Thứ Bảy, 2024-11-23, 3:29 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 25 » Đoàn Kết... chết hết, chia rẽ... chết lẻ tẻ
4:01 PM
Đoàn Kết... chết hết, chia rẽ... chết lẻ tẻ
 


Chết rồi! bỏ vô hòm đóng lại!
Người chết đi đằng trước,
Người sống đi đằng sau,
Một lũ kéo nhau vừa khóc, vừa mếu...


Cứ mỗi lần đi dự những buổi hội thảo hay sinh hoạt cộng đồng, nghe ai đó kêu gọi, nhắc đến chữ đoàn kết là Đạt Lang tui nhớ đến bản nhạc “Kết Đoàn! Chúng ta là sức mạnh, đoàn kết ta bền vững...” bị sửa lời như trên và rồi không khỏi tủm tỉm cười.


Cười vì lời nhạc sửa đổi và cười vì dường như càng kêu gọi đoàn kết thì dân Việt nam lại...càng chia rẽ hơn. Có đúng như vậy hay không? Nếu đúng (tức là không trật) thì tại sao lại có “sự cố” như dzậy?


Tui có đọc trong một cuốn sách ở đâu đó nhận xét (rỉ) của một người Nhật về người Việt Nam như sau:


‒ Mỗi người Việt Nam là một viên kim cương (Thứ thìệt nghe, khai thác từ hầm mỏ bên Sierra Leon đem về hải cảng Antwerpen bên Bỉ, cắt gọt đàng hoàng, không phải loại kim cương nhân tạo), mỗi người Nhật là một cục đất sét (cũng thứ thiệt luôn).


‒ Kim cương thì rất quý giá, lúc nào cũng sáng chói, lấp lánh dưới ánh sáng, còn đất sét thì dơ bẩn, giá trị rất ít, nếu không muốn nói rằng chẳng có gì ngoài việc dùng làm vật liệu sản xuất bình, lọ... sành, sứ và ở đâu cũng có. Tuy nhiên kim cương không bao giờ dính lại được với nhau, đất sét ngược lại, chỉ cần chút nước là 3, 4 cục riêng rẽ sẽ trở thành một.


Mja! Tên Nhật viết quyển sách ba điều bốn chuyện này coi bộ cũng ba que, xỏ lá tợn. Hắn làm bộ khen, bơm dân Việt Nam mình cạch cạch, thổi lên tuốt ngọn cây, ngon lành quá cỡ thợ mộc (dĩ nhiên từng người một thôi); rồi đùng một cái, rút kiếm Samurai chặt... bụp một phát, chửi xéo dân mình là không biết đoàn kết để tạo thành sức mạnh của tập thể.


Đat Lang tui đọc mà tức... quá sức lẽ mình, định xét nát quyển sách đang cầm trên tay, nhưng chợt nhớ ra là sách mượn, không có tiền mua cuốn khác đền, nên kịp ngừng lại. Tiền lương bà xã kiểm soát từng Euro, Konto online check hàng ngày, mất một đồng là bã “phát hiện” được ngay, làm sao dám nhiếm ra một ít mà mua, mà nếu có nhiếm được thì... mua thứ khác đáng giá hơn... sách, báo chứ? Đúng hông? Không đúng là bà...bắn tui đi.


Thôi! xin trở lại vấn đề. Ngẫm nghĩ, thấy anh Nhật nói đúng chứ không sai, hay có sai thì cũng... chút chút thôi.


Người Việt chúng ta đứng riêng rẽ thì rất thành công, những tấm gương như kỹ sư Dương Nguyệt Ánh chế tạo bom áp nhiệt (Thermobaric), giáo sư Nguyễn Xuân Vinh làm việc cho NASA, Trịnh Tuệ với 7 bằng kỹ sư (về Việt Nam thành... 7 bằng tiến sĩ) và mới nhất đây ở Orleans, Joseph Cao đắc cử vào Hạ viện Hoa Kỳ,... là những bằng chứng rõ rệt nhất. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay người viết vẫn chưa được thấy một công ty, một tổ hợp, một nhóm nhà khoa học nghiên cứu... mang tên Việt Nam có được một thành công rực rỡ đáng kể. Việc kết hợp khối người Việt hải ngoại thành một lực lượng đồng nhất (đồng nhất chứ không phải duy nhất) để có thể tạo được những thành quả to lớn mang tầm vóc quốc tế, dường như là một việc bất khả thi.


