§ Hoàng Cúc Đầu
xuân, những lúc trà dư tửu hậu, người ta hay cùng nhau ôn lại những
chuyện quá khứ, những chuyện mới qua. Lời chúc tân xuân hầu như luôn là
những lời tốt đẹp, nhưng bên tách trà nghi ngút khói, trong cái lạnh
giêng hai, đề tài có thể luân chuyển và việc nói tới những chuyện tệ
hại của năm cũ cũng không phải là điều cấm kị. Vậy nhân dịp đầu xuân,
tôi cũng muốn kề cà nói đôi chuyện năm qua như vài tia sáng le lói soi
vào bóng tối mịt mờ của lịch sử.
Vài thực tế xót xa
Những ngày đầu năm dương lịch 2009, lễ hội hoa thật “hoành tráng”
được khai mạc tại Hà Nội. Nhưng rồi “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, khi
vừa sau lễ khai mạc, Hà Nội ngàn năm văn hiến đã phải chua xót chứng
kiến cảnh phá phách tan tành của thứ “văn hoá cướp giật”, “văn hoá huỷ
diệt”. Người tức giận, kẻ ngậm ngùi và dàn đồng ca của trên 600 tờ báo
cũng được dịp xướng lên đủ các cung bậc hỉ nộ.
Lễ hội hoa biến thành lễ hội “văn hoá chộp giật” cũng khiến người ta
nhớ lại một vết thương chưa kịp lành miệng ở xứ sở văn hiến, đó là lễ
hội hoa anh đào vào ngày 6-4-2008. Khi so sánh hai lễ hội hoa diễn ra ở
cùng một thành phố, cách nhau chưa đầy một năm, người có chút đầu óc
quan sát có thể thấy ngay rằng món “văn hoá huỷ diệt” ở lễ hội sau thực
ra chỉ là phiên bản của nền “văn hoá cướp giật” của lễ hội trước.
Cả hai lễ hội hoa trên đều là dịp khiến không ít du khách và viên
chức ngoại quốc phải ngạc nhiên về “văn hoá ứng xử” của “một bộ phận
dân cư” Hà Nội. Bộ mặt nhem nhuốc của thủ đô vì thế cũng hiện lên rõ
nét hơn. Dù sinh sống và làm việc ở đâu, người Việt Nam còn chút liêm
sỉ không khỏi cảm thấy tủi nhục vì lối sống chụp giật quá lộ liễu và
mọi rợ của đồng bào mình ngay tại chốn kinh kì thanh lịch.
Truy tìm căn cớ
Hiện tượng đã khá rõ ràng, dĩ nhiên người ta sẽ phải tìm cách điều
tra nguồn cội. Hàng loạt lí do được đưa ra. Nào là vì dân nhập cư vào
Hà Nội ngày càng đông, nào là tại cả một tỉnh Hà Tây mênh mông núi đồi
thôn quê và đồng ruộng bỗng chốc một sớm một chiều biến thành một phần
máu thịt của thủ đô Hà Nội, nào là vì nền giáo dục quá nặng về trí dục
mà nhẹ về đức dục.
Dĩ nhiên, cũng như bất cứ khi nào xảy ra chuyện này chuyện nọ, vài
nhân vật có chút tên tuổi liền được lôi ra để ban vài lời vàng ngọc.
Nhà văn Băng Sơn nhận xét một cách rất chừng mực rằng: “Tôi cảm thấy
buồn và xấu hổ. Người Hà Nội làm xấu Hà Nội đi. Bao nhiêu năm hội
hoa ở Đà Lạt, ở TP HCM mà không phải làm hàng rào vẫn giữ được cho đến
ngày cuối cùng.” Ông đã xem điều xót xa này là nỗi “xấu hổ” của người
Hà Nội.
