Nhã Trân, phóng viên RFA
2009-01-28
Dân chúng Việt Nam đón Tết Kỷ Sửu như thế nào và hiện có tâm trạng ra sao sau những cuộc vui Xuân?
Không được như năm trước
Không khí lễ Tết ở hội hoa
xuân ở Hà Nội, đường hoa Nguyễn Huệ ở Sài Gòn, và khu vực cung đình Huế đến hôm
nay đã tạm lắng và nói chung mọi người bắt đầu nghĩ đến việc trở lại với nếp
sống thường nhật.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có cái
Tết thế nào, và trước viễn ảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm Kỷ
Sửu có khả năng kém hơn năm Giáp Tý, theo như dự báo của giới chuyên gia, người
dân có lo lắng cho hơn ba trăm ngày sắp tới?
Một giáo viên nghỉ hưu ở khu
vực phố cổ Chi Lăng trên địa bàn tỉnh này là bà Công Tằng Tôn Nữ Phương Minh,
thuật lại:
“Mấy hôm Tết vừa qua khu
vực này bình thưòng thôi, không có tụ điểm đón Tết do nhà nước tổ chức. Ở đây có cái quán bán bánh bột lọc, dân chúng
kéo tới, xe to xe nhỏ tới ăn. Chúng tôi
cũng vui Tết, cũng mua sắm rộn ràng như mọi gia đình khác.
Tết là tập tục cổ truyền
nên ai cũng nô nức mua sắm, nhưng năm nay cũng có hơi kém hơn năm ngoái.
Không biết các gia đình
khác ra sao, còn gia đình tôi cũng khá.
Tôi về hưu rồi. Năm mới nên mong
muốn là đất nước yên vui hoà bình, dân chúng được an lành, làm ăn phát đạt.”
Người dân khu vực TP. HCM, đã
đổ ra các con lộ chính và các khu giải trí như đường Hoa Nguyễn Huệ và các công
viên tụ điểm đón xuân trong ba ngày đầu năm, có được vui nhiều không và lúc
này tâm trạng ra sao khi sắp sửa trở lại
cuộc mưu sinh?
Một người buôn bán nhỏ lẻ là
chị Thảo, có sạp hàng mỹ phẩm ở quận Bình Thạnh, nói:
“Em ở quận Bình
Thạnh. Ngày mồng một em có ra chợ hoa
Nguyễn Huệ. Vắng lắm. Không đông.
Em đi đường Điện Biên Phủ về nhà thăm mẹ.
Em thấy [kinh tế] sẽ ảnh
hưởng chung hết. Qua Tết sẽ phải làm để
bù đắp lại những khoản chi tiêu trong kỳ Tết.
Cũng khó lắm, vì bây giờ buôn bán khó hơn, không như vài năm trước.”
Người thu nhập ít ở Sài Gòn
đã vui Tết và có tâm tư như vậy. Ngừơi
dân miền sông nước Hậu Giang, cụ thể là bà con miệt vườn, vừa qua đón xuân ra
sao và tâm trạng có gì khác chăng?
Nhã Trân hỏi thăm một nông
gia trồng khóm thuộc nông trường Tân Lập ở xã Tân Lập, huyện Tân Phước, tỉnh
Tiền Giang thì được nghe từ một phụ nữ là bà Hồng Hoa:
“Năm 2008 làm ăn khó khăn
nên không có tiền, vì vậy Tết này tệ hơn Tết năm rồi. Vùng thôn quê này không có gì là Tết hết
trơn. Không phải là không vui lắm, nhưng
việc mua sắm thì không bằng rồi.
Ở đây là nơi trồng khóm,
trồng trên liếp. Mỗi nhà trồng được hơn
2 mẫu, 2 hec ta đó. Cũng bán được. Bắt đầu Tết xong rồi thì 1, 2 hôm nữa người
ta sẽ đi làm lại bình thường.
Năm rồi chính phủ hạn chế,
không cho vay như mấy năm trưóc. Năm mới
thì ước nguyện là làm ăn được phát đạt hơn một chút, được vay tiền như mấy năm
trưóc.”
Nỗi lo sau Tết
Trong khi đó từ phường Nam
Bình, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình ở Bắc Bộ, một sinh viên là cô Như
Ngọc, diễn tả đã đón Tết ra sao, đồng thời nói lên suy nghĩ và mong mỏi của cô
cho gia đình cũng như cho đất nước trong năm Kỷ Sửu:
“Tại Ninh Bình này thì Tết
nói chung là buồn. Em thấy năm nay không
có không khí Tết. Mọi năm thì đông
vui. Năm nay nhà em chỉ có ba người ăn
Tết vì những người khác đi làm ở tỉnh lớn, thành phố lớn, không về được.
Năm nay kinh tế cũng hạn
hẹp hơn những năm trước, nhưng nhà em thì sắm sửa vẫn bình thường, không
sao.
Năm mới em mong gia đình
sẽ làm ăn tấn tới hơn. Em mong cho đất
nưóc phát triển với cùng [các nước trong] khu vực, và nói chung là phát triển
tốt hơn. Em muốn Việt Nam phát triển
hơn, vì năm vừa rồi kinh tế nói chung là không tốt đẹp.”
Người dân Hà Nội có vui nhiều
chăng trong mấy ngày Tết vừa qua, và ngay lúc này thì có ý kiến gì trước viễn
ảnh kinh tế của cả nước:
“Nói chung thì [Tết ở Hà
Nội] vui. Mọi người đi du xuân thì
vui. Đây là khu dân cư, khu Hàng Bún chỗ
Quan Thánh quận Ba Đình, Hà Nội. Không
có lễ hội nên không khí Tết cũng bình thường thôi.
Năm nay kinh tế thì kém
lắm. Kinh tế khó khăn đâm ra mọi nhà ở
khu phố này không được như mọi năm.
Dân ở xóm này nghèo
lắm. Sau cái Tết này thì bắt đầu lo lắng
về kinh tế đâý. Không biết là sẽ thế
nào. Công việc làm rồi có được ổn
định? Cũng thấy lo đấy. Sợ thất nghiệp đấy. Ở đây gồm những người lao động kiếm sống ở
vỉa hè, hoặc công chức, công nhân. Mong
muốn là nhà nước hỗ trợ để người dân có công ăn việc làm, mong là nhà nưóc có
những ưu ái cho những ngưòi dân nghèo.
Bày tỏ của chị Mỹ Trang, một
công nhân thưòng trú tại quận Ba Đình thuộc Hà Thành, cho thấy miền Bắc cũng
trong tình cảnh tương tự như miền Trung và miền Nam vào lúc này.
Đó là người dân thu nhập từ trung
bình đến thấp ở cả ba miền đã có mấy ngày đầu năm tương đối cũng rộn ràng dù
phải giảm bớt phần nào việc mua sắm Tết.
Nhiều người trong số này hiện phải lo lắng ít nhiều về cuộc mưu sinh
trong năm Kỷ Sửu, và vì thế đang mong mỏi vào một chính sách kinh tế tốt trong
thời gian tới, hoặc sự quan tâm và trợ giúp của giới thẩm quyền.
|