Thứ Hai, 2025-01-06, 8:23 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 25 » Lao động nghèo đón Tết ra sao?
6:36 AM
Lao động nghèo đón Tết ra sao?

 

 
 
Chợ hoa Tết ở Hà Nội


Năm nay Việt Nam ăn Tết ra sao? Hãng tin AFP viết bài kể về hoàn cảnh khó khăn của một phụ nữ bán hàng rong, khi cả con trai và con dâu bị nghỉ việc, do hãng xưởng ngưng sản xuất.

Báo điện tử Vietnam Net tới thăm chợ người ở đầu cầu Mai Động, khi công việc khan hiếm trong năm đã khiến cho dân ‘cửu vạn’ ngạc nhiên. Một số người tính đi ăn xin để có đủ tiền tàu xe về quê.

Còn Vnexpress.net chụp bộ ảnh miêu tả người Hà Nội tranh nhau mua giò chả, bánh chưng tại một cửa hàng phố Hàng Bông. Tờ báo điện tử cũng đưa tin về chợ hoa Tết tại đường Nguyễn Huệ ở tp Hồ Chí Minh.

AFP kể về Tết ở Hà Nội

Ngồi gọn trên hè phố đông người qua lại ở Hà Nội là một phụ nữ bán hàng rong. Bà Lan, 43 tuổi, có ba người con. Trông bà khá tiều tụy. Gánh hàng của bà bán hạt dẻ và lạc luộc. Nói chuyện với phái viên AFP, bà Lan kể lại:

“Con dâu của tôi vừa mất việc tại xưởng may ở tp Hồ Chí Minh. Đứa con trai nói ăn Tết xong nó không vào lại trong đó, vì công việc dạo này ít, lương trả thấp, không đủ sống.”

"Cuộc sống ngày thêm khó khăn vì cái gì cũng đắt.”

Đường phố Hà Nội có vẻ tấp nập hơn trong những ngày cuối năm.
Tết là dịp các thành viên của gia đình đoàn tụ, đi thăm mộ, tặng quà, cho tiền lì xì. Hay tới chùa để xin quẻ may mắn trong năm mới.

Nhiều nút giao thông bị tắc ngẽn khi các tốp xe máy nối đuôi nhau chở đồ ăn Tết. Như thực phẩm, bia rượu, cành đào, chậu quất. Hai thứ sau là vật tượng trưng cho lộc và tài trong năm mới.

Đó là trên mặt phố. Bước chân vào cửa hàng, người ta không thấy sự nhộn nhịp như hàng năm. Nguyễn Thụy Hương, chủ tiệm thời trang, than phiền doanh thu của cô giảm 30 phần trăm. Đã thế người mua còn trả giá lên xuống. Theo cô kể từ đầu năm ngoái, cuộc sống trở nên khó khăn hơn.

 Tết ở Việt Nam
Ai cũng muốn có một cái tết xum vầy và sung túc, dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn

Bà Lan, người bán hàng rong, nói tuần trước, người con trai 23 tuổi của bà gia nhập đội quân tìm việc thời vụ ở chợ người. Theo bà, anh ta buộc phải làm bất cứ việc gì để có tiền. Còn con dâu bà chấp nhận ở quê coi nhà cửa, ruộng đồng. Gánh hàng rong giúp bà kiếm được khoảng 35 nghìn đồng mỗi ngày.

Vietnam Net thăm chợ người

Những ngày cuối năm tại chợ người đầu cầu Mai Động, theo phái viên báo điện tử Vietnam Net, dân làm thuê đã giảm đi rất nhiều.

Còn khoảng 10 người nấn ná chưa chịu đi. Một số người đã bỏ về quê trước đó. Những người còn lại đi tìm việc trong hoàn cảnh công ăn việc làm đang lúc khó khăn. Người mong kiếm thêm chút tiền để mua quà cho con, người khác nói họ chỉ cần đủ tiền mua vé xe là lên đường về nhà ngay lập tức.

Dù những người này chỉ mong công việc lặt vặt quanh chợ hoa Kim Ngưu, như vác hộ cành đào, bưng giùm chậu quất, công việc sao mà hiếm. Có người so sánh được ai đó chở đi chỉ để sai vặt thôi là tương đương với trúng số.

