Thứ Tư, 2024-12-04, 0:00 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 4 » Hiểm hoạ cho sự thống nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam – điều lo ngại đã thành hiện thực
12:41 PM
Hiểm hoạ cho sự thống nhất của Giáo hội Công giáo Việt Nam – điều lo ngại đã thành hiện thực

JB Nguyễn Hữu Vinh



Ngay sau khi tổ chức “Uỷ ban liên lạc Công giáo toàn quốc” ra đời, trong một lá thư đề ngày 12/3/1955, Khâm mạng Toà thánh John Dooley và các Giám mục giáo tỉnh miền bắc đã lên án Uỷ ban này, coi đó là “một hiểm hoạ cho sự thống nhất của Giáo hội Việt Nam”.

Điều lo ngại hơn 50 năm trước của hàng giáo phẩm Việt Nam không phải là không có cơ sở. Những hành động và các chính sách của các nước “anh em trong phe Xã hội Chủ nghĩa” đã là những bài học mà các vị nhìn thấy rõ bản chất. Một giáo hội quốc doanh tự trị ở ngay bên cạnh đất nước chúng ta –Trung Quốc – hoàn toàn ly khai với Giáo hội Hoàn vũ, với Toà Thánh Vatican là mô hình lý tưởng cho các nước cộng sản áp dụng chính sách “đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Trải qua hơn 50 năm tồn tại và được sự hướng dẫn, dìu dắt lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản Việt Nam, sống bằng tiền ngân sách nhà nước – những đồng tiền từ túi người dân nghèo - tổ chức “Uỷ ban đoàn kết công giáo” ngày nay đã thể hiện rõ bản chất của nó và chứng minh điều lo ngại nhìn xa trông rộng đó hoàn toàn đúng đắn.

Những ngày qua, dịp Giáng sinh 2008 ở Hà Nội, điều này đã thể hiện rất rõ qua việc Uỷ ban này tổ chức Noel thay cho Toà Tổng Giám mục để được Nhà nước chúc mừng rầm rộ. Linh mục Nguyễn Công Danh, Chủ tịch uỷ ban này – người mà theo điều lệ là “được Đảng và nhà nước tín nhiệm” - đã cất công bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để tổ chức Giáng sinh, nhận những lời chúc tụng của các cấp nhà nước. Linh mục Dương Phú Oanh đã được UBND TP Hà Nội chúc mừng với những lời hoa mỹ ồn ào và bóng bẩy trong khi cả Hà Nội không có trang hoàng và những chương trình mừng lễ Noel sau khi bề trên của mình là Đức Tổng Giám mục vừa bị trận đòn hội chợ của đám quần chúng “tự phát.. tiền” và Đức Mẹ sầu bi đang chịu cảnh cầm tù chưa được hưởng “chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước” để về hội tụ cùng giáo dân.

Mục đích và phương tiện

Mục đích của tổ chức này đã rõ, dù nó được chính linh mục Nguyễn Công Danh nói rằng: “Nó là một tổ chức của giới công giáo trong việc đóng góp xây dựng đất nước, nó là cầu nối, là trung gian…” nhưng ẩn giấu đằng sau đó là một âm mưu lâu dài chống phá Giáo hội Việt Nam, tạo nên một giáo hội bên ngoài Giáo hội, để “sống giữa lòng dân tộc”. Thực tế là nó trung thì ít mà gian thì nhiều.

Ở đây, người ta đã đánh tráo khái niệm như muôn vàn lần đã đánh tráo khái niệm về ngôn ngữ. Chẳng hạn “quản lý” là sở hữu trong vụ đất đai Toà Khâm sứ và Thái Hà. Nói lên sự thật là nói xấu, là chống phá. Chữ “dân tộc” ở đây có nghĩa là “đảng” (chắc bởi đảng đã ngang hàng với Tổ quốc và bao trùm toàn bộ đất nước, cờ đảng được treo ngang bằng, thậm chí còn cao hơn cờ Tổ quốc trong hầu hết các hội trường, hội nghị cũng như các buổi quốc lễ khác?). Bao nhiêu người chỉ cần tỏ ý không đồng ý với những đường lối chính sách của đảng, thì lập tức được khoác cho cái áo “chống lại dân tộc, chống lại đất nước”. Chính vì vậy, việc sống giữa lòng dân tộc phải được hiểu là “sống giữa lòng đảng”.


