Ngô Nhân Dụng
Dân xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, thuộc thành phố Hà Nội dám chống lại công an đến cưỡng bách
năm gia đình phải bán đất với giá mà họ không chấp nhận. Các chủ đất
cương quyết không chịu bán. Ðây là một hiện tượng mới, vì không còn là
cảnh người dân để cho chính quyền cướp đất rồi mới mang nhau đi khiếu
nại, chẳng ai thèm nghe cả. Biến cố này có ý nghĩa quan trọng hơn những
cuộc tụ họp làm nghẽn quốc lộ của người dân ở Ðịnh Quán, tỉnh Ðồng Nai
tuần trước, sau khi có người đi xe bị công an gọi phạt rồi hành hung.
Từ lâu, người dân Việt Nam đã đã chứng tỏ họ không sợ nữa. Họ dám cưỡng
lại cường quyền. Nhưng người Việt cần hành động tích cực hơn nữa, như
nhiều người dân Trung Quốc đang làm.
Trong tuần này, ông Nguyễn
Tấn Dũng đã công bố một chương trình kích thích số cầu trong nền kinh
tế, lớn tới 300 ngàn tỷ đồng, khoảng 17 tỷ đô la. Nhật báo Financial
Times ngày hôm qua tính con số thực của kế hoạch này chỉ khoảng 6 tỷ đô
la, bằng một phần trăm ngân sách kế hoạch kích thích kinh tế của Trung
Quốc (584 tỷ đô la). Tờ báo chuyên về kinh tế tài chánh này đặt câu hỏi
không biết chính quyền cộng sản Việt Nam sẽ lấy tiền đâu ra để “kích
cầu,” trong khi các ngân hàng thương mại, đại đa số do nhà nước làm
chủ, đã cho vay nhiều lần hơn khả năng số tiền do các trương chủ ký
thác.
Nhân dịp có chương trình kích thích kinh tế ở hai nước
cộng sản cùng một lúc, người Việt nên bắt chước người Trung Quốc một
điều, là yêu cầu nhà nước phải công khai hóa những món chi tiêu trong
chương trình này. Ở Trung Quốc, một luật sư phát động phong trào này,
không biết luật sư đoàn ở thành phố Sài Gòn có dám noi gương đó hay
không?
Công khai, minh bạch là biểu hiện của tinh thần dân chủ.
Chính phủ Obama ở Mỹ đã báo trước dân chúng có thể tìm đọc trong mạng
lưới chính thức của Ủy Ban Ngân Sách số tiền chi ra mỗi tuần trong
chương trình 878 tỷ kích thích kinh tế, bao nhiêu tiền đưa cho ai, dùng
làm việc gì, ai cũng có thể biết được để theo dõi.
Ở Trung Quốc,
Luật Sư Nghiêm Nghĩa Minh (Yan Yiming) ở Thượng Hải đã nẩy ra ý đòi
chính phủ Bắc Kinh phải làm như vậy. Ông Nghiêm đã tới Bộ Tài Chánh đưa
ra ý kiến này từ ngày 7 Tháng Giêng năm 2009, trước khi Tổng Thống
Barack Obama nhậm chức. Ðiều đó cho thấy ông đã ý thức về tinh thần
công khai, minh bạch từ lâu. Ông có thể chưa nghĩ ra phương pháp dùng
mạng lưới điện toán để nhà nước báo cáo cho dân biết, nhưng bây giờ
chắc nhiều người Trung Hoa sẽ nghĩ ra nên đòi hỏi như vậy. Nhưng đáng
khen nhất là ông ta Nghiêm đã dám làm.
Văn
phòng của Luật Sư Nghiêm Nghĩa Minh đã nổi tiếng từ lâu vì ông đứng ra
biện hộ cho những người thấp cổ bé miệng trong những vụ kiện về thương
mại, như bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ chống lại những lạm dụng
do các cổ đông lớn và đại diện của nhà nước trong các công ty vi phạm.
Ông cũng bảo vệ người dân trong các vụ kiện chống các xí nghiệp phá
hoại môi trường sống. Ông đã yêu cầu chính quyền tỉnh An Huy công bố
tên các xí nghiệp làm ô nhiễm. Ðây là lần đầu tiên ông nhân danh “những
người đóng thuế” đứng lên yêu cầu chính quyền Bắc Kinh phải cho dân
biết họ chi tiêu đồng tiền do dân đóng góp như thế nào.
Trong lá
thư yêu cầu Bộ Tài Chánh công bố các khoản chi tiêu để kích thích kinh
tế, ông Nghiêm viết: “Chúng tôi bây giờ tất cả là những người dân nạp
thuế vì vậy chúng tôi có quyền được biết những đồng tiền của chúng tôi
đem chi tiêu thế nào.”
