Thứ Sáu, 2024-03-29, 8:09 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 26 » Hà Sĩ Phu – câu chuyện đầu năm
1:45 PM
Hà Sĩ Phu – câu chuyện đầu năm
DCVOnline phỏng vấn

DCVOnline – Ngay trước thềm năm mới Kỷ Sửu, chúng tôi điện thoại cho ông Hà Sĩ Phu, một gương mặt quen thuộc trong làng vận động dân chủ Việt Nam.

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những chủ đề rất hiền từ, thế nhưng cuộc điện đàm lại bị gián đoạn đến ba lần, mà không rõ nguyên nhân từ đâu.

Mặc dù đã tuổi, và “tự phê” là già rồi và trí nhớ bắt đầu kém đi, nhưng giọng nói của ông vẫn rất khoẻ và trong với những nụ cười đầy hào sảng.

Xin được giới thiệu đến quý bạn đọc DCVOnline toàn bộ cuộc trao đổi này.


DCVOnline: Tình hình của “mọi người” ở Đà Lạt hiện nay có gì lạ không ạ?

Hà Sĩ Phu: Đà Lại ít lâu nay chưa có sự cố gì, tình hình có nhiều nơi nóng hơn nên mọi người tạm thời được yên, thực ra thì vẫn được theo dõi kỹ lắm đấy, chưa có lúc nào được ra khỏi tầm ngắm của các “bạn dân” đâu.

DCVOnline: Từ nhiều năm nay, mỗi khi gần đến tết cổ truyền của dân tộc, bạn đọc khắp nơi lại được thưởng thức các câu đối tết của ông, cũng như các vế mời đối, và năm nay cũng thế. Phải chăng điều này đã trở thành thông lệ?

Hà Sĩ Phu: Vâng, tôi cũng có thói quen đó từ mười mấy năm nay rồi, cũng là từ cảm hứng của mình, nhưng có lẽ là cũng do yêu cầu của bạn bè nữa. Nếu mình quên là bạn bè lại nhắc ngay.

DCVOnline: Ông bắt đầu có sở thích làm câu đối từ lúc nào và từ duyên cớ nào?

Hà Sĩ Phu (Dalat)
Nguồn: diendan.org
Hà Sĩ Phu: Tôi đã trót xông vào con đường khoa học nên lúc còn làm việc cũng phải chuyên tâm làm công việc khoa học nên không có thời giờ, nhưng tôi vẫn có cái thú làm câu đối do từ nhỏ được các cụ dạy cho. Từ khi nghỉ hưu, nhất là từ khi bắt đầu viết văn và tham gia vào Hội Văn nghệ Lâm Đồng, cảm hứng này lại trở lại, đó là về mặt cá nhân.

Còn tình hình xã hội thì đúng là cũng có nhiều tâm trạng khiến cho mình bức xúc và tôi thấy câu đối là một phương tiện rất tốt để tôi trang trải lòng mình và trao đổi với bạn bè.

DCVOnline: Ông bắt đầu nghỉ hưu và tham gia viết văn vào năm nào?

Hà Sĩ Phu: Tôi bắt đầu tham gia vào Hội Văn nghệ Lâm Đồng do ông Bùi Minh Quốc làm hội trưởng từ năm 1987, còn chính thức về hưu thì đến tận năm 1993 tôi mới nghỉ hưu.

DCVOnline: Đối với bốn câu mời đối năm nay, ông đã tìm được “đối thủ” hay “đối tác” nào chưa?

Hà Sĩ Phu: Cũng đã có những câu anh em đối khá tốt. Nhất là năm nay tôi thấy có một điều hay là ngoài những bạn bè ở nước ngoài và những bạn vẫn quen viết lách về các vấn đề dân chủ, năm nay có những vị trí thức và các nhà khoa học ở trong nước từ xưa nay hầu như không lên tiếng về mặt câu đối mà mặt trận câu đối ở trong nước hầu như là chiếm lĩnh bởi toàn những câu mà chúng tôi gọi là “mừng đảng mừng xuân”, chả có tâm tư gì về thời cuộc cũng như không có trăn trở gì cả, thế nhưng đến năm nay lại khác.