Với một đảng cộng sản với bản chất vô thần thì đương nhiên những tôn giáo hữu thần đều là điều khó chấp nhận. Bằng những chính sách chiến lược và sách lược về tôn giáo của đảng và nhà nước các nước cộng sản, các nhà nước đã tận dụng “triệt để và sáng tạo” nhiều khi bất chấp pháp luật để “quản lý” các tôn giáo. Một trong những nội dung của học thuyết Mác – Lenin, thì chính sách tôn giáo như sau: “Tận dụng triệt để những phần tử tiến bộ trong các chức sắc tôn giáo”. Tận dụng triệt để

Về giáo dục, ngay từ những ngày còn thơ bé, trẻ em đến trường được dạy dỗ công phu để có được nhận thức “Thương cha thương mẹ thương chồng/ Thương mình thương một, thương ông thương mười” (Đời đời nhớ ông Xtalin - Tố Hữu). Rồi “Ông Lenin ở nước Nga/ Mà sao lại thấy rất là Việt Nam”… Đến nỗi dân gian có những câu thơ hài hước rằng: “Ông Lê nin ở nước Nga/ Cớ sao lại đến vườn hoa nước này?/ Ông vạch áo, ông chỉ tay/ Ông làm như thể nước này của ông?” Cứ thế cho đến khi vào những lớp cao hơn thì “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” là giáo trình Mác – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh

Tất cả những điều đó đã tạo nên một thành phần ý thức xã hội đến độ mở miệng ra là “ơn đảng, ơn chính phủ”. Một câu chuyện ngắn về một học sinh lớp 5 đã trả lời câu hỏi: “Nhờ đâu vượn người biến thành người?” rằng: “Thưa cô, nhờ ơn đảng và ơn chính phủ”.

Quả là hệ thống giáo dục và truyền thông của nhà nước và các chế độ cộng sản đã thành công trong việc biến ý thức mang ơn, xin cho của người dân thành một phản xạ có điều kiện những điều mà lẽ ra phải là ngược lại.

Với tôn giáo, việc đào tạo các linh mục tại các chủng viện một thời gian dài bị cấm đoán, khó khăn, bao lớp người lỡ dở cả cuộc đời vì trường sở bị phá tan, lớp học bị huỷ bỏ, đi cũng dở mà ở không xong. Cho đến nay, họ vẫn là những con người bất hạnh mà không biết kêu ai.

Thời gian đất nước hội nhập với quốc tế phải tuân thủ theo các nguyên tắc của sân chơi chung, hệ thống các nhà dòng, các đại chủng viện được mở lại nhỏ giọt nhưng có còn hơn không. Tuy vậy, chính sách đào tạo còn nhiều điều đáng nói.

Tại các đại chủng viện, nhà nước cho giáo viên vào giảng dạy bộ môn Mác – Lenin cho các chủng sinh dù ai cũng biết là hệ thống chủng viện không có nhu cầu này. Điều lạ lùng nhất là một thứ tôn giáo Mác – Lenin đã được áp đặt vào cho việc đào tạo của tôn giáo khác. Điều này vẫn diễn ra hàng bao năm nay và hiện vẫn tiếp diễn, tiền lương cho giáo viên các chủng viện phải trả?

Theo các linh mục và các chủng sinh, trước khi được dự thi vào học ở các chủng viện, lý lịch và điều kiện cần thiết phải qua là được nhà nước chấp nhận duyệt danh sách mới có thể đi học, đi tu. Kế đó, hàng năm vào những dịp hè hay những dịp thuận tiện, công an sẽ mời các chủng sinh để làm việc riêng, viết báo cáo và cam kết (?), một việc mà không có bất cứ văn bản luật pháp nào của hệ thống pháp luật quy định. (Điều này đã được các linh mục kể lại).

