Thứ Năm, 2024-12-12, 3:19 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 27 » Trung Quốc: Chủ Nghĩa Dân Tộc Cực Đoan hay Chủ Nghĩa Bành Trướng?
6:37 AM
Trung Quốc: Chủ Nghĩa Dân Tộc Cực Đoan hay Chủ Nghĩa Bành Trướng?


Qua suốt chiều dài lịch sử của Trung Quốc (TQ) chúng ta thấy rằng dân tộc TQ năng động, đất nước TQ luôn luôn có xáo trộn hay biến động và ảnh hưởng rất lớn đến nền an ninh toàn cầu. Kể từ khi cộng sản TQ chiếm lục địa từ năm 1949 trở đi, xã hội TQ ngày càng biến đổi, và càng biến đổi nhanh nhất từ khi Đặng Tiểu Bình đưa ra chương trình hiện đại hoá TQ.

Những biến đổi đó đã đưa đất nước TQ từ lạc hậu trở thành một cường quốc quân sự chỉ đứng sau Hoa Kỳ, và là một cường quốc kinh tế thứ tư trên thế giới chỉ sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức quốc. Vì sao TQ có những bước nhảy vọt? Và cũng chính vì sức mạnh quân sự kinh tế tăng trưởng nhanh chóng cộng thêm não trạng của người Trung hoa đã tạo nên những mối lo âu cho cộng đồng thế giới trước tiến trình toàn cầu hoá ngày hôm nay.

Đất nước Trung Quốc

Ngay sau khi chiếm toàn thể lục địa, Cộng sản TQ tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển quốc gia hoàn tòan rập khuôn theo Nga Sô, nghĩa là đặt trọng tâm vào sản xuất các công kỹ nghệ nặng, nhất là quân sự và lơ là chính sách phát triển các nhu cầu thực dụng cần thiết cho nhu cầu tòan dân. Do đó, kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm chạp, không đáp ứng được nhucầu sau chiến tranh.

Mãi cho đến năm 1979, nền kinh tế quốc gia Trung Quốc (TQ) đã bắt đầu được vực dậy qua chương trình hiện đại hoá của Đặng Tiểu Bình từ một phần tư thế kỷ vừa qua. Và trong vòng 10 năm trở lại đây, mức phát triển của TQ vẫn ở mức 10% hàng năm. Điều nầy đã làm thế giới ngạc nhiên nhất là qua các cuộc khủng hoảng tiền tệ ảnh hưởng lên các nước trong vùng mà TQ vẫn tiếp tục phát triển chứ không bị suy thoái. Trong những tháng gần đây, báo chí trên hầu hết khắp nơi đều đặt vấn đề và xem đây là một hiện tượng "con rồng TQ" bắt đầu trở mình và một đất nước "Thiên Tử" đang hồi sinh.

Nhưng qua các thành tựu trên, chúng ta có thực sự thấy những gì đang diễn ra ở TQ qua các thành quả đã đạt được ngày hôm nay.

Trước hết, xin liệt kê ra đây vài số liệu căn cứ vào thông tin của cia.gov (2008), trên mạng lưới toàn cầu, để nói lên tình trạng phát triển chung của TQ:

Trung Quốc là một nước lớn chiếm diện tích 9,596 triệu Km2 (nhỏ hơn diện tích của Hoa Kỳ một ít), có dân số là 1,330 tỷ tính đến tháng 7/2008. Mức gia tăng dân số là 0,629% (2008). Số tuổi trung bình là 33,6 tuổi. Lực lượng lao động của TQ lớn nhất thế giới với 800,7 triệu (2008), trong đó tỷ lệ lao động được chia ra như sau: Lao động nông nghiệp, 43% (2006), lao động kỹ nghệ, 25% (2006) và lao động dịch vụ, 32% (2006). Trung bình mức lạm phát vào khoảng 4,8% (2007). Lợi tức đầu người là 2.034 Mỹ kim (2007). Mãi lực toàn quốc (Purchasing power parity) năm 2007 là 7.099 tỷ Mỹ kim đưa đến mãi lực đầu người là 5.400 Mỹ kim (2007).

Trong tiến trình phát triển chung trên thế giới, định mức sự phát triển của một quốc gia vẫn còn căn cứ vào thuyết "tam khu" của Colin Clarke, trong đó gồm khu nông nghiệp, khu công nghiệp, và khu dịch vụ. Từ đó qua sự phát triển, và qua từng giai đoạn, chỉ số phát triển của một quốc gia được tính toán qua tỷ lệ của từng khu vực. So với mức phát tiển năm 2001, TQ giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp từ 43 xuống còn 40%, và tăng lao động dịch vụ từ 25 lên 32%. Đây là một sự phát triển tốt.

Tuy nhiên, mặc dù có những bước nhảy vọt, lợi tức đầu người tăng từ 900 Mỹ kim năm 2003 lên đến 2.034 năm 2007, TQ cũng đã để lại một xã hội bất bình đẳng với 22 triệu người dân sống dưới mức 90 Mỹ kim/năm, và 36 triệu dưới 125 Mỹ kim, và khoảng 300 triệu sống dưới 1 Mỹ kim/ngày, tiêu chuẩn nghèo tuyệt đối của Liên Hiệp Quốc!

Như đã nói ở phần trên, TQ đã đi đôi hia "bảy dặm" bằng cách mở cửa giao tiếp với thế giới bên ngoài từ năm 1979 dưới thời Đặng Tiểu Bình với một phương châm bất hủ là:" Dù mèo trắng hay mèo đen cũng chẳng sao, chỉ cần biết bắt chuột là được". Trong tinh thần thực dụng trên, TQ đã thành công và đưa đất nước ra khỏi tụt hậu chỉ trong một thời gian không dài.

