Copy từ Blog Gõ Kiến
Dạo gần đây, những người
tôi gặp và có dịp hàn huyên tất thảy đều có chung một cách thể hiện khi nói về
chế độ đang cầm quyền. Đó là sự thể hiện rất khác so với thời gian trước. Trong
lòng tôi thầm nghĩ đã đến lúc mà hầu hết người dân nhìn thấy được bản chất lưu
manh của những cán bộ công chức nhà nước mà lương tâm bị con gì tha mất từ lâu.
Vừa xót xa cho sự mất mát của người dân trong thời gian qua, vừa mừng vì nó sẽ
giúp cho sự thay đổi toàn diện của đất nước trong thời gian tới.
Người bạn làm ở một bộ
phận tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn thường nhận được tiền từ khách cho (tự nguyện
cho hay buộc phải cho? ta chưa bàn tới) nay tâm sự đã cảm thấy bất an với những
đồng tiền đó. Người ấy muốn được thay đổi công việc, chấp nhận dù tiền ít hơn
nhưng tâm thấy yên hơn. Ít tiền hơn thì cũng không phải cúng nạp và khúm núm
trước cấp trên như trước nữa. Ít tiền hơn nhưng cảm thấy thoải mái sử dụng đồng
tiền do mình làm ra một cách chân chính. Tôi hỏi: sao bây giờ lại cảm thấy như
thế? Bạn tôi trả lời: chán lắm mày ạ, tao nhìn thấy sắp sập đến nơi rồi, lo cho
mình được thanh thản chút nào hay chút ấy.
Người bạn hiện đang tự làm
chủ một việc kinh doanh nhỏ cũng chia sẻ là cảm thấy mình đã quyết định đúng khi
không tiếp tục ở lại phục vụ lâu dài trong môi trường quân đội (lý tưởng thưở
trai trẻ của anh). Anh say sưa hát những bài nhạc đỏ trong buổi karaoke họp mặt
bạn bè nhưng đưa ra một kết luận trong tăng 3 của chúng tôi là quân đội thời nay
không còn giống như quân đội thời xưa. Gia đình anh đã 3 đời tham gia cách mạng.
Nhưng thật may cho anh đã có ngã rẽ đúng lúc (và tất nhiên bị gia đình quở mắng
một trận tơi bời). Nếu ở trong quân ngũ đến hôm nay không biết anh sẽ về đâu với
cái tính thẳng như ruột ngựa của mình vì trong đấy như một xã hội phong kiến thu
nhỏ nơi cấp trên là vua, là quan phụ mẫu của cấp dưới. Thăng quan tiến chức
không phải đến từ sự phấn đấu phụng sự quốc gia, dân tộc mà đến từ sự ganh đua
nhau cung phụng cho cấp trên. Bây giờ đâu có chiến tranh để thấy lòng mình hướng
về một điều cao cả mà bất chấp tính mệnh. Thấy cái cách chính quyền hành xử về
vấn đề Trường Sa – Hoàng Sa mà xót lòng quá. Nếu còn làm một người lính mà phải
câm lặng trước sự việc đó thì tức đến chết thôi, còn nếu có phản ứng thì chắc
anh sẽ bị mức kỉ luật nặng nhất của quân đội. Nay là một người dân bình thường
anh có thể nói những điều mình nghĩ với bạn bè và mong có một ngày phải thay đổi
để lý tưởng của anh được sống cùng hồn thiêng sông núi. Anh nói: tao thấy một
đảng độc quyền toàn chỉ có chuyện xấu, tao ủng hộ đa đảng.
