Các Nàng Kiều Ở Thế Kỷ 21:
Việc Buôn Bán Phụ Nữ Việt Nam
Bài của Jaehee Park
Ðỗ Văn Phúc dịch
Quảng cáo phụ nữ
Việt Nam tại Ðài Loan.
Bài
báo này nói về tội ác buôn người và những hậu quả đối với phụ nữ Việt
Nam. Thêm vào đó, sẽ có hai bài về các hậu quả của việc buôn người đối
với các lao nô, và các trẻ vị thành niên gồm cả các em bé sơ sinh và
trẻ nhỏ.
Thúy Nguyễn mặc chiếc áo dài lụa, đeo hoa tai và vòng
xuyến lấp lánh. Khi bước vào làng quê nghèo khổ, cô được mọi người vây
quanh trầm trồ về những trang sức lộng lậy trên người cô. Cô nói với
dân làng rằng các cô gái của họ cũng sẽ được như cô, nếu họ chịu theo
bước của cô, đi Ðài Loan để tìm công ăn việc làm tốt.
Bản thân
Nguyễn cũng từng là một cô gái quê đã hy sinh để giúp đỡ gia đình.
Giống như chuyện “Nàng Thúy Kiều” đã bán mình chuộc cha. Cô đã đi theo
một phụ nữ cũng trang phục lộng lẫy như cô ngày hôm nay, để đến Ðài
Loan tìm việc kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Thúy Nguyễn nói trên
không phải là người thật, mà chỉ là một hình ảnh được người ta vẽ ra
của một thiếu nữ Việt Nam đã bị sa vào cái bẫy của âm mưu buôn bán phụ
nữ mà những gì xảy ra sau đó là sự thật và có tính chất tiêu biểu.
Theo
ước tính của cơ quan UNICEF và các tổ chức khác, có khoảng 400,000 phụ
nữ và trẻ em Việt Nam đã bị bán ra nước ngoài, hầu hết là sau khi chấm
dứt Chiến Tranh Lạnh. Nhiều phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị bán qua Căm Bốt,
Trung Hoa, Ðài Loan, Nam Hàn, và Thái Lan để phục vụ trong các nhà
chứa, lao động cưỡng bức trong các xí nghiệp, hay làm đầy tớ tư nhân.
Cũng
như câu chuyện cô Thúy Nguyễn trên, các nạn nhân nhận những lời hứa hẹn
bịp bợm rằng sẽ có công ăn việc làm, hoặc qua sự kết hôn gian dối, hoặc
qua những cơ quan tuyển người và di dân hợp pháp hay bất hợp pháp. Bọn
buôn người đôi khi ngụy trang những nạn nhân của chúng thành những du
khách, công nhân của những chương trình xuất cảng lao động; và rồi sẽ
đưa họ đến các nước khác. Họ cũng tuyển các cô gái qua các tổ chức tìm
việc và rồi bán các cô gái đáng thương này cho bọn tú bà ở Trung Cộng
và Mã Lai Á. Họ cũng dùng phương tiện Internet để lừa gạt nạn nhân.
Bị mắc kẹt trên xứ người
Những
gia đình đồng ý cho con gái mình đi nước ngoài được trả từ 150 cho đến
450 đô la, tùy theo dung mạo và trinh tiết của cô gái. Sau đó, bọn buôn
người sẽ đưa nạn nhân đến phi trường ra đi. Khi đến đất nước người, họ
được đưa vào một căn phòng nhỏ và bị lấy hết các giấy tờ tùy thân.
Một
khi đã ra nước ngoài và bị vào vòng kiềm tỏa của bọn buôn người, các cô
còn trinh tiết sẽ được đưa vào các nhà thổ hay các phòng khách sạn để
chờ đợi người khách mua hoa đầu tiên. Do sự tin tưởng rằng giao cấu với
gái trinh sẽ đem lại nhiều may mắn, cùng với sự an tâm rằng gái trinh
sẽ không lây truyền bệnh AIDS và các bệnh hoa liễu, khách phải trả một
giá rất đắt. Thông thường khách trả từ 300 đến 400 đô la cho một tuần
ăn nằm với gái trinh. Sau đó, các cô gái được coi là “đồ vật đã xài
rồi” và giá đi khách chỉ còn khoảng 2 dollars một lần đi khách.
Các
cô được đưa đến các phòng riêng biệt trên lầu. Thoạt tiên, Nguyễn tưởng
rằng đó là phòng riêng của mình. Nhưng không ngờ, có một người đàn ông
lạ vào đòi làm tình với cô. Khi Nguyễn kháng cự, khách bỏ đi. Người chủ
lại bước vào lôi cô xuống tầng hầm, đánh đập và nhốt cô nơi đây không
cho ăn uống trong nhiều ngày.
Nguyễn lúc này mới nhận thức rằng
mình không còn sự lựa chọn nào ngoài việc phải theo lệnh chủ để được
sống sót. Nhà thổ, nơi đã mua cô, đã lấy hết các giấy tờ tùy than của
cô. Vì thế nếu cô trốn đi, thì sẽ bị bắt giam vì là dân lậu. Bị sa bẫy
và cô lập, cô bị buộc phải tiếp khách khoảng 10 lần trong một ngày. Và
chỉ được miễn khi cô đến kỳ kinh nguyệt.
Các cô gái nô lệ tình
dục này phải làm việc cho đến lúc họ trả xong món nợ mà khách đã bỏ ra
mua họ. Ðó là các khoản tiền “nợ” mà gia đình họ đã nhận được, cộng
thêm tiền ứng trước cho các cô, tiền vé máy bay, di chuyển, ăn ở... Tuy
thế, không phải đơn giản đâu. Vì cái tiền nợ này cứ tăng theo các khoản
nuôi ăn, tiền áo quần, tiền thuốc men và cả tiền phí tổn phá thai...
