Ben Bland, The Business Times Singapore 5/3/09, Phan Lưu Quỳnh lược dịch
Những người lao động từ nông thôn ra thành phố làm việc đang kéo xe chuyển vật liệu cho một công trình xây dựng ở Hà Nội (Hình AFP/Getty Images)
Hàng ngàn người bị cho nghỉ việc trong khi ngành xuất cảng suy sụp; giới trung lưu hay phô trương không tiêu xài nữa.
Mặc dù có một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng nhất thế
giới trong một thập niên qua, cộng sản Việt Nam đang tiếp tục khám phá
ra rằng mở cửa thị trường cho thế giới bên ngoài có nghĩa là mang vào
cả khó khăn lẫn ổn thoả.
Sau khi đã vượt qua một cuộc khủng hoảng hồi năm ngoái khi nền kinh tế
quá nóng và lạm phát tăng vọt lên đến 28%, Việt Nam hiện nay đang phải
đương đầu với một thử thách thậm chí còn lớn hơn vì sự suy giảm kinh tế
toàn cầu làm tổn thương đến cái đất nước chuyên lệ thuộc vào xuất cảng
này.
Ðủ loại các nhà xuất cảng —từ công ty điện tử Panasonic khổng lồ của
Nhật Bản đến các nhà sản xuất vải vóc quần áo và giày dép của Việt Nam—
giữa họ với nhau đã cho nghỉ việc hàng ngàn công nhân kể từ đầu năm
nay.
Với nhu cầu tiêu thụ hàng hoá đang thuyên giảm quanh thế giới, xuất
cảng được tiên đoán là sẽ giảm sút thêm trong quý hai và quý ba năm
nay, đồng thời nạn thất nghiệp được tiên đoán là sẽ gia tăng. Các quan
chức thuộc Bộ Lao động đã ước lượng rằng 300,000 công ăn việc làm sẽ bị
mất trong năm nay, công thêm vào 500,000 vụ cho nghỉ việc hồi năm ngoái
Theo ông Phạm Ðỗ Chi, kinh tế gia trưởng của Vinacapital, một ngân hàng
đầu tư đặt tại TPHCM, thì "Nền kinh tế đã quá nóng trong năm 2007 nhưng
nhà nước đã khá thành công trong việc làm cho nó hạ nhiệt xuống. Nhưng
bây giờ chúng tôi lại đụng phải cơn sóng thần của khủng hoảng kinh tế
toàn cầu và thế cờ này đã hoàn toàn thay đổi"
Trong khi có thêm nhiều các nền kinh tế đã phát triển có thể dựa trở
lại vào nhu cầu trong nước cho hàng hóa và dịch vụ, thì Việt Nam cũng
giống như Trung Quốc ở phía bắc, có một thị trường nội địa rất nhỏ và
lệ thuộc vào xuất cảng. Càng làm cho vấn đề tồi tệ hơn, là giới trung
lưu đang bắt đầu xuất hiện, thường vui vẻ phô trương tiêu xài phung phí
về xe hơi, xe gắn máy và TV mới toanh lúc kinh tế đang phát đạt, thì
bây giờ họ đã ngừng không tiêu xài nữa.
Thậm chí ngay cả việc giảm giá nặng nề sau dịp Tết nguyên đán đầu năm
mới cũng thất bại không thu hút được người mua, và các phòng trưng bày
xe hơi với ánh sáng lập loè cùng các cửa hàng điện tử nhìn giống như
các bảo tàng viện hơn là các cửa hàng bán lẻ.
Những người điều hành các khách sạn và nhà hàng cũng cho biết họ bị
thất thu vì du khách, cũng như đồng hương từ nước ngoài trở về và dân
địa phương đều tiêu xài ít đi.
Một người làm công việc chia bài lâu năm trong một sòng bài casino khá
đông khách ở khách sạn New World Hotel tại TPHCM, yêu cầu không tiết lộ
danh tánh, nói rằng, "Chúng tôi tạ ơn giời cho những kẻ có máu đỏ đen
vì nhiều tay cờ bạc thỉnh thoảng vào chơi đã ngừng không đến casino
nữa".
Bà Anna Craven, một thương gia người Anh làm chủ nhiều nhà hàng sang
trọng, cùng một khách sạn và một công ty xuất cảng đồ gỗ tại Việt Nam,
đồng ý rằng công việc kinh doanh đang bắt đầu bị thiệt hại. Là một
người cư trú lâu năm ở Việt Nam, bà nói, "Ngành du lịch chắc chắn là đi
xuống và các khách sạn đang cảm thấy nhức nhối. Những đồng hương trở về
thăm nhà cũng cẩn thận hơn trong việc tiêu xài".
