Chủ Nhật, 2024-12-22, 12:40 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 1 » Sau 30 năm tội ác xâm lược, lòng yêu nước đâu rồi ???
3:38 PM
Sau 30 năm tội ác xâm lược, lòng yêu nước đâu rồi ???

Sau 30 năm tội ác xâm lược, lòng yêu nước đâu rồi ???
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 70 (01-03-2009)

Sáng sớm ngày 17-02-1979, tiếng súng đã vang trên bầu trời Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái… 80 ngàn quân Trung Quốc tràn qua biên giới, bắt đầu "dạy cho Việt Nam một bài học" như lời lãnh tụ Trung Cộng Đặng Tiểu Bình. Một trong những bài học đắt giá nhất lịch sử cho cả đôi bên. 16 ngày sau đó (05-03-1979), dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh tuyên bố rút quân!

Cuộc chiến ngắn ngủi đã gây thiệt hại khôn lường cho cả 2 nước. Các nhà quan sát nhận định rằng Trung Hoa thất bại về mặt chính trị và chiến thuật cũng như tổn hại nặng về binh lính (26 ngàn chết, 37 ngàn bị thương và 265 bị bắt làm tù binh), còn Việt Nam bị thiệt hại lớn về sinh mạng, đặc biệt của dân thường (gần 2000 bộ đội và hơn 28 ngàn thường dân chết, 32 ngàn bị thương, 1.638 bị bắt làm tù binh), về kinh tế (quân Trung Cộng đã phá tan nhà cửa tại Lào Cai, Đồng Đăng, Lạng Sơn, nhất là đã san bằng bình địa thị xã Cao Bằng trước khi rút) và đặc biệt về lãnh thổ mà Hiệp ước biên giới Việt Trung ngày 30-12-1999 và lễ cắm mốc cuối năm rồi sẽ phơi bày bộc lộ. Về mặt nhân đạo, thê thảm nhất là ở Bát Xát, Lào Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm hiếp, bị giết chết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Cộng tiến sang; còn tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Ðạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Cộng đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ và 20 trẻ nhỏ, trong đó có 7 bà đang mang thai. Tất cả đều bị kết liễu sinh mạng bằng dao như Pol Pốt: đa phần bị ném xuống giếng, số còn lại xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối. (Sau đó đồng bào dựng bia kỷ niệm). Rồi tuy rút về phía biên giới, Trung Quốc vẫn tiếp tục pháo kích vào làng xóm Việt Nam cũng như tiếp tục chiếm đóng những cao điểm chiến lược trong vùng biên giới, dẫn đến nhiều cuộc xung đột đẫm máu (mà cả quân lẫn dân đều vong mạng) kéo dài tới năm 1988, đôi bên mới chuyển sang đàm phán về ngoại giao.

Sau cuộc chiến 16 ngày nói trên, cả hai phía Hoa và Việt đều tuyên bố chiến thắng, nhưng không ai cho thấy rõ chiến thắng như thế nào. Phía Trung Quốc đã không áp lực được Việt Nam rút ra khỏi Campuchia, cũng chẳng giải quyết được vấn đề Hoa Kiều bị đàn áp như Đặng Tiểu Bình rêu rao vào cùng thời điểm. Ngược lại phía Việt Nam tuy huy động toàn bộ lực lượng quân sự để phản công nhưng đã không giành lại được các khu vực chiến lược (như núi Lão Sơn) mà Trung Quốc đã chiếm đóng để rồi phải bị mất hẳn chúng trong những cuộc đàm phán ngoại giao sau này.

Nhưng điều đáng nói ở đây là lối tưởng niệm những binh sĩ và thường dân đã bỏ mình trong cuộc chiến đẫm máu đó. Như tại nghĩa trang xã Hoàng Đồng, Lạng Sơn, nơi từ lâu chôn hàng ngàn bộ đội Việt Nam, những tấm bia trong nhà tưởng niệm có dòng thì ghi “hy sinh chống Pháp”, có dòng thì ghi “hy sinh chống Mỹ”, nhưng rất nhiều dòng lại chỉ ghi “hy sinh bảo vệ Tổ quốc”. Đấy là những binh sĩ đã tử trận từ năm 1979 đến năm 1988, suốt cuộc chiến 10 năm với Trung Cộng. Còn ở Tổng Chúp, tấm bia tưởng niệm bên cạnh cái giếng mà hôm 9-3-1979, quân Trung Quốc đã giết 43 phụ nữ và trẻ thơ Việt Nam bằng búa, bằng dao rồi vứt xuống đó, thì cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của một gia đình, chẳng có lối đi vào, còn tấm bia ghi lại sự kiện thê thảm thì nay đã chìm trong gai tre và lau lách !?!