Một thanh niên tên Thu tâm sự: “Thèm về nhà ăn Tết quá. Nhìn thấy người ta mua sắm nhớ nhà lắm. Cả năm có mỗi dịp này là gia đình xum họp đầy đủ. Nhưng về nhà cũng phải mua cho con gái đôi dép, cái kẹp tóc chứ chả nhẽ lại về tay không.”

Đối với Thu ngay cả tiền xe cũng chưa có, làm sao có tiền để mua quà cho con.

 Ông đồ viết câu đối
Ông đồ viết câu đối, nét truyền thống vẫn được gìn giữ tại Việt Nam

Một người tên Dũng, chỉ mong kiếm mấy chục ngàn để mua vé tàu xe. Và mấy ngày qua anh chưa có việc. Anh tâm sự: “Suốt mười năm làm việc ở đây, chưa bao giờ ít việc như năm nay”.

Việc hiếm, trong khi chi phí sinh hoạt chốn đô thành gia tăng. Thì những người nghèo tìm cách cắt giảm chi phí. Thay vì ngày ăn ba bữa, giờ họ ăn hai. Và đi ngủ đường. Hai biện pháp này cũng tiết kiệm cho họ được 20 ngàn đồng mỗi ngày.

Đến 29 Tết, dù kiếm được tiền hay không, tất cả mọi người đều phải về quê. Đây là tục lệ bắt buộc, vì cái Tết mang nhiều ý nghĩa đối với họ. Năm ngoái một số người kiếm được kha khá. Năm nay ai cũng nghèo hơn, đã thế việc lại hiếm. Tiền không có, có người tính đến cách đi ăn xin.

Vnexpress phóng sự bánh chưng

Trong hình ảnh tái hiện lại thời bao cấp, báo điện tử Vnexpress.net đăng chùm ảnh người Hà Nội xúm nhau mua bánh chưng bên ngoài một cửa tiệm giò chả ở phố Hàng Bông.

Cảnh chen lấn, xô đẩy khi mua các mặt hàng khan hiếm, như đường sữa, muối, gạo, hay xảy ra dưới thời bao cấp. Kể từ khi Việt Nam đối mới, và nhất là trong năm, mười năm trở lại đây, kinh tế thị trường hầu như giải tỏa những thắt nút cổ chai trong việc sản xuất và phân phối, hàng hóa dồi dào hơn, người dân hầu như quên mất cụm từ này.

Nhưng khi hàng khan hiếm, người Hà Nội nhất định không quên kỹ năng thời xa xưa, đó là không cần xếp hàng, chỉ dùng chen lấn để mua bánh chưng.

Khoảng chục người, mặc áo dày để tránh giá rét mùa đông, tay cầm tiền lăm lăm, bủa vây một chiếu bánh chưng, trải ra ngay trên vỉa hè, xung quanh người xe qua lại như mắc cửi.

 Sung túc đồ vật ngày Tết
Nhà nào cũng mua sắm để có cảm giác đầy đủ, hy vọng năm mới sẽ may mắn

Từng bao tải bánh chưng được kéo nhanh trên xe xuống. Dù mỗi chiếc giá 50 chục ngàn, bánh bán khá chạy. Có người phải đợi 10 phút mới ‘may mắn’ chạm được vật được coi là ‘thần kỳ’. Mọi việc ầm ĩ như ‘mổ bò’ diễn ra ngay trên hè phố.

Giò chả được bán bên trong cửa hàng. Người mua đông nghịt. Lối vào, lối ra không có, mạnh ai người nấy ‘tả’, cảnh tượng hỗn độn.

Có tới năm cô bán hàng mà cũng chẳng giúp được bao nhiêu. Khách hàng được một phen chen lấn, thúc huých, áp tải, gầm ghè, nhằm đạt được sớm nhất mục đích của mình.

Mỗi năm chỉ có một lần, vả lại 28 Tết rồi, không mua thì lấy gì ăn.
(Nhưng mà ngày thường có ai thèm giò chả đâu?)

Vâng, đó là cái Tết ở Việt Nam. Bộ ảnh cho thấy cái gì cũng phải đông, vui, chen chúc nhau, thì mới gọi là Tết.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 709 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0