Bùi Tín
Giáp Tết, mọi người thường thanh toán hết nợ nần. Kẻo dông cả năm. Điềm không hay cho cả người mắc nợ lẫn người chủ nợ.
Sắp vào năm Kỷ Sửu, ở quê nhà, người lao động ăn lương, lương của chủ
tư bản và lương của chủ nhà nước, đều ráo riết đòi nợ. Từ Sàigòn, Bình
dương, Vũng tàu qua Nha trang, Đà nẵng, ra đến Hà nội, Hải phòng, hàng
chục vạn lao động không có tiền sắm Tết vì chưa có lương. Nhiều thợ
may, thợ khâu giày, thợ mỏ, thày cô giáo bị thiếu 1, 2 tháng lương, bị
quịt cả tiền thưởng cuối năm. Thời buổi khó khăn tài chính, khủng hoảng
tiền tệ ngân hàng, nghịch cảnh bất công: "người xài không hết, kẻ lần
không ra", giới cầm quyền càng cao càng giàu sụ, hơn lúc nào hết phơi
bày một chế độ đối lập với nhân dân và dân tộc, một nền chuyên chính
không có tương lai.
Ngày Tết này, nhân dân lương thiện cất tiếng đòi nợ.
Có những món nợ cực lớn, cực kỳ hệ trọng, chủ nợ là Quốc gia, Đất nước,
Toàn dân. Kẻ mắc nợ là giới cầm quyền, mà đại diện là 15 nhân vật trong
bộ chính trị đảng Cộng sản hiện tiếm toàn quyền thống trị nước ta bằng
nền chuyên chính đảng trị.
Đúng ngày Mồng Một Tết Kỷ Sửu này, toàn dân ta hãy cùng nhau yêu cầu
công khai đích danh những kẻ mắc nợ phải trả lời về một số món nợ lớn
cấp bách sau đây .
Vụ án tham nhũng PCI (Pacific Consultant Institute), một vụ án tham
nhũng lớn xảy ra từ những năm 2003, 2004, liên quan đến Sở Giao thông
vận tải Sàigòn, uỷ ban hành chính Sài gòn, bộ giao thông vận tải và bộ
kế hoạch đầu tư ở Hànội, bị chính phủ Nhật bản phát giác từ tháng
7-2008, thông báo cho Bộ ngoại giao Hànội từ giữa tháng 8-2008. Phía
Chính phủ Nhật đã khẩn trương tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ,
truy tố 4 bị cáo, mở phiên toà xét sử và kết án 4 tội phạm. Phía Nhật
bản đã thông báo rõ nghi can về phía Việt nam là Huỳnh Ngọc Sỹ một cán
bộ cao cấp của ngành giao thông, bị tố cáo nhiều lần nhận tiền hối lộ,
lên đến hơn 2 triệu 6 đôla Mỹ, yêu cầu phía Việt nam phối hợp khẩn
trương làm rõ vụ án này.
Phía Việt nam đã làm gì? Cho đến cuối tháng 11, trong suốt hơn 3 tháng,
hơn 100 ngày, phía Việt nam gần như bất động, cấm báo chí nói đến tên
vụ PCI, cấm nói đến tên Huỳnh Ngọc Sỹ, lại còn yêu cầu phía Nhật không
làm to chuyện, còn làm cho dư luận thế giới hiểu sai rằng những chứng
cứ phía Nhật đưa ra là không đủ, không có cơ sở.
Thế là phía Chính phủ Nhật nổi giận một cách rất chính đáng, đến mức
thủ tướng Nhật chí thị cho Đại sứ Nhật ở Hànội tuyên bố giữa cuộc hội
nghị hàng năm về cấp vốn hỗ trợ phát triển (đầu tháng 12-2008, tại
Hànội) rằng chính phủ Nhật quyết định đình chỉ tức thời việc cấp tiếp
900 triệu đôla ODA, cho đến khi nào vụ PCI được làm rõ. Đây là một quả
bom ngoại giao giữa Hànội. Bốn dự án lớn bị đình hoãn không thời hạn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải hứa trước Quốc hội rằng chính phủ "sẽ
khẩn trương và nghiêm khắc xử lý vụ này", đồng thời ông Nguyễn Minh
Triết cũng phải hứa như vậy với thủ tướng Nhật khi gặp ở thủ đô Lima
của Pêru. Hứa để ỳ.
Hơn một tháng trôi qua, chính quyền Hànội vẫn bất động. Báo chí Nhật
trái lại tỏ ra rất nôn nóng, sốt ruột. Ông Huỳnh Ngọc Sỹ chỉ bị đình
chỉ công việc. Chính quyền Hànội vẫn không đưa một chi tiết nào thêm,
không mảy may cho biết ông ta nhận hay không nhận, nhận đến mức nào sai
lầm tội lỗi, và có một ai khác liên quan hay không. Báo chí vẫn bị khoá
chặt mồm, không được nói gì đến vụ PCI và tên bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ. Vỉa
hè Sài gòn chỉ bàn tán rằng ông Lê Thanh Hải, bí thư thành uỷ, uỷ viên
bộ chính trị là quan thầy cũ của Huỳnh Ngọc Sỹ , cũng là thông gia với
ông Sỹ. Dư luận vỉa hè đưa tin ông Hải suýt bị mất chức tại hội nghị
trung ương 9, vì liên quan đến vụ PCI, nhưng sau đó ông ta khoe rằng vị
trí ông ta vững như bàn thạch, vì được ông tổng Mạnh che chở (!).