Trong những năm trở lại đây, TQ đã phát triển vượt bực, cao hơn mức dự tính của thế giới. Vào năm 2004, Ngân hàng Phát triển Á châu đã dự tính TQ sẽ tăng 7,9%. Nhưng trên thực tế TQ đã gia tăng 9,3%, hơn 10% năm 2007. Tính đến cuối năm 2007, có trên 5.000 Cty TQ đã trực tiếp đầu tư vào 172 quốc gia trên tòan cầu. Có nhiều lý do đúc kết sự thành công vượt bực của TQ cho những năm gần đây là:

1 – Đất nước TQ không phải chịu những tai ượng thiên nhiên ảnh hưởng đến phát triển như những quốc gia trong vùng. Cuộc khủng hoảng dầu hoả gần đây đã được TQ kiểm soát và điều tiết chừng mực do đó không tạo ra khủng hoảng năng lượng như những năm 1979-1980.

2 – Phát triển kinh tế ở TQ hiện tại vẫn còn trong giai đoạn sử dụng ít năng lượng hơn so với các quốc gia kỹ nghệ tiên tiến. Nhưng từ năm 2007 trở đi, nhu cầu năng lượng của TQ là yếu tố hàng đầu cho đất nước nầy. Chính vì cuộc chiến tranh dành năng lượng có thể đưa đến chiến tranh trong vùng trong tương lai. Hiện tại, TQ tiêu thụ trên 7 triệu thùng dầu hàng ngày, chỉ đứng sau Hoa Kỳ với 26 triệu thùng/ngày mà thôi.

3 – Qua vốn đầu tư ngoại quốc, TQ đã cân bằng được mức phát triển qua những dịch vụ thâm thủng trong cán cân thương mại xuất nhập nguyên liệu và thành phẩm. Trong bảng xếp hạng 50 Đại công ty toàn cầu năm 2004, Cty China Petroleum & Chemical của TQ được xếp vào hạng 9 với số thương vụ là 16,7 tỷ Mỹ kim, tăng 39% so với năm 2003, chỉ đứng sau các cộng ty Dow Chemical, BASF, Du Pont, Exxon, Total v.v...

4 – Phát triển TQ hiện nay đang dựa vào đầu tư ngoại quốc, do đó sự gia tăng giá dầu thô đã được mức ngoại tệ đầu tư trên bổ sung vào mức thiếu hụt.

5 – Quan trọng hơn cả là 1,3 tỷ nhân khẩu nội địa. Hiện tại người dân TQ còn cần quá nhiều nhu cầu để phục vụ tối thiểu cho đời sống của người dân ở một quốc gia tân tiến, do đó kỹ nghệ TQ chỉ cần tập trung vào những mũi dùi phát triển là có thể làm cho kinh tế cất cánh mau. Những mũi dùi phát triển đó là những mặt hàng thông dụng như xe cộ, tủ lạnh, microwave, máy giặt, máy sấy, truyền thanh, truyền hình, xây dựng, và những mặt hàng gia dụng khác v.v...

Tuy nhiên, thiết nghĩ sự phát triển kinh tế của TQ ngày hôm nay chỉ là một quá trình chuyển tiếp mục đích để phục vụ nhu cầu cần thiết cho người dân của nước nầy, hầu có được một đời sống vật chất "tử tế". Một khi mức sống tối thiểu của người dân đã được bảo hoà, vấn đề phát triển kinh tế của TQ sẽ chuyển qua một tiến trình khó khăn hơn nữa mà lãnh đạo TQ cần phải tiên liệu cho tương lai, nếu muốn ngăn chặn những cơn khủng hoảng xã hội có thể xảy ra sau đó. Đó là việc chuyển tải lực lượng lao động qua công nghiệp và dịch vụ. Ở các quốc gia đã phát triển như Tây Âu và Bắc Mỹ, lực lượng lao động nông nghiệp không quá 15%. Riêng tại Hoa kỳ, lực lượng nầy chỉ còn dưới 2 triệu, so với trên 300 triệu dân mà vẫn có đầy đủ lương thực cho nước Mỹ cũng như viện trợ cho hầu hết các nước nghèo trên thế giới.

Qua những nhận xét và phân tích ở phần trên, chúng ta thấy TQ đang có những bước phát triển "nhanh" trong tiến trình hiện đại hoá quốc gia, nhưng những bước phát triển của TQ chỉ là những bước đột phá ban đầu. Thực sự những chỉ số phát triển vừa nêu trên chỉ là những chỉ số biểu kiến và tương đối trong việc ổn định xã hội TQ hiện nay mà thôi.

Gọi là biểu kiến vì trong quá trình phát triển quốc gia vì TQ đã để lại biết bao vấn nạn môi trường với ảnh hưởng và hậu quả nghiêm trọng chắc chắn sẽ xảy ra trong một vài thập niên tới. TQ không có chính sách cân bằng phát triển và quản lý môi trường. Do đó, tình trạng môi trường ngày càng xuống cấp: không khí đầy bụi bậm chứa các kim loại độc hại như chì (lead) và thuỷ ngân (mercury) cùng nhiều hợp chất hữu cơ nhẹ, nguồn nước ở nhiều nơi không còn sự hiện diện của tôm cá và đã là những "dòng sông đen", đặc biệt là trong các phụ lưu của sông Hoàng Hà và Dương Tử. Ngay cả dòng chảy của sông Hoàng Hà đã chậm dần so với trước kia, và không còn chảy ra biển nữa. Thành phố Vân Nam đã biến thành khu đại kỹ nghệ hoá chất và khi gió đổi chiều, khói và bụi thành phố đã di chuyển đến tận...Hoa Kỳ. Thành phố Thượng Hải và thềm lục địa chung quanh đang bị báo động về ô nhiễm. Ngay cả việc chuẩn bị cho Thế vận hội vào ngày 8/8/2008, TQ vẫn chưa giải quyết được tình trạng ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh theo yêu cầu của Uỷ ban Thế vận Quốc tế, mặc dù đã có rất nhiều cố gắng qua các biện pháp như ngăn cấm người dân hút thuốc, hạn chế lượng xe cộ chạy vào thành phố, đóng cửa những nàh máy phát điện sử dụng than, v. v…

