Thứ Năm, 2024-04-25, 12:49 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 7 » Trí thức và dân chủ
3:35 PM
Trí thức và dân chủ
 


Từ lâu, câu chuyện về hèn nhát đặc sắc nhất mà cả nhân loại đều biết, là câu chuyện "Ông Vua cởi truồng". Tuyệt đại đa số quan chức triều đình đến những người dân lớn tuổi đều trầm trồ khen ngợi sự hèn nhát của mình. Sau cùng, một cậu bé đã phá tan luồng suy nghĩ đó. Cậu khẳng định là ông vua cởi truồng. Nếu là ở VN, chắc hẳn mọi người sẽ nâng cậu bé đó thành anh hùng. Nhưng đâu phải vậy. Cậu bé đó chỉ nói lên đúng suy nghĩ của mình, thứ suy nghĩ chưa hề nhuộm màu tư lợi. Cậu bé đó không phải là người anh hùng. Trong vô vàn các cậu bé đi theo đám rước thì cậu chỉ là người phát ngôn theo đúng lứa tuổi.

Tại Việt Nam ngày nay, những người đấu tranh dân chủ đã và đang lên tiếng trước thực trạng xã hội không theo tiêu chuẩn của nhân loại tiến bộ. Họ, đa phần cũng chỉ mới phát ngôn theo đúng cách suy nghĩ cần phải có. Cách đấu tranh dựa trên lương tâm như vậy cũng không là gì đối với chế độ độc tài. Một số những người đấu tranh đó nghĩ họ là dũng cảm. Không hoàn toàn như vậy. Nói ra sự thật đâu phải là dũng cảm, mà mới chỉ chứng minh tôi đang nói đúng quyền của tôi. Phát biểu dũng cảm thôi thì chưa đủ, mà còn cần nhiều điều khác nữa, như là: sự dũng cảm khi bị an ninh đàn áp mạnh, khi khai báo trong khi bị bắt vào tù, sự dũng cảm còn lại sau khi ra tù.

Có những người đấu tranh dân chủ có uy tín chê trí thức là một lũ hèn nhát. Nhưng họ đâu biết trong phong trào dân chủ hiện nay đã đa phần là trí thức. Từ ngày xưa đã có sự phân công: sĩ, công, nông, thương, binh. Tất nhiên sự phân công chưa hoàn hảo, nhưng phần nào đã nói lên sự chuyên môn hoá trong cuộc sống. Ai đó đã bắt trí thức phải đi đầu và "lãnh đạn" như những người lính tiên phong. Và nếu trí thức không đi đầu thì bị quy là hèn nhát. Vậy, cái logic trong sự phân công xã hội để ở đâu?