Ông nghị Dương Trung Quốc lại giải thích rằng: “Đứng trên phương
diện văn hoá học, tôi cho rằng những hành vi tiêu cực này xuất phát từ
một nhu cầu có tính tập quán của người Việt Nam, đầu năm phải có được
cái gì đó gọi là có lộc.”
Giáo sư Trần Ngọc Thêm, tiến sĩ toán học ham viết về văn hoá, lại đổ
vấy một cách rất vô trách nhiệm: “Xét về mặt văn hóa, những hành động
này phát xuất từ văn hóa nông thôn, văn hóa làng xã mà ra.” Đọc lối
giải thích vòng vèo của ông sau đó, tôi tin rằng đa số độc giả khó có
thể hiểu được thực ra ông ta muốn nói gì.
Những lối kiến giải có vẻ rất “uyên thâm”, rất “khoa học” của những
vị tai to mặt lớn, khiến đại đa số độc giả của các tờ báo chính thức sẽ
hồ hởi phấn khởi nhận xét rằng: nói đúng quá, nói giỏi quá, để rồi thực
tế phũ phàng sẽ không còn lại bao nhiêu dư âm trong lòng họ.
Vì đâu nên nỗi
Theo tôi, những lí do được được kể ra chỉ là bề nổi, hay nói cách
khác chỉ là những mẩu sự thật. Thực ra cũng chẳng cần phải học hành hay
suy nghĩ nhiều lắm để phán ra những điều như thế. Một anh xe ôm hay một
chị hàng rong cũng có thể nói ra những nguyên nhân đại loại như thế khi
bất chợt gặp nhau nói chuyện bâng quơ ở một quán nước ven đường.
Manh mối sâu xa của hiện tượng “văn hoá cướp giật” này hẳn phải nằm đâu đó nơi những góc khuất khúc của lịch sử đất nước.
Một thời nào đó, những khẩu hiệu nhuốm mầu giết tróc đã được trưng
ra, giữa bầu khí khủng bố, tạo ra nỗi sợ hãi bao trùm và trấn áp toàn
xã hội: “trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ”. Hàng ngàn con người
đã bị qui cho cái tội rất mơ hồ là “bóc lột” hay “có nợ máu với nhân
dân” và bị giết chết một cách dã man thê thảm, tài sản của họ bị tước
đoạt chia chác. Xét cho cùng thì tội của họ một đàng là vì họ sở hữu
những tài sản vật chất và phi vật chất, trong khi người ta đang muốn
xây dựng một xã hội vô sản; đàng khác, những người vừa cướp được chính
quyền muốn cào bằng tất cả để xây dựng một cơ cấu xã hội hoàn toàn mới
với những “con người mới XHCN”. Đó là chuyện đã xảy ra ở miền Bắc từ
hơn nửa thế kỉ trước.
Ở miền Nam cách nay vài chục năm, sau khi giành được quyền lực nhờ
cấu kết với ngoại bang và nướng sống vài triệu thanh niên, người ta
cũng đã dùng bầu không khí sợ hãi, cũng bằng vở tuồng chụp mũ ngày nào,
tội “bóc lột” hay “có nợ máu với nhân dân”, hàng triệu người lại tiếp
tục bị đày ải tù tội, rất nhiều tài sản của họ dĩ nhiên lọt vào tay
“nhân dân” để rồi bị sang tay tráo đổi.
Người từng đọc lịch sử hẳn đều biết rằng chính quyền Việt Nam đôi
lúc cũng đã hé mắt nhìn để rồi “sửa sai” hay “đổi mới”. Tuy nhiên họ
luôn cho rằng những điều họ đã làm là hoàn toàn đúng, là “qui luật tất
yếu của lịch sử”, những sai sót chỉ thuộc về những tiểu tiết trong khi
thi hành, còn đường lối là luôn luôn đúng đắn. Về căn bản, họ không bao
giờ chấp nhận đó là những sai lầm khủng khiếp đã khiến bánh xe lịch sử
Việt Nam quay chậm đi hàng thế kỉ với một quốc gia tan hoang hỗn loạn.
