Thứ Tư, 2025-01-22, 11:55 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 6 » Tự bắn vào chân mình
9:29 PM
Tự bắn vào chân mình

Phạm Trần

Nguyễn Phú Trọng đề cao những điều không có

 
Văn hóa phương Tây thường mỉa mai những người phạm vào chính lời nói của mình là “tự bắn vào chân mình” (shoot oneself in the foot). Đây chính là trường hợp của Nhà nước Cộng sản việt Nam khi lên tiếng chống lại Báo cáo về tình hình Nhân quyền tại Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 25-02-2009.

Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ là việc làm hàng năm để báo cáo với Quốc hội về tình hình nhân quyền trên thế giới.

Đối với Việt Nam, Báo cáo dài trên 16,000 chữ, chứa đựng nhiều chi tiết liên quan đến quyền con người bị nhà cầm quyền xâm phạm, đàn áp, kìm kẹp và khống chế, kể cả việc giam giữ tại nhà và bỏ tù chỉ vì những nạn nhân muốn nhà nước tôn trọng quyền phát biểu và thực thi những quyền tự do, dân chủ có ghi trong Hiến pháp và Pháp luật của nhà nước.

Nhiều cá nhân tranh đấu tiêu biểu đang bị cầm tù hay giam tại nhà được nêu tên làm bằng chứng trong Báo cáo như trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Lý, hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và các vị Lãnh đạo thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Trước khi đi vào chi tiết, Báo cáo phác hoạ bức tranh u ám về tình hình nhân quyền ở Việt Nam:

    “Thành tựu về nhân quyền của nhà nước Việt Nam vẫn chưa thỏa đáng. Công dân vẫn không có quyền thay đổi chínhh phủ, và các hoạt động chính trị đối lập vẫn bị nghiêm cấm. Nhà nước tiếp tục đán áp những người chống đối, bắt giữ những người đấu tranh chính trị khiến cho một số người đối kháng phải trốn ra nước ngoài. Cảnh sát đôi khi đã lạm quyền để áp bức những người bị tình nghi trong lúc bị bắt, bị giữ và bi tra tấn. Tham nhũng là vấn đề nan giải tiêu biểu trong lực lượng cảnh sát, và các sỹ quan cảnh sát đôi khi đã hành sử lộng quyền. Tình trạng nhà tù thì tồi tệ. Nhiều người đã bị giam giữ bừa bãi về các hoạt động chính trị và không được xét xử mau chóng và công bình. Nhà nước tiếp tục hạn chế các quyền riêng tư và kiểm soát chặt chẽ báo chí và quyền tự do phát biểu, hội họp, di chuyển và lập hội. Chính phủ tiếp tục ngăn cấm các Tổ chức Nhân quyền độc lập. Bạo hành và kỳ thị đối với phụ nữ vẫn là điều đáng quan tâm. Nạn buôn bán con người tiếp tục là vấn đề rất lớn. Một vài nhóm đồng bào Dân Tộc thiểu số bị kỳ thị trong xã hội. Và nhà nước hạn chế quyền của Công nhân trong khi bắt và khủng bố một số người hoạt động cho quyền lao động.”

    (The government's human rights record remained unsatisfactory. Citizens could not change their government, and political opposition movements were prohibited. The government continued to crack down on dissent, arresting political activists and causing several dissidents to flee the country. Police sometimes abused suspects during arrest, detention, and interrogation. Corruption was a significant problem in the police force, and police officers sometimes acted with impunity. Prison conditions were often severe. Individuals were arbitrarily detained for political activities and denied the right to fair and expeditious trials. The government continued to limit citizens' privacy rights and tightened controls over the press and freedom of speech, assembly, movement, and association. The government maintained its prohibition of independent human rights organizations. Violence and discrimination against women remained a concern. Trafficking in persons continued to be a significant problem. Some ethnic minority groups suffered societal discrimination. The government limited workers' rights and arrested or harassed several labor activists.)

Việt Nam phản ứng

Hình ảnh tồi tệ về nhân quyền của Việt Nam không mới hơn so với Báo cáo các năm trước, nhưng việc Bộ Ngoại giao Mỹ không nghiêm khắc hơn là một điều may cho Việt Nam. Vì nếu Mỹ bỏ Việt Nam trở lại danh sách “Các nước đáng quan tâm” thì chính quyền CSVN sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề mậu dịch và tài chính với Quốc hội Mỹ.