Qua
cách tính này, chủ nhân các nhà thổ sẽ lưu giữ các cô lâu dài, cho đến
khi các cô đã trở thành quá già, quá bệnh hoạn để có thể hấp dẫn khách
làng chơi.
Cuộc sống trong các nhà thổ rất tàn bạo. Bọn chủ chứa
muốn đánh đập các cô lúc nào cũng được. Thậm chí còn dùng cả roi điện
để hành hạ. Khi các cô từ chối tiếp khách, bọn chúng tiêm ma túy để các
cô phải tòng phục. Ðối với những gia chủ nuôi các cô làm đầy tớ, thì
tình trạng cũng chẳng dễ dãi gì hơn. Trong nhiều trường hợp, các cô bị
nhục mạ, tra tấn về tinh thần và thể xác. Ðã có nhiều trường hợp các cô
bị cưỡng hiếp và bỏ đói.
Trốn thoát và các sự trợ giúp
Một
hôm, cô Nguyễn nghe lén được các cô gái khác bàn chuyện trốn thoát. Họ
bàn tính rất kỹ lưỡng, nhưng chỉ có hai cô thoát được nhờ sự trợ giúp
của một tổ chức Phi Chính Phủ (NGO). Nguyễn và các cô gái thiếu may mắn
bị bắt lại bởi cảnh sát địa phương và bị trả về lại nhà chứa.
Trong
khi nhiệm vụ của cảnh sát và các cơ quan thẩm quyền là giúp đỡ nạn nhân
của nạn buôn người; thì đa phần họ vướng vào sự tham nhũng. Các tổ chức
phi chính phủ cấp quốc gia hay quốc tế cố gắng đưa ra những chương
trình cứu giúp các nạn nhân bằng các đường điện thoại “nóng” và các nơi
tạm trú an toàn. Tổ chức Quốc Tế Về Di Trú (International Organization
for Migration - IOM) cũng có nhiều nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân.
Tu
sĩ Nguyễn Văn Hùng là một trong những lãnh đạo các tổ chức bất vị lợi
đã nhận giải thưởng cho những cố hắng của ông chống lại nạn buôn người.
Theo báo điện tử OneViet, Cha Hùng đã cứu vớt được hơn 2000 nạn nhân
đem về nuôi dưỡng tại nơi tạm trú do cha lập ra. Tuy nhiên, không phải
các nạn nhân đều may mắn được cha Hùng cứu thoát. Và vấn nạn không chỉ
giới hạn trong vài quốc gia, mà theo cha Hùng: “là một vấn nạn của nhân
loại, của quyền làm người.”
Sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ
Theo
bà Lisa Lynn Chapman, giám đốc cơ quan Dịch Vụ Giải Thoát (Survivor
Sevices Department) của BoatPeople SOS (BPSOS), tuy rằng việc buôn
người không phải là vấn đề của Hoa Kỳ, nhưng cũng đã có trường hợp mà
nạn nhân đã được buôn bán đến đất Mỹ.
Bà nói: “Họ bị bán đến Mỹ
qua nhiều hình thức. Thông thường là sự hứa hẹn có việc làm tốt và có
phương cách để giúp đỡ gia đình bên Việt Nam.”
Nhưng bất hạnh
thay, một khi đến Hoa Kỳ, họ bị buộc phải làm việc trong những điều
kiện như lao nô - không được trả lương, không được rời khỏi nơi làm
việc, và bị dọa hành hung về thể xác cũng như những điều phương hại cho
gia đình ở Việt Nam. Các cô gái cũng bị buộc làm gái điếm, vũ nữ khỏa
thân, hay phục vụ trong những kỹ nghệ tình dục.
Một cách khác là
qua việc hôn nhân.. Thay vì đến Mỹ để lấy chồng, các cô bị ép vào các
nghề khác mà không được trả lương. Họ không được học Anh ngữ, và không
cho tiếp xúc với cộng đồng Việt Nam. Họ sống kiếp nô lệ. Ðây cũng là
hình thức buôn người và là cách thông thường nhất.
Ðối với các nạn nhân Việt Nam, có nhiều cách cho họ để tìm được sự giúp đỡ.
Bà
Chapman nói: “Quý vị có thể gọi BPSOS - Cơ Quan Dịch Vụ Giải Thoát - số
điện thoại (703) 538-2190. Chúng tôi sẽ giúp đỡ những gì quý vị cần
đến. Chúng tôi muốn bảo đảm rằng những người Việt Nam (đàn ông, đàn bà,
hay trẻ em) có được nơi trông cậy nếu họ bị rơi vào các tình trạng trên.
Bà
Chapman cho hay, nạn nhân cũng có thể gọi số 911 cho cảnh sát Mỹ. Họ
nên kể rõ ràng câu chuyện của bản thân mình và cảnh sát sẽ tìm cho họ
những nguồn giúp đỡ. Họ cũng có thể gọi điện thoại hotline cho nơi tạm
trú dành cho nạn nhân của nạn bạo hành trong gia đình.
Ngày nay,
cô Nguyễn đã trở về Việt Nam như một nhân viên tuyển mộ bất đắc dĩ của
bọn tú bà, sở khanh do sự đe dọa của bọn này. Khi cô bước trên những
con đường nhỏ hẹp của một thị trấn, cô nhìn các cô gái đi qua, cô nhớ
lại chính mình - một cô gái nghèo ít học, đã tưởng rằng mình hy sinh để
giúp đỡ cho gia đình khá hơn. Và cô đã tự vấn rằng nếu ngày đó, cô
thoát được cùng nhóm các cô gái kia, thì sự việc đã xoay chuyển thế
nào? Hoặc nếu cô đã được một Cha Hùng giúp đỡ?