Năm nay tôi mới đọc trên trang blog của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, thấy có câu đối rất hay của nhà toán học Văn Như Cương hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh.

DCVOnline: Câu đối đấy thế nào thưa ông?

Hà Sĩ Phu: Ông ấy lấy tứ năm chuột đi, năm trâu đến và vận dụng thành ngữ với ca dao rất tài. Một câu đối rất đơn giản.

Năm chuột đi, cháy nhà vẫn không ra mặt chuột.
Tết trâu đến, gảy đàn liệu có lọt tai trâu?

Tôi cũng có cảm hứng để trao đổi với ông Văn Như Cương câu đối của tôi như thế này, tôi xin đọc:

Chúng khẩu đồng tình, nhân lúc cháy nhà, ngàn tay chỉ sẽ ra mặt chuột
Bách thanh tương ứng, sau cơn nổi sấm, triệu đàn vang mới tỉnh tai trâu.

Câu đối của ông Văn Như Cương quan trọng ở chữ “không” và chữ “có”.

Cháy nhà mà vẫn không ra mặt chuột là bởi vì chuột này nó được lai với giống lươn ấy, gọi là biến hình bồ tát, cho nên cháy nhà rồi thì phải có hàng trăm hàng nghìn bàn tay chỉ vào mặt nó thì con chuột mới lộ mặt.

Việc ấy tuy khó nhưng xem ra việc làm cho chuột lòi mặt chuột vẫn còn là dễ vì thực ra nó cũng đang lòi mặt chuột rồi. Làm cho trâu biết nghe đàn mới thực là việc khó bởi vì nó là chuyện văn hoá, nó là chuyện lâu dài và chuyện khó. Người ta vẫn nói là cướp được chính quyền chứ ai nói là cướp được văn hóa đâu.

Không phải con trâu nó điếc đâu, như các cụ đã nói ấy mà, con trâu mà nó lười thì nó sáng tay họ nhưng chỉ điếc tay cày thôi. Cái tay con trâu này khi nói những điều hay lẽ phải thì nó… điếc. Một tiếng đàn cầm chắc là nó cứ lờ đi, phải cả triệu tiếng đàn vang lên thì may ra con trâu nó mới buộc phải nghe thấy.

DCVOnline: Quay trở lại với bốn câu mời đối của ông nhân năm Kỷ Sửu sắp đến, cho đến nay ông đã chấm được bốn câu đối lại nào chưa?

Hà Sĩ Phu: Tôi chưa tập hợp đầy đủ, nên chỉ lấy vài ví dụ thôi.

Câu “Đón bác trâu chớ gảy đàn cầm, bác là bậc có sừng có mỏ” đã có những câu đối lại rất thú, như câu của Thái Hữu Tình:

Đuổi ông mãnh mau về sở thú, ông là quân vô đức vô tài.

Ở đây tác giả đã lấy “thú” đối với “cầm”, “vô” đối với “có”.

Câu “Mặt cũng lớn, tai cũng to, đường phải trái sao để người dắt mũi” cũng có câu đối lại là:

Gan thì to, mật thì lớn, lúc an nguy chỉ biết chạy cong đuôi.

hoặc là:

Danh cụ to, hàm cụ lớn, nước mất còn lại chịu cảnh khom lưng.

nói về bối cảnh nhà nước quá mềm yếu đối với sự xâm lấn của Trung Quốc.

Câu thứ ba là “nhai lại mãi vẫn toàn rơm với cỏ”, ta đều biết về lý luận quanh đi quẩn lại vẫn là những thứ người ta đã cho nó vào sọt rác lịch sử rồi.

Đây câu dễ đối nên cũng có nhiều câu hay, ví dụ như các vị ấy đối lại ngay là:

Đánh nhau hoài bởi thích mác cùng lê.

Hay là

Chính chuyên gì bán cả nước cùng non.

Một câu thì nói về chuyện lý luận, tuyên truyền, một câu nói về chuyện giữ nước.

