Đấy
là lời kêu gọi tại buổi lễ "mít tinh" đánh dấu 79 năm ngày thành lập
Đảng CSVN của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ông phát biểu
hùng hồ trước các đảng viên trung thành, cùng một giọng điệu hầu hết ai
trong chúng ta cũng đều quá quen thuộc và nhàm chán. Không lẽ trí sáng
tạo và phong cách lập luận của các lãnh đạo VN chỉ có bấy nhiêu? Cách
đây vài tuần trước tết, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng hào hùng tuyên
bố rằng: "Phát huy truyền thống cách mạng của dân tộc, với những kết
quả và bài học đã đạt được, với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc,
với ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn,
tiếp tục giành được thắng lợi mới to lớn hơn nữa." Và đây, ngày 2/2/09,
ông Phạm Quang Nghị hát lại bài ca muôn thuở với giọng điệu trơ trọi ấy
mà không biết ngượng với chính người dân Hà Nội nói riêng, và cả toàn
thể nhân dân đang sinh sống tại Việt Nam.
Ông tự hào hô: "Chúng
ta có quyền tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng luôn giữ vững
bản chất cách mạng và khoa học, trung thành với giai cấp và lợi ích dân
tộc, vững vàng trước mọi thách thức, sáng suốt trong vai trò lãnh đạo
của mình. Ôn lại chặng đường đấu tranh vẻ vang của Đảng để càng thêm
trân trọng, nâng niu những thành quả của cách mạng, thêm tin yêu, tự
hào về Đảng và dân tộc. Thời gian tới, Thủ đô có nhiều cơ hội để phát
triển và không ít khó khăn, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân phải tranh thủ
cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để
phát triển nhanh và bền vững. Hà Nội vừa phát huy truyền thống lịch sử
vừa phải ra sức tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương."
Xin
ông Bí thư tách hai cụm từ dân tộc và Đảng riêng sang hai gốc, vì những
người có quyền tự hào về Đảng chỉ có các ông và các viên chức đảng viên
mà thôi. Thiết nghĩ đơn giản là dân tộc Việt Nam "dân trí còn thấp,"
như các ông đã tuyên bố, nên 85 triệu dân trên toàn cõi VN vẫn chưa
hưởng được hạt cát tự do dân chủ nào cũng như chưa có một tiếng nói, dù
chỉ là bập bẹ, trong chính quyền, căn bản nhất là ở các cấp xã-phường,
thì thử hỏi ông Nghị dân tộc VN tự hào về mặt nào? Trong khi các Đảng
viên hưởng một mùa xuân đầy ấm cúng cùng nhiều quà cáp thì ở đâu đó
trên các nẻo đường tại các thành phố lạc lỏng, nhiều người dân phải bon
chen với cuộc sống chật vật để kiếm từng đồng vất vả. Từng ngày người
dân phải lắng lo từng miếng cơm manh áo trong thời bão giá, thời các
ông cho là "phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa," với vật giá tăng gấp hàng chục lần. Tiền tài trợ từ chính quyền
cho các hộ nghèo bị các xã phường ăn chặn hoặc chia xớt cho những hộ
"bà con", thì thử hỏi phải nên tự hào về điều gì? Và trong lúc nhiều
người dân phải tìm cách đương đầu với thiên tai lũ lụt, bệnh hoạn đói
khát, cần những sự giúp đỡ động viên từ các viên chức nhà nước thì ông
Bí thư lại ngang ngửa tuyên bố không chút ái ngại rằng: "Do đang đi
kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ
lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia
chứ không đem hết sức ra tự làm." Ông làm thế nào vượt qua thách thức
để phát triển khi chính bản thân ông lại không có lòng tự trọng và
trách nhiệm với chính nhân dân nơi ông làm việc? Phải chăng ấy là những
điều ông cho là trung thành với giai cấp, lợi ích dân tộc và sáng suốt
trong vai trò lãnh đạo của mình? Phải chăng ấy là bản chất thật sự của
Đảng và Nhà nước Việt Nam? Có lẽ ông vẫn nghĩ chuyện Hà Nội bị lụt lội
khủng khiếp vì mưa nhiều, hệ thống thoát nước quá kém cỏi chỉ là chuyện
thường tình. Sau bao nhiêu năm kiên trì đường lối "sai đâu sửa đấy,
càng sửa càng sai", Hà Nội vẫn chịu cảnh cứ mưa là ngập. Thế mà theo
kiểu nói của ông Nghị được trang điện tử VietnamNet trưng dẫn
rằng: "Thiên tai thì không tính trước được," hiểu theo hoàn cảnh cụ thể
tại Hà Nội nghĩa là chuyện trời có thể mưa lớn và kéo dài chưa được
đảng tính đến hay sao?! Nguyễn Trãi từng nói trước đây gần 600 năm rằng
kẻ làm quan phải "lo trước điều thiên hạ phải lo, vui sau cái vui của thiên hạ"
mới thật là yêu dân và xứng đáng với đất nước ngàn năm văn hiến. Cái
gọi là đại đoàn kết dân tộc có tự ngàn xưa từ thời nhà Đinh, nhà Trần,
nhà Lê, không phải chờ đường lối chủ trương của Đảng đề ra như ông hô
hào. Những năm qua trong cương vị Bộ trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin và Bí
thư Thành ủy, nhận mình là "đầy tớ của nhân dân," ông đã cống hiến
những gì cho nhân dân và đất nước Việt Nam, ngoài kiểm duyệt bóp nghẽn
những thông tin thường nhật trên các báo chí của nhà nước?
