Thanh Trúc, phóng viên RFA
2009-01-28
Một
số phụ nữ Việt Nam, sang Malaysia làm ô-sin, mãi đến Tết mới được chủ
trả điện thoại để gọi về nhà. Thanh Trúc mời quí vị nghe nỗi lòng người
lao động xa xứ bị cắt liên lạc với gia đình bên nhà.
Tịch thu giấy tờ, điện thoại
Họ là những phụ nữ quê mùa chất
phác, quyết định bỏ ra một số tiền để sang Malaysia làm nghề giúp việc nhà từ
tháng Bảy 2008, vừa đến nơi thì bị chủ giữ ngay điện thoại đi động và giấy tờ
tuỳ thân, cả mấy tháng trời không sao liên lạc tiếp xúc được với gia đình ở
trong nước.
Phụ trách thủ tục đưa các chị
em phụ nữ này qua Malaysia là Công Ty Xuất Khẩu Nhân Lực Và Thương Mại
thuộc Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội Việt Nam, gọi tắt là SONA.
Tại Malaysia, đối tác của
SONA là công ty Wimbond, chuyên trách tiếp nhận người giúp việc sang để bố trí
đến nhà chủ.
Từ trong năm, qua thông tin của
CAMSA tức Liên minh Chống Nạn Nô Lệ Thời Đại Mới trong tổ chức Boat
People SOS ở Hoa Kỳ, đài Á Châu Tự Do đã từng đôi ba lần loan tin về những hoàn
cảnh khó khăn của những người Việt Nam đi làm ô xin ở Malaysia.
Những khó khăn đó là không được
trả lương từ lúc qua đến giờ, bị đổi từ chủ này sang chủ khác, không được đối xử
tử tế, giấy tờ tuỳ thân bị tịch thu như một hình thức cầm giữ không cho ra
ngoài.
Chỉ được gọi vào ngày Tết
Hôm 30 Tết Kỷ Sửu vừa qua,
ngay sau khi được tin báo của CAMSA là có chị được chủ nhà đưa lại
điện thoại để gọi về nhân dịp Tết , đường dây viễn liên của RFA đã nối sóng với
máy của chị Hương, quê ở Phú Thọ, đang giúp việc trong gia đình một người
Malaysia gốc Hoa.
Chị Hương kể chị vừa gọi ngay
về cho chồng, con và anh chị em ở nhà để mọi người đỡ lo:
“Sang đến nơi thì họ thu
điện thoại. Khi đến đây được hai chục ngày thì ông chủ cho gọi có một phút về
nhà xong đến bốn tháng sau mới lại được gọi về nhà một lần nữa. Thế rồi đến
bây giờ lại được gọi lần nữa. Tại Tết thì họ trả điện thoại, họ nói sau Tết
họ lấy lại.
Hôm nay là mùng Một Tết
này, hôm qua là tối 29 Tết em gọi về nhà thì gặp chồng. Chồng con rất là mừng,
trách móc làm sao biền biệt mấy tháng trời mà không gọi điện về nhà để cả nhà
lo lắng, kiềm tiền như vậy thì kiếm để làm gì. Mà em cũng chưa được hưởng đồng
lương nào. Em cũng đã đòi về rồi đấy là môi giới ở đây họ không tạo điều kiện
cho mình về”.
Được hỏi về cái Tết đầu tiên
của chị ở Malaysia như thế nào, chị Hương nói vì nhà chủ gốc Hoa nên họ cũng ăn
Tết Nguyên Đán, nhưng người giúp việc như chị thì làm gì có Tết dù là chỉ
ăn theo:
“Gia đình họ ăn rồi thì
còn lại gì là mình ăn nấy, chả có cáigì ìcả. Hôm qua ăn có mỗi quả quít mà họ
còn nói nữa là. Họ không cho sử dụng điện thoại, Tết thì họ mới đưa cho mình,
xong Tết là phải trả cho họ.
Đối xử thì họ coi mình là
người ở, mình không được chuyện trò tiếp xúc với người ta. Rất là buồn,
sang đây mà kiếm đồng tiền thì nó rất là ít. Em rất muốn về nhà. Như lúc trước
em đòi về thì họ đòi là phải bồi thường 30 triệu tiền Việt Nam mình họ mới
cho về. 30 triệu thì làm sao chúng em có.”