Câu khó nhất là câu thứ tư “Nghé cỏn chớ nghe ông nghẻ ông nghè mà đe hàng tổng”, vừa dùng thành ngữ vừa có chữ nghé, nghe, nghè, nghẻ. Đã có những vị đối rất tốt ví dụ như ông Thái Hữu Tình đã đối thế này:

Tình yêu vi tính phải tinh phải tỉnh kẻo dính cú lừa.

Câu này có ý nghĩa cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tức là tìm hiểu nhau mà chỉ có trên thế giới ảo mà không tinh và không tỉnh thì có khi phải bị lừa, lúc gặp phải người thật nó lại dở chứ không phải như cái người ngồi ở trên mạng. Câu này cũng có ý nghĩa về thời sự. Tức là mọi vấn đề quyết định cho cuộc vận động dân chủ nếu ta chỉ căn cứ vào thế giới ảo thì rất dễ bị lừa.

Hay câu này:

Bê con lên bệ bốn bề đổ bể ô uế cả vùng.

Tức là gia đình thân thuộc cứ kéo nhau lên ghế, chuyện gia đình trị trong bộ máy chính quyền bây giờ là có.

Hay câu:

Mèo già lắm mẹo, giọng meo giọng mẻo nịnh khéo chuột nhà.

lấy từ ý “con mèo mày trèo cây cau…”, mèo gặp chuột thì chỉ có ăn thịt, thế mà nó lại làm giả nhân đức, trèo lên cây cau để hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Đấy cũng là một câu có tính thời sự.

Đấy là một số ví dụ.

DCVOnline: Trong nước hiện giờ đang có dư luận đồn đoán vào năm con trâu này sẽ có rất nhiều thay đổi, ngay cả thay đổi tận gốc bộ máy cầm quyền. Ông là người đang sống và có những quan sát nhất định trong nước, ông đánh giá sao về dư luận này, và ông dự đoán năm 2009 sẽ là năm như thế nào?

Hà Sĩ Phu: Tôi thấy thông tin này hơi lạc quan quá đấy, tình hình không đến mức đó đâu, nhưng mà dứt khoát năm 2009 này sẽ có những biến đổi so với những năm trước bởi vì tình hình đã tích lũy lên đến mức phía bảo thủ không thể bảo thủ theo kiểu cũ được nữa và phía đổi mới cũng có thêm những kinh nghiệm để không mắc lại những cái ấu trĩ của những năm trước nữa.

Trước tình hình như thế thì nó sẽ phải có những cái thay đổi. Nhưng cái mà tôi nhìn thấy được tương đối rõ là thay đổi thế này, sự thay đổi tận gốc là lạc quan quá, sẽ không có thay đổi tận gốc đâu. Tuy nhiên, trước sức ép cả từ trong nước cũng như ngoài nước thì phía bảo thủ sẽ có thay đổi bài bản.

Theo tôi sự cực đoan đến mức cổ hủ chắc là không còn nữa mà nó sẽ thay bằng một sự thay đổi mà chúng tôi gọi là cải lương, tức là cũng tỏ ra một cái gì có tính chất bề ngoài là thay đổi nhưng cái thay đổi đó không phải là thay đổi gốc rễ.

Trong khi phía bảo thủ chọn cách đổi mới nửa vời như vậy thì còn có một lực lượng thứ hai. Đó là rất nhiều những trí thức, văn nghệ sĩ trước đây cũng có tấm lòng ưu thời mẫn thế nhưng vẫn còn e dè, vẫn còn sợ bởi vì dính đến các chuyện phản biện nặng nề như thế rất dễ bị tù tội, bây giờ khi phía cầm quyền, phía những người bảo thủ phải nới rộng ra một chút thì số trung gian này cũng mạnh dạn phát biểu hơn.

Tức là giữa lớp trí thức và phía bảo thủ của nhà cầm quyền tự nhiên có chỗ gần nhau hơn, nó hình thành nên một xu hướng cải lương. Những người đấu tranh ở mức độ vừa phải có dịp để lên tiếng hơn và phía nhà cầm quyền thì hầu như cũng thừa nhận ở một mức độ nào đấy.