Gọi là tương đối, vì sự phát triển của TQ chỉ tương đối so với nhu cầu của 1,3 tỷ dân chúng và thị trường nhân công rẻ mạt. Các chương trình hiện đại hoá điển hình của TQ sau đây thể hiện rõ nét của tính tương đối trong phát triển của TQ. Theo một báo cáo của Hàn Lâm Viện TQ (Chinese Academy of Sciences, 2006) thì TQ đã phát triển chậm hơn so với Hoa Kỳ 100 năm, với Đức Quốc 70 năm, và 60 năm so với Nhật Bản.

Vào năm 2001, mãi lực tính theo đầu người của một người TQ là 3.583 Mỹ kim (năm 2004 lên đến $5.000), trong lúc đó thời điểm một người Hoa Kỳ có mãi lực trên là vào năm 1892, tức 109 năm trước đó. Vào năm 2002, lợi tức người dân HK là 35.400 Mỹ kim, tăng 4% so với năm trước đó, tức tăng 1.416 Mỹ kim. Trong lúc đó, lợi tức của một người TQ ở thời điểm trên là 900 Mỹ kim, tăng 8% so với năm trước, tức 72 Mỹ kim. Qua các số liệu trên, chứng tỏ rằng dù mức tăng trường hàng năm của TQ có là 15%, thì khoảng cách lợi tức so với HK cũng ngày càng cách xa dù KH chỉ tăng trưởng 3-4% mỗi năm.

TQ hiện nay vẫn còn nằm trong danh sách quốc gia đang phát triển dù hiện đang thúc đẩy rất mạnh tiến trình hiện đại hoá và khó có thể hình dung được một hình ảnh TQ vượt trội lên hàng quốc gia phát triển trong vòng 30 – 40 năm tới.

Cũng theo tài liệu của Hàn Lâm Viện Khoa học TQ, tính theo định mức kinh tế, năm 2005 TQ được xếp vào thứ hạng 69 trên 209 quốc gia trên thế giới. Theo đà phát triển như hiện tại, TQ sẽ vươn lên thứ hạng 39 về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới vào năm 2080.

Rốt ráo lại, có thể nói, TQ hiện đang đối mặt với những thách thức trong khi cố gắng giữ mức tăng trưởng trong phát triển quốc gia như sau:

• Vấn đề bảo đảm mức tăng trưởng hàng năm của lực lượng lao động mới, giải quyết hàng chục triệu lao động thặng dư do việc sa thải công nhân từ các xí nghiệp quốc doanh, và lao động do việc di chuyển từ nông thôn lên thành thị;


• Vấn đề giảm thiểu tệ trạng tham nhũng và các tội ác trong sản xuất, kỹ nghệ hoá chất và thực phẩm là một điển hình;


• Quan trọng nhất là việc giải quyết nạn ô nhiễm môi trường. Theo một báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ vào năm 2002, hậu quả của việc phát triển ồ ạt ở TQ và lơ là trong việc bảo vệ môi trường làm cho chi phí ước tính cho việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường có thể lên đến 7% tổng sản lượng quốc gia. Nói như thế, có nghĩa là với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 8 – 9%, nhưng trên thực tế, mức tăng trưởng thực sự chỉ vào khoảng 2% mà thôi.


• Chính sách một con/giađình đã đưa đến tình trạng trai thừa gái thiếu như trong hạn tuổi lao động và sản xuất từ 15 đến 64, tỷ lệ nam nữ là 1,06/1. Đây sẽ là một vấn nạn lớn cho xã hội TQ hiện đang diễn ra trước mắt.


• Phát triển của TQ hiện nay, phần lớn căn cứ vào vốn đầu tư của nước ngoài chứ không thực sự dựa vào nội lực của chính mình để sản xuất hàng tiêu dùng với giá rẻ cho người ngoại quốc. Đứng trước vấn nạn trì trệ kinh tế và khủng hoảng tài chánh hiện nay, mức tiêu thụ của thế giới giảm dần, và dĩ nhiên ảnh hưởng đến tình trạng sản xuất của TQ. Thí dụ điển hình là, sau vụ khám phá đồ chơi trẻ em bị nhiễm chì (lead) năm 2007 tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Tây phương khác, hiện nay khoảng 52,7% của 3.631 công ty xuất cảng sản phẩm nầy phải đóng cửa, gây ra nạn thất nghiệp cho hàng triệu công nhân. Từ đó có thể kết luận là chính sách phát triển kinh tế của TQ không ổn định vì chỉ dựa theo nhu cầu tiêu dùng nhất thời của các quốc gia khác mà không có một chính sách phát triển bền vững dài hạn hầu tạo thêm ra phúc lợi cho người dân Trung hoa.