Có nhiều yếu tố ngăn chận sự đoàn kết của người Việt, thử điểm qua vài yếu tố chính.


Theo sự nhận xét của tui, yếu tố quan trọng thứ nhất khiến người Việt ít đoàn kết là tính ích kỷ, không biết hi sinh quyền lợi nhỏ của bản thân để đạt được một điều lợi chung lớn hơn, mà bản thân mình cũng (sẽ) được nhiều hơn.


Một thí dụ điển hình tui được biết, do một anh bạn là kỹ sư thiết kế (design), đồng thời làm việc trong Betriebsrat (công đoàn IG Metall ‒ Industriegewerkschaft Metall, “Industrial Union of Metalworkers”) của một hãng chế tạo xe hơi ở Đức kể lại. Anh cho biết chưa đến 5% tổng số người Việt trong hãng tham gia thành đoàn viên công đoàn, trong khi so với các dân tộc khác (không kể Đức) như Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), Nam Tư (Yugoslavia) hay Tây Ban Nha (Spain), số đoàn viên bao giờ cũng là 50-70%, thậm chí có nhà máy lên tới 80% công nhân viên là đoàn viên công đoàn.


Tui hỏi lý do, anh cho biết người Việt trong hãng anh làm không sốt sắng tham gia công đoàn vì phải đóng nguyệt liễm 1% tiền lương Brutto (Gross income). Nhiều người không gia nhập thì thôi, lại còn lý luận rằng không là đoàn viên nhưng khi công đoàn tranh đấu cho công nhân viên được lên lương, họ vẫn được hưởng, vậy thì dại gì mà mỗi tháng phải mất vài chục Euro? Vậy thì những người đoàn viên công đoàn đều ngu dại hết hay sao?


Sau khi nghe chuyện đó, tui tò mò đọc sách, tìm hiểu về sự hình thành và quá trình tranh đấu của công đoàn IG Metall Đức. Qua đó mới biết rằng, để đạt được thành quả ngày hôm nay cho công nhân viên ngành sắt thép Đức mỗi năm được hưởng 6 tuần lễ nghỉ Urlaub (Vacation), tuần làm việc 35 tiếng (hiện nay vì tình hình kinh tế, nhiều hãng đã tăng trở lại 37,5 hay 40 tiếng/tuần), được tiếp tục trả lương trong 6 tuần lễ bệnh đầu tiên trong năm (sau đó qũy bảo hiểm sức khỏe sẽ trả tiếp) công đoàn đã phải tranh đấu trường kỳ trong nhiều năm, khi đàm phán với giới chủ nhân, khi đình công làm áp lực... mỗi năm từng bước một. Tiền đâu họ hoạt động nếu không có nguyệt liễm của đoàn viên?


Yếu tố thứ hai là lòng ganh tị, hám danh, tranh giành, hơn thua nhau những chuyện không đáng. Sự ganh tị thường ngấm ngầm, không bộc lộ ra ngoài nhưng âm ỉ, kéo dài và sẽ bùng nổ khi có dịp. Người ta dễ dàng bôi bẩn, vu khống, chụp mũ, nói xấu sau lưng nhau... chỉ vì những điều nhỏ nhặt như cảm thấy thua kém người khác hay không đạt được những gì mình muốn, nhất là khi có được phương tiện truyền thông trong tay. Việc tranh nhau chức vụ chủ tịch Văn bút VNHN giữa các ông Viên Linh, Sơn Tùng, Đặng Văn Nhâm... cuối thập niên 90 là một bằng chứng rõ rệt.


