Tạ Phong Tần
Khoảng
12 giờ 30 phút ngày 04/3/2009, tôi và Luật sư Đạt vừa từ một quán cơm
gần Văn phòng trở về thì có 3 xe gắn máy chở 6 thanh niên lạ mặt chạy
đến ép xe chúng tôi và ra lệnh "Xuống xe". Không biết chuyện gì xảy ra,
tôi hỏi: "Chuyện gì?" thì một thanh niên quát Ls Đạt: "Không liên quan
đến anh, anh đi chổ khác. Chị này lên xe tôi". Tôi hỏi: "Anh là ai? Bộ
mấy anh muốn bắt cóc tôi sao?". Anh ta bảo: "Chúng tôi mời chị mà chị
không đi". Tôi nói: "Các anh có giấy tờ gì mà mời?". Anh thanh niên này
chưa kịp trả lời thì bỗng nhiên xuất hiện thêm 1 xe 4 bánh bên hông sơn
2 chữ Cảnh Sát màu xanh và 5-6 người khác, một người đàn ông khoảng hơn
50 tuổi tướng tá bặm trợn ra lệnh: "Không đi thì lôi lên xe", đồng thời
ông ta cùng với 3-4 thanh niên khác túm lấy tôi quẳng lên xe chạy thẳng
vào bên trong sân trụ sở Công an quận Gò Vấp. Hơn chục thanh niên, đàn
ông to khỏe áp đảo duy nhất 1 phụ nữ là tôi. Vậy là cuộc "tập kích" của
"quân ta" đã "thành công tốt đẹp".
Xuống xe xong, tôi hỏi: "Ở
đây ai làm việc với tôi?". Không ai trả lời. Một người đàn ông đứng
tuổi khác đi tới, tôi hỏi ông ta: "Anh là cán bộ ở đây à?". Ông ta nói:
"Phải". Tôi hỏi tiếp: "Thế anh tên gì?". Ông ta cũng không trả lời mà
lãng đi nơi khác. Người đàn ông bắt tôi lúc quát tôi: "Đi lên lầu, có
người làm việc với chị". "Tôi không đi, anh phải cho tôi biết anh là
ai, muốn làm việc gì với tôi?". Ông ta không nói không rằng hung hăng
xông tới chộp tay tôi bẻ quặt lôi tôi lên lầu 1 và tống vào 1 căn
phòng. Trong phòng này có 1 bàn lớn hình chữ nhật và một bàn viết kê
nối với nhau và hai hàng ghế gỗ. Trên cái bàn viết có tấm bảng mê ca
xanh ghi họ tên chức vụ của một ông Đội phó nào đó. Người thanh niên
trẻ khoảng 30 tuổi có nhiệm vụ canh giữ tôi vội vàng lấy tấm lịch để
bàn đậy cái bảng tên mê ca lại. Tôi nhìn thấy thái độ của anh ta mà
buồn cười. Tôi mới nói: "Anh đậy bảng tên lại làm cái gì? Tôi không
quan tâm đến chuyện đó đâu. Cái ông có tên trên bảng ấy đâu có ngồi
đây, ông ta cũng đâu đụng chạm gì đến tôi, tôi để ý tên ông ta làm gì.
Nếu biết việc mình làm là xấu thì đừng làm, anh che bảng tên ở đây
nhưng không che được con mắt của nhiều người nhìn thấy các anh dùng vũ
lực bắt tôi trái pháp luật. Hay là các anh lại dí súng vào đầu để bịt
mồm bịt miệng người ta đừng nói chuyện này ra? Tôi không làm việc với
những người vô danh đâu".
Tôi nói xong thì kéo mấy cái ghế kê
lại thành hàng để trèo lên nằm ngủ. Định trèo lên cái bàn dài, nhưng
thấy bàn hơi cao, leo lên đó nằm có phần bất lịch sự nên thôi.
Hơn 1 giờ chiều thì có hai người bước vào. Hóa ra là "người quen" tên Hải và Thắng, chính là hai vị đã từng cản trở không cho tôi đến dự phiên tòa
xét xử sơ thẩm blogger Điếu Cày. Anh ta gọi tôi thức dậy để "làm việc".
Tôi hỏi anh tên Hải: "Anh đến đây với tư cách gì? Nếu anh muốn nói
chuyện như anh em thì nói ở chổ khác, không nói ở đây. Nếu anh muốn
nhân danh cái gì đó làm việc với tôi thì anh về mặc quân phục vô, đeo
bảng tên đàng hoàng rồi làm việc". Anh ta hỏi tôi "Bộ không biết tôi là
ai sao mà còn đòi quân phục với bảng tên?". Tôi nói: "Tôi không biết.
Các anh dùng vũ lực bắt tôi đến đây thì các anh phải có tên họ đàng
hoàng, tôi không làm việc với người không có tên". Anh ta lại yêu cầu
tôi phải bỏ điện thoại di động lên bàn, không được nghe điện thoại. Tôi
nói: "Cho đến giờ phút này, tôi vẫn là người có đầy đủ quyền công dân,
tôi có quyền giữ đồ vật tài sản trong người tôi, tại sao tôi phải bỏ
ra. Nếu các anh muốn chiếm đoạt thì cứ việc dùng bạo lực mà chiếm
đoạt". Một người nữ khoảng 30 tuổi mặc cái áo ngắn màu nâu nhàu nhĩ
ngồi ghế kế bên láu táu chen vào, tôi bực mình quay sang trừng mắt nhìn
cô ta: "Ai cho phép cô chen vào? Chuyện riêng của tôi không khiến cô
xen vô. Cô là cái gì ở đây? Ăn mặc lôi thôi như thế, cô là ai? Nãy giờ
tôi nói chuyện với anh này là tôi còn nể anh ta, chớ cô thì tôi không
nói với cô". Cô nọ ngồi im.