Do sự gặp nhau của hai bên này cho nên hình thành một lực lượng đổi mới có tính chất cải lương, đổi mới bề mặt chứ không phải đổi mới tận gốc, nhưng so với trước thì cũng có tiến bộ hơn. Đấy là nét mới của năm nay, đổi mới nhưng dè dặt, xu hướng cải lương sẽ phát triển hơn so với mọi năm.

Tôi nghĩ rằng điều này cũng có lợi vì nhờ đó, những người đổi mới triệt để, tận gốc sẽ dễ thở hơn một chút. Tuy nhiên, vì xu hướng cải lương, đảng cộng sản sẽ nương tay nhưng bên cạnh đó họ sẽ siết chặt lại đối với những người đổi mới một cách triệt để, đổi mới tận gốc. Nó có cả hai mặt như vậy nên người đổi mới triệt để tận gốc cũng vẫn phải đón nhận hai khả năng đó.

Tức là một mặt không khí chung có thể dễ thở hơn, nhưng một mặt phải coi chừng, người ta chỉ chấp nhận cái đổi mới có tính chất cải lương, cái gì triệt để người ta sẽ xiết lại.

DCVOnline: Ông căn cứ vào đâu để cho rằng nhà cầm quyền sẽ thay đổi, cho dù chỉ là những thay đổi mang tính cải lương?

Hà Sĩ Phu: Về mặt điều hành xã hội thì phát triển về kinh tế thị trường sẽ phải tự do hơn trước. Cái gọi là bao cấp, quốc doanh phải giảm đi rất nhiều, để hòa nhập được vào nền kinh tế thị trường thì cũng phải cải tiến rất nhiều, đấy là một mặt.

Mặt thứ hai là về tư tưởng cũng có những cái thay đổi so với trước, ví dụ như chủ nghĩa Mác Lê họ xem nhẹ đi rất nhiều và họ chỉ còn chốt lại bằng tư tưởng Hồ Chí Minh thôi.

Thứ ba là trên thực tế những tiếng nói phản biện trong nước xuất hiện nhiều hơn trước. Trước đây thì căng thẳng lắm, các vị còn nằm trong hệ thống nhà nước đâu có dám ăn nói gì, thế nhưng bây giờ số anh em ấy, ví dụ như trường hợp nhà văn chính thống Nguyễn Khắc Phục chẳng hạn, viết thư vận động mọi người về chuyện Hoàng Sa - Trường Sa.

Rõ ràng xu hướng đổi mới cải lương đã cho những tiếng nói phản biện như những cú đấm vào lực lượng bảo thủ nhưng chỉ đấm vào chân vào tay thôi, chứ vẫn không được sờ vào các huyệt. Tôi cho rằng những cú phản biện như vậy sẽ được phép đến một phần nào.

DCVOnline: Theo ông quan sát giới trẻ hiện nay ra sao?

Hà Sĩ Phu: Tôi thấy đây chính là lực lượng dân chủ mới xuất hiện nên nhà nước vẫn kìm chế họ kỹ lắm, cho nên những tiếng nói của lớp trẻ tôi thấy vẫn chưa có điều kiện. Phải làm những kiểu nhẹ nhàng và còn xa chính trị như kiểu chuyện của Công giáo ở Thái Hà, ở Nhà Chung thì mới có thể còn tồn tại được. Chứ còn xuống đường để biến thành những cuộc biểu tình thì còn khó lắm.

DCVOnline: Trong mấy năm trở lại đây mọi người gần như chỉ còn thấy những bài viết có các câu đối của ông được xuất hiện vào các dịp tết cổ truyền, phải chăng sức sáng tác của ông đã đi xuống?

Hà Sĩ Phu: Ít hơn trước thì có phần đúng nhưng nhẹ hơn trước thì không đúng đâu. Những bài viết của tôi về vụ Hoàng Sa - Trường Sa đã đưa ra những quan điểm mạnh hơn trước nhiều. Chẳng hạn tôi cho rằng dân Việt Nam xưa nay vẫn bị mất nước, mất nước vào trong tay đảng. Thực tế chúng ta đang là người mất nước mà, đó là quan điểm rất là nặng so với trước nhé.