Trước khi thụ phong linh mục, danh sách chủng sinh phải được nhà nước “duyệt” và “cho phép”. Điều này đã xảy ra quá lâu, thành một thứ tiền lệ phải chấp nhận một cách hết sức vô lý bởi hết giấy này đến đòi thủ tục khác. Sau khi được thụ phong, việc thuyên chuyển, bổ nhiệm các linh mục cũng phải được sự cho phép của chính quyền. Từ việc các linh mục đi lại, ăn ở được chính quyền hết sức quan tâm và không mấy dễ dàng. Trước đây, linh mục xứ Phủ Lý đã bị nhà nước cấm bằng văn bản không cho ở tại nhà thờ Phủ Lý, Linh mục Phêrô Bùi Ngọc Tuấn khi về quản nhiệm xứ cũng được chính quyền mời sang nơi khác ở vì ở đó không có nhà xứ? Khi Ngài nhất định ở đó dù chỉ có ngôi nhà tạm bằng tôn thì chính quyền mới phải chịu.

Với hàng loạt những “hàng rào” như vậy, việc nhà nước hi vọng “tận dụng triệt để những phần tử tiến bộ trong tôn giáo” là hoàn toàn có cơ sở. Tất nhiên ở đây, chúng ta cần phải hiểu được ý nghĩa của từ “phần tử tiến bộ” này. Bởi ở Việt Nam vốn hay dùng cách nói lái và nói ngược để diễn tả ý nghĩa của nó!

Cho đến gần đây, ngay sau khi nhận chức (19/3/2005) Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã mở đầu việc giành lại quyền quyết định của Giám mục trong việc phong chức linh mục, bằng việc phong chức công khai cho hai linh mục Nguyễn Văn Thật và Nguyễn Văn Phượng ở Dòng Chúa cứu thế Hà Nội vào ngày 11/6/2005, dù không được chính quyền chấp nhận. Tiếp theo Ngài đã phong chức linh mục cho hai tu sĩ ở dòng Châu Sơn sau khi chính quyền tỉnh Ninh Bình cấm cản Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến truyền chức cho 2 vị này.

Từ đó, trong Giáo hội Việt Nam, các giáo phận và dòng tu về cơ bản đã giành được quyền tự quyết trong việc phong chức linh mục mà nhà nước không thể can thiệp. Điều đó khẳng định rằng không thể có những điều phi lý tồn tại mãi mãi nếu chính nhân dân biết mình có quyền gì. Ngoài ra cũng để các tổ chức tôn giáo, giáo dân hiểu những nghĩa vụ và quyền của mình như thế nào, thoát khỏi cơ chế xin – cho vẫn đang là một tai hoạ của nhân dân và cả dân tộc. Cơ chế đó đã ngang nhiên cướp đoạt quyền của người dân. Và cái cơ chế đó được ai sinh ra để phục vụ ai thì nhân dân đã rất rõ.

(Tuy nhiên, không phải giáo phận nào cũng làm được điều này, hiện nay ở Phát Diệm, một số tu sĩ vẫn khốn đốn vì nạn xin – cho mà không tận dụng những cơ hội này để thụ phong nếu không được chính quyền cho phép. Thậm chí, một số tu sĩ được gửi đi học ở Chủng viện Sao Biển, Nha Trang, công an Ninh Bình đã có thể đến tận nơi bắt về mà Giáo phận vẫn im lặng chấp nhận?).

Với hệ thống những quy định ngoại luật trong đào tạo như vậy, việc các chủng sinh, các linh mục tương lai sơ sểnh để công an nắm gáy là điều không khó. Và khi đã nắm được gót chân Asin, thì việc quy hàng là điều không xa mấy nếu các cá nhân không có bản lĩnh cần thiết và một sự đạo đức đủ mạnh để vượt qua.

Kết quả và hậu quả của những âm mưu và chính sách

Đời sống linh mục và tu sĩ là đời sống tận hiến theo giáo luật quy định và nhất là chính bản thân các linh mục, tu sĩ đã tự nguyện bỏ mình cho tình yêu Thiên Chúa.