Tình trạng môi trường Trung Quốc hiện tại

Vào ngày 23/11/2005, TQ đã xác nhận một vụ nổ tại một nhà máy sản xuất hoá chất của một công ty hoá dấu và dầu khí Jilin, đã tạo ra một tình trạng ô nhiễm trầm trọng sông Songhua, nguồn nước chính cung cấp cho thành phố Thiên Tân với 9 triệu cư dân, thủ phủ của Hắc Long Giang ở miền Đông Bắc TQ. Cũng cần nên biết vụ nổ đã xảy ra 10 ngày trước đó, mà người dân địa phương hoàn toàn không được thông báo. Hoá chất thải hồi vào dòng sông là benzene, nitrobenzene, và aniline là các hoá chất thường được dùng để chế tạo chất nổ, thuốc sát trùng, thuốc nhuộm. Được biết benzene và nitrobenzene có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nếu tiếp xúc với benzene dài hạn có thể có nguy cơ gây ung thư và rối loạn nhiễm sắc thể. Hiện tại, dòng chảy đã bị ô nhiễm đã chảy ngang qua biện giới LB Nga, đổ vào sông và chảy ra biển Okhotsk gần Vladivostok. Hiện tại TQ có 12 ngàn nhà máy hoá chất trên toàn quốc, trong đó 50% nhà máy được xây dựng trên hai dòng sông chính là sông Hoàng Hà và Dương Tử. Do đó nguy cơ xảy ra tai nạn từ những nhà máy nầy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và không một ai có khả năng tiên liệu được mức thiệt hại sẽ như thế nào. Đây là những quả bom nổ chậm cho đất nước nầy. Và đây chỉ là một thí dụ điển hình cho hàng ngàn tai nạn xảy ra thường trực trên mãnh đất Trung hoa nầy. Qua những tai nạn đã xảy ra, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia TQ vừa ra lệnh ngừng ngay 10 công trình xây dựng đường xá, nhà máy phát điện vì những công trình nầy có nguy cơ tạo ra ô nhiễm môi trường. Quyết định trên là một trong những quyết định cứng rắn của TQ, nói lên sức ép của dân chúng về thảm họa ô nhiễm môi trường trên đất nước nầy ngày càng tăng thêm sau 25 năm kỹ nghệ hoá.

Trên đây là một sự kiện điển hình, kết quả của việc phát triển kinh tế quốc gia không an toàn về mặt sản xuất cũng như bảo vệ môi trường của TQ làm ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận. Điều nầy cho thấy TQ, một quốc gia đang chuyển mình để trở thành một cường quốc kinh tế quốc tế đang xuất cảng "ô nhiễm" cùng lúc với những mặt hàng do họ sản xuất.

Nhiều hiện tượng tương tự khác như nguồn nước ngày càng cạn kiệt, bị ô nhiễm trầm trọng, không khí không còn trong lành, chất thải độc hại từ những nhà máy, chỉ là một trong những vấn đề hàng ngày mà người dân TQ đang phải đối mặt. Môi trường sống ở TQ ngày càng xuống cấp và đã lây lan qua các quốc gia láng giềng.

Các nguồn bụi khói ô nhiễm từ Vân Nam đã bay sang tận miền duyên hải vùng Tây Nam Hoa Kỳ. Mứa acid xuống tận Nam Hàn và Nhật Bản. Đặc biệt là những dòng sông. Có gần phân nửa dân số trên thế giới sống trong những lưu vực sông ngòi phát nguyên từ TQ đang bị đe doạ với cơn khủng hoảng nước đã được mô tả trong một quyển sách nổi tiếng của Ma Jun dưới tựa đề:"China's Water Crisis". Tại một hội nghị ở Bắc Kinh vào tháng 11/2005, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bao Xing phải thốt lên rằng:"Quốc gia nầy với tình trạng khủng hoảng nước khốc liệt và khẩn cấp hơn mọi quốc gia khác trên thế giới".

Do đó, đã đến lúc TQ cần phải chọn lựa giữa sự tăng trưởng kinh tế hay có được một môi trường sạch hơn. Và lãnh đạo TQ đã xoá dần quan điểm "bảo vệ môi sinh" chỉ là sản phẩm của tư tưởng tiểu tư sản. Do đó, có nhiều chuyển biến trong việc phát triển của TQ.

Từ cuối thập niên 1990, Bắc Kinh đã ra lịnh cấm đốn cây trong hầu hết những khu rừng núi của họ, sau khi nhận ra rằng sự phá rừng là một yếu tố chính dẫn đến những nạn lụt, hạn hán lớn gây thiệt hại hàng tỉ Mỹ kim.Và đi xa hơn nữa, lãnh đạo TQ đã bù đấp nhu cầu gỗ trong nước bằng cách phá rừng ở các quốc gia Phi Châu, Miến Điện, và nhất là Việt Nam...để có thể giữ cương vị "cơ xưởng sản xuất của thế giới". Để đạt được danh hiệu trên, nạn nhân gần nhất và chịu nhiều thiệt hại nhất là Việt Nam.

Tuy nhiên, dù đối mặt với nhiều thách thức nội tại, TQ cũng không che đậy chính sách hiếu chiến để bành trướng qua các chính sách quân sự thể hiện trong năm 2008 nầy.

Chính sách hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc

Sau đây là một số nhận định chính sách hiện đại hoá cùng các nhân tố khiến cho TQ có những quyết định căn cứ vào báo cáo của Thư ký Hội đồng Cố vấn An ninh Quốc tế (International Security Advisory Board- ISAB) của Hoa Kỳ do Paul Wolfowitz lam Chủ tịch. Các nhận định nầy sẽ được Hoa Kỳ điều nghiên chuẩn bị cho chính sách an ninh và ngoại giao với TQ. Những nhận định nầy đề ra một số phương sách tiếp cận như sau:

• Chuyển hoá mối quan hệ an ninh quốc gia giữa Hoa Kỳ và TQ đặt trên căn bản tin tưởng lẫn nhau và tăng cường tính xuyên suốt thông tin;


• Thúc đẩy sự hợp tác hổ tương;


• Cố gắng giảm thiểu các tính toán sai lạc và tránh sự hiểu lầm có thể đưa đến những hậu quả như đối đầu hay chạy đua (vũ khí).

