|
|
Kính thưa đồng bào trong và ngoài nước,
Nhân
ngày Tết Nguyên Đán năm Kỷ Sửu, tôi thân ái gởi đến đồng bào toàn quốc
lời chúc Tết trang trọng và thân thương nhất của tôi. Từ bao năm qua,
đồng bào tại quê nhà đã chịu đựng biềt bao lầm than thống khổ. Cùng với
các phong trào dân chủ trong nước, cộng đồng hải ngoại đã kiên trì
tranh đấu để đòi lại nhân quyền và những quyền tự do dân chủ của người
dân bị bạo quyền tước đoạt từ hơn nửa thế kỷ qua.
Ngày giao
thừa là ngày chúc tụng lẫn nhau, và cũng là ngày đặc biệt dành để đốt
hương cúng lạy ông bà và tưởng niệm tổ tiên đã dày công dựng nước và
giữ nước cho chúng ta qua mấy ngàn năm dài của lịch sử. Chính trong
tinh thần linh thiêng của ngày lễ dân tộc truyền thống này, tôi mạn
phép cảnh báo đồng bào về nạn mất nước sắp xảy ra trong năm nay, năm Kỷ
Sửu 2009 này, nếu toàn dân chúng ta không đoàn kết vùng lên để đấu
tranh với bạo quyền phản quốc đang cấu kết với kẻ thù bá quyền phương
Bắc.
Thật vậy, với công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng từ năm
1958, mở đường cho Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa
năm 1988, tiếp theo hai hiệp định phân định biên giới ký ngày
30/12/1999 và phân định lãnh hải ký ngày 25/12/2000 giữa hai cộng đảng
Việt Nam và Trung Hoa, đất nước chúng ta đã mất tối thiểu 1000 cây số
vuông trên đất liền và 10 ngàn cây số vuông trên mặt biển. Nay, với chủ
trương của bạo quyền cố tình từ bỏ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông,
người dân chúng ta tự hỏi bạo quyền còn sẽ dâng cho Trung Cộng bao
nhiêu trăm ngàn cây số vuông biển nữa, vì chính sách bịt miệng bịt tai
của bạo quyền cấm đoán người dân tìm hiểu mọi tin tức liên quan đến
hành động bán nước này.
Có lẽ đa số đồng bào không được biết
Điều 76 “Công Ước Luật Biển” của Liên Hiệp Quốc minh định các nước ven
biển muốn được hưởng vùng đặc quyền kinh tế ra tới 200 hải lý, hay thềm
lục địa ra tới 350 hải lý, phải lập hồ sơ nạp cho Liên Hiệp Quốc trước
ngày 13/05/2009 là thời hạn chót, như đã được bổ túc bởi Điều 4 của Phụ
Lục II của Công Ước (Annex II to the Convention). Tại Biển Đông, các
nước sau đây đã tranh chấp về thềm lục địa cùng các quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa: Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Brunei, Trung Hoa, Đài
Loan và Việt Nam. Các nước tranh chấp đều tích cực xúc tiến đệ nạp hồ
sơ cho Liên Hiệp Quốc. Riêng về Việt Nam thì chưa có một dấu hiệu gì
cho thấy nhà cầm quyền xúc tiến thủ tục đòi hỏi bởi thẩm quyền tối cao
này. Lý do là vì muốn được sự bảo trợ của Trung Cộng để duy trì độc tài
đảng trị, cộng sản Việt Nam đã để cho Trung Cộng khống chế, bị ép buộc
ký kết “hai hiệp ước bán nước” năm 1999 và 2000 và tuyệt đối giữ kín
cho đến ngày nay.
Kính thưa đồng bào toàn quốc,
Vì
quyền lợi của hai cộng đản Trung Hoa và Việt Nam, cho tới nay cộng sản
Việt Nam đã nhượng mất hàng ngàn cây số vuông lãnh thổ dọc biên giới
Hoa Việt và phần lớn Biển Đông cho Trung Cộng, một hành động bán nước
chưa hề xảy ra trong 4000 năm lịch sử của nước nhà, kể từ ngày quốc tổ
Hùng Vương dựng nước đến nay. Đất nước là gấm vóc được tiền nhân truyền
lại cho muôn đời. Từ lưu vực sông Hồng sông Đáy miền Bắc đến tận đồng
bằng sông Tiền sông Hậu miền Nam, mỗi tấc đất đã được vun bón bằng thân
xác, bằng máu và nước mắt của tiền nhân trong tiến trình Bắc Phạt và
Nam Tiến hào hùng. Đất nước là sở hữu của toàn dân, của trăm họ, của
từng người dân con cháu của Tiên Rồng. Giữ nước là bổn phận thiêng
liêng của toàn dân, của từng người dân con Hồng cháu Lạc. Di sản quý
báu đó không thuộc của riêng ai, hay bất cứ tập thể riêng rẽ nào. Tiếp
nối truyền thống anh hùng của tiền nhân chống Bắc xâm để giữ nước vẹn
toàn lãnh thổ, mỗi người chúng ta phải nhận lấy trách nhiệm vùng lên
nếu muốn sống tự do và xứng đáng với tiền nhân anh dũng.
Hành
động vùng lên bẻ gãy xiềng xích là hành động sinh tồn chính đáng từ
ngàn xưa kinh qua lịch sử của các dân tộc khắp thế giới. Cuối thập niên
80 của thế kỷ vừa qua, phong trào vùng lên tranh đấu ôn hòa nhưng quyết
liệt đã giải phóng hàng chục nước độc tài đảng trị ở Liên Xô và Đông
Âu, và gần hơn nữa là những cuộc nổi dậy ly khai đẩm máu của các sắc
dân vùng Balkan đã chứng minh quyền sống tự do, quyền làm người không
thể van xin ai, không cần xin phép ai và cũng không cần chứng minh nước
này hay sắc tộc nọ có tư cách quốc gia hay không?
Kinh nghiệm
cho thấy tư cách quốc gia, quyền sống và nhân quyền, quyền làm người
phải trả bằng kiên trì gian khổ và nếu cần, bằng xương máu.
Ngoài
ra, bài học do tiền nhân truyền lại cho chúng ta là khi một phần hay
toàn thể đất nước bị ngoại bang cướp đoạt, người dân không có quyền bỏ
cuộc, hay nói một cách khác, không có quyền từ bỏ chủ quyền quốc gia
bất luận trong điều kiện thời gian và không gian nào. Và nguyên tắc bất
di dịch từ ngàn xưa là mỗi khi vấn đề được nêu lên hay mỗi khi có cơ
hội thì phải lên tiếng khẳng định và dành lại chủ quyền quốc gia bằng
mọi hình thức đấu tranh thích hợp. Trong trường hợp hiên tại của Biển
Đông kể cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôi khẩn thiết kêu gọi
đồng bào trong và ngoài nước, ngay từ bây giờ, muôn người như một, hãy
đồng loạt lên tiếng trực tiếp với Liên Hiệp Quốc để toàn thế giới ghi
nhận vào hồ sơ pháp lý, lưu lại cho hậu thế, có lợi cho các cuộc tranh
tụng và khởi tố về sau, khi thời cuộc quốc tế xoay chiều thuận tiện cho
chính nghĩa dân tộc của chúng ta.
Thân ái cùng đồng bào. Nguyễn Bá Cẩn Cựu Chủ Tịch Hạ Nghị Viện Thủ Tướng Chính Phủ VNCH
|