Tuy nhiên các linh mục vẫn là những con người bình thường về thể xác và mọi mặt. Giáo dân Việt Nam có truyền thống yêu quý và mến mộ các chủ chăn hết mình. Họ kính trọng và yêu mến một cách thật lòng. Tất nhiên đó phải là những linh mục thánh thiện trong con mắt của họ. Nếu linh mục đánh mất hình ảnh thánh thiện của mình trong con mắt giáo dân, thì họ sẽ không còn đường lùi. Chính vì vậy, công an nắm rất rõ điều này và những bí mật của các linh mục ngay từ khi còn ngấp nghé bước vào đời tu cho đến từng bước đi trên con đường phục vụ. Những khuyết điểm, các vấn đề đời tư được chiếu cố theo dõi có hệ thống, và khi cần thiết sẽ được dùng có hiệu quả.

Hiệu quả lớn nhất là khống chế các linh mục trong các hoạt động cộng đồng của mình phải đi theo ý đảng, dù không hợp lòng dân. Nếu có ai đi chệch “lề bên phải” thì lập tức nhận được những lời đe doạ không thương tiếc. Và khi đó sự lựa chọn cho các linh mục thật khó khăn, nếu không đủ can đảm, thì chuyện ngã vào vòng tay ma quỷ là chuyện không khó.

Khi đã là linh mục, những vị được chọn vào hàng giám mục cũng phải được thông qua bởi nhà nước, cơ chế đó đã làm nhiều vị không thể định hướng cho mình khi có tham vọng được nâng lên vì khi đó “giáo hội một bên và nhà nước một bên”. Nhiều vị đã không dám ăn, không dám nói chỉ sợ mất lòng. Mới đây, một linh mục trẻ đã rất can đảm trả lời phỏng vấn nước ngoài những vấn đề liên quan đến các sự kiện nóng bỏng của giáo hội, ngay sau đó đã được cán bộ đến nhắc nhở: “Linh mục còn trẻ, đường phấn đấu còn dài, nên giữ lời ăn tiếng nói…” Quả thật hết cách để có thể bình luận thêm. Họ muốn rằng tất cả sống trong gọng kìm của sự sợ hãi của thể chế công an trị làm mất dũng khí của những người can đảm.

Ngay cả khi đã vào hàng giám mục, không thiếu những vị vẫn còn thể hiện sự thiếu dũng cảm trong những hành động của mình mà giáo dân không hiểu họ đang sợ hãi điều gì. Thậm chí chỉ có người đoán già đoán non là chắc quá khứ đã có những vấn đề chỉ có công an và những vị ấy biết mà thôi.

Tôi đã từng gặp một cán bộ cấp cao, trong câu chuyện ông nói rằng: “Hồi trước ở Thái Nguyên, có một linh mục còn hơn cả một bí thư chi bộ. Ngày thành lập đảng, ông ta ôm hoa đến chúc mừng làm tôi phát ngượng, trong khi các chi bộ thì không ai nhắc đến”.

Theo tìm hiểu thì nhân dân cũng có mắt quan sát. Vị linh mục này đã không được lòng ngay cả giáo dân, không ai đến thăm viếng, không ai đến dự lễ và xin lễ, nhà xứ thành hoang vắng và đơn côi, nhà nước phải cấp cho một số tiền hàng tháng để sinh sống. Hàng ngày tự xách túi đi chợ về nấu nướng ăn một mình vô cùng bệ rạc.

Xét cho cùng thì cũng chẳng vinh quang gì khi làm cán bộ hai mang như vị linh mục nọ. Chuyện đó đã xảy ra từ lâu, tưởng rằng đó sẽ là những bài học cho những ai biết suy ngẫm.

Nhưng không, trưa nay 2/2/2009, tôi nhận được một thông tin từ người bạn là cán bộ ở Kim Sơn rằng: “Ông không về Kim Sơn mà xem, Toà Giám mục Phát Diệm đã cử người ôm hoa tới chúc mừng sinh nhật đảng đấy thôi”. Thoạt nghe tôi cứ nghĩ chuyện đùa. Gọi điện đến linh mục Phạm Ngọc Khuê – Tổng Đại diện Giáo phận Phát Diệm, linh mục Khuê xác định thông tin đó là đúng làm tôi ngỡ ngàng.