Họ thấy tôi không đồng ý tắt điện
thoại bỏ ra ngoài bèn gọi vào 4 mụ đàn bà mặc sắc phục an ninh, nhưng
chỉ có 1 người đeo bảng tên Nguyễn Thị Nga, 3 người còn lại "vô danh"
(không hiểu sao ở chổ này lắm kẻ "vô danh" đến thế?) xông vào nắm tay
nắm chân tôi lại để móc túi quần lấy điện thoại di động và tiên trong
túi quẳng lên bàn rồi ngăn cản không cho tôi lấy lại. Tôi chỉ thấy buồn
cười về cái sự tự xưng là "chính" mà hành vi thì rất "tà", làm việc gì
cũng dấm dúi, che giấu.
Suốt gần 30 phút, tôi và người tên Hải
tranh cãi nhau nhì nhà nhì nhằng vụ anh ta cho rằng vì anh ta "mời" tôi
không được nên "được phép dùng bạo lực". Còn tôi thì yêu cầu anh ta chỉ
ra văn bản pháp luật nào quy định cái sự được "phép ấy" nhưng anh ta cứ
loanh quanh mãi. Đại khái nó cũng giống như vụ tôi tố cáo Trưởng Công an phường Cầu Ông Lãnh bắt người trái pháp luật mà họ ậm à ậm ừ rồi nín thinh gần 2 năm nay.
Sau
đó, "viện binh" tiếp theo là một ông ngoài 50 tuổi, không mặc sắc phục.
Tôi hỏi ông này tên gì, cấp bậc chức vụ gì thì ông ta nói mình tên Trần
Tiến Tùng, cán bộ Công an Gò Vấp. Tôi nói; "Anh nói thế thì tôi biết
thế, thật sự anh có phải tên đó hay không tôi làm sao kiểm chứng được.
Anh có giấy chứng nhận ngành cho tôi xem thì tôi mới tin". Ông ta hỏi
tôi: "Có cần thiết như vậy không?". Tôi trả lời: "Cần thiết. Tôi cần
biết tôi đang làm việc với ai". Ông ta bèn vặn lại tôi là "Chị đến đây
có mang giấy chứng minh không?". "Ô hay! Các anh dùng vũ lực bắt tôi
đến đây rồi anh hỏi tôi đến đây sao không có giấy chứng minh".
Túm
lại là họ cứ viện lý do là gởi giấy mời nhiều lần mà tôi không đến,
nhưng tôi yêu cầu họ có giấy tờ gì chứng minh cái sự "nhiều" ấy thì họ
chỉ lòi ra được có 2 tờ, mà trong ấy có ghi ý kiến của tôi yêu cầu phải
trao giấy mời trước 3 ngày mà tôi đã kể mấy hôm trước. Rồi họ mang ra
một đống giấy bảo tôi phải ký tên xác nhận bài viết nào của tôi trong
số đó. (Nói chung là tôi và cái nhà ông Tùng kia tranh luận nhiều
chuyện rất là loanh quanh, buồn cười, đáng để viết thành một chuyện
khôi hài, tôi sẽ kể lại cuộc tranh luận này vào một lúc khác). Tôi trả
lời ông Tùng rằng: "Tôi phản đối việc các anh dùng vũ lực bắt tôi đến
đây nên tôi không làm việc gì cả. Tôi sẽ làm việc với các anh vào một
ngày khác. Các anh có giữ tôi ở đây thì cũng giống như giữ đống đất,
đống đá mà thôi. Tôi không viết, không ký bất cứ cái gì hết". Ông ta có
nói gì tôi cũng một mực im lặng ngồi gục đầu lên mặt bàn để ngủ, ông ta
ngồi giở từng trang giấy đặt trên bàn ra đọc to lên rồi suy diễn ấm ớ
theo kiểu khiêu khích cho tôi trả lời. Tôi bảo: "Anh đừng khiêu khích
tôi, vô ích thôi. Tôi đã nói hôm nay tôi không làm việc với các anh là
không làm việc" .
Anh chàng trẻ tên Thắng thì hung hăng đập bàn
quát tôi, nào là "ngoan cố", "Rượu mời không uống muốn uống rựu phạt",
"không khoan hồng", v.v... và v.v... . Tôi nhìn anh ta cười nhếch mép:
"Hung hăng quá vậy! Thích quát à? Thích quát thì tự quát tự nghe đi
nhé. Tôi không nói chuyện với anh". Tôi tiếp tục im lặng.
Một
lúc sau, ông Tùng ra ngoài rồi trở vô đề nghị tôi chọn một một ngày
khác để làm việc. Anh chàng Thắng lại đứng lên hăng hái chen vào, tôi
quay lại bảo anh ta: "Tôi đang nói chuyện với ông này, không nói chuyện
với anh", thì anh ta mới hậm hực ngồi xuống.
Cuối cùng, tôi đồng
ý nhận 1 Giấy Mời khác làm việc vào lúc 14 giờ ngày 05/3/2009 vì buổi
sáng tôi phải đến Thi Hành Án Gò Vấp, còn ngày thứ 6 thì phải đến Tòa
án quận 9 làm đại diện theo ủy quyền cho ông Luật kiện ông Nguyễn Minh Luân- Phó Công an quận 9.
Tạ Phong Tần Nguồn: Công Lý và Sự Thật
|