Chợ
Tết ngày xuân được các nhà báo trong nước ghi nhận những gì, Nam Nguyên
lên mạng đọc các bài báo đáng chú ý và trình bày cùng quí vị.
Vội vã mua sắm cận Tết
Suy thoái kinh tế, khủng hoảng
tài chánh toàn cầu làm cho thị trường Tết ở VN cũng diễn biến khác thường. Thị
trường Tết khởi động chậm và chỉ cải thiện từ sau ngày Ông Táo về trời. Dù khó
khăn dù kiệm ước, mỗi người mỗi nhà vẫn chuẩn bị đón Tết theo khả năng của
mình. Nếu như hai tuần trước Tết thị trường còn ảm đạm với những dự báo kém phấn
khởi, thì từ 25 Tết sức mua đã tăng đáng kể. Một nữ công chức về hưu ở Saigon mô
tả cảnh người dân vội vã mua sắm trong ngày 28 Tết:
Rõ
ràng là sau một chuỗi ngày có thể nói là hơi ế ẩm của các siêu thị về mua sắm Tết,
thì kể từ hôm 25 Tết các siêu thị rất đông.
Ông Trần Văn Quân, cư dân
TP.HCM
“Cứ nói rằng thì người ta
không mua không sắm, nó cũng có kém thật, nhưng rồi đến giờ cuối cùng người ta
cũng nhào vô, cũng phải mua sắm chứ người ta cũng không có nhịn được đâu. Sáng
nay ai cũng quýnh quáng lăn xả vào chen lấn đây nè. Làm như là đầu tiên người
ta nghĩ là người ta không có tiền người ta hà tiện nhưng mà sau rồi cuối cùng
chịu không nổi với ngày gần Tết bây giờ cũng quơ quào cũng lăn xả ra mua”
Ông Trần Văn Quân cũng là thị
dân TP.HCM từng nghĩ là mùa Tết này thị trường quá trầm lắng, nhưng nay cũng thấy
sự thay đổi mua bán nhộn nhịp hẳn lên trong những ngày giáp Tết:
“Rõ ràng là sau một chuỗi
ngày có thể nói là hơi ế ẩm của các siêu thị về mua sắm Tết, thì kể từ hôm 25 Tết
các siêu thị rất đông. Hàng kim khí điện máy thì ‘cháy hàng’ TV LCD lúc trước
giảm giá rất nhiều bây giờ đã lên trở lại và không có hàng để bán. Còn siêu thị
thì dòng người xếp hàng chờ tính tiền nghẹt cứng. Riêng tôi muốn vào mua một ít
đồ để tổ chức tất niên cho gia đình nhưng không thể nào chen vào được, phải ra
ngoài mua với giá đắt hơn. Thí dụ bia Heineken giá siêu thị 307 ngàn 1 thùng
tôi phải mua 330 ngàn ở ngoài. Hy vọng việc mua sắm gia tăng sẽ giúp kích thích
nền kinh tế TP.HCM.”
Ở Hà Nội, Vietnam Net ghi nhận
rằng, mặc dù mãi lực đã bừng tỉnh và tăng tốc nhanh theo từng ngày nhưng tính tổng
thể các nhà bán lẻ năm nay vẫn kém vui. Theo nhà báo, lý do là tuy sức mua đang
tăng mạnh nhưng thời điểm mua sắm nóng lên quá ngắn nên ngay cả người lạc quan
như ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long, cũng dự báo mãi lực
cả đợt Tết năm nay kém năm trước. Tình trạng chậm lương đợi thưởng, được cho là
nguyên nhân khiến cho phải đến cận Tết thị trường mới nóng lên được.
Vẫn theo Vietnam Net, ngoài
việc khởi động muộn thị trường Tết năm nay còn đánh dấu xu hướng nổi bật. Đó là
người dân thích sắm Tết trong siêu thị và chuyển hướng sang hàng Việt. Theo đó người
tiêu dùng chọn siêu thị vì năm nay lần đầu tiên hệ thống này cạnh tranh hiệu quả
với các chợ truyền thống về mức độ ổn định giá cả. Ngoài ra mua hàng ở siêu thị
người ta cảm thấy yên tâm hơn về nguồn gốc xuất xứ cũng như về vệ sinh an toàn
thực phẩm.
Tờ báo điện tử đã không cho
biết toàn bộ hệ thống siêu thị ở VN chiếm lĩnh thị phần là bao nhiêu, trong khi
các chợ truyền thống vẫn còn là nơi mua bán của số đông người VN.
Phá sản, thất nghiệp
Những ngày sát Tết, không khí
rộn ràng hẳn lên, nhưng trong muôn ngàn hộ gia đình, có những cảnh nhà mùa xuân
ngang qua trong xót xa. Tình trạng hàng chục ngàn công ty doanh nghiệp phá sản,
ngừng hoạt động ngay trong tháng Chạp âm lịch làm cho công nhân nhập cư bị mất
việc. Ông Văn Hoàng một cán bộ nghỉ hưu ở Saigon nhận xét:
“Thành phố bây giờ vắng rồi,
những người thất nghiệp họ về (quê) trong tâm trạng tội lắm vì tiền bạc không
có. Báo chí phản ánh cũng cảm động lắm người ta chờ ở bến xe…có người cả gia
đình vợ chồng con cái…Có một cô nói rằng thà về quê với mẹ bắt ốc hái rau chứ
không mong trở lại thành phố tìm việc nữa phi phỏng lắm. Lại nữa các công ty đối
xử với công nhân cũng mạnh tay lắm.”