Tuy vậy, Việt Nam đã đồng loạt lên tiếng phản ứng mạnh mẽ không chấp nhận kết luận của chính phủ Mỹ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hà Nội, Lê Dũng, nói:

    "Chúng tôi bác bỏ những nhận xét thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai trái về Việt Nam được đưa ra trong báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2008.

    Cần khẳng định rõ ở Việt Nam các quyền tự do cơ bản của người dân được quy định cụ thể trong Hiến pháp cũng như các văn bản pháp luật khác và được tôn trọng trên thực tế. Người dân tham gia đầy đủ vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đây là nhân tố quan trọng đưa đến thành công của công cuộc đổi mới. Trong những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền con người trong tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận".
    Ông Lê Dũng nhấn mạnh "Nhà nước Việt Nam tôn trọng các quyền tự do dân chủ của người dân và luôn bảo đảm điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện các quyền của mình, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng các quyền đó để xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.”
(Tạp chí Tuyên giáo, 26-2-09)

Qua hôm sau, 27/2/2009, hãng Thông tấn nhà nước (Thông tấn Xã Việt Nam) phản ứng tiếp:

    “Về tình hình Việt Nam, bản báo cáo này vẫn bám theo lối mòn của tư duy cũ cùng cách nhìn sai lệch như “thành tích nhân quyền ở Việt Nam nghèo nàn”, “các quyền dân sự cơ bản bị kiểm soát”, hay “chính quyền kiểm soát chặt chẽ tự do, đức tin”, những đánh giá phiến diện từng nhiều lần bắt gặp trong các báo cáo thường niên trước đây của Bộ Ngoại giao Mỹ.

    Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam đã chứng minh hoàn toàn khác. Nhận định “năm 2008, Việt Nam tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tự do lập hội và tự do đức tin” đã cố tình bỏ qua một sự kiện trọng đại diễn ra vào tháng 5/2008, khi hàng trăm đoàn đại biểu của hơn 70 nước, hàng vạn tăng ni, phật tử và những nhà nghiên cứu về Phật giáo trên thế giới đổ về Hà Nội, nơi đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak).

    Sự có mặt của đông đảo các phái đoàn quốc tế tại Việt Nam trong một lễ hội tôn giáo lớn và uy tín như vậy là sự khẳng định rằng Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, là bằng chứng thể hiện sự tin cậy của thế giới ở chính sách tôn giáo của Chính phủ Việt Nam, khẳng định Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp mà các tôn giáo mang lại cho đời sống xã hội.

    Trong năm 2008, Việt Nam cũng đã công nhận thêm nhiều tổ chức tôn giáo, và mới đây nhất là Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam và Hội thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam.

    Tại Việt Nam, nơi 80% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà nước nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu chính đáng của con người. Nguyên tắc không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo được thể hiện trên mọi lĩnh vực như quyền bầu cử và ứng cử, trong các quan hệ dân sự. Các chức sắc tôn giáo có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, có quyền ứng cử như mọi công dân nên không thể nói rằng ở Việt Nam “bầu cử không công bằng” hay “tự do tín ngưỡng bị ngăn cản”.


    Cần khẳng định lại rằng những gì nêu trong Báo cáo nhân quyền 2008 của Bộ Ngoại giao Mỹ không đúng với thực tế ở Việt Nam cũng như không đại diện cho suy nghĩ và nhận định chung của đông đảo người dân Mỹ.”

Phản bác của Lê Dũng và TTXVN không đưa ra được bằng chứng nào để nói các quyền tự do ghi trong Hiến pháp đã được nhà nước tôn trọng và các Tôn giáo được tự do hoạt động không cần có phép của nhà nước và không bị chính phủ kiểm soát. Việc ngăn cấm hoạt động ngoài vòng cương tỏa của nhà nước của các nhà lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và các hành động khủng bố, đe doạ, ngăn chặn hành đạo của nhà nước nhắm vào Giáo Hội này từ trên 20 năm qua là những bằng chứng vi phạm quyền tự do tôn giáo của người dân.

Nhà nước CSVN cũng giành quyền kiểm soát lý lịch, chọn lựa tu sinh, chương trình học đạo, bắt học chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh, kiểm soát việc thuyên chuyển, bổ nhiệm, tuyên chức trong nội bộ các tôn giáo, tiêu biểu như Giáo Hội Công Giáo, là hành động xen vào để kiểm soát mà không bị coi là xâm phạm quyền tự do sinh hoạt tôn giáo thì gọi là gì?