Nội dung câu chuyện linh mục Khuê cho biết: Toà Giám mục Phát Diệm đã cử ba linh mục là linh mục Nguyễn Hồng Phúc (nhà thờ Phát Diệm) linh mục Bùi Ngọc Hoàng chính xứ Hướng Đạo ở Ðồng Hướng, Kim Sơn, Ninh Bình, Linh mục Vũ Thế Hùng xứ Thuần Hậu ở Ân Hoà, Kim Sơn, Ninh Bình cùng đến huyện uỷ mừng ngày sinh nhật đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 2/2/2009.

Tuy nhiên khi hỏi đến ý nghĩa việc đó cụ thể thì ngài nói: “Việc đó không bàn ở đây, không hỏi” và cắt điện thoại cái rụp, gọi lại thì không nhấc máy.

Qua điện thoại, linh mục Nguyễn Hồng Phúc cho biết: Theo sự uỷ nhiệm của linh mục Tổng Đại diện, linh mục Phúc cùng hai linh mục trên được cử đi cùng với đoàn của mặt trận huyện mừng ngày sinh nhật đảng, trong đó có cả bên Phật giáo (Phật giáo quốc doanh) và bên Công giáo cho đủ bộ. Trước đó có chuẩn bị lẵng hoa, nhưng sau có lẵng hoa của bên Phật giáo và của Mặt trận. Bên Công giáo do linh mục Bùi Ngọc Hoàng dẫn đầu vì ông là “Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo”(!).

Theo linh mục Phúc thì đây là do sự “chưa hiểu” (?) của linh mục Tổng Đại diện Phạm Ngọc Khuê vì mới về cứ tưởng hàng năm vẫn “Mừng đảng, mừng xuân” nên linh mục Khuê cho chuẩn bị lẵng hoa để chúc mừng, đến phút cuối có đoàn mặt trận chuẩn bị lẵng hoa nên mới để lẵng hoa lại và đi với bên Phật giáo.

Truyền hình báo chí nhà nước sáng nay đã quay lại đầy đủ cảnh này có thể sẽ đưa lên cho dân chúng ngắm nhìn hình ảnh các linh mục giáo phận Phát Diệm sống “tốt đời, đẹp đảng”?.

Quả thật đây là sáng kiến độc đáo của linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Phát Diệm, chắc sắp tới nhiều nơi, nhiều chỗ phải học tập và làm theo phong trào này?

Tôi thì không nghĩ vậy, hôm trước về Phát Diệm được giáo dân cho biết: Sau vụ việc Thái Hà, Giáo phận Phát Diệm đã nhận lại được chủng viện cũ của Giáo phận là khu Trường Thử Trì Chính sau 51 năm bị chiếm dụng. Tuy gọi là nhận lại, nhưng thực chất là phải “mua lại” với giá hơn 1 tỷ đồng chính tài sản của mình đã bị nhà nước mượn sử dụng quá lâu mà không trả tiền thuê mướn?

Điều trớ trêu, là sau khi mua lại, Giáo phận đã dự định tổ chức Thánh lễ tạ ơn ngay tại chính nơi đó. Nhưng chỉ một ngày sau khi công an đến làm việc, thì việc cử hành Thánh lễ tạ ơn đã được chuyển về Nhà thờ Chính Toà mà không có lý do nào được công bố.

Trao đổi qua điện thoại, một số linh mục tỏ ra khó hiểu với cách hành xử của linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Phát Diệm không chỉ trong việc này mà cả thời gian qua. Trong khi cả Giáo hội không chỉ trong mà cả ngoài nước hiệp nhất cùng Tổng Giáo phận Hà Nội, cùng hiệp thông với những biến cố ở Toà Khâm sứ và Giáo xứ Thái Hà, giáo dân mong chờ vào hai giáo phận mạnh mẽ, đông đảo và giàu truyền thống đạo đức nhất là Phát Diệm và Bùi Chu. Nhưng tịnh không có những hoạt động và sự hiệp thông rõ nét từ hai giáo phận này? Vấn đề này, chúng ta sẽ bàn trong một dịp khác.

