Thứ Hai, 2024-12-23, 8:31 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 3 » Luật Pháp Của CSVN Chứa Đựng Nhiều Điều Vô Lý, Lạc Hậu
8:50 PM
Luật Pháp Của CSVN Chứa Đựng Nhiều Điều Vô Lý, Lạc Hậu


Trong năm 2008, tại Việt Nam đã có những phiên tòa xét xử các nhà báo phanh phui tham nhũng, đã có nhiều nhà dân chủ bị bắt giam mà chưa được xét xử. Theo dõi những vụ việc này, giới quan sát cho rằng dường như tại Việt Nam không có sự độc lập giữa Hành pháp và Tư pháp.

Tại Hà Nội, vào ngày 29 tháng 12 năm 2008, trong hội nghị của ngành tư pháp về triển khai công tác tư pháp năm 2009, Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã nói: "Việc điều hành của chính phủ phải theo luật pháp, người dân, các doanh nghiệp cũng phải làm theo luật pháp, nhưng luật pháp còn nhiều vướng mắc. Nếu chúng ta không quyết liệt tháo gỡ sẽ khó khăn trong điều hành. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện tốt công tác tư pháp năm 2009 của Bộ Tư pháp sẽ góp phần cùng Chính phủ giải quyết tốt khâu điều hành, giải quyết những khó khăn của đất nước"

Từ Sài Gòn, luật sư Lê Trần Luật của văn phòng luật sư pháp quyền đã trả lời những câu hỏi của Hiền Vy về lời phát biểu đó.

***

Hiền Vy: Trong bài nói chuyện vào ngày 29 tháng 12 năm 2008 tại Hà Nội, Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã nói: "Việc điều hành của Chính phủ phải theo luật pháp, người dân, các doanh nghiệp cũng phải làm theo luật pháp, nhưng luật pháp còn nhiều vướng mắc. Theo luật sư thì luật pháp Việt Nam có những vướng mắc như thế nào mà ông Dũng muốn tháo gỡ ?

LS Lê Trần Luật: Hệ thống pháp luật Việt Nam rất lộn xộn chứ không phải vướng mắc. Nếu hiểu ở cấp độ pháp lý thì vướng mắc có nghĩa là những điều luật bị mâu thuẫn lẫn nhau. Theo tôi nhận định thì hệ thống pháp luật Việt Nam khá lộn xộn. Vấn đề nó nằm trong tư duy của những nhà quản lý, tư duy của nhà cầm quyền. Trong tư duy họ tự mâu thuẫn lẫn nhau giữa quyền lực và một hệ thống pháp luật dân chủ bên ngoài.

Chính sự vướng mắc trong tư duy của họ đã dẫn đến việc khi họ tiến hành làm luật hay khi họ tiến hành thực hiện những điều luật đã quy định nó trở nên lộn xộn và không có một trật tự nào hết. Nói như thủ tướng là vướng mắc thì chưa chính xác mà phải nói là luật pháp Việt Nam còn rất nhiều lộn xộn. Hay nói là một hệ thống pháp luật còn rất là mong muội, sơ khai.

Hiền Vy: Xin luật sư nói rõ hơn về cái mà luật sư mới bảo là luật pháp Việt Nam không chỉ là vướng mắc mà là lộn xộn, thưa luật sư, cái lộn xộn đó như thế nào?

LS Lê Trần Luật: Cái căn nguyên của sự lộn xộn đó là ở trong tư tưởng của những nhà lãnh đạo. Đó là tư tưởng tham quyền và một cái bên ngoài cần một hệ thống pháp luật dân chủ. Dưới cái sự tham quyền lực này với cái ý niệm dân chủ là 2 cái đã mâu thuẫn với nhau. Còn về lộn xộn thì lộn xộn ngay từ cái khâu làm luật. Như khi chuẩn bị trình cho quốc hội một dự án luật thì chính quyền lại giao cho cơ quan chủ quản về cái luật đó để thực hiện cái dự thảo luật.

Ví dụ như khi họ làm luật doanh nghiệp thì lại giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư làm, như thế thì theo nguyên lý, cơ quan hành pháp tự tạo ra một dự thảo luật thì họ luôn luôn có khuynh hướng là dành lấy quyền luật cho cơ quan hành pháp. Ngay từ ban đầu nó đã chứa đựng sự lộn xộn và cái cách thức làm luật.

Cái thứ hai là những vấn đề về Đại biểu Quốc hội của Việt Nam. Có thể nói rằng đại biểu quốc hội là một đại biểu không chuyên. Nhận định của họ có thể nói là thiếu chiều sâu hay là thiếu góc độ pháp lý đủ sâu sắc để mà đánh giá từng điều luật một. Ngay khâu làm luật đã thể hiện một cách tiến hành lộn xộn. Khi cách thức tiến hành lộn xộn thì chắc chắn điều luật sẽ không ổn được

Một căn nguyên nữa đó là, lâu nay nhà nước Việt Nam không có tôn trọng những qui luật khách quan khi làm luật. Một khi mà họ còn nghĩ rằng pháp luật là ý chí của nhà cầm quyền thì khi đó họ sẽ không làm luật được, bởi vì, pháp luật có một bản chất quan trọng là bản chất khách quan, hay nói đúng hơn là pháp luật không có mục đích tự thân mà pháp luật phải dựa trên những nhu cầu khách quan của xã hội, chứ không phải dựa theo ý chí của nhà cầm quyền.