Còn việc nhà nước đứng ra tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) tháng 5-2008 để phô trương lực lượng cho các Tổ chức Phật giáo đi theo nhà nước mà nói đó là bằng chứng Việt Nam có tự do tôn giáo thì không biểu Cơ quan tuyên truyền TTXVN có hiểu câu nói “Chiếc áo không làm nên thầy tu” ý nghĩa ra sao không ?

Loa Nguyễn Phú Trọng

Thông thường, nhiệm vụ phản ứng tiếp theo được dành cho các thợ viết của Ban Tuyên giáo Trung ương nhưng năm nay đảng lại đưa Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội ra gánh vác việc này.

Có hai lý do để giải thích sự thay đổi này:

1) Từ ít lâu nay, Quốc Hội đã bị dư luận người dân trong nước coi như bất lực trước những việc thuộc về trách nhiệm của mình như không tích cực bênh vực quyền lợi cho dân khi bị chính quyền đối xử bất công; trốn trách nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Hoa; không tích cực tham gia chống tham nhũng, lãng phí; không dám bênh vực các nạn nhân đanh cá xa bờ của Việt Nam bị tầu bè Trung Hoa tấn công quanh vùng đảo Trường Sa và trong vịnh Bắc Việt; thờ ơ trước phản ứng yêu nước chống Trung Hoa lấn chiếm lãnh thổ của Việt Nam của sinh viên, học sinh và đồng bào tại Hà Nội và Sài Gòn.

2) Nguyễn Phú Trọng từng giữ chức Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương trước khi Ban này và Ban Khoa giáo nhập làm một thành Ban Khoa Giáo Trung ương hiện nay. Ông Trọng còn là một trong số những cán bộ lãnh đạo bảo thủ hàng đầu trong đảng đã cùng với nhóm của Nguyễn Đức Bình trong Hội đồng Lý luận Trung ương viết ra Cương lĩnh năm 1991 để gọi là “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” . Ngoài ra ông Trọng cũng đang ngấp nghé chức Tổng Bí thư đảng thay Nông Đức Mạnh trong kỳ Đại hội đảng XI sẽ diễn ra trong hơn 2 năm nữa.

Vì vậy, khi chọn Nguyễn Phú Trọng thay đảng trả lời từng điểm của Bộ Ngoại giao Mỹ, phải chăng phe bảo thủ trong đảng muốn chuẩn bị cho ông Trọng một chỗ đứng mới ?
Tuy nhiên bài viết chống chế nhân quyền của ông Trọng, rất tiếc, lại có tác dụng ngược với những việc đã và đang diễn ra tại Việt Nam.

Ông Trọng viết trên báo Nhân Dân (03-03-09): “Quyền con người là một vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản, phản ánh trình độ phát triển của một xã hội, được Ðảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp tư tưởng khoa học nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là triệt để giải phóng con người với đạo lý đầy lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam "Thương người như thể thương thân", đã đề ra mục đích, lý tưởng của toàn Ðảng, toàn dân ta là phấn đấu để Tổ quốc được độc lập, nhân dân được tự do, "đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

Cương lĩnh của Ðảng Cộng sản Việt Nam năm 1991 xác định, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Trên thực tế, Ðảng ta luôn luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chính sách, coi con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.”

Nhưng sau gần 70 năm có mặt, đảng CSVN đã nhìn thấy “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành" trong xã hội chưa? Còn việc bảo “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ” đã thành hình ở Việt Nam sau 18 năm ra đời của Cương lĩnh 1991 chưa, hay giấc mơ ảo tưởng này vẫn còn đông đặc trong đầu nhóm bảo thủ ở Việt Nam?

Đất nước bây giờ, sau hơn 20 năm gọi là Đổi mới và 34 năm thống nhất đất nước, vẫn còn đì đẹt theo đuôi các nước láng giềng và vẫn còn là một trong số các nước nghèo nàn, lạc hậu và dân tộc chậm tiến nhất thế giới là lỗi ở dân hay lỗi của đảng cầm quyền?

