Thứ Sáu, 2024-04-19, 2:21 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 29 » Những sự kiện được giới trẻ quan tâm (phần 1)
6:10 AM
Những sự kiện được giới trẻ quan tâm (phần 1)
2009-01-28

Nhìn lại năm Mậu Tý vừa qua, những sự kiện nào tại Việt Nam được giới trẻ trong nước quan tâm nhất? Trà Mi mời quý vị và các bạn theo dõi trên Diễn Đàn Bạn Trẻ.

Photo courtesy of Vietcatholic

Đông dảo các bạn trẻ tham gia cầu nguyện cho Giáo sứ Thái Hà. Photo courtesy of Vietcatholic

Trà Mi : Trà Mi hân hạnh được gửi lời chào Năm Mới đến tất cả quý thính giả thân thương của "Diễn Đàn Bạn Trẻ" Đài RFA. Kính chúc quý vị một năm Kỷ Sửu an khang-thịnh vượng-mọi sự như ý!

Năm Mậu Tý 2008 đầy sự kiện đã đi qua, để lại trong lòng mỗi người chúng ta biết bao ấn tượng vui buồn. Thế nhưng những sự kiện nào tại Việt Nam được giới trẻ quan tâm nhứt trong năm?  Đó cũng là chủ đề thảo luận trên Diễn Đàn tối Mùng 1 hôm nay, với sự tham gia của 3 bạn trẻ từ Sài Gòn, Nha Trang, Hà Tĩnh là Hùng, Quốc, và Thạch :

Thạch : Mình tên là Thạch, quê ở Hà Tĩnh.

Hùng : Mình tên là Hùng, mình ở Sài Gòn.

Quốc : Tôi tên là Quốc, ở Nha Trang.

Các sự kiện đáng chú ý

Trà Mi :  Xin được hỏi các bạn là trong năm qua có những sự kiện nào các bạn ghi nhận được, các bạn cảm thấy quan tâm nhất, thì xin mời các bạn chia sẻ?

Hùng : Theo mình thì năm 2008 vừa qua ở Việt Nam có xảy ra nhiều sự kiện. Trước nhất là kinh tế suy thoái. Người ta quan tâm vì cái đó nó tác động thẳng đến cuộc sống của người ta. Cái đó là về kinh tế. Về thể thao thì Việt Nam vô địch AFF Cup. Sự kiện thứ ba là sự kiện về tôn giáo, là cái vụ Toà Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà. Các bạn trẻ bên Công Giáo rất là quan tâm và hầu như đều theo dõi vụ đó hàng ngày.

Bắt phóng viên tại tòa báo
Bắt phóng viên tại tòa báo

Về chính trị, năm vừa qua Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng xác định chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa làm dấy lên một phong trào chống và bài Trung Quốc trong giới trẻ Việt Nam, nhất là sinh viên học sinh, và đã xảy ra những cuộc biểu tình. Sự kiện này được giới trẻ quan tâm rất nhiều. Đó cũng là một lực đẩy để giới trẻ quan tâm hơn về chính trị của Việt Nam.

Trà Mi : Cảm ơn anh Hùng. Mời anh Thạch.

Thạch : Tôi quan tâm nhất là về việc chống tham nhũng. Các vụ xử tham nhũng chưa thật nặng tay. Cái thứ hai nữa là suy thoái kinh tế cộng với thiên tai làm nhiều người dân bây giờ đã nghèo lại càng nghèo thêm. Đó là về nông dân. Và công nhân cũng thế, rất nhiều công nhân bây giờ bị thất nghiệp phải quay về nông thôn tạo ra gánh nặng cho gia đình, gánh nặng cho nông thôn. Đó là những điều mình rất là quan tâm.

Trà Mi : Anh nói rằng giới trẻ quan tâm đến những vụ tham nhũng trong năm qua mà có những vụ nào anh đang nghĩ tớí là những ví dụ điển hình không anh?

Thạch : Vụ PMU-18 chẳng hạn thì những người như thế phải xử nặng hơn chứ! Đáng lẽ phải xử tù chung thân. Vì các vụ tham nhũng tác động làm cho đất nước này, đất nước Việt Nam mà nghèo, chậm phát triển là do tác động của tham nhũng rất là lớn.

Trà Mi : Đó là vụ PMU-18. Thế còn trong năm qua có vụ án cũng nổi đình nổi đám. Đó là dự án Đại Lộ Đông-Tây. Các bạn trẻ có quan tâm không?

