Tham nhũng đục khoét chương trình kích cầu của Việt Nam Martha Ann Overland, Time 23/02/09, Nguyễn Phương Nga lược dịch
| Cán bộ nhà nước đang ăn cắp từ những người này
| Trong
khi các chính phủ trên thế giới bỏ ra hàng ngàn tỷ đô la kích cầu kinh
tế để chống đỡ nạn suy thoái trên toàn cầu, thì sự tranh cãi đang nổ ra
mãnh liệt rằng một đống tiền đổ ra tràn lan không biết có giúp được gì
nhiều hơn là một sự thúc đẩy kinh tế ngắn hạn, và liệu không biết phần
lớn số tiền đó có bị phí phạm hay không. Riêng Việt Nam, cũng giống như
hầu hết các quốc gia Á Châu khác đang bị vùi dập mạnh mẽ vì nền kinh tế
suy sụp, đang khám phá ra rằng ngay cả hình thức kích cầu kinh tế trực
tiếp nhất - đem tiền mặt cho không người dân - có thể lọt vào tay những
kẻ sai trái.
Với con số những người nghèo đang gia tăng và có
nhiều báo cáo về một số đang bị đói ăn, các quan chức cộng sản ở Hà Nội
mới đây đã quyết định trợ giúp 12 đô la mỗi người cho hàng triệu dân
nghèo Việt Nam vào dịp trước thềm ngày lễ quan trọng nhất của đất nước,
Tết Nguyên Ðán, năm mới của Việt Nam. Tết của Việt Nam tương đương như
ngày lễ Giáng Sinh; đó là ngày gia đình xum họp và tiêu xài rộng rãi để
mua quà tặng nhau. Nhưng năm nay, lúc để biếu xén lại là lúc để xin xỏ.
Dường như nhiều món tiền trợ giúp người nghèo đã bị bọn cán bộ tham
nhũng của nhà nước bỏ túi.
Theo công an địa phương cho biết
thì trong một số trường hợp, các món tiền trợ giúp bị khấu trừ lệ phí
hoặc bị trừ thuế cho đến độ chỉ còn lại có chút ít. Nhiều gia đình ở
tỉnh Quảng Bình than phiền rằng họ được yêu cầu phải ký vào biên lai
nhìn nhận rằng họ đã nhận đầy đủ món tiền, nhưng một số dân làng nói
rằng hơn 90 phần trăm số tiền đã bị rút riả mất bởi đám cán bộ quan
liêu đê tiện. Ở tỉnh Quảng Ngãi, hàng chục người nói rằng họ đã bị bó
buộc phải dâng hiến cho cái gọi là "quỹ giao thông nông thôn". Nhiều
dân làng thiếu thốn cùng cực khác cũng cho biết họ phải đóng góp vào
một quỹ giúp người nghèo. Nhiều cuộc điều tra về những câu chuyện này
và một số nhiều trường hợp tương tự đang bắt đầu trên tòan quốc.
Dưới
sự trợ giúp bất thường này của nhà nước, những người Viêt Nam đang sống
dưới mức nghèo đói (do chính phủ quy định là những người kiếm được ít
hơn 15 đô la một tháng) có đủ điều kiện để nhận một món quà tặng 200
ngàn đồng Việt Nam, tức vào khoảng 12 đô la. Theo tiêu chuẩn thì các
gia đình được nhận tối đa là 57 đô la. Mặc dù món tiền đó có vẻ nhỏ bé
không đáng kể, nhưng lại là một số tiền may mắn bất ngờ đối với 10
triệu người nghèo khổ nhất Việt Nam. Ðây là một lối để giúp đỡ những
người thật sự đang phải khổ sở vì tình trạng khủng hoảng kinh tế và một
loạt các thiên tai đổ vào đất nước hồi năm ngoái, theo ông Ngô Trường
Thi, phó giám đốc an sinh xã hội thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội,
hiện đang quản lý chương trình trợ giúp trên cho biết. "Ðưa tiền mặt
cho dân nghèo cũng là một phần của các biện pháp kích thích nền kinh
tế", ông Thi nói.
| Kích cầu của Việt Nam vì mục đích chính trị hơn là kinh tế
| Sự
chậm chạp của kinh tế toàn cầu mới đây đã hãm lại một thập niên tăng
trưởng của Việt Nam. Quỹ tiền tệ quốc tế tiên đoán rằng tổng sản lượng
nội địa của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 5% trong năm nay từ một mức cao
ngất 8.5% hồi năm 2007. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành sản xuất, đã
giúp đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói bằng cách cung cấp
cho họ những công ăn việc làm với mức lương tương đối cao. Việc giảm
thiểu các đơn đặt hàng từ nước ngoài buộc nhiều hãng xưởng mới xây
dựng phải đóng cửa, khiến công nhân phải quay về quê quán họ.