Khi con người trong xã hội bị kết tội chỉ vì họ giầu có, về của cải
hoặc về tri thức, hay chỉ vì họ mang chính kiến khác biệt, cũng có
nghĩa những quyền căn bản nhất của con người như quyền tư hữu và quyền
lên tiếng đã bị chà đạp. Một xã hội không bao giờ có thể phát triển
lành mạnh khi mỗi cá nhân luôn nơm nớp lo sợ rằng tất cả những gì mình
gắng công vun đắp kiến tạo hôm nay sẽ bị cướp giật tước đoạt hay lọt
vào tay kẻ khác vào một ngày đẹp trời, chẳng cần qua bất cứ một trình
tự pháp lí minh bạch nào, mà chỉ do những phát động sặc mùi vu khống
chụp mũ bao trùm bằng nỗi sợ hãi.
Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu, điều thê thảm cùng cực đối với số
mạng từng con dân và vận mệnh cả dân tộc Việt Nam trong thế kỉ qua đó
là TÀI SẢN CÁ NHÂN CHƯA HỀ ĐƯỢC TÔN TRỌNG. Hơn thế nữa, người ta đã mải
miết xoá bỏ tất cả những điều xưa cũ để xây dựng một cơ cấu xã hội mới.
Sau nửa thế kỉ hồ hởi phấn khởi xây thiên đường mù, người ta mới chợt
ngã ngửa nhận ra rằng cái thiên đường ấy chưa hề được định hình cụ thể
ra sao. Rút cuộc, người Việt Nam chúng ta hầu như đã đánh mất tất cả
những truyền thống tốt đẹp xa xưa, trong khi cơ cấu mới thực sự là một
mớ hỗn độn không ra quân chủ, chẳng ra tư bản, lại thêm một cái đuôi
lòng thòng là “định hướng XHCN” được vận hành theo lối mafia với những
tên công bộc tham lam nhũng nhiễu.
Vậy nên, chuyện bẻ hoa, cướp hoa, dẫm đạp lên hoa mà chúng ta từng
chứng kiến là gì nếu không phải là cách hành xử theo nguyên tắc CỦA MÀY
LÀ CỦA TAO? Đáng lẽ đảng và chính phủ phải tuyên dương những con người
đó, vì họ chính là những “con người mới XHCN”, đã “thấm nhuần đạo đức
cách mạng”.
Chữa bệnh dĩ nhiên phải chữa tận căn, trong khi trên thực tế hiện
nay, người ta chỉ quan sát hiện tượng để rồi chữa trị các căn bệnh
trong xã hội theo kiểu vặt ngọn hay bịt ngọn. Điều đó chỉ khiến cho các
mối liên hệ xã hội ngày càng trở nên bùng nhùng phức tạp, vô phương
giải quyết. Văn kiện mới nhất mà ông thủ tướng ban hành vẫn chỉ là một
lời tái khẳng định nguyên tắc của “đạo đức cách mạng” rằng CỦA MÀY LÀ
CỦA TAO, những gì chúng tao đã lấy của chúng mày, chúng mày không được
đòi lại, chúng mày không có cơ sở đòi lại.
Dù sao, tôi nhận thấy đảng và chính phủ đã thực sự đổi mới, bởi vì
tôi chợt nghĩ nếu dùng món võ của Mộ Dung Phục ngày nào, “dĩ bỉ chi đạo
hoàn thi bỉ thân”, nói một cách nôm na là gậy ông lại đập lưng ông, để
áp dụng vào thời buổi hiện tại, “trí phú địa hào đào tận gốc, trốc tận
rễ”, theo chính những tiêu chí người ta đã đưa ra ngày nào, tôi tin
rằng đa số thành phần bị xếp vào hàng “bóc lột” hay “có nợ máu với nhân
dân” hiện nay chính là những đảng viên cộng sản.
Hoàng Cúc
|