Thạch : Có chứ. Mình có kỳ vọng đất nước chỉ cần chống tham nhũng một cách mạnh mẽ thì đất nước sẽ khá lên thôi.

Nhà nước và Xã hội

Trà Mi : Cảm ơn ý kiến của anh Thạch. Vừa rồi anh Thạch và anh Hùng đã chia sẻ ý của mình. Thế còn cảm nhận của anh Quốc ở Nha Trang, anh thấy có điều gì mà anh muốn bổ sung không?

Quốc : Riêng tôi thì tôi quan tâm nhiều đến vấn đề là cái ao ước và cái nguyện vọng của người dân được phản ánh như thế nào trong xã hội Việt Nam thì tôi thấy rất là khó khăn. Cuộc sống có những điều chúng ta ước mơ, chúng ta vươn lên học hỏi, nhưng mà được thể hiện như thế nào thì mọi người đã biết rồi.

Ở Việt Nam chỉ có một kênh thông tin duy nhất. Đó là báo đài của nhà nước, cái gì cũng phải bị kiểm duyệt. Ngay cả một sự phản ánh nào đó cũng phải bị kiểm soát, kiểm duyệt rồi mới được nói trên báo đài, và thậm chí những ước mơ, tâm tư, nguyện vọng của người dân tuy là nhỏ bé thôi hay thông thường thôi cũng không ai lắng nghe, và dẫu có nghe rồi thì cũng chẳng để làm gì, không biết ai sẽ giải quyết nó. Cái đó tôi quan tâm nhiều hơn.

ThaiHa-tre-093008c-305.jpg
Giới trẻ tham gia cầu nguyện cho Thái Hà. Photo courtesy of Vietcatholic

Những ví dụ cụ thể rất là nhiều. Tôi thấy là ngày càng có nhiều tiếng nói của các nhà văn, họ phản ánh lại xã hội thôi. Đôi lúc họ không được nói, và tôi cảm thấy rất là đau buồn cho những vấn đề đó của đất nước.

Trà Mi : Anh nói đến sự tự do của nền báo chí ở Việt Nam (Quốc : Đúng rồi!), thì trong năm qua có vụ việc hai nhà báo phanh phui tham nhũng mà bị mang ra xét xử...

Quốc : Đúng! Đúng! Còn có nhiều việc nữa mà hầu như là Đài RFA đã phản ánh qua nhiều kỳ rồi. Chẳng hạn như hai nhà báo Chiến và Hải của Thanh Niên và Tuổi Trẻ trong một vấn đề rất là bức xúc của xã hội, thì hầu như dư luận xã hội và cá nhân tôi thì tôi không thấy đó là niềm vui.

Tôi thấy đó là nỗi vô cùng đau buồn cho những người trí thức mà muốn đem ngòi bút của mình để nói lên những điều bênh vực cho người thấp cổ bé họng khác trong xã hội.

Thứ hai nữa là  cái thông tư nghị định mới cấm các bogger thì tôi cảm thấy rất là bức bối. Tôi cảm thấy sự quản lý của nhà nước càng lúc càng chi li vào cuộc sống và xâm phạm vào đời tư cá nhân của mọi người.

Nhà nước quên mất rằng bảo vệ một đất nước mà cuối cùng thì giống như là kiềm hãm hết tất cả mọi sự đi lên của con người. Mà tôi thấy cái đó là một cái đi ngược lại với thời đại của Thế kỷ 21 này.

Trà Mi : Anh Thạch và anh Hùng có chia sẻ những quan điểm mà anh Quốc vừa trình bày không?

Hùng : Mình cũng hoàn toàn chia sẻ những ý kiến của anh Quốc đưa ra. Cái thông tư quản lý blog vừa rồi mình cảm thấy nó rất là vớ vẩn. Nói hẳn ra rất là vớ vẩn. Nó muốn kiềm hãm tự do cá nhân của con người. Theo mình thì họ làm những cái đó chẳng qua là họ hù, chớ còn về thực tế thì rất khó mà kiềm chế được các bogger. Mà đây đã là một phong trào rồi. Các blogger đã dùng blog của mình để đưa những thông tin không được đăng trên báo. Các bạn trẻ đều quan tâm, những cái blog đã thành những tờ báo thông tin nóng hổi.

Thạch : Tôi nghĩ thế này. Các bài viết trên blog thì nó cũng chẳng làm gì ảnh hướng đến đất nước này đâu. Làm ảnh hưởng đến đất nước là bọn tham nhũng.