Trước
những biến chuyển suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, Việt Nam đã bị
ảnh hưởng trực tiếp qua các ngành xuất nhập cảng, ngân hàng-tiện tệ và
sự lọe loẹt của hàng trăm công ty quốc doanh. Kinh tế Việt Nam đã được
thế giới biết đến gần 20 năm với phong trào Đổi Mới, nhưng hôm nay vào
thế kỷ 21, Việt Nam vẫn còn nằm trong danh sách một trong những quốc
gia nghèo nhất thế giới. Bằng chứng rõ ràng và đơn giản nhất là
tiền viện trợ Official Development Aid (ODA). Các khoảng tiền này chỉ
dành cho các nước có mức lương thu nhập dưới mức nghèo khổ và các chuyên gia kinh tế dự đoán vào năm 2012 thì Việt Nam chỉ được lên một bật, tức là thuộc vào nước nghèo khổ.
Nếu các lãnh đạo nhà nước VN cứ cho mình là "sáng suốt trong vai trò
lãnh đạo và tiếp tục giành được thắng lợi mới to lớn" thì hơn 30 năm
"giải phóng" đã đưa nền kinh tế VN đi về đâu? Trong khi các khoảng tiền
ODA đã vây mượn từ các nước khác, nhân dân VN sẽ là những người thấp cổ
bé miệng phải hoàn trả lại trong 15 đến 40 năm nữa. Và có chắc số tiền
ấy đã dùng đúng mục đích cho những dự án cần thiết?
Ông Nghị
cũng có nhắc qua là "một đảng luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa
học.. Ôn lại chặng đường đấu tranh vẻ vang của Đảng để càng thêm trân
trọng, nâng niu những thành quả của cách mạng.." Trước sự bành trướng
của phương Bắc, Đảng và Nhà nước đã làm gì khi nhắc đến Hoàng Sa và
Trường Sa? Bản chất cách mạng và luôn giữ vững niềm tin của Đảng đã nói
lên điều gì khi cố tình dập tắt các sinh viên biểu tình chống ngoại
bang? Dường như ông Nghị đã quá lời tự khen và không tôn trọng nhân dân
khi những tích cực của nhân dân không được Đảng công nhận. Ông kêu gọi
toàn nhân dân phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức nhưng mặt khác
lại đàn áp các nổ lực của các tập hợp đang cố sức mang một VN tuơi
sáng, vững mạnh và tự do hơn ra trước cộng đồng thế giới. Quyền làm
người được xem là một quyền cơ bản nhất của tạo hóa, vậy mà nhân dân VN
lại phải đi xin cái quyền ấy ngay nơi họ đang sinh sống. Các cơ hội cứ
đến và cứ lần lượt ra đi chỉ vì chính Đảng và Nhà nước đã không biết
nắm lấy cơ hội, và cũng không cho người dân tìm lấy cơ hội để bộc phát
tiềm năng của chính họ. Một quốc gia bền vững để phát triển đại đoàn
kết dân tộc và vượt qua thách thức đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng
các quyền cơ bản, đa nguyên, dân làm chủ, tự do tư tưởng và quan trọng
hơn hết, phải biệt tự tôn trọng chính mình. Và, hình như dưới sự lãnh
đạo có khoa học của Đảng, nước VN đang đi lùi bước so với những
nước tiên tiến trong vùng và nghiêm trọng hơn, VN đang trở về lại với
thời cổ đại.
Tôi, và nhiều bạn trẻ Việt Nam khác, không muốn hạ
thấp đất nước của chính mình, nhưng với sự bất mãn và hoàn toàn không
có lòng tin vào những điều Nhà nước đã hô hào lại không được thực thi
và thực tế với tình hình hiện tại, chỉ muốn nói lên tiếng nói đích thực
vốn có của nhân loại để đóng góp và xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn.
Võ Thụy Nhu
Thành viên THTNDC
02.2009
Bài báo của ký giả Lê Nhung. "Tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức." Link: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/02/826623/
TTXVN. "Tổng Bí thư: Đoàn kết để vượt qua mọi khó khăn." Link: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/01/825244/