Ngược lại, người ta thấy trên báo đảng, báo chí nhà nước hình ảnh và tin tức của linh mục Tổng Đại diện Phát Diệm đến chúc tết Tỉnh uỷ Ninh Bình từ rất sớm (16/1/2009). Bản tin nêu rõ: “Linh mục Phạm Ngọc Khuê đã bày tỏ niềm vui trước sự quan tâm của tỉnh Ninh Bình đến công tác tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động tôn giáo được diễn ra theo đúng pháp luật, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các giáo dân tích cực hăng hái tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương, sống kính Chúa yêu nước.

Nhân dịp Tết nguyên đán Kỷ Sửu, thay mặt linh mục, giáo sỹ, tu sỹ, giáo dân giáo phận Phát Diệm, linh mục Phạm Ngọc Khuê đã chúc các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy một năm mới an khang, thịnh vượng, mong kinh tế - xã hội trong tỉnh tiếp tục phát triển, các Nghị quyết của Đảng ngày càng đi vào cuộc sống, phục vụ cho lợi ích, quyền lợi của nhân dân”. Nguồn: http://baoninhbinh.org.vn/news/16/2DB543/Toa-giam-muc-Phat-Diem-chuc-Tet-Tinh-uy-Ninh-Binh

Như vậy, câu chuyện ngày xưa đâu phải đã qua, những câu chuyện ngày nay còn dài tập và nhiều tính bi kịch hơn.

Theo lời chúc của linh mục Khuê, khi nghị quyết của Đảng, Nghị quyết 23 của Quốc hội đi vào cuộc sống, thì dân Thái Hà và Toà Khâm sứ cũng như nơi nơi trên toàn giáo hội Việt Nam có đòi cả trăm năm cũng sẽ được giải quyết bằng chó, dùi cui và súng đạn để làm “dự án vườn hoang” là cùng. Còn việc phục vụ lợi ích và quyền lợi của nhân dân hay của ai, thì nhìn vào thực tế người dân không học hành cũng đã quá hiểu.

Chuyện các linh mục mừng đảng rất sốt sắng mà quên mất mừng hoặc chia sẻ với giáo hội là một nỗi đau dù không muốn cũng cần phải nói ra. Mặc dù điều này có thể có mặt nào đó không có lợi, nhưng thực tế là thực tế và sự thật vẫn là sự thật. Giáo hội cần đối mặt với những nhức nhối của chính mình mới may chăng bước vững chắc trên con đường tìm chân lý và sự thật, hoà bình.

Trở lại buổi chúc mừng này, chúng ta thấy dẫn đầu đoàn Công giáo vẫn là một linh mục thuộc “đàn két công giáo” mà tổ chức này thì chẳng ai lạ lẫm gì nó, bởi đã được nói đến quá nhiều. Nhưng nó vẫn cứ tồn tại và “phát huy tác dụng” trong những công việc lập lờ đánh lận con đen thay mặt Giáo hội để mừng đảng, mừng xuân, mừng Noel và nhận những công lao, huân chương phần thưởng các loại bằng những thành tích, đóng góp xương máu của giáo dân.

Chúng tôi cũng đã nói chuyện với nhiều địa phương có “két” trong “đàn két” này. Đa số đã chán ngán cái uỷ ban hữu danh vô thực, cái bóng ma lịch sử này. Ở Giáo phận Vinh, Giám mục Paul Cao Đình Thuyên cho biết, hầu hết các linh mục trong cái uỷ ban này đã không còn hoạt động nữa, nhưng tên vẫn được ghi lên cho đủ bộ, họ không đi họp hành, vì vậy mà cuối năm vừa qua uỷ ban này không thể họp được? Ngay cả một nữ tu ở Dòng Mến Thánh giá Xã đoài, cũng đã già yếu, ốm đau chẳng họp hành gì, nhưng danh sách vẫn còn ngang nhiên chiếm bảng vàng ở uỷ ban đó đến nay.