Chương
trình kích cầu của Việt Nam rất yếu ớt khi so sánh với gói kích cầu 787
tỷ đôla được các nhà lập pháp Hoa Kỳ chấp thuận hồi tuần trước, nhưng
Việt Nam đang làm những gì có thể làm được để kích hoạt nền kinh tế. Số
tiền trợ giúp theo sau một thông báo đưa ra hồi tháng 11 nằm trong một
kế hoạch bỏ ra 1 tỷ đô la trợ cấp lãi xuất cho các doanh nghiệp và hạ
thấp thuế má để nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư và tạo công ăn việc làm.
Nhưng
Hà Nội tự mình không thể thay đổi quá trình của các sự kiện đang xảy ra
trên toàn cầu, theo ông Alex Warren-Rodrigue, cố vấn kinh tế thuộc
Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc ở Hà Nội. Việt Nam quá lệ thuộc
vào những gì đang xảy ra ở Hoa Kỳ và Âu Châu. Ông nói, "Ngay cả nếu khi
quý vị giảm bớt lãi xuất để kích thích đầu tư, thì điều đó sẽ không xảy
ra vì chẳng có gì để đầu tư vào cả. Họ chỉ có thể làm được rất ít để
kích thích nền kinh tế".
Tuy nhiên, nhận thức của quần chúng
về việc nhà nước đang xoay sở giải quyết cuộc khủng hoảng tới mức độ
nào thì vô cùng quan trọng. Ông Vũ Thanh Tú Anh, giám đốc nghiên cứu
thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright ở TPHCM, nói rằng các
món tiền mặt trợ giúp rõ ràng được làm vì mục đích chính trị, chứ không
phải chỉ vì các lý do kinh tế. Ông nói, "Ðiều rất quan trọng đối với
chính phủ là họ được thấy đang làm một cái gì đó. Những áp lực chính
trị rất to lớn".
Ông Tú Anh nói, cho đến nay, chế độ Hà Nội
dường như còn thiếu sót trong các nỗ lực của họ để tạo ra sự tin tưởng
của quần chúng. Bộ Tài chánh đã thông báo gói kích cầu cách đây hàng
tháng trời nhưng các biện pháp chỉ mới được đưa ra thi hành trong vài
tuần lễ qua. Bây giờ hình ảnh của nhà nước lại bị nhơ nhuốc thêm vì
nhiều cán bộ địa phương hiện đang ăn cắp từ những người nghèo khổ nhất
mà Hà Nội đang cố gắng giúp đỡ.
Có lẽ sẽ không bao giờ biết
được bao nhiêu tiền bạc đúng ra là để dành cho người nghèo đã bị chuyển
hướng (vào túi các quan tham). Một cán bộ nhà nước ở tỉnh Lâm Ðồng miền
Trung Việt Nam vừa bị bắt vào tuần trước, và hàng chục người khác trên
toàn cõi đất nước đã bị giáng chức hoặc sa thải vì vụ bê bối này. Hàng
trăm cuộc điều tra ở cấp tỉnh đang được tiến hành.
Nhưng chỉ có
một số ít người là ngạc nhiên về tầm mức của vụ trộm cắp này, ông Tương
Lai, cựu giám đốc Viện Khoa học Xã hội của nhà nước cho biết. Cán bộ
nhà nước Việt Nam ở mọi tầng lớp đều mang tai tiếng là có các ngón tay
nhớp nhúa. Hồi năm ngoái, một cuộc khảo sát về vấn đề tham nhũng trong
các cơ quan nhà nước Việt Nam của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã xếp hạng
Việt Nam vào hàng thứ 121 trên 180 các nước tham nhũng nhất thế giới.
"Vấn
đề ăn cắp của người nghèo chẳng có gì mới mẻ cả", ông Tương Lai nói.
"Nhưng sau một năm đầy những khó khăn ghê gớm, thì món qùa tết coi như
là một cử chỉ để giúp cải thiện lòng tin cậy của người dân Việt Nam".
Nhưng thay vào đó, như ông Tương Lai ghi nhận, nó đã phá hoại lòng tin
cậy đó.
http://www.time.com/time/world/article/0,8599,1881227,00.html
|