Từ ba căn bản trên Hội đồng đã khuyến cáo Hoa Kỳ đặt trọng tâm vào những điểm mấu chốt sau căn cứ vào chính sách hiện đại hoá của TQ như sau:

• Lãnh đạo cộng sản Bắc Kinh nhắm vào 3 mục tiêu cốt lõi của đất nước là: 1- Sự sống còn của chế độ; 2- Áp đảo vùng Châu Á-Thái bình dương để tiến hành ảnh hường toàn vùng; 3- Đề phòng Taiwan tuyên bố độc lập. Dĩ nhiên, các mục tiêu nầy ngầm hướng về đối tác là Hoa Kỳ. Mặc dù vẫn xem Hoa Kỳ là thù địch, nhưng TQ vẫn nhìn HK như một đối tác trao đổi thương mãi chính yếu để thúc đẩy kinh tế TQ đi lên.


• Sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc rất phực tạp và là hợp tác có một không hai. Nó hoàn toàn khác với sự hơp tác Mỹ-Nga sô trước kia qua cuộc đối đầu chiến tranh lạnh. Cả hai quốc gia đều muốn chia sẻ mối tương quan kinh tế, và là vấn đề then chốt của chế độ TQ. Vì Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có thể cung cấp cho TQ các công nghệ hiện đại và là một thị trường tiêu thụ lớn nhất thề giới.


• Hiện đại hoá guồng máy chiến tranh của TQ là mối quan tâm của những nhà chiến thuật và chiến lược hiện nay, cho dù TQ cố tình giải thích là tất cả chỉ nhằm mục tiêu hoà bình mà thôi. Sự gia tăng tiềm năng nguyên tử của TQ cho thấy âm mưu làm chiếc dù chính trị-quân sự trong vùng của TQ, và có thể đi xa hơn nữa ngoài Châu Á-Thái bình dương.


• Việc tăng trưởng nhanh chóng của TQ là mục tiêu hàng đầu của quốc gia nầy để sống còn và khống chế các nước nhỏ trong vùng trong đó có Việt Nam.


• TQ cổ suý việc thu thập hay làm gián điệp đánh cắp các công nghệ chiến tranh mới từ các quốc gia Tây phương và Hoa Kỳ.


• TQ thiết lập cùng một lúc ba mặt trận trên toàn cầu: khơi động chiến tranh tâm lý, chiến tranh dư luận, và nhất là cuộc chiến dành lại tính "chính thống" (legal warfare) cho các cuộc thương lượng hay tranh chấp quốc tế.

Qua các phân tích trên, chúng ta nhận rõ là TQ muốn nhắm vào việc thành lập một trung tâm quyền lực trong vùng Đông Nam Á Châu để từ đó có thể tiến xa hơn nữa trong việc hợp nhất với Taiwan trong hòa bình hay võ lực, vì đây là miếng xương vẫn còn mắc trong cổ của chính quyền cộng sản TQ.

Chính sách hiện đại hoá nhất là trongkỹ nghệ chiến tranh khiến cho Hoa Kỳ và thế giới e ngại. Hiện tại, Sau Liên bang Nga, TQ là quốc gia thứ nhì có thể tấn công thẳng vào Hoa Kỳ bằng vũ khí xuyên lục địa IRBM. Theo tạp chí 2008 Military Power of the People's Republic of China, thì vào năm 2001, TQ sẽ chế tạo được "năng lượng đặc" (solid-fueled) và ICBM, và có thể phóng từ các tiềm thuỷ đỉnh. Ngoài ra TQ còn có khả năng hiện đại hoá hệ thống viễn thông và lãnh vực điện toán tòan cầu.

Từ những khai triển căn bản trên, TQ dù muốn dù không cũng thể hiện nhiều chỉ dấu chuẫn bị cho một cuộc chiến mới. Do đó, thế giới ngày nay, tuy không còn là một thế giới lưỡng cực nữa như trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nhưng sự chuẫn bị và hiện đại hoá của TQ cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng qua: 1- mục tiêu hiện đại dành cho phát triển trong hoà bình hay chuẫn bị chiến tranh; 2- Khả năng khống chế của TQ có đủ mạnh không? 3- Và những yếu điểm của quốc gia nầy khiến cho họ chùng bước.

Câu hỏi được đặt ra là liệu TQ có thể mở một cuộc chiến tranh toàn diện hay không?

Câu trả lời là không trong tình trạng hiện tại của TQ. Nhưng họ vẫn có khả năng khuấy động từng phần qua việc gây ra những xáo trộn ở biển Đông, việc tranh dành ảnh hưởng thềm lục địa v.v… nhằm mục tiêu thăm dò và đánh giá phản ứng của Hoa Kỳ.

Tuy không chính thức mở ra nhửng cuộc chiến quy ước, họ đã bắt đầu phát động nhiều chủng loại chiến tranh trong vùng, hay khuynh đảo địa phương bắng những chiến thuật sau đây:

• Chiến tranh hàng lậu, hàng giã (hàng nhài), hàng bán dưới giá rẻ để làm lũng đoạn thị trường thế giới, mà nạn nhân gần nhất là Việt Nam. Kỹ nghệ thực phẩm như cà rốt, bông cải, bắp cải ở Đà Lạt hầu như bị tiêu diệt vì những sản phẩm nầy được chuyển tải từ TQ với giá rất hạ tại Sài Gòn. Kỹ nghệ xe đạp của Việt Nam cũng không sống nổi vì có giá thành cao hơn xe đạp TQ. Kỹ nghệ đường cũng chết theo vì nhập máy cũ của TQ và vì giá thành cao hơn đường TQ v.v…


• Chiến tranh tuyên truyền văn hoá ru ngũ thế hệ thanh niên Việt Nam qua phim ảnh, DVD, CD, và các tạp chí không lành mạnh.