Người Việt hải ngoại hầu như chỉ kết hợp được với nhau khi có những biến động lớn, như vụ Trần Trường, vào năm 1999, treo cờ đỏ sao vàng và hình ông Hồ Chí Minh trong tiệm bán và cho thuê phim video, đĩa nhạc... mà ông Trường sở hữu, hay là vụ biểu tình phản đối báo Người Việt in hình chậu rửa chân cho mấy người làm nail có hình cờ vàng ba sọc đỏ hoặc những cuộc biểu tình chống mấy ông Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết qua Mỹ...khoe “Duyên Dáng Việt Nam”, vận động hội nhập vào WTO hoặc vụ phản đối nghị viên Madison Nguyễn định đổi tên Little Sàigòn và mới nhất là cuộc biểu tình phản đối cuộc triển lãm tranh và văn học nghệ thuật VAALA...


Khi những sự việc đó trôi qua hoặc chìm xuống rồi, thì... ai về nhà nấy. Còn lo cơm áo, bill mortgage, xe, điện, nước, telephone... Ôi chao, đủ thứ, tối tăm mặt mũi chứ bộ chơi sao? Dĩ nhiên! Đi biểu tình vậy là... may rồi, muốn gì nữa? Bỏ ăn chơi, bỏ việc nhà cuối tuần, bỏ shopping... tham gia đóng góp vậy là quá sức rồi. Thêm nữa ai chịu cho thấu?


Nhưng nếu có ai đó tò mò, lấy một tờ báo tiếng Việt hay thông cáo kêu gọi các cuộc biểu tình đọc, sẽ thấy danh sách các hội đoàn, tổ chức... tham dự dài... ngoằn ngoèo, dài thậm thượt, dài... lê thê, dài... mút chỉ cà tha. Đọc không cách chi mà nhớ hết được, nhưng nếu chịu khó suy nghĩ hay hồi tưởng...chút chút, thì chắc chắn sẽ nhận ra rằng nhiều hội đoàn, tổ chức trong cái danh sách đó mỗi năm hoạt động chừng...một lần là tối đa, hay chỉ có tên không có thực, hoặc số thành viên chỉ lèo tèo năm ba người (kể cả vợ chồng, con cái, anh chị em...). Vậy thì thành lập cho nhiều để làm gì? Nếu không là để lấy...danh, để '' Nổ '' cho lớn, cho mọi người biết rằng....ta đây cũng (ngon lành) như ai.


Nhớ có lần nói chuyện với một anh đồng nghiệp người Đông Đức cũ, nhờ đi ăn trưa trong Kanteen thường ngồi chung bàn, riết rồi thành quen, anh là kỹ sư cơ khí bên miền Đông, khi bức tường Bá Linh sụp đổ, trôi dạt qua chỗ tui ở mần Techniker (Technician). Một lần lại nhà ảnh chơi, ảnh cho tui coi cái bằng tốt nghiệp rồi vui vẻ nói:


Gut! Hauptsache habe ich eine Arbeit und verdienne gut genug fuer meine Familie. Ingenieur oder nicht ist nicht zu wichtig. (Tốt! Chuyện chính là tôi có một việc làm và kiếm đủ tiền cho gia đình. Kỹ sư hay không, không quan trọng lắm).


Anh bạn Đức này đúng là thật thà quá, chưa học được cách làm pháo của dân Việt Nam. Nghĩ lại tui cũng thấy ngượng với ảnh, vì xét ra mình cũng thuộc loại “nổ” chẳng kém ai. Đi làm lao động, lương chỉ cao hơn lương mấy người làm ở trong Mc Donald không tới một Euro/giờ mà ai hỏi tới cũng làm bộ (khiêm nhường) bỏ nhỏ, “Tui làm việc lãnh lương AT (Ausser Tarif) anh/chị ạ. Năm 70.000 Euro, chưa kể tiền thưởng cuối năm.”


Dĩ nhiên Đạt Lang tui sức mấy mà dám “bẹc cà na” với anh đồng nghiệp Đức kia, ảnh chỉ nghe vài câu tiếng Đức (học mà không cần đến trường từ hồi còn... ở Việt Nam) là biết tỏng mình thuộc loại nào rồi.