Quả là có một tổ chức cực hay, gia nhập và dễ dàng và quyền lợi chính là ghi danh, hàng năm được cấp tiền ăn ở, cấp vé máy bay họp hành, đỡ phải làm lễ và nhất là đỡ phải vâng phục bề trên. Nhà nước cứ nuôi nó ở đó, sẵn sàng nuôi quân ba năm để dùng một giờ như vụ Noel 2008 ở Hà Nội vừa qua.

Xét cho cùng, những cá nhân và tổ chức đó chỉ là những công cụ, những phương tiện không hơn không kém của đảng và nhà nước, được nuôi bằng tiền của dân, mang danh Công giáo nhưng đi theo đường lối và phục vụ mục đích của đảng vô thần cộng sản.

Ngoài những tổ chức như “đàn két công giáo” còn nhiều hình thức và tổ chức khác nữa để tận dụng triệt để “những phần tử tiến bộ” trong tôn giáo phục vụ sự nghiệp cách mạng và lợi ích của đảng. Quá nhiều dẫn chứng để có thể nói ở đây.

Tuy nhiên bài viết đã dài, và trong một chừng mực nào đó, thì nhà nước đã không hiểu hết về đức tin của người Công giáo. Giáo dân Công giáo dù một thời gian quá dài được đối xử như những công dân hạng hai, (trừ những người theo đóm ăn tàn), nhưng vẫn nhận thức hết sức đầy đủ về bổn phận của mình và có những nhận xét hết sức đúng đắn và tinh tế. Bất cứ một ai, kể cả hàng giáo phẩm, linh mục hay tu sĩ đều được sự tin yêu nhiều khi đến thái quá của giáo dân. Nhưng khi bộ mặt thật phản Chúa bán Giáo hội đã rõ, thì họ được lưu danh bằng bia miệng ngàn đời và thành những điển tích, những bài học cho con cháu muôn đời sau biết mà “tìm lành lánh dữ”.

Lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, không ai có thể hạnh phúc nếu từ bỏ con đường chân chính của mình bởi những cám dỗ từ cuộc sống. Những nhân vật một thời lừng lẫy tiếng tăm, tưởng chừng như ngồi mãi trên đỉnh cao danh vọng, nhưng đâu ngờ cũng có ngày sụp đổ không thể cưỡng nổi con sóng của lòng dân, của lịch sử.

Những tượng đài Lenin, của Xtalin được buộc dây ngang cổ kéo lê trên đường hay bị cần cẩu gạt nằm chỏng chơ trên bãi rác đã nói lên điều đó. Những nhân vật lịch sử đã qua trong chế độ này cũng đã dần dần ngấm đòn của sự phản trắc niềm tin và lý tưởng của mình. Chẳng có thể nào là một người đáng tin cậy khi ngang nhiên phản bội lại chính lý tưởng của mình đã thế hứa và tuyên xưng bằng chính cả niềm tin và tâm hồn chỉ vì những quyền lợi vật chất hoặc sự ích kỷ hư ảo cá nhân.

Thiết nghĩ rằng, sự am tường và viễn kiến chính xác của Khâm mạng Toà thánh John Dooley và các giám mục giáo tỉnh miền bắc những năm 1955 thật sáng suốt. Các ngài đã nghĩ đến những điều mà ngày nay, hơn nửa thế kỷ sau Giáo hội đang phải đối mặt. Chính vì thế ngay từ những ngày đó, các ngài đã thẳng thừng treo chén những vị linh mục tham gia tổ chức này. Tiếc rằng những mụn nhọt kia vẫn lì lợm bám trên cơ thể giáo hội như một căn bệnh nguy hiểm mà chưa được dùng thuốc đặc trị.

Cộng đồng dân Chúa Việt Nam một lần nữa cần xét mình ăn năn một cách thành thật nhất, để cùng nhau xây dựng một Giáo hội Tông truyền, thánh thiện, thông công và hiệp nhất. Dù đó có thể là những cuộc đại phẫu đau đớn, nhưng không thể không làm nếu muốn có một cơ thể lành mạnh cường tráng với một niềm tin tinh thần mãnh liệt trong cơ thể giáo hội.

Hà nội, ngày 2/2/2009
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn: J.B Nguyễn Hữu Vinh

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 779 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 50
Khách: 50
Thành Viên: 0