• Phá hoại tài nguyên Việt Nam bằng cách lũng đoạn thị trường, chuyển dịch ô nhiễm đối với một số công nghệ cho nhiều phế thải độc hại, rút tỉa tài nguyên thiên nhiên như gỗ và các mõ kim loại cần cho công nghiệp.


• Nguy hiễm hơn cả là cuộc chiến tranh không quy ước và vũ khí giết người hàng loạt là chiến tranh vi sinh. Tuy chưa có bằng chứng rõ ràng, nhưng trong năm vừa qua, nhiều học sinh tiểu học ở nhiều vùng khác nhau từ Bắc chí Nam bị bịnh hàng loạt trong khi đi học. Chứng tiêu chảy, nóng sốt, ngất xỉu xảy ra đồng loạt trong cùng một thời điểm. Bác sĩ không tìm ra bịnh lý. Phải chăng đây là một trong những cuộc thử nghiệm vũ khí vi trùng?

Chính sách Đại hán của TQ không dừng lại trong âm mưu biến Việt Nam thực sự thành một tỉnh của TQ qua vài nhận định và thực tế ở phần tiếp theo dưới đây.

Chiến lược sử dụng cho nhu cầu kinh tế-chính trị của TQ

Chính sách đối với Việt Nam: Tương tự như đa số các hãng xưởng sản xuất của Hoa Kỳ, từ hơn hai thập niên vừa qua, đã di chuyển cơ sở sản xuất về các quốc gia Mỹ La tinh, đặc biệt là Mễ Tây Cơ, vì ở những nơi nầy, nhân công rẻ mạt và luật lệ môi trường hầu như không được áp dụng. Tư bản Tây phương cũng hành xử tương tự là đổ xô vào Đông Âu, những quốc gia vừa thoát khỏi gông cùm Cộng sản như Ba Lan, Hung Gia Lợi. TQ cũng đang chuyển mình tiến về Đông Nam Á. Và Việt Nam là một trong những thí điểm lớn để cho tư bản TQ định cư.

Trước sự cạnh tranh kinh tế toàn cầu ngày càng gay gắt, việc hạ giá thành phẩm là việc làm ưu tiên để có thể chiếm lĩnh thị trường thế giới. Đó là chính sách chung của mọi quốc gia. Do đó, Việt Nam là một mảnh đất béo bở cho tài phiệt TQ đầu tư vì: - Nhân công còn quá rẻ, ngay cả đối với nhân công TQ vốn dĩ đã quá rẻ mạt; - Chi phí cho việc bảo vệ môi trường không bị đòi hỏi gắt gao như ở TQ hiện tại; - Và quan trọng nhất là mọi thủ tục hành chánh và dịch vụ xuất nhập cảng đều được dễ dàng vì cung cách quản lý địa phương ở Việt Nam dễ bị mua chuộc. Từ 3 yếu tố trên, Việt Nam đối với TQ có thể được ví như là Mễ Tây Cơ với Hoa Kỳ trong lãnh vực đầu tư và sản xuất.

Thêm một yếu tố tâm lý quan trọng khiến cho các nhà đầu tư TQ di chuyển xuống VN là TQ tìm thấy nơi đây một xứ sở giống như đất nước của họ, một đất nước đang chuyển mình từ từ và đang từ bỏ chủ thuyết cộng sản không tưởng để tiến tới một nền kinh tế thị trường tự do đầy hấp dẫn. Còn về tâm lý chung của hai dân tộc, có nhiều điểm tương đồng chính nhất là việc quan hệ kinh doanh dựa theo cách tiếp cận có tính cách cá nhân và thường sử dụng quyền lực áp đặt để lấn át pháp luật hầu mang lại mọi dễ dãi trong thủ tục hành chánh.

Hãy nghe Zou Qinghai, Chủ tịch phòng Thương mãi Triết Giang tuyên bố:" Chúng tôi hiểu thông suốt rằng phải đưa tiền hối lộ mới xong công việc. Cách thức phát triển của VN chỉ đơn giản là một bản sao của TQ".

Hiện tại, tính đến cuối năm 2005, đầu tư của TQ chính thức vào VN tương đối còn khiêm nhường so với các quốc gia trong vùng như Đài Loan, Nhật Bản, Đại Hàn là 734 triệu Mỹ kim so với hơn 50 tỷ của ba nước vừa kể trên. Nhưng qua những con số không chính thức có liên quan đến những đối tác Hồng Kông thì mức thẩm thấu vào VN có thể lên đến 3,7 tỷ. Và thương mãi hai chiều dự kiến trong năm 2008 là trên 10 tỷ Mỹ kim.

Các công ty TQ chú trọng đầu tư vào năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của VN. TQ đã ký thoả thuận trong việc thăm dò dầu khí ở vịnh Bắc Việt trong khi Hồ Cẩm Đào viếng thăm thủ đô Hà Nội vào tháng 10, 2005. Việt Nam vẫn là một lợi điểm cho TQ vì hai quốc gia đã ký hiệp ước tự do mậu dịch với nhau. Từ đó, TQ có thể chuyển ngành dệt sang VN để tránh vấn đề hạng ngạch (quota) trong việc xuất cảng các sản phẩm nầy qua Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu.