Cùng một hoàn cảnh, chị Thắm,
quê ở Thái Bình, không được chủ nhà tạm trả điện thoại để gọi về trong dịp
Tết. Chị Thắm phải gọi nhờ qua máy của chị Hương:
“Điện thoại của em nó bảo
là bao giờ về nước nó mới trả. Em mới sang có bảy tháng thôi, lương ba tháng đầu
thì bị chủ giữ còn ba tháng sáu thì trả nên em gởi về nhà rồi. Gọi về nhà thì
nói chuyện cho đỡ nhớ chứ vợ mấy tháng liền không gọi về nhà, giờ nghe tiếng vợ
thì cũng phấn khởi, mấy tháng chả thấy gọi. Đấy điện thoại chủ nó giữ mà hôm
nay bảo nó trả, hỏi nó thì nó vùng vằng.
Em cũng muốn về lắm nhưng mà
tội nhà cũng còn nợ, thôi thì cố ở. Nếu mà em còn ở đây thì còn hơn năm rưỡi nữa
mới hết hợp đồng đấy, nhưng em chỉ nghĩ là đến tháng năm tháng sáu năm mới này
là em nghĩ em phải về, không chịu được, đấy chị xem như ngày hôm nay đấy, làm đến
mười một giờ mới xong. Chủ không quan tâm đến mình, chỉ để ý là công việc mình
có làm không thôi.
Nói chung chả biết Tết là
cái gì, chiều hôm nay chúng em mới biết là Tết thôi chứ còn thực sự ra
nhà chủ chả nói chả hỏi han gì đến em là Tết như thế nào.”
Đó là tâm trạng người đàn bà
tạm thời lìa chồng lìa con đi sang nước ngoài làm nghề ở đợ cho dân bản xứ
mà gặp phải bao nhiêu vấn đề.
Không thấy mẹ gọi nữa…
Cảm nghĩ người ở nhà thì sao
sau mấy tháng bặt tin rồi bất thần được người thân nhất gọi về? Từ Phú Thọ,
em Hùng, con trai của chị Hương, nghẹn ngào bảo không thấy mẹ gọi về nữa:
“Từ ngày mẹ đi tới giờ
cháu nhớ mẹ lắm. Mẹ cháu gọi về từ hôm mùng Một. Con mong mẹ về chóng với con ạ…
Con buồn lắm vì ít lần được nghe mẹ nói.”
Người chị ruột của chị Hương,
bà Sửu, kể là bà cũng thấy hụt hẫng làm sao bởi chỉ nghe em mình gọi vài phút rồi
gác máy:
“Ngày hôm qua gọi được nói
chuyện thì nó kêu khổ quá, biết thế nào ạ. Lâu lắm rồi nó có được gọi đâu, đấy
suốt từ ngày ấy tới giờ chả gọi về thế bên này lo quá không biết đầu
đuôi thế nào, cứ khóc mếu bảo hay là bị nó đem đi đâu mất.
Hồi mới sang bị tịch thu
cái điện thoại rồi, nó viết thư về bảo thế, em không điện được về đâu, chỉ có
các cháu viết thư sang thì chả thấy nhận được. Thế thì hôm kia hôm qua mùng Một
mùng Hai thì thấy bảo là em chỉ điện thoại về báo gia đình là em vẫn khỏe nhưng
mà em khổ lắm, gia đình người ta khó khăn mình đi làm thuê làm mướn . Cái
cảnh rất cực nó không muốn ở nó đòi về.”
Vì không được lãnh lương từ
lúc mới qua tức là từ tháng Bảy 2008 đến giờ, chị Hương không có tiền gởi về
nhà cho chồng con ăn Tết. Theo lời bà Sửu là thôi thì cảnh khổ như vậy nên anh
em trong nhà cứ giúp lẫn nhau cho có cái Tết:
“Em nó hỏi thăm là Tết nhất
thế nào, bảo chồng nó ở nhà với hai đứa con thì nó lo lắng quá. Bây giờ
anh em thì cũng cưu mang đưa cho một triệu để tiêu Tết. Em trai cũng đưa cho
năm trăm.
Hoàn cảnh khó khăn thì
thôi dông dài ở Việt Nam mình thì cũng lo với nhau thôi chứ chả biết bây giờ
tình hình thế nào chẳng biết nơi nào mà đi hỏi cho biết.”
Bước qua chiều mùng Hai Tết
giờ Malaysia và Việt Nam, khi RFA gọi trở qua cho chị Hương để mong nối
đường dây cho chị nói chuyện cùng anh Ba, chồng của chị, thì máy bên đó báo là
không có người nhận cuộc gọi…
|