Ngày 17-02-2009 vừa qua là thời điểm tròn 30 năm Trung Quốc tấn công Việt Nam. Tuy đã có hàng chục ngàn người ngã xuống trong cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ đó, song nhà cầm quyền CSVN đã không có bất kỳ hành động nào tưởng nhớ họ. Thậm chí, ngày 10 tháng 2, tại cuộc họp định kỳ với tổng biên tập các cơ quan truyền thông, đại diện Ban Văn hóa Tư tưởng thuộc Trung ương đảng CSVN đã ra lệnh cấm báo đài đề cập đến cuộc chiến tranh xâm lược mà Trung Cộng đã thực hiện. Sài Gòn Tiếp Thị, tờ báo duy nhất có bài viết về sự kiện kể trên (Biên giới tháng Hai của Huy Đức), đã bị “phê bình nghiêm khắc” và đành phải nhanh chóng lột bài này khỏi trang mạng của họ. Trên một blog có tên Osin, tác giả “Biên giới tháng Hai” cũng tường thuật thêm về không khí ở khu vực biên giới thuộc lãnh thổ Việt Nam vào thời điểm kỷ niệm 30 năm cuộc xâm lược: “Chỉ có vài bó hoa và những nén hương của lữ khách, còn thì các nghĩa trang biên giới quạnh hiu suốt ngày 17 tháng 2. Tôi đã đợi đến chiều, trao đổi với các đồng nghiệp và điện thoại cho một vài quan chức địa phương, vẫn không có một cuộc viếng thăm, không một vòng hoa và chẳng có khói nhang nào. Tôi không có các tài liệu chính thức để biết Trung Quốc và Việt Nam đã thỏa thuận với nhau những gì về cách ứng xử đối với cuộc chiến năm 1979, nhưng tôi không nghĩ rằng tưởng nhớ những người đã khuất lại có thể phương hại đến bang giao giữa hai nước hôm nay”. Thật ra thì phía Trung Quốc vẫn có tưởng niệm, dù không quá ồn ào. Hàng loạt bức ảnh tung lên mạng trong những tuần này cho thấy nhiều đoàn người Hoa đã đến các nghĩa trang liệt sĩ của họ ở vùng biên giới để dâng hương tưởng niệm.

Thái độ ấy của nhà cầm quyền CSVN đã tạo ra sự phẫn uất ngày càng sâu rộng trong dân chúng. Nhiều người gọi việc “khép lại quá khứ” theo hướng phủ nhận sạch trơn, kể cả chuyện thảm sát hàng chục ngàn thường dân Việt Nam ấy là “đốn mạt, hèn hạ”, kẻ khác lại cho động thái này là “vong bản, phản bội”! Vì lý do gì đảng CS cho cả một giai đoạn lịch sử của dân tộc vào sọt rác như thế? Vì lý do gì toàn dân phải im lặng trước một sự kiện lịch sử lớn lao như thế? Không lẽ vong linh của cả trăm ngàn binh lính và dân thường Việt Nam chẳng đáng được thắp một nén nhang?

Phải chăng đảng lo ngại vì mối quan hệ Việt-Trung đang thời kì mặn nồng? Không hẳn vậy! Bao nước trên thế giới vẫn nhắc lại lịch sử dù bang giao đang tốt đẹp cỡ nào đi nữa. Đức, Nga, Ba Lan, Pháp, Mỹ… vẫn kỉ niệm chiến thắng Phát xít Đức. Nhật - Mỹ vẫn “ôn cố” về những xung đột cũ mà có ai phật lòng đâu! Tại vùng Normandie nước Pháp vẫn tồn tại những nghĩa trang của quân Đồng minh lẫn của quân Đức quốc xã tử trận đệ nhị thế chiến mà cả hai luôn đầy hoa tưởng niệm. Ngay cả khi Việt Nam và Hoa Kỳ quan hệ tốt đẹp rồi, CSVN vẫn kỷ niệm rầm rộ chiến thắng 30-4-75, vẫn chiếu lại các phim tư liệu lịch sử, vẫn tổ chức các triển lãm ảnh… kia mà! Việc Việt Nam tự hào vì “đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ” đâu có ảnh hưởng gì tới quan hệ bang giao với các nước đó đâu!

