Thứ Ba, 2024-11-05, 8:49 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 5 » Một căn bệnh hiểm nghèo
4:48 AM
Một căn bệnh hiểm nghèo

Ngô Nhân Dụng


Tác giả Mặc Ngôn và dịch giả Trần Trung Hỷ

Nhiều mạng lưới (blogs) ở Việt Nam đang ồn ào về cuốn tiểu thuyết Ma Chiến Hữu, của Mặc Ngôn dịch từ tiếng Hoa sang tiếng Việt. Nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao một nhà văn Trung Quốc như Mặc Ngôn dám viết truyện đặt lại vấn đề cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 còn khi các nhà văn Việt Nam nhắc đến vụ đó, thí dụ trong tập truyện Rồng Ðá của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai, thì sách bị tịch thâu và nhà xuất bản bị đóng cửa?

Chỉ đọc những lời bình trên các blogs thì hiểu lý do chính gây nỗi bất bình là những lời đối thoại của những hồn ma lính chiến trong tiểu thuyết của Mặc Ngôn. Họ ca tụng việc quân Trung Quốc đi đánh một nước ở phía Nam, mà tác giả tế nhị không gọi thẳng tên là Việt Nam. Như khi độc giả người Việt nghe lời của vị chính ủy sư đoàn nói trong sách nói, “chúng ta hy sinh vinh quang, quá khứ của chúng ta là vinh quang, lúc này cũng vinh quang, tương lai cũng vinh quang. Bất kỳ sự hoài nghi nào về vinh quang của chúng ta đều là sai lầm, những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng!”

Trong tiểu thuyết có những lời quân Trung Quốc chúc nhau giết được nhiều địch để rạng danh quân đội anh hùng. Tất nhiên người Việt nào đọc cũng phải động lòng. Nhất là tờ báo Hà Nội Mới đã viết một bài ca ngợi Hứa Thế Hữu, viên tướng chỉ huy các trận đánh vào Cao Bằng là Lạng Sơn năm 1979. Ông tướng này cũng được giới thiệu là người chỉ huy trận chiến chiếm Hoàng Sa năm 1974, trong khi Hải quân Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ tổ quốc.

Nhà xuất bản Văn Học viết lời giới thiệu cuốn truyện ngay trang bìa càng làm người đọc sôi giận. Họ ca ngợi sách này là “Một cách nghĩ khác về chiến tranh; và một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng.” Nếu có một “chủ nghĩa anh hùng” trong đó thì tất nhiên là anh hùng đối với người Trung Quốc, còn với người Việt thì không.

Nhưng cũng nhiều người không đồng ý với thái độ phẫn nộ về những lời lẽ trong cuốn truyện của Mặc Ngôn. Vì tiểu thuyết là tiểu thuyết. Thực ra nhà văn này có một dụng ý khác hẳn. Nhiều người thấy chủ ý của Mặc Ngôn là chống chiến tranh, nói riêng chống ngay cuộc xâm lăng năm 1979. Ông mô tả những “chiến hữu trùng phùng” gồm những nông dân thất học bị bắt lính đẩy ra mặt trận rồi chết uổng, trong một cuộc chiến tranh vô nghĩa. Mặc Ngôn kể chuyện này, để “phê phán thói dối trá trong xã hội Trung Quốc nói chung và quân đội nói riêng,” như nhận xét của một độc giả. Nhân vật Tiền Anh Hào chưa giết được quân địch nào đã chết, chỉ vì anh tiểu đội trưởng có cái mông to quá, nằm xuống chỗ ẩn mà mông vẫn nhô lên để bên địch phát giác ra và bắn. Mặc Ngôn vẫn có lối văn hài hước và bi thương đến rớt nước mắt như vậy.



Nhưng phần lớn các người góp ý trên các blogs không nhằm phê phán Mặc Ngôn. Ý kiến mạnh nhất, nhiều người nói lên nhất, là phê phán đảng Cộng Sản Việt Nam đã cho xuất bản cuốn tiểu thuyết này, trong khi cấm các nhà văn trong nước không được viết gì về cuộc chiến tranh Việt-Trung năm 1979. Tức là, “Người Trung Hoa được nói, người Việt chỉ được nghe thôi.”

Cũng có người bênh vực chính quyền Cộng Sản trong việc xuất bản sách này. Có người ví việc cho xuất bản cuốn sách này ở Việt Nam cũng tương tự như bên Mỹ cho in bản dịch cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, trong đó ông kể chuyện những cảnh thương tâm khốn khổ của người lính miền Bắc trong cuộc nội chiến Việt Nam trước năm 1975.

Nhưng lời bênh vực này lập tức bị phản đối. Vì Mỹ là xứ tự do, người Mỹ tự do in cuốn truyện của Bảo Ninh, nhưng chính phủ Mỹ không bao giờ cấm các cuốn sách trong nước họ mổ xẻ về cuộc chiến đó. Ngay trong thời còn chiến tranh đã có biết bao nhiêu sách ở Mỹ mang tính chất phản chiến. Ở Việt Nam khác hẳn. Truyện ngắn mang tên “Chú Mìn Phủ và tôi “ của Vũ Ngọc Tiến trong tập truyện “ Rồng Ðá” do nhà xuất bản Ðà Nẵng in đã bị đảng Cộng Sản lên án nặng nề.