Người bạn làm kế toán
trưởng cho một doanh nghiệp (loại vừa và nhỏ) khi nhắc đến các vị cán bộ quản lý
thuế của đơn vị (một quận nội thành HN nổi tiếng với các trò ăn chia trắng trợn)
thì ôi thôi một tràng bức xúc được bung ra khiến người nghe không khỏi lắc đầu
ngao ngán. Trong tình hình đầu ra của công ty đang bị thu hẹp bởi không còn đơn
hàng xuất, tiền bạc không có đủ để xoay các chi phí đầu vào khiến công ty gặp
khó khăn tứ bề. Vậy mà khi công ty gắng hoàn tất hồ sơ xin hoàn thuế GTGT đầu
vào còn được khấu trừ để lấy tiền về xoay sở thì được ngay một đề nghị “chia
đôi, ứng 1/2” (tức chia 50% và ứng 25%) thì trong vòng 1 tuần sẽ có kết quả. Vị
cán bộ thuế lý luận: thời buổi này ai có tiền mặt là vua, bên em biết điều thì
kịp có tiền mà duy trì, còn không thì ráng chờ làm theo đúng qui trình, hồ sơ
xin hoàn thuế đang chất đống ở chỗ bọn anh, bọn anh giải quyết theo thứ tự, lúc
nào đến hồ sơ của em thì sẽ báo, đang buổi giao thời giữa luật thuế GTGT cũ và
mới (mới áp dụng từ 1/01/2009) nên bọn anh phải xem kỹ chứ làm trật một chút thì
ai gánh trách nhiệm cho bọn anh. Bạn tôi rủa xả (cho bạn bè nghe chứ có dám nói
với cán bộ thuế đâu, thế mới khổ): người ta sắp chết đến nơi rồi mà hắn còn đòi
ăn dày đến thế, qui với chả trình, cũng là các bố hết chứ ai vào đây, đồ chó tha
quạ bắt. Rồi hỏi bọn tôi: vậy bây giờ tớ phải làm gì? Chịu thì tức chết, không
chịu thì cũng tức chết, mà cha giám đốc nhà tao cũng hết đường rồi, có tiền về
để còn xoay việc khác không thì cũng chết cả đám, giá mà có ai quét hết đám giặc
này cho tớ đỡ tức? Tôi thầm nghĩ: sẽ đến ngày ấy thôi.
Cô hàng xóm gần nhà một
buổi tối tạt qua tâm sự với ông bà già nhà tôi. Cô có đứa con trai nhỏ học lớp
6, thằng bé học cũng khá phải tội hơi nhút nhát. Không biết tiêu chí thế nào mà
em được chọn vào danh sách đề cử đi thi môn Toán cấp quận. Nghe con về báo như
vậy cô thấy mừng cho con. Thời gian ôn để thi trước tại trường nhằm chọn ra học
sinh được đi thi chính thức mất khoảng 1 tháng rưỡi. Hôm rồi nhà trường mời các
phụ huynh có con được đưa vào danh sách lên họp. Họp xong về nhà cô phân vân quá
bởi các khoản phải đóng cho nhà trường để con học ôn nghe đâu lên tới vài triệu
(tiền bồi dưỡng cho thầy dạy, tiền mua tài liệu, tiền cơ sở vật chất của nhà
trường, v.v…) mà còn chưa hết, vì con cô hơi nhút nhát nên cần được luyện riêng
với một thầy nữa nhằm có thể mạnh dạn hơn khi thi vấn đáp và phí tổn khoản này
cũng gần bằng khoản kia. Thầy trực tiếp nói riêng với cô: nếu chị lo cho em ấy
được chọn vào danh sách chính thức đợt này thì chị khỏi lo kết quả học tập cả
năm nay của em, đảm bảo được học sinh giỏi, như thế là tốt lắm đấy. Nghe xong cô
vừa lo (kiếm tiền ở đâu ra trong tình cảnh chồng cô – lao động chính trong nhà –
đang bữa làm bữa không vì xí nghiệp hết việc) vừa mừng cho con. Tuy nhiên, tình
cờ nói chuyện với một vị phụ huynh khác ngay sau buổi họp với nhà trường cô mới
té ngửa là thầy kia cũng gợi ý y chang như vậy nhưng số tiền luyện riêng thì có
khác, cao hơn số tiền thầy kia nói với cô (có lẽ vì nhìn vị phụ huynh này sang
trọng hơn hẳn cô) và thầy đảm bảo là con của vị phụ huynh này sẽ được chọn vào
danh sách chính thức!? Cô bức xúc quá, nghĩ vừa thương con mình vừa xấu hổ cách
“đào tạo” của nhà trường, nhưng cô không dám có phản ứng gì thái quá vì con cô
vẫn còn phải học ở ngôi trường này đến hết lớp 9 mà. Điều cô khó xử là làm sao
để con không thấy thẹn với các bạn (nếu không được chọn) và cô không mất tiền
một cách vô ích (chỉ để lấy lòng thầy) trong khi gia đình còn biết bao khoản
phải lo toan. Tiến thoái lưỡng nan. Cô đặt câu hỏi cho chính mình và cho ông bà
già nhà tôi: các bác xem bao giờ mới hết nạn giáo dục kiểu này? nói thật, em làm
được gì mà không ảnh hưởng đến con là em làm ngay.