Hai nữa, bản chất của việc ta bị thua thiệt trong quan hệ đối ngoại, nhất là đối với Trung Quốc chính là do chủ nghĩa Mác Lê, coi thế giới đại đồng của cộng sản mới quan trọng còn ranh giới của quốc gia dân tộc không quan trọng, cho nên chừng nào còn chủ nghĩa Mác Lê thì ta không thể chống ngoại xâm được. Tức là trong lịch sử chống ngoại xâm thì thời kỳ của cộng sản là thời kỳ yếu nhất trong lịch sử. Như thế là quá nặng chứ, đâu có đơn giản. Tôi cũng ủng hộ các bạn trẻ xuống đường rất rõ.

Có nhiều anh em quan sát tại sao tôi viết ít đi thì tôi xin nói như thế này.

Trước đây, 20 năm trước đối tượng tôi cần phải phê phán đó là chủ nghĩa Mác Lênin, cái phi lý của chủ nghĩa cộng sản, điều này rất rõ và không cần phải đắn đo nhiều.

Thế nhưng những giai đoạn sau, sau khi giải quyết lý luận cơ bản rồi cần phải đi vào hành động thì đối tượng mình cần phê phán nên mở rộng thêm. Chẳng những là những bảo thủ trong hệ thống cầm quyền mà còn chính là những nhược điểm của phong trào dân chủ, tức là nói nội bộ, thì khó hơn nhiều.

Để nói những việc đó tôi không thể viết được những bài công khai trên mạng như phê phán chủ nghĩa Mác Lê mà phải tìm cách đỡ gây ra ngộ nhận, như là tôi tìm con đường trao đổi trong nội bộ, một vài thư tôi viết nhân danh Người Quan Sát, tôi nhằm vào những yếu điểm trong nội bộ của phong trào dân chủ, đó là điều thứ hai.

Còn có một nguyên nhân khách quan tôi ít viết hơn đó là vì đầu óc bây giờ cũng già rồi, tôi viết bài giờ cũng khó hơn trước rất nhiều, tôi cũng hay quên, hay lẫn lộn, viết bài có vất vả hơn.

Nhưng đó cũng không phải là lý do chính. Mà chính là viết về lý luận chung thì rất dễ, nhưng khi viết về thực tiễn, trong đó có một đối tượng để phê phán và phải phê phán những non yếu của chính nội bộ thì tôi phải nghĩ một cách cẩn trọng hơn, chứ không có thể viết như trước đây được. Chứ trong tôi không hề có gì gọi là giảm đi so với trước đâu.

DCVOnline: Ông vừa đề cập đến những sự non yếu trong nội bộ, vậy cụ thể nó là những vấn đề gì? Nó có liên quan gì đến những bài viết chỉ trích lẫn nhau trong thời gian gần đây của những người tham gia vận động dân chủ trong nước không?

Hà Sĩ Phu: Có chứ ạ, rất liên quan đấy. Chính những hiện tượng bây giờ nó đang bày ra đó, có lẽ ít bày ra ở các trang web chính thống nhưng trong email gửi cho anh em nội bộ có rất nhiều. Có thể nói là trong nhóm nào, ở vùng nào cũng có những chia ly, thậm chí là phê phán nhau rất nặng lời, rất khó nghe. Có thể nói nhìn một cách khách quan thì coi đấy là một thắng lợi rất to lớn của bên công an.

Tôi đã nói là có một triệu người mà không đoàn kết thì không bằng có vài người mà nhất trí (với nhau). Những điểm này tôi đã lo xa và nêu trong các lá thư của Người Quan Sát từ trước đây hai, ba năm, thì bây giờ quả nhiên những điều đó nó đang diễn ra.

Trong đầu năm 2009 này chắc là tôi sẽ viết một bài góp ý kiến thêm về chuyện này. Suy nghĩ của tôi về vấn đề này gần như liên tục, không có lúc nào mà tôi quên chuyện những yếu điểm của cái bó đũa này đâu.

DCVOnline: Ông nhận định về những chuyện đấu tranh trong nội bộ này như thế nào?

