Thứ Bảy, 2024-04-20, 3:46 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 8 » Đạo đức suy đồi
6:23 AM
Đạo đức suy đồi


Nguyễn Gia Thưởng

“...Cuộc đấu tranh hiện nay của con dân Việt Nam chỉ nhằm khôi phục lại tính chất nhân bản vốn sẵn có trong con người Việt Nam, tìm lại tình anh em, nghĩa đồng bào. Cuộc đấu tranh đòi dân chủ đa nguyên hiện nay không đòi hỏi xương máu của bất cứ ai, không phục vụ cho một quyền uy hay một chủ thuyết cao siêu nào cả...”

Trong những năm gần đây, chúng ta thường nghe nói đạo đức tại Việt Nam suy đồi. Một số những giá trị đạo đức không còn được tôn trọng nữa. Nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy một nhà nghiên cứu Việt Nam nào kê khai rõ rệt những giá trị đạo đức nào phải tôn trọng và cho biết đạo đức bao gồm những lãnh vực nào. Có lẽ người Việt cảm thấy hài lòng với những kinh điển của Khổng Mạnh và của Lão Tử, coi đó là những nền tảng cốt lõi trong đời sống của mình nên không tìm tòi để hiểu biết thêm do đâu phát sinh đạo đức và đạo đức có thể nào thay đổi theo thời gian hay là bất di bất dịch. Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân danh lí tưởng xã hội chủ nghĩa và trong quá trình đấu tranh để chiếm quyền lực, đã nâng cao đạo đức con người hay không? Dựa trên những điểm nào chúng ta có thể khẳng định là chủ nghĩa cộng sản đã phá hoại nền tảng sinh tồn của con người, nhất là của người Việt Nam?

Định nghĩa đạo đức

Luân lý (luân thường đạo lý) hay đạo đức là hai danh từ thường được dùng để chỉ định những quy tắc con người phải tuân thủ để sống trong xã hội. Đạo đức là toàn bộ những quy luật hành xử và giao tiếp của con người do xã hội đặt ra, và thay đổi tùy theo văn hoá, tín ngưỡng, hoàn cảnh sống và nhu cầu của xã hội. Mục đích tối hậu của đạo đức là đem sự hài hoà cho xã hội để con người cùng nhau sống có hạnh phúc và xã hội được ổn định và thăng tiến.

Đạo đức dựa trên những tiêu chuẩn nào để đánh giá thăng tiến hay suy đồi? Đạo đức gắn liền với nhân sinh quan của con người đối với ý nghĩa của cuộc sống. Đạo đức tốt có nghĩa là chúng ta hành xử tốt đối với người đồng loại. Chúng ta mong muốn đối đãi tốt đối với bạn bè và người phối ngẫu, chúng ta dạy bảo con em phải có đạo đức tốt, chúng ta đề cao nó trong đường hướng chính trị và tôn vinh đạo đức trong tôn giáo. Người ta vẫn thường nói vì thiếu đạo đức và không tôn trọng đạo đức nên con người đã gây ra nhiều tội lỗi và những hành vi tàn ác trong lịch sử nhân loại.

Dấu ấn thứ nhất của quy luật đạo đức là có tính cách phổ cập, ví dụ như việc cấm hãm hiếp và giết người không phải là một tục lệ địa phương nhưng là một vấn đề phổ cập và khách quan. Chúng ta có thể nói: «Tôi không thích ăn thịt, nhưng nếu anh ăn thịt, tôi không lấy làm khó chịu», nhưng không một ai dám nói: «Tôi không thích giết người, nhưng nếu anh có giết ai thì tôi cũng mặc kệ để cho anh giết».

Dấu ấn thứ nhì là quần chúng cảm thấy những kẻ có hành vi vô đạo đức phải đem ra trừng phạt. Con người được phép trừng phạt những kẻ vi phạm nguyên tắc đạo đức. Con người cảm thấy sai quấy nếu để kẻ này thoát tội. Chính vì vậy con người không ngần ngại kêu gọi thế lực thiêng liêng hoặc quyền lực của nhà nước để trừng trị những người họ xem là vô đạo đức.

