta dùng những kết quả thực tiển ấy để ứng dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Phủ nhận điều trên tức là tự đưa tương lai dân tộc vào bóng đêm của sự tụt hậu.

- Phát triển quốc gia và ô nhiễm môi trường là hai yếu tố có liên hệ hữu cơ chặt chẻ, không còn là vấn đề của từng quốc gia riêng rẽ nửa. Không khí ô nhiễm của các nhà máy sản xuất ở Vân Nam – Trung Quốc – đã di chuyễn đến tận Hoa Kỳ. Do đó sẽ không có một qui luật riêng biệt nào  áp dụng cho mỗi quốc gia cả, mà mọi nước phải theo một qui luật liên đới toàn cầu. Và Việt Nam sẽ không thể là một ngoại lệ! Chấp hành qui tắc chung của thế giới để phát triển hài hòa cho đất nước là con đường tối ưu phải đi. Không thể nào vì muốn có thêm ngoại tệ nặng để trang trải ngân sách thiếu hụt mà phải khai thác tận cùng nguồn tài nguyên đất đai, sử dụng thuốc sát trùng và phân bón hóa học một cách vô trách nhiệm ... để mang đến kết quả sau cùng là người dân phải chịu thêm tình trạng khan hiếm nguồn nước và ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Chúng ta đã nghe nhiều tin tức về chất độc màu da cam (chứa độc tố dioxin) trong thuốc khai quang mà Hoa Kỳ gieo rắc trong thời gian chiến tranh Việt Nam.  Hiện tại, chúng ta lại tự nguyện tiếp tục vung rãi DDE, DDT..., các chất hóa học độc hại dưới mọi hình thức của thuốc sát trùng, diệt cỏ dại, diệt sâu bọ ... lên mãnh đất thân yêu Việt Nam. Các loại hóa chất trên có cùng một ảnh hưởng tác hại trên con người tương tự như dioxin. Đây có phải là một hình thức đúng đắn mang lại phúc lợi cho người dân hay đưa dân tộc vào con đường tự diệt?

- Đối với các qui luật về quản lý môi trường, đất, nước, không khí...đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới cũng như các định mức về ô nhiễm  đang được các nước chấp hành nghiêm chỉnh, Việt Nam cần tuân thủ các luật lệ trên để tránh khỏi bị tụt hậu ngay cả về phát triển kinh tế quốc gia cùng phúc lợi cho người dân. Từng bước học hỏi và chấp hành các qui luật trên hầu tìm biện pháp giải quyết thích ứng cho từng vấn nạn đặc biệt của đất nước nhất là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Thay vì tiếp tục kêu gào trên báo chí, kêu gọi sự giúp đở của thế giới, cần nên tập trung trí tuệ hiện có và các phương tiện khả thi của chính mình để lần lần tháo gở các vấn nạn trên.. Có làm được như thế dân trí sẽ tăng trưởng dần và người dân sẽ là những trợ lý đắc lực để giúp chính quyền lần lần hoàn chỉnh quy trình phát triển quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam.

- Việt Nam đang có nhiều lợi điểm: - lực lượng lao động còn non trẻ và có khả năng thích ứng với thị trường sản xuất, - kinh tế/kỹ nghệ đang phát triển và đang cần được phát triển mạnh, - nhu cầu của người dân còn quá lớn so với mức sản xuất của quốc gia. Từ ba lợi điểm căn bản trên, bất cứ quốc gia có kỹ thuật cao nào cũng đều muốn đầu tư vào để trục lợi. Do đó cần cân nhắc đắn đo mọi đề xuất để có một phương án chung hài hòa cho điều kiện Việt Nam, tránh trùng lấp và giảm thiểu mọi tác hại đến mức tối đa. Mặc cảm bị ngoại quốc khai thác cũng như rụt rè trong quyết định....sẽ làm cho đất nước mất cơ hội thu ngắn sự cách biệt giữa  phúc lợi quốc gia so với các nước trên thế giới. Chấp nhận đầu tư bừa bãi không cân xứng với nhu cầu quốc gia và không theo qui luật chẳng hạn như  phát triển không đồng bộ về du lịch, khách sạn, giải trí ...sẽ không mang lại phúc lợi cho đại đa số mà ngược lại, chỉ làm tăng thêm hố cách biệt giữa các tầng lớp dân chúng trong nước.

- Từ những hợp tác quốc tế và đầu tư, Việt Nam dần dần tạo được một đội ngủ thợ chuyên môn có tay nghề cao, một tầng lớp chuyên viên kỹ thuật và quản lý đầy kinh nghiệm sẳn sàng thay thế sự hiện diện của các chuyên gia ngoại quốc. Tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến, hấp thụ các công trình công nghệ cao và sạch.... là con đường ngắn nhất để đem đất nước đi vào thịnh vượng đáp ứng với các định luật phát triển bền vững toàn cầu.