Trong truyện này tác giả kể chuyện chiến tranh giống khung cảnh cuộc chiến Việt-Trung năm 1979; ông cũng nêu lên những ý nghĩ phản chiến. “Sự thắng bại của cuộc chiến nằm trong dăm ba cái đầu lạnh, còn dân chúng hai bên mãi mãi là kẻ chiến bại, mãi chỉ là công cụ giết người mà thôi.” Có lúc lính hai bên chửi nhau, họ cũng chỉ dùng “toàn những lời lẽ của mấy ông cán bộ tuyên huấn hai bên, chứ họ có hiểu gì đâu chứ!” Ðối chiếu với cảnh con người đối với con người dã man trong thời chiến là cảnh những năm sau này, khi hai nước Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc thân thiện, hợp tác. Tay “lão bản” Trung Quốc nuôi đám đàn em là viên chức người Việt, bị bắt trong ổ mãi dâm. Vũ Ngọc Tiến viết “...biết đâu mai kia hai thằng viên chức mạt hạng này có tiền mua chức sẽ vênh vang cái mặt thớt răn dậy quần chúng, hay sang bên kia cửa khẩu ký kết văn bản ‘hợp tác toàn diện...’”

Có lẽ bốn chữ “hợp tác toàn diện” này là phạm húy nặng nhất. Ðó là những chữ đã được Nông Ðức Mạnh dùng khi sang Bắc Kinh ký kết, ông huênh hoang ca ngợi “hợp tác chiến lược và toàn diện” giữa hai đảng Cộng Sản. Bộ máy kiểm duyệt của đảng Cộng Sản Việt Nam không để cho những chữ “sỏ lá” đó lọt qua! Ðó chắc là một lý do khiến cuốn Rồng Ðá bị cấm, ngoài lý do tác giả dám khơi lại chuyện cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai nước “đồng chí anh em.”

Khi đối chiếu hành động của đảng Cộng Sản Việt Nam cấm cuốn truyện Rồng Ðá, với việc in bản dịch cuốn Ma Chiến Hữu, giới trẻ ở trong nước phải phẫn nộ. Nhiều người lên án đảng Cộng Sản đã theo một chủ trương “văn hóa nô dịch” khi cho in truyện của Mặc Ngôn mà lại cấm sách của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai; không những thế còn làm tội đóng cửa nhà xuất bản Ðà Nẵng. Có người lên án “đây là diễn biến hòa bình,” theo lối nói của nhà thơ Bùi Minh Quốc, trong đó Cộng Sản Trung Quốc nhắm điều khiển cả nước Việt Nam bằng cách nắm cả văn hóa tư tưởng của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Cũng có người bênh vực đảng Cộng Sản Việt Nam, cho là quyết định in cuốn truyện của Mặc Ngôn là một quyết định riêng của nhà xuất bản Văn Học, mà cấp trên trong đảng Cộng Sản không biết. Nhưng lý luận này đã bị bắt bẻ, nêu lên rằng chế độ kiểm soát của đảng Cộng Sản rất chặt chẽ: “Ðể xuất bản một cuốn sách cần phải qua khá nhiều khâu chuẩn bị, trong đó việc quản lý từ phía đảng và nhà nước. Việc cuốn sách này được ra đời cho thấy rõ có khi đây là chủ trương của ai đó!”

Ai đó? Chỉ có Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam chịu trách nhiệm. Cho nên có người không ngần ngại lên án đảng Cộng Sản có chủ trương cấm người Việt nói, chỉ được nghe người Trung Quốc nói thôi. Nhà văn Trung Quốc Mặc Ngôn có quyền viết về “Nỗi buồn chiến tranh” còn trong những hồn ma lính Trung Quốc, nhà văn Vũ Ngọc Tiến không được phép kể chuyện những người lính Việt, dù hai bên cùng dự một cuộc chiến tranh vô nghĩa.

Cuộc thảo luận về bản dịch cuốn tiểu thuyết Ma Chiến Hữu của Mặc Ngôn cuối cùng đi tới một kết luận không tránh được. Ðó là lên án chế độ độc tài đảng trị. Ngay cả một người bên vực chế độ Hà Nội, coi việc xuất bản tiểu thuyết Ma Chiến Hữu chỉ là một hành động đơn lẻ của một nhà xuất bản, cũng phải công nhận là việc in cuốn sách này trong lúc cả nước Việt Nam không ai được phép nhắc đến cuộc chiến tranh Trung-Việt năm 1979, là vô ý thức, do chế độ độc tài mà ra. Một người viết, “Ðây là một triệu chứng của một căn bệnh hiểm nghèo xuất phát từ chứng độc tài.” Lời kết tội đảng Cộng Sản rất rõ, nguyên văn: “Họ đòi quản hết, nhưng thực tế là không quản được bất cứ cái gì, tất cả đều loạn cào cào châu chấu lên hết!”

Ðối với người Việt Nam sống ở trong nước thì cái tội “đòi quản hết, nhưng thực tế là không quản được bất cứ cái gì” không chỉ nằm ở trong lãnh vực báo chí, xuất bản mà thôi. Ðảng Cộng Sản tự bản chất theo chủ trương độc tài toàn trị. Họ muốn nắm đầu người dân nên cấm không ai được tự do phát biểu. Nhưng trong khi thi hành chính sách toàn trị đó đảng Cộng Sản còn làm những việc khác tàn dân, hại nước không thể nào tha thứ được. Họ có “quản” được đám tham quan ô lại mà đảng đã sinh ra và nuôi dưỡng hay không? Cuộc thảo luận về tiểu thuyết Ma Chiến Hữu sẽ giúp cho đồng bào trong nước, nhất là giới thanh niên thấy rõ hơn bản chất độc tài toàn trị này. Người dân đã công nhận, không cần bàn cãi nữa: “độc tài là một căn bệnh hiểm nghèo!”

Thế bao giờ mới lo chữa bệnh?

Ngô Nhân Dụng
Nguồn: Người Việt Online
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 825 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 555
Khách: 555
Thành Viên: 0