Khi mà pháp luật dựa trên ý chí của nhà cầm quyền thì nó sẽ xung đột với nhu cầu khách quan và sẽ không bao giờ được áp dụng trôi chảy trong thực tế, hay nói đúng hơn là khi đó nó sẽ rất là lộn xộn khi áp dụng điều luật trong thực tế bởi vì nhu cầu khách quan không cần điều đó nhưng nhà làm luật muốn ép cái khách quan, ép cái nhu cầu của xã hội vào trong ý muốn của mình thì không bao giờ thực hiện được.

Phải hủy bỏ Điều 4

Hiền Vy: Căn bản luật pháp của VN dựa trên luật pháp tây phương, mà luật pháp tây phương thì dựa trên sự phân quyền rõ rệt giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thưa, trong điều kiện chính trị tại Việt Nam, làm cách nào để có sự phân định đó?

LS Lê Trần Luật: Trong điều kiện Việt Nam, chỉ có một cách thức là cho đa nguyên, đa đảng thì khi đó mới có thể thực hiện được sự phân quyền một cách rõ rệt. Khi khoa học về pháp lý người ta nghĩ ra được cách phân quyền, đó là lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Sở dĩ người ta phân quyền như thế là vì quyền lực được tách ra làm 3 nhóm. Ba nhóm quyền lực này đối trọng và hạn chế lẫn nhau để tránh dẫn đến một chế độ độc tài. Còn ở Việt Nam, nói là có phân quyền nhưng phân quyền một cách tập trung, có nghĩa là 3 quyền này vẫn nằm trong một thế lực lãnh đạo. Nhà nước bảo rằng có lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng cả 3 quyền này chỉ được phân trên mặt hình thức thôi còn nội dung thì vẫn nằm trong tay đảng cộng sản.

Vấn đề đặt ra là nhà cầm quyền có thực sự muốn phân bố quyền lực của mình theo cách của khoa học pháp lý phương tây đã làm hay không? Tôi cho rằng, ở ViệtNam, đảng cộng sản không muốn phân chia quyền lực, bằng cách họ đã ghi hẳn trong điều 4 hiến pháp rằng đảng cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước.

Điều đó có nghĩa là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp đều nằm trong tay đảng cộng sản. Như thế thì không có sự phân quyền ở đây. Còn làm thế nào để có sự phân quyền thì theo tôi chỉ có một giải pháp duy nhất là cho đa đảng

Hiền Vy: Làm sao để xây dựng một nhà nước pháp quyền cho ViệtNam ?

LS Lê Trần Luật: Trước hết cần phải hiểu tư tưởng nhà nước pháp quyền ViệtNam. Về mặt nội dung, pháp luật phải tôn trọng những qui luật khách quan, hay nói đúng hơn là trong tư tưởng của các nhà lãnh đạo phải nghĩ rằng pháp luật là một nhu cầu khách quan. Pháp luật không có mục đích tự thân của mình mà pháp luật phải tương thích và phù hợp với những nhu cầu khách quan, chứ pháp luật không thể là ý chí của giai cấp cầm quyền được.

Nhà cầm quyền Việt Nam hay nói là làm sao để cho chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước đi vào đời sống. Tôi cho rằng, tư duy như thế là phản khoa học. Chúng ta cần phải tư duy ngược lại, là làm sao cho đời sống xã hội đi vào trong chính sách của đảng và đi vào trong pháp luật của nhà nước, chứ không phải là luật pháp đi vào trong đời sống. Khi có tư duy phù hợp với khoa học như thế thì họ mới xây dựng được nhà nước pháp quyền ở mặt nội dung.

Về mặt hình thức, nhà nước pháp quyền phải bảo vệ tính tối cao của pháp luật, tính thượng tôn của pháp luật. Tính thượng tôn của pháp luật chỉ có thể được bảo đảm khi mà không còn một đảng lãnh đạo.

Một đảng lãnh đạo thì sẽ không tôn trọng những qui định của pháp luật nên cần phải có một chế độ đa nguyên, đa đảng để làm đối trọng quyền lực. Sự đối trọng quyền lực bắt buộc những người lãnh đạo phải tuân theo pháp luật. Tất nhiên là còn nhiều vấn đề khác nhưng trong lần này tôi chỉ có thể nói đến 2 vấn đề lớn đó.

Hiền Vy: Xin cảm ơn luật sư Lê Trần Luật.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 713 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 16
Khách: 16
Thành Viên: 0