Ảnh hưởng lên môi sinh Việt Nam: Như đã nói ở phần trên, TQ đã bắt đầu chuyển dịch các cơ sở sản xuất qua VN vì áp lực của luật ô nhiễm môi trường ở bản địa là chính. Các đầu tư di chuyển về VN cũng vì luật lệ ở TQ nghiêm ngặt hơn qua việc bảo vệ môi trường ở một số khu vực tại TQ, đặc biệt ở các tỉnh ở miền duyên hải như Thượng Hải, Hong Kong, Triết Giang. Chính quyền ở những tỉnh nầy khuyến khích đầu tư ở VN đối với các công nghệ gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất như công nghệ thép, plastic, điện tử, hoá chất v.v... Cơ quan bảo vệ môi trường ở các tỉnh trên đã bắt đầu ngăn cấm và tước quyền sử dụng đất, nước, và điện của những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đó cũng là một trong những lý do chính để các nhà đầu tư TQ xuôi Nam, một nơi có chi phí dùng trong an toàn lao động rẻ mạt.

Từ những nhận định và phân tích trên đây, quả thật VN đang phải hứng chịu nhiều hệ quả của việc bành trướng và phát triển kinh tế và kỹ nghệ của TQ. Tư thế của một đàn em VN trước một đàn anh nước lớn TQ cho đến nay vẫn là một sự thuần phục hoàn toàn. Thuần phục trong tư thế chính trị, quân sự lẫn kinh tế. TQ đã tạo được một sức ép quá mạnh trong ba lãnh vực trên, khiến cho VN luôn luôn đang ở thế bị động và không thể nào thoát khỏi tầm ảnh hưởng của ba gọng kền trên.

Đất Nước là Đất Nước của chung, của cả dân tộc. Từ người lãnh đạo quản lý Đất Nước cho đến người dân cùng đinh trong xã hội cần phải được dự phần và chia xẻ trách nhiệm đối với Đất Nước. Ở các quốc gia tiến bộ và phát triển, người có quyền hạn càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Một tai nạn xe lữa hay máy bay có thể khiến cho ông/bà Bộ trưởng Giao thông phải nhận lãnh trách nhiệm và từ chức. Huống chi trong việc quản lý một Đất Nước. Việt Nam từ bao năm nay, có biết bao chính sách, kế hoạch... bị phá sản mà nhân sự đề ra chính sách vẫn ung dung tự tại trên cương vị cũ, có khi càng cao hơn để có điều kiện đề ra những chính sách phá sản khác! Đó là một trong nhiều nghịch lý làm trì trệ sự tiến hóa và phát triển của Dân tộc.

Để kết luận, chúng ta thử hình dung các mắc xích có thể kết nối bốn sự kiện đang được khai triển ở Việt Nam và các quốc gia lân cận. Đó là các công trình xây dựng xa lộ Trường sơn, đường số 9 nối liền biên giới Thái-Lào ra biển Đông qua thị xả Đồng Hới, nhà máy lọc dầu Dung Quất, và dự án quốc tế giữa Trung Quốc và Thái Lan trong việc khai thông lòng sông Cửu Long để tàu vận tài nặng có thể lưu thông trên thủy lộ nầy.

Trước hết, theo quan điểm về chiến lược quân sự mới, xa lộ Trường sơn sẽ không còn là con đường chiến lược một khi có chiến tranh như lãnh đạo Việt Nam biện minh cho việc xây dựng nầy. Thiết nghĩ đây là con đường chiến lựơc dành cho mục đích kinh tế-chính trị, nhưng không hẳn để áp dụng cho Việt Nam vì trong suốt chiều dài của xa lộ là vùng thưa dân cư nếu không nói là hoang dã. Quốc lộ I, con đường huyết mạch của Việt Nam, cần phải được nâng cấp nhất là từ Quảng trị trở ra Bắc nhưng không được lưu tâm đến.

Đường số 9 được nới rộng thành một xa lộ để mở một huyết mạch đông tây từ Thái Lan ra biển Đông. Về nhà máy lọc dầu Dung Quất, tuy vùng nầy không có hạ tầng cơ sở như giao thông, điện nuớc, và dân cư thưa thớt, và rất xa trung tâm sản xuất dầu thô hàng ngàn dậm. Địa điểm nầy phải chăng được chọn lựa để đáp ứng mục tiêu chuyển vận dầu khí vào vùng đất phía Tây Nam của Trung Quốc?

Và công trình quốc tế thứ tư là trục vớt cùng nới sâu lòng sông Cửu Long không ngoài mục đích vận chuyển của các tàu vận tải hàng hóa lớn nối liền Vân Nam (Tây Nam Trung Quốc), Thái, Lào, và Việt Nam?

Nếu tổng hợp bốn mắc xích trên lại với nhau, chúng ta có thể hình dung được một sự phối hợp chiến lược nhuần nhuyễn về quân sự-kinh tế-chính trị. Nhưng sự phối hợp đó có thể chỉ để phục vụ cho nhu cầu của đàn anh nước lớn để:


Chuyển vận hàng hóa xuất cảng từ lục địa Tây Nam Trung Quốc sang Thái, Lào, Việt Nam và quốc tế. Sản phẩm nhập cảng chiến lược của Trung Quốc là dầu khí, và Dung Quất sẽ là nguồn cung cấp quan trọng cho vùng nầy.

Nếu dự kiến cảnh tượng trên đây là một sự thật thì đây sẽ không thể hiện tinh thần hội nhập và phát triển bền vững theo tinh thần của Liên Hiệp Quốc đề ra mà chỉ tô đậm thêm lý tính thần phục, nếu không nói là nô lệ của cường quyền để phục vụ cho nhu cầu kinh tế, chính trị, và quân sự của Trung Quốc hơn là tạo thêm phúc lợi cho người dân Việt.