Gần đây nhà phân tâm học Paul Rozin nhận xét việc hút thuốc đã trở thành một vấn đề đạo đức. Một vài người không thích hút thuốc và tránh hút thuốc bởi vị nó có hại cho sức khoẻ. Nhưng khi mọi người được biết hậu quả của việc ngửi hít khói thuốc, việc hút thuốc đã trở thành vô đạo đức. Những người hút thuốc bị chỉ mặt đặt tên ; hình ảnh những người hút thuốc bị kiểm duyệt, những cá nhân không hút thuốc cảm thấy mình bị lây nhiễm.

Nhưng đồng thời nhiều phong cách cũng đã được phi đạo đức hoá và rời bỏ lãnh vực đạo đức để trở thành nề nếp sống. Đó là vấn đề ly dị, ngoại hôn, phụ nữ lao động, hút cần sa và đồng tính luyến ái. Trước đây thiên hạ gọi là đồ «vô loại» hay «ma cà bông» nhưng nay được gọi là «người vô gia cư». Nghiện ma tuý trở thành một «bệnh tật»; bệnh giang mai trước đây được gắn cho những kẻ thích chơi bời truỵ lạc nay được gọi là «bệnh truyền nhiễm đường sinh dục».

Cao trào phi đạo đức hoá đã khiến cho một số người than phiền là đạo đức đã suy đồi. Trên thực tế hình như có một «Quy Luật Bảo Tồn Đạo Đức» để cho một số phong cách được lấy ra khỏi danh sách quy tắc đạo đức và một số mới được điền khuyết vào.

Chúng ta không trách người chủ gia đình quên không thay pin trong máy báo động lửa cháy hoặc là chở gia đình đi nghỉ hè bằng xe hơi, cả hai việc này sẽ gia tăng gấp bội nguy cơ khiến cho tất cả gia đình tử nạn. Lái một chiếc xe Hummer uống xăng dễ bị lên án nhưng không ai trách mắng một người lái một chiếc xe Volvo cũ uống xăng. Tại sao con người lại có những phán đoán kỳ lạ như vậy? Chẳng qua con người có khuynh hướng gán ghép tiêu chuẩn đạo đức cho phù hợp với lối sống của mình.

Lý luận và biện luận

Trong vấn đề đạo đức, con người có khuynh hướng không muốn lý luận. Trước một sự kiện, nhiều người đưa ra một số phán đoán, nhưng hỏi tại sao họ phán đoán như vậy, họ thú nhận là họ không thể giải thích được, họ chỉ biết việc đó là sai trái mà thôi. Chẳng hạn ông Jonathan Haidt, giáo sư phân tâm học tại Đại Học Virginia, kể một ví dụ: một cô gái tên Julie đi nghỉ hè ở Pháp với anh ruột là Mark. Một tối hai anh em quyết định thử nghiệm âu yếm nhau. Julie lúc đó đã uống thuốc ngừa thai và Mark dùng «áo mưa» để được an toàn hơn nữa. Cả hải đều cảm nhận khoái lạc nhưng quyết định không tái diện chuyện này nữa. Họ quyết định giấu kín chuyện này và họ cảm thấy gần gũi nhau. Quý vị nghĩ thế nào? Quý vị có chấp nhận cho họ hành lạc hay không? Phần đông thiên hạ nói hành động này trái với đạo lý và bắt đầu giải thích tại sao việc làm này là sai trái. Thiên hạ nói rằng con cái của họ sẽ sanh ra khuyết tật, nhưng họ được nhắc nhở là hai anh em dùng phương pháp ngừa thai hữu hiệu. Họ nói rằng hành động này xúc phạm đến cộng đồng, nhưng họ được biết hai anh em quyết định giấu kín việc này.

Cuối cùng họ phải nhận là họ không biết tại sao, họ không biết giải thích thế nào, nhưng họ chỉ biết việc này là sai trái. Họ không lý luận tại sao phải áp dụng tiêu chuẩn đạo đức, họ tìm cách biện luận cho tiêu chuẩn đạo đức này: họ kết luận trước, theo cảm tính, rồi sau đó họ biện bạch để chứng minh kết luận của họ là đúng. Việc này rất thường xảy ra và không có mấy ai để ý nên nó vẫn được áp dụng trong những lần biện luận không riêng gì trong lãnh vực đạo đức mà trong nhiều lãnh vực khác.