Ông Trọng viết tiếp: “Xuất phát từ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; Nhà nước hoạt động là vì con người, bảo đảm và thực hiện quyền con người, ngay từ ngày đầu thành lập (năm 1945), Nhà nước Việt Nam đã khẳng định những nội dung cơ bản về quyền con người; và những nội dung đó được thể hiện nhất quán và ngày càng đầy đủ trong các bản Hiến pháp của Nhà nước ta; từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và đặc biệt là Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 1992 khẳng định: "Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật"; "Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội"; "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật".

Quả thật những điều “cam kết” này có ghi đấy đủ trong các Bản Hiến pháp, kể cả văn bản tu chính sau cùng năm 1992 cũng như đã ghi trong hang hà, sa số các văn kiện Pháp luật của đảng và Nhà nước. Nhưng nhà nước chì nói mà không làm như đã viết trên giấy trắng mực đen.

Chỉ nguyên câu “Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân” cũng chưa bao giờ được thực hiện bởi vì nhân dân không có quyền tự quyết định chính phủ hay được thay đổi chính phủ. Tất cả mọi thứ bầu cử từ Hội đồng Nhân dân lên Quốc hội cũng do “đảng cử dân bầu”. Guồng máy cai trị của nhà nước cũng do đảng tổ chức và chọn người theo ý muốn và tiêu chuẩn của đảng.

Và vì đảng CSVN là đảng duy nhất cầm quyền nên mọi ngành, mọi cơ sở từ trung ương xuống địa phương đều do người của đảng lãnh đạo, chỉ huy kể cả trong hệ thống tổ chức của quân đội và lực lượng công an.

Do đó, không làm gì có chuyện “của dân, do dân và vì dân” mà đúng ra là “của đảng, do đảng và vì đảng” như trong thực tế đã chứng minh.

Vì vậy, khi Nguyễn Phú Trọng viết: “Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc các quan điểm và tư tưởng cơ bản nêu trên trong toàn bộ hoạt động của mình, góp phần rất quan trọng vào việc bảo đảm và thực hiện quyền con người ở Việt Nam” là ông Trọng đã nói sai sự thật và cố tình nói ra những việc Quốc hội chưa bao giờ làm, hoặc có làm thì cũng chỉ để bảo đảm thực quyền cho đảng mà thôi.

Thực tế thì như thế mà ông Trọng vẫn cứ khoe, làm như không ai biết sự thật như thế nào: “Chỉ tính từ giữa năm 1992 (là thời điểm Hiến pháp năm 1992 có hiệu lực thi hành) đến hết năm 2008, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 547 văn bản luật, pháp lệnh và nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Các văn bản này đã quy định một cách khá đầy đủ và toàn diện về quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội,... cũng như về cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền đó. Cụ thể như sau:

- Trong lĩnh vực chính trị: Các quyền và nghĩa vụ thể hiện tập trung ở việc công dân được tham gia thực hiện quyền lực nhà nước, bao gồm: quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Ðiều 54 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật" . Cụ thể hóa nội dung này của Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành các luật: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997, được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2002; Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 1994, được sửa đổi vào năm 2003. Thực tế các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã diễn ra một cách dân chủ theo đúng quy định của pháp luật.


Đúng là Quốc hội CSVN đã làm được những Luật này, nhưng nhà nước không thi hành như ấn định trong Luật và lại đẻ ra nhiều “Luật con” để xoá “Luật mẹ” như Luật Bầu cử Quốc hội là bằng chứng. Nếu ông Trọng không tin thì cứ vào Sài Gòn hỏi chuyện kinh nghiệm của ông Lê Kiên Thành, con trai trưởng cựu Tổng Bí thư Lê Duẩn, cựu ứng cử viên Quốc hội “tự ý” nhưng thất cử thì rõ chuyện loè bịp của việc bầu cử đã diễn ra như thế nào?

Một trong những điều khỏan kỳ qúai của Luật Bầu cử buộc ứng cử viên phải được cơ sở đảng đề cử rồi phải qua cửa “hiệp thương” để Mặt trận Tổ quốc chọn lựa. Những ai đã lọt qua cửa Mặt trận thì coi như cầm chắc trong tay chiếc ghế đại biểu vì quyền lựa chọn của dân chỉ còn là hình thức “hợp thức hóa” cho đảng. Như thế thì quyền bầu cử của dân có giá trị gì không?