Nhưng từ nguyên nhân sâu xa nào mà người Việt chúng ta thích “nổ”? Vì tự ti hay tự tôn mặc cảm? Để che dấu sự thua kém của mình hay để cảm thấy tự “sướng” khi có cảm giác người khác nể phục mình?


Nhớ lại thời gian sau ngày 30/04/75, khi những người lính QĐND miền Bắc mới vào Sàigòn, người dân miền Nam đã có nhiều chuyện cười về những quả pháo điện quang toàn hồng như: Ti vi chạy đầy đường, trữ lượng mỏ dầu hỏa của ta lớn như con voi trong khi trữ lượng tất cả các mỏ dầu trên thế giới cộng lại chỉ bằng con tem dán trên lưng con voi, Nhật Bản đang định mua khói nhà máy của ta, cứ một tàu khói đổi một tàu máy cày Kubota...


Sang đến thập niên 90, khi khúc ruột (non) ngoài ngàn dặm bắt đầu... chuyển động thì bệnh nổ... “lây lan” sang một số người một thời là... “ma cô, đĩ điếm” về thăm quê hương (là chùm khế ngọt). Rất nhiều Việt kiều về VN lúc đó, không bác sĩ, kỹ sư... thì chí ít cũng là... chủ hãng, chủ tiệm..., ít thấy ai nói qua Mỹ đi cắt cỏ (Đụng chạm nghề nghiệp anh Caubay quá. Xin lỗi nghe anh!) rửa chén, phục vụ trong nhà hàng, làm nail, tóc hay là assembler hãng điện tử...


Thế mới biết Việt Nam ta (trong nước) toàn anh hùng và (hải ngoại) toàn trí thức. Tuy nhiên lần này bệnh “nổ” không làm cho người nghe cười mà làm cho họ thấy nể nang, kính phục... mấy cây “pháo đại” vô cùng.


Gần nhất là bệnh nổ trên DCVOnline, ở đây cũng không thiếu gì những cây pháo đại hay điện quang toàn hồng. Nhiều nickname làm thơ, góp ý kiến chửi bới cộng sản tàn tệ, khoe khoang tầu ngầm với đầu đạn nguyên tử... sẵn sàng đem thả xuống đầu cộng sản Hà Nội, hay hàng ngày than khóc, kêu gào tự do, dân chủ, đa nguyên cho hơn 84 triệu dân Việt Nam trong nước nghe muốn điếc con ráy, tưởng chừng như cộng sản Việt Nam sắp sụp đổ hay bị đánh tan tành tới nơi. Nhiều khi Đạt Lang tui đọc thấy hồ hởi, phấn khởi, nằm tưởng tượng đến ngày tàn của CSVN mà sướng lịm cả người, nhưng chỉ trong vài giây đã bàng hoàng tỉnh mộng nhận ra rằng:


“Trương đậu hũ, Lý đậu hũ!
Đêm kề gối mộng, nghìn mơ...
Sáng ra nấu đậu như xưa, khác gì?”


Cho dù là vì lý do nào đi chăng nữa thì máu thích nổ ngay từ đầu đã là chướng ngại cho sự đoàn kết. Mang tâm lý bất phục kẻ khác khiến cho ta khó có sự thông cảm khi đối thoại, ta sẽ không lắng nghe, sẽ dễ chê bai, dè bỉu, bôi bác... những ý kiến hay việc làm của người khác ngay từ đầu, cho dù những ý kiến hoặc việc làm đó sẽ đem đến những kết quả thực tiễn, đáng khen, có lợi cho tập thể.


Khi đã không lắng nghe, không thông cảm, không tôn trọng nhau, người ta khó có thể kết hợp với nhau, đặt mục tiêu, quyền lợi của tập thể lên trên mục đích, quyền lợi cá nhân. Đi xa hơn phải biết đặt quyền lợi đất nước, dân tộc lên trên quyền lợi tổ chức, đảng phái, tôn giáo...


