Thứ Bảy, 2024-11-23, 6:13 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Giêng » 29 » Hạ Bức Tường Bưng Bít Thông Tin
6:32 AM
Hạ Bức Tường Bưng Bít Thông Tin

Dưới chế độ cộng sản, tất cả những cơ quan truyền thông đều bị kềm kẹp bởi bàn tay sắt của đảng. Ở Việt Nam hiện nay có trên 700 tờ báo in cũng như báo điện tử, cộng thêm các đài phát thanh, truyền hình… đều chỉ được phép nói lên một tiếng nói duy nhất, đó là đường lối, chủ trương của đảng cộng sản.

Những thách thức xuất phát từ ngay những tờ báo của chế độ!

Để phục vụ mục tiêu này, tiêu chuẩn của truyền thông quốc doanh không phải là "vô tư, trung thực" như trong mọi xã hội dân chủ, mà là "bóp méo, ngụy tạo, xuyên tạc" mọi việc khi đưa đến quần chúng. Cách thức thông tin dối trá đã trở thành quy luật mà cán bộ tuyên truyền của cộng sản phải triệt để tuân theo, nếu không muốn bị đào thải ra khỏi guồng máy.

Cũng để bảo vệ cho bức tường bưng bít thông tin, CSVN đã đẻ ra rất nhiều đạo luật cũng như cơ chế để trói chặt hàng ngũ cán bộ truyền thông. Đầu năm 2008, bộ 4T là cơ quan mang chức năng quản lý tất cả những báo, đài ở Việt Nam đã phải thành lập thêm 3 cơ quan mới để siết chặt thêm việc quản lý, đó là cục Thông Tin Đối Ngoại để phụ trách các thông tin từ Việt Nam đưa ra bên ngoài, cục Phát Thanh - Truyền Hình & Thông Tin Điện Tử để quản lý các đài phát thanh, truyền hình và thông tin trên mạng internet, và cục An Toàn Thông Tin để kiểm soát nội dung thông tin cũng như đối phó với những cơ quan hay ký giả nào đưa tin "sai đường lối".

Về phương diện luật lệ, báo chí quốc doanh bị ràng buộc bởi luật Báo Chí ban hành từ tháng 12-1999, dù đã nhiều lần sửa đổi và sẽ được sửa đổi thêm nữa trong năm 2009, nhưng vẫn không thoát ra được 2 vấn nạn lớn: thứ nhất là quan niệm sai lầm khi coi vai trò của báo chí là để "xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam"; và thứ nhì là việc suy diễn tùy tiện, độc đoán của các cơ quan hữu trách. Để đối phó với việc phát triển của các blogs trên mạng internet, vào tháng 7-2008, CSVN đã ban hành một loạt các nghị định, thông tư để siết chặt việc quản lý các trang nhật ký điện tử cá nhân. Chính sách kềm kẹp nói trên đã đưa Việt Nam vào vị trí 1 trong 10 nước đứng hàng chót trên thế giới về tự do báo chí. Theo bản phúc trình năm 2007 của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF thì Việt Nam đứng hạng 162 trên 169 quốc gia được khảo sát. Với những cuộc đàn áp báo chí tồi tệ diễn ra trong năm 2008 thì thứ hạng này sẽ là 1 trong 5 nước cuối bảng.

Những cuộc đàn áp không phải mới diễn ra, mà đã rất nhiều lần trong quá khứ. Chỉ tính từ khi CSVN thực hiện chính sách gọi là "đổi mới", vào cuối thập niên 80 đã có những cuộc thanh trừng cán bộ hàng đầu của nghành báo chí. Đáng kể nhất là những trường hợp nhà văn Nguyên Ngọc bị cất chức tổng biên tập tờ Văn Nghệ vào cuối năm 1988 vì cho đăng tải những tác phẩm đòi "cởi trói"; năm 1990 Kim Hạnh mất chức tổng biên tập báo Tuổi Trẻ vì phanh phui cuộc đời tình ái của Hồ Chí Minh; năm 1997, chủ bút báo Doanh Nghiệp Nguyễn Hoàng Linh bị cách chức vì đăng bài tố cáo các viên chức quan thuế tham những; năm 2001 tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Văn Nuôi bị cách chức vì đăng kết quả thăm dò dư luận cho thấy Bill Clinton được yêu thích hơn Hồ Chí Minh; năm 2004 tổng biên tập Trương Đình Anh của báo điện tử VnExpress bị mất chức vì phê bình gay gắt việc nhà nước mua gần 80 chiếc xe Mercedes đắt tiền để dùng cho hội nghị thượng đỉnh ASEM; năm 2005 phóng viên Lan Anh của báo Tuổi Trẻ bị sa thải vì đăng phóng sự tố cáo tình trạng thao túng thị trường thuốc tây, và trang nhà tintucvietnam.com bị đóng cửa vĩnh viễn vì "hoạt động trái pháp luật"; năm 2007 hai phó tổng biên tập của báo Tuổi Trẻ là Huỳnh Sơn Phước và Trương Quang Vĩnh bị buộc thôi chức…