Hà Sĩ Phu: Nói đơn giản thế này, sai lầm có thể nằm ở trong hai điều. Một là những yếu kém về phẩm chất của những người đấu tranh. Ví dụ như cũng có người nghĩ về động cơ cá nhân, động cơ muốn nổi, thậm chí có cả động cơ tiền bạc… Đấy là yếu về phẩm chất.

Cái yếu thứ hai là yếu về phương pháp. Tức là tấm lòng của anh rất tốt nhưng những hiểu biết chính trị của anh không có sâu sắc, không có kinh nghiệm lại bị chi phối bởi những lực lượng khác, đó là yếu kém về mặt phương pháp.

Tất cả chỉ nằm trong hai điều này thôi. Vấn đề là làm thế nào để tránh được hai điều đó. Vì khi mắc phải hai điều đó thì còn có một cái hại nữa, là phía an ninh người ta có thể lợi dụng tất cả những kẽ hở đó để đưa (người) vào. Thế là thật giả lẫn lộn và không còn ai biết thế nào cả.

DCVOnline: Vậy theo ông làm sao để khắc phục những điểm yếu kém này?

Hà Sĩ Phu: Ngay đầu tiên tôi đã nói phương pháp để tránh điều này là gì? Lực lượng trung kiên lúc đầu phải quý bằng vàng. Bởi vì lực lượng đó tuy chưa làm được gì nhiều nhưng chính là đội ngũ được thử thách và sàng lọc qua rất nhiều năm. Nó hoàn toàn là của thế giới thật chứ không phải thế giới ảo. Phải giữ cái khối đó như một cái bàn lọc. Từ đó mà phát triển ra, bất kỳ một nhân tố mới gì gia nhập vào đều phải qua cái bộ lọc đó.

Nhưng chính do sự phát triển ồ ạt, phân tán ra, khối trung kiên lúc đầu không còn nữa, mỗi một anh phân tán ra thành một lực lượng riêng của mình. Lực lượng riêng ấy lại có rất nhiều những yếu tố ngoại lai, tôi nói ngoại lai không phải là hải ngoại đâu nhé, xâm nhập vào. Nhóm của anh này thì anh khác không tin.

Thế là mười nhóm thành ra mười lực lượng phân tán, không tin nhau lại còn đả kích nhau nữa. Những người trung gian cũng còn chẳng biết phân biệt thế nào là sai là đúng nữa. Thế thì tôi nghĩ có một triệu người mà phân tán, có một triệu phần tử mà không nhất trí, không cùng một hướng thì cũng chẳng có sức mạnh gì. Đó là nỗi khổ tâm của phong trào dân chủ hiện nay.

Đấy là mặt tiêu cực. Thế nhưng tôi có nói lực lượng ngày càng thức tỉnh thì ngày càng nhiều lên, thì nhìn chung vẫn phát triển. Chỉ có điều khi những yếu tố đúng đắn chưa chiếm được vai trò chủ đạo thì những nhân tố mới nảy sinh người ta tìm nhầm ngọn cờ. Điều đấy phí lắm, rất phí.

DCVOnline: Gia đình ông năm nay dự định đón tết Kỷ Sửu thế nào?

Hà Sĩ Phu: Chúng tôi hiện nay các cháu đã lớn và lập gia đình ngoài Hà Nội, ở đây chỉ có hai vợ chồng tôi, một vài đứa cháu xa cho nên tết rất là đơn giản, tôi không làm gì nhiều.

Tuy nhiên anh em bạn bè thân thiết cũng qua lại chia xẻ nhau về mặt tinh thần là chính, nhưng lại rất vui. Tết này anh em gửi quà gửi thư đến rất nhiều, cho nên thú vui tinh thần năm nay lại khá rôm rả đấy ạ.

DCVOnline: Quan trọng là ở tinh thần phải không ạ? Trước thềm năm mới, DCVOnline xin chúc ông Hà Sĩ Phu và gia đình một tết cổ truyền bình an, một năm mới nhiều sức khoẻ và may mắn.

Hà Sĩ Phu: Xin cảm ơn bạn, xin được gửi lời chúc tết đến tất cả độc giả của DCVOnline.


© DCVOnline
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 844 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0