Vậy tại sao kỳ này đảng lại im re? Chỉ có một lý do: đảng không muốn khơi dậy lòng căm thù, không muốn đánh thức lòng yêu nước chống Trung Quốc vốn chảy trong máu dân tộc Việt qua suốt 4000 năm lịch sử với 1000 năm Bắc thuộc. Ngọn lửa này chỉ chực bùng cháy nhất là từ khi có những tranh chấp mấy thập niên gần đây về biên giới và hải đảo với Trung Cộng mà đang khi đó Việt Cộng luôn tỏ ra khiếp nhược. Trước kia, việc Trung Cộng chiếm giữ ải Nam Quan, thác Bản Giốc, quần đảo Hoàng Sa và phần lớn quần đảo Trường Sa còn là chuyện bí mật (của riêng đảng), thì mấy năm nay đã là đề tài mọi nơi từ công sở tới vỉa hè trong nước, chưa kể luôn sôi động ở hải ngoại và trên mạng. Nhân dân đã và đang xì xào hoặc công khai bàn tán về những chuyện đó từ già tới trẻ, từ trí thức tới nông dân, từ các đảng viên tới các nhà đối kháng dân chủ.

Đang khi cấm đoán toàn dân Việt tưởng niệm như thế, thì ngược lại nhà xuất bản Văn Học của đảng CSVN năm rồi lại cho phiên dịch và ấn hành cuốn sách Ma Chiến Hữu của Mạc Ngôn, tác giả người Trung Quốc, trong đó đề cập đến một binh sĩ Trung Cộng đã hy sinh trong chiến tranh phía Nam Trung Hoa tháng hai năm 1979. Nhà xuất bản còn giới thiệu tác phẩm như là Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng (một lời giới thiệu thực ra rất ngu xuẩn, không đúng hẳn với nội dung cuốn sách). Chưa hết, báo Hà Nội Mới online (vẫn là tên bồi bút khốn nạn thuộc thành ủy Thủ đô!) ngay từ 19-09-2008 đã đưa lên mạng và còn giữ tới hôm 17-02-2009 một bài phỏng dịch mang tên “Thu thục tướng tài” ca ngợi Hứa Thế Hữu là viên tướng từng chỉ huy trận “Tự vệ Tây Sa” tức trận chiếm Hoàng Sa năm 1974 rồi chỉ huy đội quân Trung Cộng đánh chiếm và tàn sát người dân ở Lạng Sơn và Cao Bằng hồi 17-2-1979. Thế nhưng bài báo chỉ một mực đăng lời ca tụng mà chẳng lưu ý cho độc giả biết đó cũng là kẻ thù của dân tộc Việt Nam. Thái độ nịnh bợ kẻ thù đất nước cách vô liêm sỉ này mới đây còn được chứng tỏ qua việc Bộ chính trị, bất chấp ý kiến ngăn cản của giới khoa học, văn nhân, tướng lãnh…, vẫn để cho Trung Cộng đem nhân lực (binh lính trá hình) và vật lực (kỹ thuật lạc hậu) vào khai thác bauxite ở Tây nguyên, gây hiểm họa khôn lường về môi sinh, văn hóa, xã hội và an ninh cho toàn thể dân tộc!

Và càng tỏ ra thái độ thần phục cách đê hèn và khiếp hãi đến tê liệt trước lân bang Đại Hán bao nhiêu thì đảng CSVN càng cướp bóc cách táo tợn và đối xử vô liêm sỉ bấy nhiêu đối với nhân dân trong nước, nhất là những ai đang đòi hỏi lẽ phải và sự thật, đang cố giành lại công bình cho bản thân, cho đồng bào và cho đất nước, đang cố báo động về những hiểm họa đến từ bên trong lẫn bên ngoài, từ nội xâm đến ngoại xâm. Cụ thể gần đây nhất là màn ném phân nhơ (đến 3 lần) vào tư gia nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, người đã can đảm vạch trần tội ác của đảng cướp đất đai, diệt cuộc sống của dân oan huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Mới đây hơn là việc trắng trợn cướp bóc văn phòng cũng như mạ lỵ thanh danh luật sư pháp quyền Lê Trần Luật, người chiến sĩ đang bảo vệ giáo dân bị oan ức ở Thái Hà và các nhà dân chủ bị bách hại khắp cả nước.

Quả thật, đối với một cái đảng vốn mang giòng máu vô tổ quốc, vô dân tộc, sẵn sàng bán đứng đất nước, chà đạp xương máu chiến sĩ, bóc lột tài sản đồng bào, triệt tiêu tinh thần ái quốc, thì toàn dân chỉ còn có một cách là hất cẳng nó ra khỏi ghế quyền lực mà thôi!


BAN BIÊN TẬP

Category: Chính trị | Views: 765 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 18
Khách: 18
Thành Viên: 0