Đừng suy nghĩ theo kiểu Mao, "trí thức không bằng cục phân" hay theo kiểu "trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ". Chính vì suy nghĩ như vậy mà hàng loạt chế độ cộng sản đã sụp đổ. Hiện nay đâu còn nhiều chế độ cộng sản. Kể cả Việt Nam cũng đâu còn cộng sản theo đúng nghĩa. Nếu vẫn coi trách nhiệm chính trong công cuộc đấu tranh chống độc tài cộng sản phải là trí thức thì đó là chọn nhầm đối tượng. Chọn xong, lại nói họ hèn nhát thì lại càng chứng minh tính hàm hồ, ấu trĩ của người đã chọn. Câu nói đó còn tệ hơn câu nói của Mao. Trách nhiệm chính ở đây là nằm trên vai các nhân tố tiến bộ đang nằm trong các tổ chức đấu tranh và chính cả tập thể các tổ chức đó. Trí thức, như ngày xưa, là những người mà nhân dân đã nói: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Họ phải được "cởi trói" (!), được tự do suy nghĩ, cống hiến, làm giàu... Ngay cả khi "kháng chiến chống Mỹ" thì toàn bộ lực lượng sinh viên miền Bắc không bị bắt lính. Chỉ đến khi cao trào thiếu quân cho chiến trường thì mới phải động viên. Cũng trong lúc đó, hàng trăm ngàn sinh viên đã được gửi đi đào tạo ở các khối "XHCN". Tất nhiên, phần con cháu lãnh đạo trốn lính, trốn chiến tranh cũng có, nhưng không phải đa số. Đó cũng chính là sự tôn trọng trí thức, tôn trọng hiền tài và tạo vốn nhân tài cho công cuộc phát triển xã hội. Tuy nhiên, sau khi được đào tạo, lớp trí thức đó đã không có cơ hội để chứng minh toàn bộ năng lực của họ cũng như họ đã được đào tạo không theo khả năng, nhu cầu của họ. Chế độ mà họ phải sống cũng đã dần dần đưa họ vào lối rèn người "hồng hơn chuyên" và do vậy chế độ đã không phát huy được tri thức của họ. Hậu quả là ngày nay nước Việt Nam ta vẫn đang là những nước tụt hậu về mọi mặt. Những lớp trí thức sau từ 6x, 7x, 8x... đến nay cũng vẫn chịu sự áp đặt và lối đào tạo ép buộc không theo tư tưởng tự do, tiến bộ về quan niệm xã hội, chính trị và do vậy tư tưởng hẹp hòi vẫn còn tồn tại. Sự tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, văn hoá... tuy được nâng cao chút ít nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng đòi hỏi của sự hội nhập với thế giới.

Vậy, phong trào dân chủ có nên làm một việc sai lầm nữa là biến tất cả những trí thức thành người lính xung kích? Biến sở đoản của họ mà không đào tạo, trau dồi để trở thành sở trường và sở trường của họ thành hàng lưu kho? Từ nền tảng là những người trí thức mà yêu cầu ngay tham dự phong trào với bao hiểm nguy, đàn áp... là không tưởng, và cũng đâu có dễ có một môi trường để đào tạo mà không bị phá hoại bởi độc tài cộng sản. Lòng dũng cảm của những người đấu tranh dân chủ đâu phải là tất cả. Tính tổ chức kỷ luật và nguyên tắc hành động hợp lòng dân nói rộng, hay trí thức nói hẹp mới là điểm nhấn về khả năng của từng chiến sĩ dân chủ, từng tổ chức dân chủ. Nếu có thể thì đồng loạt các chiến sĩ dân chủ, các tổ chức hãy kêu gọi trí thức hãy vượt qua nỗi sợ để dám bất hợp tác với chính quyền độc tài, không làm điều gì để làm lợi cho độc tài, chứ đừng kêu gọi họ phải làm một việc duy nhất là làm người lính xung kích của xã hội.

Một cách khác để coi thường quần chúng nhân dân cũng có thể là bắt trí thức là những người hiểu biết nhất về xã hội. Đôi khi trí thức chưa hẳn đã quan tâm đến các vấn đề xã hội hay chế độ nhiều như những người dân khác. Ông Anhxtanh cũng là một đại trí thức. Ông đã rời bỏ Đức quốc xã để đến Mỹ làm nốt công việc chế tạo bom nguyên tử và rao giảng các nguyên lý vật lý vũ trụ. Ông cũng có tránh khỏi hậu quả của hai quả bom nguyên tử thả xuống Hirosima và Nagasaki đè nặng lên lương tâm, thể xác của ông đâu. Ông cũng đã hối hận rất nhiều trong đời nghĩ lại về việc này.