Câu chuyện với anh tài xế
taxi (trong comment trên blog trandongchan) ngày 14/02 cũng tương tự.
Anh kể sáng sớm nay khi
thấy một nhóm áo xanh đang bắt hàng của các cô dì bán ốc trên thành một cây cầu,
anh thấy quá bất nhẫn nên đã ngừng xe giúp mấy cô dì thu dọn đồ và cũng đồng
thời cản mấy anh áo xanh làm nhiệm vụ. Với vài tài lẻ thì anh cũng thoát được (không
bị bắt vì lỗi đậu xe chiếm lòng cầu, cản trở người thi hành công vụ). Nhưng anh
gọi những người mặc áo xanh đó là “kẻ cướp có giấy phép hành nghề”. Nghe tôi nói
phong phanh các công ty xăng dầu đang than bị lỗ, chắc sắp tới giá xăng sẽ có
điều chỉnh. Anh lập tức phản ứng ngay “đồ làm ăn gian lận” và cũng xếp các công
ty xăng dầu vô nhóm “kẻ cướp có giấy phép hành nghề”. Anh bảo người nghèo ở nơi
khác đã khổ, người nghèo ở VN còn khổ gấp bội vì chẳng được ai bảo vệ. Chính xác
anh nói câu: dân mình bị ăn chặn mất quyền ‘pháp nhân’ (chắc do lúc đó bức xúc
nên nhầm lẫn nhưng ý thì rõ ràng). Và rằng, nếu anh có quyền thì anh sẵn sàng
bắn bỏ hết những kẻ đang núp bóng công quyền mà làm chuyện bất công bất chấp hậu
quả. Anh cũng mong tiếng nói người dân được lắng nghe và nếu có ai đứng lên ‘cầm
đầu’ thì anh sẽ gia nhập ngay để lật đổ chính quyền này (lời nói khi ấy rất mạnh
mẽ và lý giải bằng lý do sau đây). Vì anh tin rằng nếu mình không lật đổ chính
quyền này thì khi có nước nào đó vào đánh chiếm VN thì chắc chắn VN sẽ thua rồi
mất nước luôn vì người dân sẽ đi theo các nước mạnh đó do đã chán chế độ này rồi,
giờ ai cho họ cái gì tốt hơn thì họ sẽ theo thôi.
Đến vấn nạn ăn chặn tiền
Tết của người nghèo diễn ra ở hầu hết những địa chỉ mà lẽ ra số tiền cần đến một
cách trọn vẹn cho thấy chính quyền đã bất lực từ lâu nên chẳng thể kiểm soát nổi
tình hình. Nguyên nhân là do dâu? Ông bà có câu: “thượng bất chính, hạ tất loạn”.
Ở cấp càng cao, ăn của công càng mạnh. Trên ăn được, sao dưới lại không thể.
Trên đã ăn rồi làm sao bắt dưới không ăn. Ăn, ăn, ăn … đã trở thành một thứ văn
hóa quần chúng đến mức mà người dân buộc phải quen sống với nó. Hỏi ra thì bất
kỳ người dân nào cũng biết câu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” trong mọi
hành xử của mình với những người thuộc chính quyền, thuộc những cơ quan quản lý
nhà nước.
Còn nhiều nhiều câu chuyện
như vậy nữa. Và đến lúc mà cuộc sống của hàng triệu người rơi vào đường cùng vì
khủng hoảng kinh tế đang ngày thêm trầm trọng mà vẫn phải cung phụng cho một lớp
người lương tâm bị chó tha quạ bắt thì điều gì sẽ xảy ra?
Công nhân đình công phản
đối lương thấp, thất nghiệp kèm đói kém; xã hội bức bối khiến các vụ án mạng
hình sự ngày càng rùng rợn; nông dân hợp lực chống đối chính quyền cướp đất;
sinh viên trao tay truyền đơn kêu gọi thay đổi; trí thức với những bài viết phản
biện xã hội trên mọi phương diện, v.v…
Tâm người dân đã bất phục.
Trí người dân đang đặt ra những câu hỏi mà chính quyền này khó có thể trả lời.
Tiền đề của một cuộc khủng hoảng chính trị đang dần biểu hiện … từng ngày … từng
ngày. Lòng dân đang dần chuyển. Ai xoay ngược được bánh xe lịch sử thì … cứ thử
xem.
Gõ Kiến,
21/02/2009.
|