Tính chất đa dạng của đạo đức

Các nhà nhân chủng học Richard Shweder và Alan Fiske đã nghiên cứu khảo sát các đề tài đạo đức trên khắp thế giới. Họ nhận thấy một số đề tài được lặp lại ở nhiều nơi khác nhau. Con người ở bất cứ nơi nào cũng đều đồng ý việc hãm hại kẻ khác là một hành động xấu và giúp người khác là một hành động tốt. Họ đều có tinh thần công minh: con người phải biết hỗ trợ lẫn nhau, tưởng thưởng những ân nhân và trừng phạt kẻ gian lận. Họ trân quý lòng trung thành trong một nhóm, chia sẻ và liên đới với các thành viên cùng nhóm và tuân thủ những quy tắc của nhóm.

Giáo sư Jonathan Haidt đã tìm thấy năm giá trị căn bản đạo đức nơi con người ở khắp mọi nơi và năm giá trị này thay đổi cường độ tùy theo thời điểm và nơi chốn:

-Lòng yêu thương đùm bọc tha nhân, che chở không để cho họ bị hãm hại.
-Tính công minh, lòng công bằng, đối xử mọi người ngang nhau.
-Lòng trung thành đối với nhóm, với gia đình, với tổ quốc, với đất nước.
-Tinh thần biết tôn trọng truyền thống và uy quyền chính đáng.
-Tính chất tinh bạch, sạch sẽ, tránh những vật bẩn, những thức ăn ô uế và những hành động bẩn thỉu

Khi lãnh vực đạo đức can thiệp vào sự phán đoán của chúng ta chúng ta sẽ có một số phản ứng rất gay gắt. Quần chúng sẽ chau mày khi thấy có kẻ dùng một lá cờ cũ để đem lau nhà tắm vì việc này xúc phàm đến tinh thần cộng đồng. Một số người sẽ phẫn nộ khi biết được chuyện loạn luân vì việc này xúc phạm đến sự tinh khiết và trong sạch. Những người ăn chay và những người không hút thuốc vì muốn bản thân được trong sạch không chấp nhận một tì vết nhơ bẩn nào dù nhỏ đến đâu. Đi xa hơn nữa, ước vọng tột cùng của sự tinh khiết sẽ khiến dẫn con người tôn thờ những lãnh tụ tôn giáo mặc trang phục trắng và biểu lộ hào quang tinh bạch và tinh thần khổ hạnh.

Bảng phả hệ của đạo đức

Năm lãnh vực đạo đức kể trên hiện diện trong mọi xã hội bởi vì nó phát sinh từ nền tảng tiến hoá của nhân loại. Động năng khiến con người tránh không hãm hại kẻ khác cũng được tìm thấy nơi các con khỉ (Macaca Mulatta), nó thà nhịn đói cho đến chết chứ không chịu kéo dây để được thức ăn và gây tê dại cho con khỉ khác. Các nhà sinh vật học nhận thấy việc tôn trọng uy quyền liên hệ mật thiết với tôn ti trật tự để thống ngự và ổn định cũng rất phổ biến trong thế giới loài vật. Việc gây ô uế, khơi dậy cảm giác kinh tởm làm cho con người liên tưởng đến những môi trường gây bệnh tật, ví dụ như mùi hôi thối của thịt vữa và hình thù quái gở của miếng thịt và những thể loại giao cấu nguy hiểm như loạn luân.

Tính công bằng rất gần gũi với điều nhà sinh vật- xã hội Robert Trivers học gọi là lòng vị tha tương hỗ (reciprocal altruism). Qua tác phong này, con người đối xử tử tế với người khác bao lâu ân huệ ban phát cho người nhận không vượt quá khả năng của người ban phát và người nhận đền ơn đáp nghĩa khi thời vận xoay vần. Theo ông cách hành xử này đã được in sâu vào óc con người. Chúng ta có cảm tình với người giúp chúng ta. Chúng ta có cảm giác bực bội muốn xa lánh những kẻ gian lận đã nhận ơn nhưng không đền đáp lại. Lòng biết ơn thúc giục những kẻ thọ ơn tưởng thưởng những ai đã giúp đỡ họ trong quá khứ. Cảm giác tội lỗi khiến cho kẻ gian lận nhận thấy nguy cơ bị lộ tẩy tìm cách hàn gắn lại mối liên hệ bằng cách sửa sai lỗi lầm của mình và cho biết lần sau sẽ hành xử tốt hơn (phù hợp với định nghĩa về lương tâm của ông Mencken: «tiếng nói trong lòng báo cho chúng ta biết là có người đang nhìn chúng ta»).