Có lẽ đây là lần đầu tiên khái niệm
“quyền của những người dân nạp thuế” được công khai phổ biến ở Trung
Quốc trong một hoàn cảnh được mọi người chú ý như vậy. Từ xưa đến nay,
khi nói đến người dân trong một nước, các chế độ cộng sản thường gọi họ
bằng một danh từ trừu tượng, là “quần chúng” hoặc là “nhân dân.” Trong
cuộc bàn luận ở Trung Quốc về khái niệm “xã hội công dân” trước đây 30
năm, nhiều nhà lý luận đã bác bỏ từ “xã hội quần chúng” vì nó biểu thị
tinh thần nô lệ, như một đàn cừu, họ vạch ra trong khi viết chữ Quần
thì người Hán đặt vào bộ Dương, là dê và cừu. Nhưng hai chữ “nhân dân”
cũng là một từ trừu tượng bị lạm dụng quá nhiều, vì danh từ này không
biểu thị được một quyền lợi nào của người dân cả. Khi đề xướng phát
triển “xã hội công dân” (civil society), nhiều học giả Trung Quốc đã
nhấn mạnh đến khái niệm “công dân” bao hàm những quyền dân sự và quyền
chính trị, nói chung là dân quyền. Chữ “công dân” chỉ bắt đầu được sử
dụng trong lịch sử từ khi người dân lật đổ chế độ quân chủ, những người
Pháp cuối thế kỷ 18 hãnh diện gọi nhau là “công dân” thay vì gọi là
“monsieur,” một từ có gốc gác quý tộc, phong kiến.
Nhưng người
dân một nước tự gọi mình là “công dân” cũng chỉ nhấn mạnh đến các quyền
chính trị; chỉ khi họ tự gọi mình là “người dân nạp thuế” thì mới đặt
vấn đề trong lãnh vực kinh tế. Khi người Mỹ nói đến họ như là những
“taxpayers” thì họ muốn nhắc nhở cho người cầm quyền nhớ rằng chính họ
là chủ nhân của quốc gia, là những người trả lương cho tất cả guồng máy
chính quyền. Bây giờ ông Nghiêm Nghĩa Minh dùng chữ Hán, tự giới thiệu
mình và những người dân Trung Hoa khác là “nạp thuế nhân.” Ðây là một
“bước nhảy vọt” trong đối thoại chính trị ở Trung Quốc.
Nhân
danh những “nạp thuế nhân” như thế, Luật Sư Nghiêm Nghĩa Minh nói
thẳng, “Chúng tôi không thỏa mãn với những con số ước tính mà chính phủ
vẫn tung ra cho chúng tôi coi. Chúng tôi cần biết nhiều chi tiết hơn.
Chúng tôi không muốn bị quý vị lừa nữa!” Khi viết thư yêu cầu, Nghiêm
Nghĩa Minh còn dọa sẽ kiện các cơ quan nhà nước nếu không công bố các
khoản chi tiêu kích thích kinh tế!
Tại
sao người dân có quyền bắt buộc chính phủ phải công bố chi tiết việc
chi tiêu của guồng máy nhà nước? Giản dị, vì đó là tiền của họ. Khi
người dân là những “nạp thuế nhân” thì họ có quyền biết tiền của họ
được chi tiêu ra sao! Quý vị có thể tìm trong hiến pháp các quốc gia để
thấy những điều khoản xác nhận rằng dân chúng có quyền này quyền nọ.
Nhưng các chế độ độc tài cộng sản lúc nào cũng sẵn sàng bất chấp các
bản hiến pháp mà họ viết ra, bằng đủ thứ trò múa rối. Cộng Sản Trung
Quốc cũng như Cộng Sản Việt Nam có bao giờ tôn trọng các quyền tự do
bầu cử, tự do phát biểu, tự do lập hội, vân vân, được viết trong các
bản hiến pháp của họ đâu? Cho nên, bây giờ Luật Sư Nghiêm Nghĩa Minh
dùng một lối nói khác: “Chúng tôi, những người đóng thuế. Tức là những
người góp tiền vào cái gọi là ngân sách quốc gia, đặc biệt là trong
ngân sách kích thích kinh tế!”
