Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng mới bày tỏ quan ngại về lệnh của Toà án hình sự quốc tế (ICC) hôm 04/3 nhằm bắt Tổng thống Sudan, ông Omar al-Bashir, vì các tội ác chiến tranh và chống lại loài người ở nước này.
Hôm thứ Năm 05/03, ông Dũng được truyền thông trong nước trích thuật nói "quyết định trên sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình hoà hợp, hoà giải tại Sudan và các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong tìm kiếm giải pháp hoà bình, toàn diện và bền vững cho vấn đề Darfur."
Đây là lần thứ ba trong các diễn biến quốc tế gần đây nhất, Việt Nam có ý kiến khác đối với các nghị quyết hoặc dự thảo nghị quyết, quyết định của các định chế quốc tế của Liên hiệp quốc.
Trong hai lần trước, Việt Nam không tán thành và bày tỏ quan ngại trước quan điểm của LHQ trong các hồ sơ về Miến Điện và Zimbabwe liên quan các nhà độc tài Than Shwe và Mugabe và thể chế của họ.
Bình luận về phản ứng của ông Lê Dũng, chuyên gia tư pháp quốc tế, TS. Hoàng Ngọc Giao, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khoa học của Viện Chính sách Pháp luật (thuộc VUSTA) nói với BBC hôm 6/3:
"Đó là quan điểm chính thống của Nhà nước, nhưng về quan điểm riêng, tôi cho rằng nếu so sánh với trường hợp chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ ở Campuchia mà những người đứng đầu chính phủ của Pol Pot sau này đã phải đưa ra tòa, thì thấy rằng chủ quyền quốc gia chỉ có mức độ."
'Dù cương vị nào'
Một khi đã phạm những tội ác quốc tế, tội ác chống loài người, thì dù ở cương vị nào cũng phải đưa ra công lý.
TS. Hoàng Ngọc Giao
"Bởi vì một khi đã phạm những tội ác quốc tế, tội ác chống loài người, thì dù ở cương vị nào cũng phải đưa ra công lý," TS. Giao cho hay.
Thực ra, khác với quan điểm của ông Lê Dũng, đây không phải lần đầu một nguyên thủ quốc gia đương chức bị Toà án của Liên Hiệp Quốc đòi bắt giữ. Trước đây, Toà hình sự quốc tế đã ra lệnh bắt giam ông Slobodan Milosevic vì các cáo buộc diệt chủng tại Nam Tư cũ.
"Tội ác diệt chủng và chống lại loài người như các cáo buộc đối với ông al-Bashir tại Sudan là một trong các tội ác thuộc phạm vi thẩm quyền của ICC và câu chuyện đó cũng là bình thường."
"Vì bất cứ ai phạm tội ác này đều phải bị xử lý bởi một hình thức công lý nào đó, dù là công lý quốc tế hay công lý quốc gia, tuỳ vào vụ việc cụ thể," ông Giao nói thêm, dù không trực tiếp bình luận nguyên nhân việc Việt Nam không ủng hộ quan điểm của Toà hình sự quốc tế.
Tiến sĩ Giao còn dẫn trường hợp của nhà độc tài người Chile, ông Pinochet, cựu nguyên thủ quốc từng được miễn tố ở Thượng Viện sau khi thôi chức vụ, nhưng sau đó đã phải chịu trách nhiệm pháp lý trước các tội ác tra tấn, giết người trong thời gian đương chức.
'Phản ứng khác nhau'
Cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng khác nhau trước lệnh bắt giữ của ICC. Hoa Kỳ và EU cùng một số tổ chức nhân quyền lên tiếng hoan nghênh. Trước đó, tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đã thông báo rút nhân viên nước ngoài khỏi Dafur.
Trong khi đó, Liên đoàn châu Phi (AU) cho rằng phán quyết có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới tiến trình hoà bình ở Darfur, mặc dù Chủ tịch Uỷ hội của Liên đoàn Châu Phi, ông Jean Ping cho AFP biết: "Chúng tôi ủng hộ việc đấu tranh chống tội phạm."
Tại Sudan, hàng nghìn người dân đã tụ tập ở thủ đô nước này trong các cuộc tuần hành được cho có sự tổ chức của Chính phủ của ông al-Bashir để phản đối ICC.
Trên thực tế, lệnh bắt giữ Tổng thống al-Bashir được coi như đặt ông này vào danh sách truy nã quốc tế. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã yêu cầu Sudan hợp tác hết mức với các cơ quan của LHQ.
Năm 2007, Toà hình sự ICC đã ra trát bắt hai nhân vật khác của Sudan là bộ trưởng bộ hoạt động nhân đạo và một thủ lĩnh phiến quân.
LHQ ước tính khoảng 300 nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài tới 6 năm nay, với hàng triệu người khác phải ly tán.