Tinh thần cộng đồng, một loại cảm tính hoàn toàn riêng biệt có thể khiến dẫn con người chia sẻ và hy sinh không cần đền dáp, bắt nguồn từ lòng vị tha thân nhân (nepotistic altruism), một loại tâm cảm và liên kết đối với thân nhân. Trong xã hội con người, tình cảm cộng đồng lan rộng đến những người ngoài gia đình. Đôi lúc việc yêu thương bạn đồng hành đem lại lợi ích cho cá nhân vì quyền lợi của cả hai bên, chẳng hạn như những người phối ngẫu có cùng đám con, anh chị em cột chèo có họ hàng với nhau, bạn bè có cùng sở thích và đồng minh có cùng một kẻ thù. Nhưng đôi khi việc này không đem lại lợi ích gì cả, vì bộ máy tìm kiếm người thân thích đã bị đánh lừa để nhìn nhận bạn bè như những người thân thuộc qua những ẩn dụ cao thượng như huynh đệ chi binh, đồng bào ruột thịt, tổ quốc.

Các lãnh vực đối chọi

Theo ông Steven Pinker, giáo sư tâm lý học tại Đại Học Harvard, những sự kiện trên cho ta thấy tinh thần đạo đức có tính cách phổ cập và đồng thời thay đổi theo thời gian. Năm lãnh vực của đạo đức có tính cách phổ cập là vì chúng là di sản của sự tiến hoá của loài người. Chúng ta có thể hiểu được nhiều lối hành xử quái gở ở những nơi xa xôi khác vì chúng ta nhận biết rằng cùng một động lực thúc đẩy người Tây phương lên án việc vi phạm đến thân thể con người và tinh thần công bằng nhưng lại vi phạm lãnh vực khác ở nơi khác. Người Nhật lo sợ không thích nghi được với xã hội có nhu cầu bày tỏ tinh thần cộng đồng, người Ấn Độ tắm nước sông Hằng và người Do Thái theo đạo Do Thái Chính Thống kiêng ăn một số thực phẩm muốn nâng cao sự tinh bạch thân xác, sự phẫn nộ của người Hồi Giáo khi có người nhạo báng tiên tri Mohamed phát xuất từ lòng tôn kính quyền uy của vị giáo chủ. Ở Tây phương, người Âu Mỹ tin rằng trong kinh doanh và trong chính quyền, lẽ công bằng làm cho xã hội thăng tiến và họ tìm cách loại trừ lề thói gia đình trị (nepotism) và «bạn bè trị»(cronysm). Ở các nơi khác trên thế giới, điều này thật là khó hiểu đối với thiên hạ, tên nào vô tâm lại giúp kẻ khác mà không giúp chính anh em và bạn bè của mình.

Khoa học về tri giác đạo đức (moral sense) cảnh báo chúng ta là những biện luận tâm lý ngăn cản không cho chúng ta đạt đến một kết luận đạo đức thoả đáng. Chúng ta biết tri giác đạo đức cũng có lúc ảo giác như những cảm giác khác. Chúng ta có khuynh hướng biến những vấn đề thực tại trở thành một cuộc thánh chiến vì đạo đức và do đó tìm giải pháp hung bao để trừng trị kẻ vi phạm đạo đức. Tri giác đạo đức áp đặt những cấm kị khiến cho một số ý kiến không được nêu lên và bàn bạc. Và nó có một lề thói xấu là luôn luôn đặt bản ngả nằm về phía tốt lành.

Con người có khuynh hướng lắc đầu và lên án tất cả những vị phạm đạo đức liên quan đến sự tinh khiết trong văn hoá của mình: tiếp cận với những người hạ đẳng (văn hoá Ấn Độ), uống cùng một nguồn nước với người da đen, để cho máu của người Do Thái hoà hợp với giòng máu của chủng tộc Aryen, chấp nhận kê gian (sodomy) giữa hai người đàn ông ưng thuận. Và nếu chúng ta tiếp tục tuân thủ đạo đức của tổ tiên, giờ đây chúng ta không bao giờ có chuyện giảo nghiệm thân xác, tiêm chủng ngừa bệnh, truyền máu, thụ tinh nhân tạo, ghép bộ phận cơ thế và thụ thai ống nghiệm, vì những việc này lúc khởi sự đều bị lên án là vô đạo đức.