Ai cũng hiểu tại sao người dân
Trung Hoa cũng như người Việt Nam lại quan tâm đến các khoản chi tiêu
kích thích kinh tế. Hãy nhớ lại chính quyền cộng sản Việt Nam chi tiêu
quỹ viện trợ ODA của Nhật Bản như thế nào. Hãy nhớ lại những cột bê
tông cốt tre trong các công trình xây dựng do nhà nước cộng sản thi
hành. Mỗi khoản chi tiêu của nhà nước cộng sản, là một cơ hội cho các
cán bộ “rút ruột.” Luật Sư Nghiêm Nghĩa Minh đã từng đứng ra kiện các
công ty Trung Quốc ghi tên trên thị trường chứng khoán, yêu cầu Bộ Tài
Chánh công bố chi tiết các món chi trong ngân sách năm 2008. Trong bản
kiến nghị gần đây, ông viết, “Bí mật là nguyên nhân gây ra tham nhũng.
Người dân có quyền biết tiền bạc của họ được chi tiêu ra sao.” Cho nên
hành động đòi công khai minh bạch trong việc chi tiêu là một bước rất
quan trọng trong việc đòi quyền dân ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam
bây giờ.
Bên Trung Quốc người ta không chờ Luật Sư Nghiêm Nghĩa
Minh mới bắt đầu phong trào đòi công khai minh bạch. Năm 2007, một nhà
phân tích tài chánh, ông Ngô Tuấn Lương (Wu Giunliang) đã làm kiến nghị
yêu cầu được coi các tài liệu về ngân sách của chính phủ Bắc Kinh và
các tỉnh, các thành phố. Sau cùng, chỉ có chính quyền Thẩm Quyến mời
ông tới coi bản ngân sách của thành phố dầy 300 trang. Mới đầu họ chỉ
cho phép ông Ngô ghi chép, không cho chụp copy tài liệu này. Nhưng sau
khi ông phản đối, họ cũng chịu cho chụp. Ông Ngô Tuấn Lương đã thiết
lập một địa chỉ lưới (budgetofchina.com) để những “công dân mạng”
(netizen) có thể vào đó tham khảo.
Cuộc vận động của Nghiêm
Nghĩa Minh đã gây nên một phong trào trên mạng lưới, bao nhiêu thanh
niên Trung Quốc cùng lên tiếng ủng hộ ông. Phong trào đòi minh bạch
công khai đã lan rộng khiến đảng Cộng Sản Trung Quốc phải tìm kế xoa
dịu. Cho nên đầu tuần này, ông Mục Hồng (Mu Hong), phó chủ nhiệm Ủy ban
Phát triển và Cải tổ là cơ quan phụ trách thi hành kế hoạch kích thích
kinh tế, đã tuyên bố rằng ủy ban này sẽ công bố những chi tiêu trong kế
hoạch mới.
Ðây là một bước tiến trong cuộc vận động khai mở dân
trí của các nhà trí thức Trung Hoa. Họ đang đánh thức đồng bào của họ.
Phải tỉnh ngủ. Ðừng sợ chính quyền như những bầy tôi sợ vua chúa. Chính
mình, những người đóng thuế nuôi nhà nước, là chủ nhân của quốc gia.
Các chủ nhân có quyền biết tiền bạc của mình được chi tiêu ra sao.
Năm
ngoái, tờ Thanh Niên nhật báo ở Trung Quốc đã nghiên cứu dư luận dân
chúng sau khi chính quyền cộng sản làm ra luật về công khai hóa tin
tức. Có 77% dân Trung Hoa coi tin tức về tài sản của các quan chức
chính quyền là quan trọng muốn biết nhất. Kế đến, họ muốn biết rõ tin
tức về những việc tịch thu đất, phá nhà dân, và phản ứng của chính
quyền đối với các cuộc biểu tình. Và trong số 3,800 người được phỏng
vấn, có 65% cho biết khi nào có luật buộc chính quyền phải công khai,
minh bạch, họ sẽ làm đơn yêu cầu biết những tin tức như vậy. Nếu chính
quyền không đáp ứng yêu cầu đó thì sao? Có 34% người trả lời nói rằng
họ sẽ nhờ báo chí lên tiếng. Ðiều này cho thấy quyền tự do báo chí quan
trọng như thế nào.
Ðó là những ước nguyện của người dân, dù ở
Trung Quốc hay ở Việt Nam. Giới trí thức cần dẫn đầu phong trào đòi
công khai minh bạch. Những hành động đó sẽ góp phần tranh đấu và xây
dựng tinh thần dân chủ, không kém gì những cuộc biểu tình đòi quyền
sống của người dân xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ. Và đây chính là công
việc mở mang dân trí mà Phan Châu Trinh đã nêu ra trước đây một thế kỷ.
Người dân Trung Quốc cũng như Việt Nam cần ý thức rằng họ là những
người đóng thuế lấy tiền nuôi guồng máy cán bộ, công chức, mà bây giờ
chỉ nuôi cả một đảng mafia tham nhũng!
Ngô Nhân Dụng Nguồn: Người Việt Online
|