- Rốt ráo hơn nữa, Việt Nam hiện tại đang ở giữa ngã ba đường trước các cực kinh tế – quân sự có ảnh hưởng gián tiếp hay trực tiếp lên vận mạng đất nước như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn, Úc châu, Ân châu, và thế giới Hồi giáo....Mỗi cực đều có không nhiều hay ít lý do liên quan đến Việt Nam. Không một quốc gia nào trên thế giới có thể tự nhận hoàn toàn độc lập và không liên hệ đến thế giới bên ngoài. Ngay cả hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hiện tại, Hoa Kỳ có còn hoàn toàn miễn nhiễm về bịnh sốt rét và lao phổi như đã từng công bố cách đây mấy chục năm không? Trung Quốc cuối cùng rồi cũng phải dọn con đường mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài để hội nhập vào cộng đồng quốc tế, chấm dứt giai đoạn dài bế quan tỏa cảng làm cho đất nước bị trì trệ trong một thời gian dài. Người Việt với truyền thống hiền hòa và dễ tha thứ sẽ sẳn sàng kết hợp lại để cùng đưa đất nước đi tới nếu chính quyền thực sự tỏ quyết tâm mang niềm tin đến cho người dân. Muốn được như thế việc điều hành quốc gia phải  có tính xuyên suốt – transparency- và mọi người dân đều phải được cư xử bình đẳng với nhau căn cứ theo luật lệ hiện hành. Bất cứ ngoại lệ nào rồi cũng đưa đất nước đến xáo trộn, bất ổn. Sự trong sáng trong báo cáo chính thức, thành thật trong thống kê sẽ là chất kết  dính để tạo ra sự đoàn kết dân tộc trong bất cứ tình huống nào. Làm được như thế, Việt Nam có thể biến cải các yếu điểm của mình về kỹ thuật, nguồn vốn, đội ngủ công nhân chuyên môn non tay nghề...thành nguồn trợ lực chính thúc đẩy phúc lợi cho người dân trong nước với vận tốc nhanh hơn.

Với thành tích đi giây giữa các đối cực quân sự trong quá khứ, Chúng ta hy vọng Việt Nam thêm một lần nữa có những quyết định khôn ngoan trước xu thế phát triển toàn cầu hiện tại. Phát triển quốc gia đúng đắn, mang lại phúc lợi thực sự cho người dân đòi hỏi một quyết tâm sáng suốt và nghiêm chỉnh. Mọi vấn nạn môi trường ở Việt Nam hiện tại đang đi dần đến mức bế tắc gần như vô phương cứu chữa, và người dân sẽ khó chấp nhận trong tương lai nếu còn thấý những sữa sai về chính sách phát triển quốc gia sai lầm nữa.

Nhìn lại 33 năm qua, Việt Nam tuy đã có một số tiến bộ trong việc xây dựng và phát triển quốc gia nhưng chưa đủ mau và mạnh so với nguồn nhân lực, tài nguyên và công nghệ hiện có.  

Nhìn lại 33 năm qua, Việt Nam vẫn còn những cảnh mua bàn trẻ em, cô gài trên Ebay hay trình bày trần truồng trước người ngoại quốc.

Nhìn lại 33 năm qua, Việt Nam vẫn còn đang mờ mịt trước hiễm họa do đàn anh nước lớn Trung Quốc mang đến qua việc mất Hoàng Sa, Trường Sa, Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, và vùng hải phận Bắc Việt.

Nhìn lại 33 năm qua, Việt Nam với mức lợi tức đầu người là 550 $US năm 2007, so với 2.550 của Thái Lan, 24.850 của Singapore,  cũng đủ để chúng ta hình dung mức phát triển của Việt Nam như thế nào rồi?  

Có phải vì những đắn đo, dằn co nội bộ trong chính sách tiếp cận xu thế toàn cầu hóa không? Hay vì quan niệm quốc gia cực đoan và mặc cảm trước đàn anh nước lớn Trung Quốc?

Phát triển quốc gia mà không đi kèm với quản lý và kiểm soát môi trường sẽ đưa Đất Nước đến tình trạng kiệt quệ về tài nguyên và môi trường thoái hóa.

Phát triển quốc gia mà không đi kèm với việc thực hiện dân chủ hoá và nhân quyền hoá sẽ đưa Đất Nước kề cận với nạn diệt vong.


Vì, khi cánh cửa dân chủ chưa mở ra được thì tất cả tài nguyên, tài sản quốc gia sẽ tích luỹ trong tay của một nhóm thiểu số, do đó, phúc lợi xã hội sẽ không được chia sẻ đồng đều và công bằng theo nhu cầu của xã hội. Và chính điểm nầy mới là bế tắc cần phải tháo gở của Việt Nam hiện tại.

Thời gian không cho phép Việt Nam chờ đợi một hướng đi nào khác hơn được nữa.

Mai Thanh Truyết
Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VAST)
Xuân 2009
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 866 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 8
Khách: 8
Thành Viên: 0