Nhà nước cộng sản "lội ngược dòng" khi muốn kiểm soát các trang mạng!

Trên đây chỉ là một số những vụ lớn, được dư luận biết đến nhiều. Nó cho người ta thấy bức tường bưng bít thông tin của cộng sản luôn bị thách đố bởi chính những cán bộ trong hàng ngũ của chế độ. Những người này còn có trí óc và con tim, không chấp nhận phục vụ cho dối trá và cường quyền. Những trường hợp phản kháng từ ngay trong hàng ngũ đã bộc phát mạnh mẽ nhất trong năm 2008, cao điểm là vụ bắt giữ và xét xử 2 phóng viên của báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên là Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Việt Chiến, và sa thải những bạn đồng nghiệp của họ. Khác với thái độ sợ hãi, thủ thân như trong thời gian trước, ngày nay, nhiều cán bộ trong làng báo quốc doanh đã hiên ngang đối diện với sự thật, phơi trần những sự việc thối nát trong hàng ngũ thượng tầng, cũng như tương thân, đoàn kết khi bị nhà nước trấn áp. Về vụ tham nhũng PCI, trong khi nhiều báo quốc doanh im tiếng, thì tờ Tuổi Trẻ đăng tin vụ xét xử của toà án Nhật Bản, nêu đích danh kẻ nhận hối lộ là Huỳnh Ngọc Sỹ, lại đúng ngày Nguyễn Tấn Dũng đăng đàn trước quốc hội bù nhìn để bao che về vụ này. Khi 2 phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến bị bắt giữ, tờ Thanh Niên đã đặt vấn đề ngay trên trang nhất. Nhiều phóng viên khác lên tiếng phản đối việc bắt giữ. Những điều này chưa hề xẩy ra trong quá khứ.

Đứng trên quan điểm dân tộc, dù phát xuất từ bất cứ vị trí nào, những hành động chống đối độc tài, cổ súy dân chủ, đều là những nỗ lực đáng trân trọng và đóng góp qúy giá cho tương lai của đất nước. Dáng đứng thẳng của Nguyễn Việt Chiến đã được người Việt trong và ngoài nước đồng tâm ca ngợi. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới đã nêu tên ông trong danh sách đề cử giải "phóng viên của năm 2008" vì có hành động tranh đấu cho quyền tự do thông tin. Những người đứng thẳng sẽ còn nhiều thêm nữa, cho dù chế độ mạnh tay thanh trừng như những vụ bãi chức, sa thải liên miên vừa qua. Đó chính là những vết rạn nứt xuất hiện trên bức tường bưng bít thông tin của chế độ.

Những vết nứt này sẽ còn được khơi mở thêm bởi những mũi tiến công khác từ phiá ngoài. Những báo "chui" như tờ Tự Do Ngôn Luận đã trụ vững được gần 3 năm nay, liên tục mang đến cho đồng bào trong nước những nguồn thông tin trung thực. Thái độ bất khuất của 8 giáo dân Thái Hà khởi kiện đài truyền hình nhà nước và báo Hà Nội Mới… Thêm vào đó, với tiến bộ của lãnh vực thông tin điện tử, hàng ngàn, ngàn các trang nhật ký cá nhân sẽ có triển vọng nhân rộng trong năm 2009, để mang thông tin đa dạng tràn ngập khắp nơi, giúp người dân hiểu rõ được sự thật đằng sau bức tường bưng bít của nhà nước. Khi bức tường này bị hạ như bức tường ô nhục Bá Linh, cũng là lúc một tấm khiên che cho chế độ độc tài bị mất đi, giúp làn sóng tự do dân chủ sớm đến với dân tộc Việt Nam. Đó là triển vọng khởi đi từ ngày đầu năm dương lịch.
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 885 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 30
Khách: 30
Thành Viên: 0