Chính trị, đối ngoại

Trà Mi : Những sự kiện mà các anh đưa ra ở đây là những sự kiện mà các anh cho là quan tâm nhất. Năm qua có một việc rất là lớn lao đối với Việt Nam. Đó là lần đầu tiên Việt Nam được ngồi vào ghế uỷ viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ, thì không biết giới trẻ có quan tâm tới vấn đề này không mà không thấy các anh nhắc tới?

Hùng : Cái việc đó chỉ đánh bóng cái hình ảnh Việt Nam mà báo chí Việt Nam làm rùm beng lên nhưng mà người trẻ thực sự họ không quan tâm mấy tới vấn đề đó. Theo cái nhìn của mình thôi thì cũng chỉ hình thức là chính, chớ còn về ảnh hưởng của Việt Nam thì hầu như là không có.

Trà Mi : Thế còn ý kiến anh Thạch thì sao? Anh có nghĩ sự kiện này đã đem tiếng nói Việt Nam càng ngày càng gần gũi hơn, tiếp cận với quốc tế nhiều hơn không? Nó có tác dụng nào tích cực cho Việt Nam không?

Thạch : Tôi nghĩ một quốc gia như mình từ lâu chưa có tiếng nói lớn trên trường quốc tế, khi vào đấy thì chắc chắn là có những tác động tốt chứ. Mình là người Việt thì mình thấy đó là một điều tích cực cho đất nước mình.

Trà Mi : Cho tới nay anh đã ghi nhận được những tác động nào cụ thể từ việc này chưa?

Thạch : Thật ra những tác động này để mà đo nó thì rất khó. Khi được vào thì chắc chắn nhiều nước trên thế giới quan tâm đến mình nhiều hơn. Theo mình thấy thì điều đấy là tích cực.

Hanoi-underwater-305.jpg
Đường phố Hà Nội ngập sâu trong nước mưa.

Trà Mi : Cảm ơn ghi nhận của anh. Còn một việc nữa là về thiên tai mà trong năm vừa qua được coi là lịch sử chưa từng xảy ra ở Miền Bắc Việt Nam là trận lụt ở Hà Nội, thì sự quan tâm của giới trẻ đến việc này như thế nào, thưa các anh?

Quốc : Khi mà cả nước nghe tin Hà Nội bị như vậy mọi người giữ quan điểm chia sẻ là chính.

Trà Mi : Tức là có sự quan tâm nhưng mà quan tâm đến những ảnh hưởng, những hậu quả, hay là quan tâm đến nguồn gốc, nguyên nhân? Người trẻ quan tâm đến khía cạnh nào trong sự kiện này?

Quốc : Trong sự việc đó thì họ quan tâm cả hai. Mọi người thấy rằng còn rất là nhiều khiếm khuyết trong các hệ thống xây dựng của Việt Nam. Nó quá rõ ràng đến độ mà người ta không còn muốn nói đến nữa. Chẳng hạn như là bây giờ chất lượng xây dựng các công trình Việt Nam, nói riêng về những công trình công cộng như là đường, vỉa hè, hay cầu cống ở khắp mọi nơi chớ không riêng gì Hà Nội, thì chất lượng rất là thấp.

Các bạn có dịp đi Trung Quốc hay đi Thái Lan  như tôi chẳng hạn, tôi đi rồi thì tôi thấy ngỡ ngàng về cách xây dựng của các nước chung quanh chúng ta. Ví dụ như bạn qua Đông Hưng, sát bên Móng Cái của phía Bắc VN mình, là một thành phố nhỏ của Trung Quốc thôi, thì bạn thấy chất lượng xây dựng của họ, từ những đồ đựng rác cho đến lòng đuờng, vỉa hè, có thể so sánh ngang ngửa với khu trung tâm của Quận Nhất (TP.HCM) là ngay đường Đồng Khởi đẹp nhất như vậy.

Trong khi ở Việt Nam tôi thấy chất lượng xây dựng ở đâu cùng lè phè như vậy cả. Tôi bản thân là kỹ sư xây dựng, tôi làm việc thì tôi biết rồi. Tôi không hiểu sao mà làm việc với một chất lượng rất kém như vậy mà nó được duy trì từ mấy chục năm nay rồi.

Ngay cả khi mở cửa cho đầu tư nước ngoài vô thì những kỹ thuật hiện đại cũng dần dần có ở Việt Nam chớ không phải quá hiếm có như ngày xưa, như thời chiến tranh. Nhiều công ty nước ngoài họ đến họ mang những kỹ thuật, rồi chúng ta cũng có vật tư, rồi kỹ sư chúng ta cũng được học hỏi rất là nhiều thứ, nhưng không hiểu tại sao chất lượng làm rất kém vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Từ vấn đề đó nhìn sang vấn đề lũ lụt ở Hà Nội thì rõ ràng mọi người có vẻ tức giận nhiều hơn.