Yếu tố thứ ba làm cản trở sự đoàn kết là tôn giáo. Việt Nam có hai tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Phật giáo (không kể những người chỉ thờ cúng ông bà) có con số tín đồ lớn hơn nhưng là một tôn giáo với tổ chức lỏng lẻo, trong lúc Thiên chúa giáo ít tín hữu hơn, chưa đến 10% tổng số dân nhưng tổ chức rất chặt chẽ, hoạt động hầu như luôn có sự chỉ đạo của tòa thánh Vatican. Trong suốt cuộc chiến Quốc‒Cộng, những biến động chính trị ở miền Nam hầu hết đều có sự tham gia của hai tôn giáo lớn này. Ngoại trừ một số ít cao tăng, thật sự vì đạo, đời, đất nước, dân tộc... những người lãnh đạo tinh thần hai tôn giáo lớn này chỉ nhằm mục đích tranh dành ảnh hưởng, quyền lực cho tôn giáo mình. Họ quên đi một điều: trước khi là Phật tử hay con chiên của Chúa, họ là người Việt Nam.


Nếu mục đích thay đổi chế độ cộng sản Hà Nội không phải vì tự do, dân chủ, đa nguyên cho toàn dân Việt Nam mà chỉ để phục vụ cho quyền lợi hay sự bành trướng tôn giáo, chắc chắn những người lãnh đạo tinh thần của hai tôn giáo trên khó bắt tay được với nhau và sẽ không bao giờ nhận được sự ủng hộ của toàn dân.


Lẽ tất nhiên còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sự đoàn kết, nhưng xin ngừng ở đây vì bài viết tương đối đã dài.


Ngày hôm nay đất nước đang đứng bên bờ vực thẳm với sự xâm lăng trắng trợn của Tầu cộng qua những chuyện Hoàng Sa‒Trường Sa, việc cắm lại cột mốc biên giới, dựng lại Ải Nam quan, và mới đây nhất là việc khai thác quặng Bô-xít (Bauxite) để sản xuất nhôm ở Tây Nguyên. Sau việc khai thác Bô-xít này, chắc chắn sẽ còn nhiều sự việc khác diễn tiến bất lợi hơn cho Việt Nam.


Chúng ta phải làm gì khi đảng cộng sản Việt Nam với thái độ ươn hèn, khiếp nhược của 15 người trong Bộ Chính Trị và 3 triệu đảng viên, xem quyền lợi bản thân, gia đình, đảng phái quan trọng hơn tiền đồ dân tộc, đất nước?


Hãy suy nghĩ tích cực hơn, mạnh dạn truyền bá thông tin (khai thác Bô-xít) này đến từng người mỗi khi có dịp trò chuyện, tâm tình. Hãy gác bỏ những tị hiềm cá nhân, những khác biệt về chính kiến. Các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo hãy đặt quyền lợi đất nước, dân tộc lên trên sự gia tăng tín đồ, bành trướng đạo pháp...


Những người nắm phương tiện truyền thông, media... hãy ngừng chửi bới, nhục mạ, chỉ trích nhau mà nên tìm cách phổ biến những tin tức nguy hại đến dân tộc, đất nước bị chính quyền bưng bít, che dấu, hãy đánh động quần chúng lên tiếng. Các bạn trẻ sinh viên, học sinh trong các trường trung, đại học trong cũng như ngoài nước hãy bàn luận, tham khảo ý kiến nhau cần phải làm gì trong thời điểm này?


Riêng đối với các hội đoàn, tổ chức, những bạn trẻ ở hải ngoại, hãy tìm đánh địch bất cứ khi nào có dịp (proactive), đừng chờ khi bị tấn công mới trả đòn (reactive). Hãy tổ chức những buổi trình diễn nghệ thuật, văn hoá trưng bày tội ác CS, những chuyện tham nhũng, hối lộ, hèn nhát... của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, hãy dùng ngay chiêu thức của VAALA mà đánh trả hoặc tấn công một cách ôn hòa nhưng hiệu quả.

Category: Chính trị | Views: 892 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 18
Khách: 18
Thành Viên: 0