Nhà nước Việt Nam, đã có hành động dứt khoát để đem nạn lạm phát xuống
dưới tầm kiểm soát hồi năm ngoái, thì không ngồi yên cho mọi sự trôi
qua. Mặc dù chỉ có một kho tiền dự trữ rất nhỏ, với nguồn ngoại hối dự
trữ 22 tỷ đô la theo Ngân hàng Nhà nước cho biết, thì chính phủ đã tung
ra một gói kích cầu kinh tế 1 tỷ đô la nhằm mục đích trợ giúp ngành
xuất cảng đang èo uột, bằng cách trợ cấp lãi suất trên các khoản vay
mượn ngân hàng.
Nhưng nhiều nhà kinh tế tin rằng chính phủ nên cố gắng thúc đẩy các nhu
cầu, thay vì nguồn cung cấp. "Trợ cấp các khoản vay mượn để khuyến
khích sản xuất thì cũng được, nhưng họ cũng cần phải gia tăng bên phía
nhu cầu và bỏ tiền vào túi người dân", ông Chi thuộc công ty
Vinacapital giải thích.
"Chúng tôi muốn nhìn thấy đường xá cầu cống được sửa chữa và có thêm
nhiêù trường học bệnh viện được cất lên. Ngay bây giờ có rất nhiều
người đang bị thất nghiệp và các dự án này sẽ giúp tạo công ăn việc làm
cho họ".
Vì đại đa số công nhân bị mất việc là thành phần có lợi tức thấp, thì
có lẽ họ sẽ tiêu xài hết những gì họ kiếm được, tức là chuyển đưa lượng
tiền bạc rất cần thiết vào nền kinh tế. Ông Chi nói thêm, "Nếu chúng ta
có thể làm phát sinh ra lợi tức và công ăn việc làm ở phía dưới cùng,
thì họ sẽ tiêu xài và tác động số nhân (multiplier effect) sẽ bắt đầu
khởi sự".
Kinh tế Việt Nam phát triển với một mức trung bình 7.4% một năm giữa
2000 và 2007, nhưng sự tăng trưởng đó đã rơi xuống mức 6.25% hồi năm
ngoái. Nhà nước vẫn hy vọng sẽ đạt được 6.5% cho năm nay nhưng hầu hết
các nhà kinh tế đều không mấy lạc quan. Họ cho rằng mức tiên đoán 5%
của Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì thực tế hơn.
Với trợ giúp rất ít ỏi từ chính phủ đối với thành phần công nhân bị cắt
giảm, tình trạng kinh tế suy giảm sẽ đặt nhiều áp lực lên truyền thống
giúp đỡ lẫn nhau trong các gia đình Việt Nam. Nhưng phần lớn các nhà
quan sát tin tưởng rằng nền kinh tế đơn giản và không vướng nhiều nợ
nần của Việt Nam --chỉ có 10% dân số là có trương mục với nhà băng và
thậm chí còn ít hơn số người đó đã từng đi vay mượn ngân hàng-- sẽ che
chở cho đất nước khỏi những thứ giao động đã làm rung chuyển các quốc
gia đang mang nặng nợ nần như Hoa Kỳ và Anh Quốc.
"Có ít hơn các món nợ cầm cố thế chấp và thẻ tín dụng ở đây, cho nên có
ít hơn các khó khăn về nợ nần như ở phương Tây. Việt Nam vẫn là một nền
kinh tế rất cơ bản, nơi mà hầu hết mọi người đều sản xuất ra gạo và các
loại hàng khác như cà phê và tôm - và đó là một lợi thế trong cơn khủng
hoảng này", theo ông Adam McCarty đang điều hành Mekong Economics, một
công ty tư vấn đặt ở Hà Nội.
Ông nói thêm: "Những người bị mất việc ở các hãng xưởng sẽ quay trở về quê quán và
dựa vào hệ thống trợ giúp lẫn nhau trong gia tộc họ. Ðiều này rất khác
biệt đối với phương Tây, là nơi mà những người mất việc làm ở thành phố
sẽ không được gia đình giúp ích gì nhiều và có khả năng sẽ gây ra nhiều
vấn nạn xã hội".
http://www.businesstimes.com.sg/sub/news/story/0,4574,322141,00.html?
|