Xuyên qua bốn cản ngại đã phân tích ở phần trên để lý giải cho việc phát triển không đồng bộ đưa đến tình trạng bế tắc hiện tại của Việt Nam trong vấn đề hội nhập vào tiến trình tòan cầu hóa trên thế giới, Việt Nam đang tiếp tục đi theo chiều hướng kinh tế chỉ huy, do đó không còn đủ sức quán tính mạnh để vượt ra khỏi rào cản thần phục và xin-cho, để rồi cuối cùng giải pháp thần phục vẫn là giải pháp dễ nhất và an toàn nhất cho công cuộc bảo vệ quyền lực. Tin mới nhất vào tháng 8 vừa qua, Việt Nam lại quyết định xây dựng các xa lộ huyết mạch từ biên giới Lao Kay vào Hà Nội nối liền xa lô Côn Minh, Hà Khẩu bên TQ, và đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Điều nầy chứng tỏ thêm một lần nữa tư thế lệ thuộc của Việt Nam và chính sách bành trướng về phương Nam của TQ đã hiện rõ.


Từ những lý do đó, làm sao lãnh đạo Việt Nam có thể đem lại niềm tin cho người dân được. Biết đến bao giờ thái độ thần phục của Việt Nam được chấm dứt để cho người dân Việt có khả năng đứng vững trên hai chân của mình. Lịch sử Việt Nam trong tương lai chắc chắn sẽ không quên ghi lại những trang sử đen tối của dân tộc trong giai đoạn nầy.

Thay lời kết

Qua những nhận định và phân tích vừa kể trên, quả thật chúng ta đã thấy thật rõ tinh thần quốc gia cực đoan và tự ái dân tộc của người Trung hoa, kể cả người dân và chính quyền.

Đối với người dân Trung hoa, qua Thế vận hội Bắc kinh vừa qua, sau khi thế giới khám phá ra về rất nhiều vụ giả tạo từ màn chiếu pháo bông, cho đến việc nguỵ tạo tuổi giả để tham dự của vận động viên, việc ghép hình, và gần đây nhất việc phi hành gia TQ lên không gian….trong hồ nước v.v… vẫn được người dân trong nước chấp nhận vì não trạng của một "dân tộc Đại Hán". Họ chấp nhận và sẳn sàng bỏ qua những hành động gian trá của chính quyền TQ, vì tinh thần dân tộc cực đoan, làm bất cứ giá nào để cho bộ mặt đất nước TQ được nở rộ trước thế giới.

Đối với chính quyền cộng sản TQ, vì cảm nhận được tâm lý người dân Trung hoa, qua tuyên truyền, họ càng khích động và ru ngũ người dân Trung hoa thể hiện tinh thần đại hán qua các chính sách bành trướng hướng về Đông Nam Á và biển Đông, đặc biệt VIỆT NAM được chiếu cố đến nhiều nhất.

Chính vì hai lý do trên, cộng sản TQ giữ được ổn định xã hội tương đối trong hiện tại dù là tạm bợ, vì theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế, xã hội TQ có thể bị xáo trộn và cơn biến động có thể xảy ra bất cứ lúc nào do sự quản lý theo cung cách hiện tại của người cộng sản TQ.

Còn Việt Nam thì sao?

Đảng cộng sản Việt Nam cũng đang rập khuôn theo con đường của đảng cộng sản TQ, nhưng trên thực tế họ không thể hiện được chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay tinh thần yêu nước cực đoan như TQ, mà chỉ hành xử theo lịnh của đán anh nước lớn mà thôi.

Mặc dù Việt Nam đã lấn chiếm Lào và Cambodia bằng cách nắm trọn ảnh hưởng quân sự, chính trị, và kinh tế lên hai quốc gia nầy, nhưng một lần nữa, việc làm trên cũng chỉ là làm theo mệnh lệnh của TQ, chứ không thể hiện chủ nghĩa bành trướng và tinh thần yêu nước cực đoan như TQ.

Tóm lại, cho đến ngày hôm nay, mọi hành xử của cộng sản Việt Nam đều do cộng sản TQ điều khiển từ xa; Việt Nam hoàn toàn không còn quyền quyết định ngay cả trong nội tình trong xứ. Qua việc đàn áp người dân trong nước trong khi biểu tình chống TQ lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như qua việc Việt Nam để công an TQ đàn áp người dân trong khi biểu tình chống việc rước đuốc thế vận vừa qua đủ để nói lên tính nô lệ TQ của nhà cầm quyền cộng sản Viêt Nam hiện tại.

Hiện tại, nội bộ đảng cộng sản Việt Nam đang có nhiều rạn nứt trầm trọng, và rạn nứt nầy có thể làm cho đảng cộng sản tan rã trong tương lai. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chờ đợi trong thụ động mà cả người Việt trong nước hay tại hải ngoại cần phải thúc đẩy càng mạnh thêm để tiến trình dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam diễn ra càng nhanh hơn nữa.

Sách Lịch sử Việt Nam của Cụ Trần Trọng Kim có ghi là Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử trải qua bốn lần bị Bắc thuộc. Ngày hôm nay, có thể được ghi thêm là Bắc thuộc lần thứ năm kể từ ngày 3 tháng 2 năm 1930 và kết thúc vào ngày … Ngày đó sẽ do tất cả người Việt trong và ngoài nước quyết định.

Mai Thanh Truyết
Xuân Kỷ Sửu - 2009

Category: Chính trị | Views: 747 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 8
Khách: 8
Thành Viên: 0