Trí thức giỏi trong chuyên môn của họ và nếu khêu gợi tốt để họ mở lòng cho những việc khác thì mới là dụng nhân như dụng mộc. Nếu cứ kêu gọi họ đối đầu theo cách họ chưa được đào tạo thì lại làm cho độc tài vốn sẵn có thế thượng phong vô hiệu hoá được họ và nhờ đó chúng dằn mặt được người khác, nhờ đó chúng tiêu được nhiều tiền ngân sách trên tấm lưng còng khốn khổ của người dân. Trí thức là người am hiểu xã hội và tốt đẹp biết bao khi trong số đó họ lại có những người có thêm phẩm chất của người lính tiên phong trong công cuộc cải cách xã hội. Nhưng đâu phải bất cứ ai cũng ôm đồm được nhiều việc, ai cũng là nhân tài đất Việt! Từ xa xưa không ai chê những người treo ấn từ quan. Cũng không ai chê những trí thức trong chế độ cũ ra đóng góp cho chế độ mới khi họ được tôn trọng, họ có khoảng trời để vẫy vùng và hệ thống chính trị mới tôn trọng tri thức của họ. Nếu tất cả trí thức đều trở nên những người lính đi đầu, họ sẽ phải gác lại chuyên môn chính và trong môi trường mới khi thành công họ lại phải mài giũa lại những tri thức thuở xưa, phần thời gian gián đoạn sẽ là kẻ thù đối với lối tư duy vẫn đang theo một hướng suy nghĩ. Liệu những công trình dang dở để dành lại chưa hoàn thiện khi phải đi "chiến đấu" sẽ trở nên hoàn thiện hơn sau nhiều thời gian cách ly, suy nghĩ bị bào mòn vì thời gian?

Trí thức có thể hẹp bụng khi ta đòi hỏi họ phải vừa giỏi chuyên môn vừa đứng đầu sóng ngọn gió cho cuộc cánh mạng dân chủ vì quyền lợi của mọi người. Nhưng hoàn toàn họ không hèn nhát. Họ có thể trau dồi tri thức để một mai làm động lực cho đất nước dân chủ. Họ có hàng trăm ngàn con đường ủng hộ phong trào dân chủ như lôi kéo quần chúng khi có cơ hội, như dùng tài chính ủng hộ, như bao bọc giúp đỡ những chiến sĩ dân chủ. Hãy để họ tự lựa chọn cách thức giúp đỡ tốt nhất mà họ có thể. Đã có ai kêu gọi họ đóng góp tinh thần, công sức hay tài chính, v.v. tuỳ theo sức của họ hay chỉ muốn áp đặt họ phải giống như mình -những chiến sĩ dân chủ. Đã chắc rằng ngay sau khi thành công thì các chiến sĩ dân chủ sẽ hoàn toàn là những nhà trí thức, đầy đủ khả năng quản trị xã hội? Những người đấu tranh dân chủ nên hoàn thiện mình, học hỏi hàng ngày hàng giờ để ít nhất có thể tham gia vào guồng máy quản trị xã hội ở một công việc nhất định. Có một số chiến sĩ đấu tranh chỉ mong muốn khi thành công sẽ không tham gia quản trị xã hội. Đó là tư tưởng tự ti, chưa dám đương đầu với cả một cuộc cách mạng khác tiếp diễn một cách logic -cuộc cách mạng hoàn thiện mình và chứng minh mình luôn và sẽ luôn là những hạt nhân tốt cho tương lai. Đâu phải ai cũng là bác sĩ, kỹ sư... nhưng đâu phải ai cũng làm được những công tác quần chúng, làm dân biểu đại diện cho quyền lực cũng như đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân tốt như những chiến sĩ dân chủ đã cọ sát và được nhiều người tín nhiệm.

Hãy khêu dậy lòng tự trọng của trí thức để họ đừng làm những việc có lợi cho độc tài, làm kéo dài sự tồn tại của độc tài. Có thể nói rằng trong thâm tâm họ đã nghĩ vậy và chỉ cần sự đồng thuận của phong trào dân chủ thì người trí thức sẽ làm tốt vai trò của mình. Trí thức không hèn nhát. Chỉ có phong trào dân chủ chưa tìm được cách để họ hoà nhập theo khả năng của họ.


Hà Nội, 3/3/2009
Nguyễn Phương Anh

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 793 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0