Ông Trọng còn viết không biết ngượng khi nói về quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân: “Trong nhiều văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể các quyền của công dân tham gia trực tiếp và gián tiếp vào công việc quản lý nhà nước, như quyền được biết, được bàn, được làm và được kiểm tra, giám sát. Riêng quyền thực hiện dân chủ trực tiếp ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn (năm 1998); quy chế dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (năm 1998); quy chế dân chủ trong hoạt động của các cơ quan (năm 1998); pháp lệnh về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường (năm 2007). Ðây là một nét khá đặc sắc của Việt Nam trong việc phát huy và thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở cơ sở, được bạn bè quốc tế ghi nhận.”

Là Chủ tịch Quốc hội, ăn nói những điều không đúng trong thực tế tình hình mà vẫn nói được thì chỉ có đảng CSVN mới có những con người bất bình thường như thế.

Nếu ở Việt Nam mà “quyền của công dân tham gia trực tiếp và gián tiếp vào công việc quản lý nhà nước, như quyền được biết, được bàn, được làm và được kiểm tra, giám sát” được thi hành thì quốc nạn quan liêu, tham nhũng và lãng phí đã bị chận đứng từ khuya rồi.

Sở dĩ tệ xã hội vẫn còn, nạn cá lớn nuốt cá bé, cán bộ hành dân, chạy chức, chạy quyền, mua bằng, bán ghế còn ngổng ngang và nạn không ít cán bộ tham nhũng cao như núi vẫn lên chức, tăng lương vì người dân sợ bị trả thù không dám tố cáo.

Như vậy, những thứ quyền mà ông Trọng khoe khoang trong bài viết này chẳng có giá trị gì cả, nó nhạt như nước lã ao bèo.

Cũng vô giá trị và lãng nhách vì những điều ông Trọng nêu lên để phản bác Báo cáo về nhân quyền ở Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ, hoàn toàn trái ngược với hành động vi phạm của nhà nước, nhất là đối với hai “quyền tự do ngôn luận” và “quyền tự do tín ngưỡng”.

Về tự do ngôn luận, nhà nước chỉ cho phép dân nói những điều đảng muốn nghe và không cho tư nhân ra báo. Đảng nắm trọn quyền thông tin, báo chí bà bắt các báo được phép hoạt động phải tuyên truyền cho chính sách đảng.

Những vụ khủng bố tinh thần, áp chế, bắt giam những người phát biểu, dù chỉ cổ võ dân chủ, tự do nhưng bất bạo động, nghe lén điện thoại, cắt điện thoại, cắt đường giây thông tin điện tử (Internet) là bằng chứng vi phạm quyền tự do tư tưởng của người dân.

Như thế mà ông Trọng vẫn nghênh ngang khoe: “Về các quyền nhân thân: Quốc hội đã quy định khá cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật, bao gồm: quyền tự do đi lại, tự do cư trú; quyền tự do ngôn luận; quyền tự do tín ngưỡng; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền được bảo đảm bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền bất khả xâm phạm về thân thể...

Trong nhóm các quyền này, quyền bất khả xâm phạm về thân thể là quyền tự do cá nhân đặc biệt quan trọng, được Ðiều 71 của Hiến pháp năm 1992 quy định: "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, trừ những trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt hoặc giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân". Ðiều 72 của Hiến pháp còn quy định: "Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật".


Nếu nhà nước Việt Nam đã biết tôn trọng tính mạng, tài sản và nhân phẩm của người dân đúng như Hiến pháp và luật pháp đã viết thì làm gì chính phủ Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và của các tổ chức tôn giáo, nhân quyền và tổ chức bênh vực người làm báo trên thế giới phải mất công, mất của đi điều tra những vi phạm của Việt Nam?

Vì vậy, đáng lẽ ra bài viết của ông Trọng đã được hoan nghênh và đề cao vì đã có công phản biện đối kháng những tố cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ để bảo vệ danh dự cho Việt Nam. Nhưng vì ông Trọng đã bênh vực cho những điều Việt Nam vi phạm nghiệm trọng nhất về quyền con người nên thay vì “giải oan” cho đảng, ông Trọng đã cầm súng bắn vào chân mình như câu tục ngữ của người Tây phương nói: “He shot himself in the foot”.

Phạm Trần
(05/03)
Nguồn: Ðối Thoại
Category: Đạo đức Hồ Chí Minh | Views: 882 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 21
Khách: 21
Thành Viên: 0