Siêu thị và hàng Tết
Tại TP.HCM, Báo Tuổi Trẻ đưa
tin, từ 26 Tết thị trường nóng lên nhưng giá cả có xu hướng ngược lại, khi hàng
loạt công ty đưa thêm hàng vào thị trường kèm theo chương trình giảm giá. Các
siêu thị dự báo sức mua sẽ tăng 50% so với tuần lễ trước, nhưng đặc biệt năm
nay các siêu thị tồn trử nhiều hàng không sợ thiếu và các chương trình giảm giá
được duy trì.
Tại Đà Nẵng, vẫn theo báo Tuổi
Trẻ, thị trường Tết ở thành phố lớn nhất miền Trung này cho đến ngày 26 Tết vẫn
trầm lắng. Siêu thị Metro, Big C, Bài Thơ, ban ngày người mua vẫn thưa thớt, chỉ
đông về chiều và đêm. Tình hình ở các chợ lớn như chợ Cồn, Chợ Hàn và chợ Đống
Đa cũng chưa tấp nập. Chợ Hoa Xuân Đà Nẵng trước tượng đài 29/3 người bán và lực
lượng vận chuyển nhiều hơn người mua.
Ngày Xuân đón Tết ở VN, mỗi
gia đình bao giờ cũng có chưng cành mai cành đào, các loại hoa tươi đầy mầu sắc.
Nữ cư dân TP.HCM nhận xét là hoa quí thì đắt và ít hơn mọi năm:
Thành
phố bây giờ vắng rồi, những người thất nghiệp họ về (quê) trong tâm trạng tội lắm
vì tiền bạc không có… Có một cô nói rằng thà về quê với mẹ bắt ốc hái rau chứ
không mong trở lại thành phố tìm việc nữa phi phỏng lắm.
Ông Văn Hoàng, cán bộ nghỉ hưu ở Saigon
“Mai thì rất hiếm, đào thì
có nhưng mà phải từ ba, bốn trăm ngàn tới một triệu đồng thì có thể có một cành
đào xem ra lịch sự rồi. Hoa gì cũng đắt lắm, tôi mới ra chợ toàn vạn thọ không
à (cười).”
Vùng sông nước Cửu Long
Ở miền quê vùng sông nước Cửu
Long, đa số nông dân đón xuân với nỗi buồn của vụ lúa Hè Thu tuy được mùa nhưng
lúa không bán được:
“Theo tôi thấy chắc năm nay
ăn Tết bèo bọt lắm. Bởi vì nông dân vướng vào vụ lúa tụt giá ai cũng lỗ nặng hết.
Thường năm sắp tớiTết chợ búa đông người, còn năm nay tôi thấy là những chợ huyện
như chỗ tôi vắng hoe . Nông dân năm nay tiền ăn Tết chắc không có, ăn Tết không
được xung như những năm trước đâu.”
Tuy vậy cũng có một số gia
đình nông dân ở Phước Long Bạc Liêu, U Minh Cà Mau lại ăn Tết lớn nhờ trúng lúa
trồng dưới ao tôm theo mô hình gọi là ‘con tôm ôm cây lúa’, trồng lúa luân canh
với nuôi Tôm . Báo Tuổi Trẻ Online ngày 28 Tết đưa tin, nông dân ở những vùng
nuôi tôm thất bại cay đắng nhiều năm, nay bà con trồng lúa ngay dưới những ao
tôm vừa nói và trúng mùa với giống lúa mang tên ‘Một bụi đỏ Hồng Dân’. Giống
lúa mùa này cho năng suất cũng khá mỗi Ha được 4,5 tấn, trừ chi phí lãi ròng
hơn 12 triệu đồng. Nhà báo còn ghi nhận trường hợp ông Hai Cần ở Cái Nước Cà
Mau sử dụng 12.000m2 ao tôm trồng lúa và thu hoạch hơn 320 giạ lúa bán được 20
triệu đồng, lãi ròng 15 triệu vào thời điểm trước Tết 2 tuần.
Ngày 27 Tết Thanh Niên Online
nhắc nhở người dân vui xuân an bình qua thông điệp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
Theo đó văn phòng WHO tại Hà Nội cảnh báo rằng, Tết cổ truyền của người Việt
cũng là thời điểm gia tăng các nguy cơ đe dọa sức khoẻ cộng đồng, trong đó đáng
lo ngại nhất là cúm gia cầm, ngộ độc thực phẩm và tai nạn giao thông. Mục tiêu
của WHO là đảm bảo rằng tất cả người dân VN nhận thức được các nguy cơ đang gia
tăng này và có những hành động thích hợp để giữ an toàn và sức khoẻ.
Đọc báo trên mạng kỳ cuối năm
Mậu Tý đến đây là kết thúc. Nam Nguyên thân chúc quý thính giả và các bạn nghe
đài một mùa xuân an bình.