Những ngày Tết này, vụ PCI lại đang nổi lên trong dư luận Nhật bản. Thì
ra món nợ của ông Dũng đối với quốc hội Hànội, báo chí Nhật đang gõ cửa
đòi nợ hộ. Cả báo Asahi Shimbun và báo Yomiuri Shimbun đều nhắc đến lời
hứa của chính quyền Hànội là sẽ "khẩn trương" xem xét, khởi tố và xét
sử vụ án lớn này. Họ chờ từng ngày.
Họ đặt vấn đề là Việt nam từng hứa xây dựng nền pháp trị công bằng, đề
cao luật pháp mà sao làm việc tệ hại, lờ đờ, vô trách nhiệm đến thế. Họ
viện dẫn ra "thể lệ quốc tế " về ODA (Official Development Assistance)
- Nguồn Hỗ trợ Phát triển Chính thức - là nguồn hỗ trợ của chính phủ
cho chính phủ, cho vay dài hạn theo lãi xuất cực thấp, có khi không
tính lãi, thời gian kéo dài 10 đến 20 năm hay dài hơn nữa; nhiều khi
được xoá nợ, thành ra vốn ODA gần như là giúp không. Với Việt nam, ODA
từ Nhật là lớn nhất. Thể lệ ODA rất chặt, đề phòng rò rỉ, rơi vãi do
tham nhũng của các bên. Công luận nước cấp ODA đòi hỏi rất nghiêm, đặc
biệt là ở Nhật vì họ quen sống theo luật, vì đó là tiền đóng thuế của
công dân, là mô hôi nước mắt của người lao động. Thể lệ quy định rõ khi
chi tiêu, thanh toán không minh bạch thì bị cáo ở bất cứ cấp nào sẽ bị
xét sử nghiêm minh, và khi chi tiêu không đúng mục đích, nuôi dưỡng
tham nhũng lớn thì nước cấp hỗ trợ có thể đòi chính phủ nước được hỗ
trợ bồi hoàn lại một phần hay toàn bộ số tiền hỗ trợ. Quyền lợi dân
nước hỗ trợ và dân được hỗ trợ đều được trọng.
Không phải không có lý do mà báo Nhật nhận xét rằng sao giới cầm quyền
Hà nội lại "non nớt và ấu trĩ đến thế", khi cả ông Dũng và ông Triết
đều yêu cầu ông nguyên thủ tướng Nhật Yasuo Fucuda đang thăm Hànội "ủng
hộ việc sớm nối lại nguồn chi viện ODA vừa bị cắt" . Hai ông này còn hý
hửng tỏ ra yên trí khi ông già Fucuda hứa hẹn suông; chả lẽ họ không
hiểu rằng khi ông Fucuda đã thôi không làm thủ tướng nữa thì ý kiến ông
ta chẳng còn trọng lượng nào. Muốn sớm có nguồn ODA từ Nhật, chỉ có một
cách lương thiện, sớm sủa nhất là đem ngay vụ PCI ra mà xử công khai và
nghiêm chỉnh theo đúng luật, như yêu cầu khẩn thiết của thủ tướng đương
nhiệm Taro Aso. Không có cách nào khác.
Báo chí Nhật cảnh báo, nếu như bộ chính trị ở Hànội vẫn cứ lờ đờ, ấm ớ,
mua thời gian, ỉm và tìm cách "khoanh" để đi đến bóp chết vụ này như vụ
PMU 18, như vụ Tổng cục 2, thì đó sẽ là một sai lầm lớn, "cái xảy nảy
cái ung", có thể bị vỡ mặt cả về mặt đối nội và đối ngoại, cả về chính
trị, kinh tế, tài chính và tiếp nhận đầu tư và viện trợ từ bên ngoài.
Báo chí Nhật lấy làm buồn cho báo chí Việt nam và công luận Việt nam
sao mà vô cảm đến thế, vì để cho ODA bị rút ruột, bao nhiêu công trình,
cầu cống, đường sá sẽ bị xuống cấp, gãy đổ, và sau này chính con cháu
các bạn sẽ phải nai lưng ra trả hết nợ đấy.
Nhân ngày Tết, bộ chính trị độc đoán hãy sòng phẳng trả ngay món nợ PCI
cho công luận Việt nam và cho Chính phủ Nhật bản. Hãy nhớ rằng trì hoãn
thêm chỉ vài tuần lễ là họ sẽ phải trả giá rất nặng nề về mọi mặt đấy.
Phía Nhật đã ngừng hỗ trợ 900 triệu đôla, sẽ có thể truy đòi cả 2 tỷ
đôla đã cho vay thì ông Dũng và ông Triết sẽ lấy đâu tiền ra bồi hoàn
người ta, theo đúng luật lệ hiện hành?
Ngoài món nợ lớn PCI đang nóng bỏng, còn món nợ PMU18 lưu cữu đúng 3
năm, còn món nợ Vụ án siêu nghiêm trọng Tổng cục 2 cỡ quốc gia, còn món
nợ nhượng đất và nhượng biển cho bành trướng Trung quốc ngày càng hiển
nhiên, không có cách gì cãi xoá được, đều là những món nợ công khai
minh bạch đối với xã hội cũng như đối với dư luận quốc tế.
Vì là ngày Tết, không tiện kể lể dài dòng, chỉ ghi tên các món nợ lớn
nhất để bà con ta trong và ngoài nước không quên, cứ túm áo họ từ đầu
năm cho đến khi nào họ trả lời cũng là trả nợ cho hết, cho trọn vẹn,
theo lẽ công bằng, văn minh, như họ vẫn hứa.
Bùi Tín
Ngày Tết Kỷ Sửu - 2009 Nguồn: Ý Kiến
|