Chủ thuyết Cộng sản đưa con người vào đường tự huy diệt

Nếu đạo đức là một sợi chỉ xuyên suốt dẫn dắt chỉ đạo con người đi đến lối sống hài hoà trong xã hội, trong đó mọi người đều bình đẳng với nhau, có cùng quyền lợi như nhau như tinh thần đa nguyên luôn chủ trương, chủ nghĩa cộng sản về bản chất với chủ trương chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp đã xây dựng nên một nền đạo đức trong đó con người giành dựt lẫn nhau để chiếm thế thượng phong và cuối cùng con người sẽ tự huỷ. Hệ thống chủ nghĩa cộng sản giống như con rắn tự cắn đuôi của mình. Con người trong hệ thống này không có lối thoát để tìm phương cách sống chung hoà bình với nhau. Chính vì lý do này mả đảng và nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hiện nay luôn luôn thấy kẻ thù, thấy «bọn phản động» ở khắp mọi nơi. Nhân danh chủ nghĩa xã hội, đảng cộng sản Việt Nam đã tự đặt mình vào vị thế của «đỉnh cao trí tuệ» không thua kém gì Thượng Đế và tự cho phép mình đứng lên trên đạo đức để hành xử:

1/Không xem tính mạng người dân là quý, tìm cách tiêu diệt thành phần địa chủ trong sự vụ «Cải cách ruộng đất», tịch thu tài sản của tư nhân trong công cuộc «đành tư sản mại bản» sau 1975 tại miền Nam Việt Nam, bán bãi lấy tiền và xua đuổi người dân ra biển. Đảng cộng sản không hề chủ trương yêu thương đùm bọc anh em một nhà.

2/Tính công minh, tinh thần công bằng không được thể hiện trong suốt những năm đảng cộng sản cầm quyền. Tham nhũng đã trở thành đạo đức sống («đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn»). Hố ngăn cách nghèo giàu càng lúc càng sâu đậm. Tham nhũng đã trở nên một môn thể thao toàn quốc và các vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ lần hồi tháo chạy. Kinh tế chắc chắn sẽ kiệt quệ. Đất nước sẽ suy vong vì phải lệ thuộc ngoại bang.

3/Lòng trung thành với dân tộc và tổ quốc hoàn toàn thiếu vắng. Đảng cộng sản trước đây luôn ca ngợi chủ thuyết «quốc tế vô sản», coi nhẹ quyền lợi quốc gia dân tộc. Với khẩu hiệu «Yêu tổ quốc là yêu chủ nghĩa xã hội», đảng cộng sản đã đồng hoá tổ quốc với chủ nghĩa xã hội. Tổ quốc chỉ còn thu hẹp thành một chủ thuyết mà nay thế giới đã vứt bỏ vào sọt rác. Việc cấm cản biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm các quần đảo Trường Sa và Hoang Sa, cấm in sách nói đến cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979 biểu hiện mối lo sợ của đảng CSVN không kiểm soát nổi sự bừng tỉnh của nhân dân Việt Nam. Những di tích lịch sử của thành Cổ Loa đang có nguy cơ xoá sổ, vì chính quyền CSVN coi nhẹ di sản của tổ tiên.

4/Nhân danh «cách mạng xã hội chủ nghĩa thần thánh», đảng cộng sản coi thường tất cả những giá trị uy quyền khác. Không ai có thể đứng trên đảng vì đảng là uy quyền tuyệt đối. Chính vì không muôn chia sẻ quyền lực nên đảng đã thẳng tay đàn áp các tôn giáo không nằm trong quyền kiểm soát của mình. Vì sợ mất quyền lực, nên đảng cộng sản đã phải nuôi dưỡng một con số khồng lô công an, mật vụ để duy trì uy quyền của mình. Đảng cộng sản đã và đang tiếp tục ra công tung hô ông Hồ Chí Minh để mong biến ông thành một anh hùng dân tộc, không thua gì tổ Hùng Vương hay Đức Phật, tạo quyền uy cho ông và gián tiếp tạo quyền uy cho đảng.