Trà Mi : Đó là mối quan tâm của anh Quốc. Những mối quan tâm vừa rồi các bạn cũng giải bày lý do vì sao các bạn quan tâm nhất, nhưng mà có những chủ đề các bạn đưa ra mà Trà Mi chưa có dịp mời các bạn giải thích thêm. Như là anh Hùng nói anh quan tâm tới sự kiện những cuộc biểu tình của thanh niên chống Trung Quốc mà bị khó khăn thì không hiểu tại sao vấn đề này lại thu hút được sự chú ý của anh cũng như của những người trẻ khác?

Hùng : Sinh viên thì họ không màng đến chính trị nhiều, nhưng mà rõ ràng khi mà đất nước bị ngoại bang xâm lấn thì họ đứng dậy. Tuy nhiên , họ vấp phải một sự chống đỡ, bị gặp rất nhiều khó khăn từ phía chính quyền.

Và thực sự mình cũng đã từng tham gia một buổi trong số những cuộc biểu tình đó nên mình hiểu được cái khó khăn của người trẻ khi mà phải đối mặt với cơ quan an ninh. Ngoài những phương tiện kêu gọi trên các blog, trên các diễn đàn, thì hầu như bây giờ tất cả đều bị công an mạng theo dõi.

Trà Mi : Lý do anh quan tâm là vì đây là nguyện vọng của người trẻ muốn cất lên nhưng mà lại không được lắng nghe, lại bị những khó khăn. Thế còn vấn đề đất đai của giáo hội, như các bạn vừa chia sẻ là giới trẻ cũng quan tâm rất nhiều. Lý do vì sao anh lại chú ý đến sự việc này, thưa anh?

Hùng : Cái quan trọng nhất mà người trẻ người ta quan tâm là vì cả một hệ thống báo chí, tivi đánh một ông Tổng giám mục ngoài Hà Nội. Cái đó mình thấy bực bội, bức xúc nhất. Vấn đề dất đai thì không riêng gì đến tôn giáo mà rất nhiều nơi trên đất Việt Nam này có dính dáng đến chuyện đất đai.

Đất đai bây giờ là mỏ vàng cho các ông quan. Cho nên khi họ có cơ hội thì họ sẽ không bao giờ từ bỏ chuyện chiếm đất. Toàn nghe nào là chuyện dân oan biểu tình, nào là từ Tiền Giang lên Sài Gòn, rồi ngoài Bắc. Đó là vì sao mà các bạn trẻ họ rất quan tâm về vấn đề này.

Ngoài ra, nói thêm nữa là như các anh lúc nãy trình bày là cái chuyện lũ lụt ngoài Hà Nội thì có anh nói chuyện về thiên tai, có anh nói chuyện xây dựng, nhưng mà riêng mình thấy có một chuyện cũng làm mình bức xúc luôn.

Thực sự không ai trách cái chuyện thiên tai. Và có nói chuyện xây dựng thì toàn cái đất nước Việt Nam mình, ngay trong Sài Gòn, đi đường nào cũng kẹt xe vì đào lô cốt, nhưng mà cái mình bực nhất là phản ứng của chính quyền trước sự việc rất là chậm chạp rồi sau đó đưa ra những lời tuyên bố rất là vô trách nhiệm, quan liêu.

Trà Mi : Điểm qua tất cả các sự kiện mà các bạn chú ý và quan tâm nht trong năm vừa qua thì các bạn có cảm nhận như thế nào, có nhận xét ra sao về bức tranh tổng quát về kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam?

Mời quý vị đón theo dõi trong chương trình tối Thứ Hai tuần tới.

Đến đây Trà Mi xin kính chào tạm biệt quý thính giả và chúc quý vị những ngày xuân đầm ấm, vui tươi bên gia đình và người thân.

Qúy thính giả cũng có thể nói lên quan điểm của mình qua email vietweb@rfa.org, hoặc để lại lời nhắn trong hộp thư thoại 001- (202) 530 7775. Quý vị muốn trực tiếp tham gia thảo luận trên Diễn Đàn Bạn Trẻ, xin vui lòng để lại số phone để chúng tôi tiện liên lạc. Ngoài ra, quý vị cũng có thể trao đổi ý kiến trên trang blog của Ban Việt Ngữ RFA ở địa chỉ  http://www.rfavietnam.com/trami

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 844 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0