5/Bàn tay của đảng cộng sản đã dính quá nhiều máu vì muốn thực hiện cho kỳ được cách mạng xã hội chủ nghĩa nên đã dùng biện luận «cứu cánh biện minh cho phương tiện» để bào chữa cho những tội ác của mình. Muốn được xuất hiện với hình ảnh tinh bạch nên đảng cố gắng xoá đi những vết tích nhơ bẩn của mình bằng cách sửa chữa lịch sử, bóp nghẹt những tiếng nói muốn nói lên sự thật, kiểm soát gắt gao thông tin báo chí và mạng internet.

Đảng cộng sản đã không chừa một lãnh vực đạo đức nào của xã hội. Họ muốn thay đổi hết những căn bản đạo đức bằng tư tưởng của Mác-Lê. Nhưng lịch sử đã chứng minh với sự sụp đổ toàn diện của Cộng Hoà Liên Bang Xô Viết, chủ nghĩa cộng sản chỉ làm cho con người thoái hoá và xã hội vữa nát. Tinh thần liên đới hoàn toàn vắng bóng dưới chế độ chủ nghĩa xã hội. Con người chỉ còn biết luồn lách mà sống, giành giựt địa vị để có uy quyền, và không có một cơ chế nào để ngăn chặn lòng tham và ham muốn quyền lực của con người. Với lời khẳng định ghi trong hiến pháp đảng cộng sản là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước, nước Việt Nam không thể nào có cơ hội vươn lên. Kẻ ở chức vị cao luôn có khuynh hướng muốn ở địa vị càng lâu càng tốt, nhu cầu bành trướng thế lực của mình mỗi lúc một nhiều hơn. Điển hình là tư gia của Lê Khả Phiêu với nhà cửa trang hoàng những quý vật, những đồ cổ vô giá, và chân dung của chính bản thân để tự vinh danh. Lại thêm ông Nguyễn Tấn Dũng xây dựng từ đường nguy nga để tôn vinh gia tộc của mình. Bản thân những việc này không có gì đáng trách, vì mọi người đều có quyền tự tôn vinh bản thân, tôn vinh dòng họ. Nhưng chỉ có phiền là những gì chủ nghĩa cộng sản chủ trương đã không được thi hành, việc phân chia đồng đều chẳng thấy đâu mà chỉ thấy các cán bộ cao cấp của đảng vinh thân phì già, nhà cửa sang trọng trong khi đó người nông dân vẫn nghèo, người công nhân vẫn bị bóc lột. Xét cho cùng, chủ nghĩa cộng sản chẳng qua là một nguỵ thuyết cho phép kẻ không có của cướp kẻ có của một cách hợp pháp và sau đó kẻ cướp trở thành chủ nhân ông và tiếp tục lo sợ bị kẻ khác cướp lại.

Thời buổi bây giờ là thời buổi mạnh được yếu thua, người Việt sống dưới chế độ cộng sản không còn tinh thần liên đới. Trong tiến trình cướp chính quyền, đảng cộng sản bất chấp mọi phương tiện để đạt tới mục đích. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đánh dấu thắng lợi của đảng cộng sản, tạo cảm giác cho cấp lãnh đạo cộng sản là họ vô địch và cũng là ngày bắt đầu chính sách mạnh được yếu thua thừa thắng xông lên. Những kẻ chiến bại đã bị trả thù một cách khốc liệt, bị giam cầm trong những trại tù mệnh danh là “trại học tập cải tạo”. Cả một khối lớn trí tuệ của đất nước đã phải tháo chạy ra nước ngoài để bảo tồn sinh mạng của mình. Nơi nào có chủ nghĩa xã hội là nơi đó con người tìm cách trấn áp lẫn nhau nhân danh đấu tranh giai cấp, nơi nào có chủ nghĩa cộng sản nới đó có những quyết định độc đoán sai lầm, và từ đó môi sinh có thể bị huy hoại một cách trầm trọng, vô phương cứu chữa.

Nước Việt Nam đang lâm vào một con bệnh nặng do chủ nghĩa cộng sản đem vào. Chúng ta phải làm gì? Chúng ta kết án y tá đã châm lộn thuốc vào bệnh nhận và đưa y tá ra toà xét xử hay là chúng ta sửa chữa lại dụng cụ để y tá không thể nào cắm lộn đường dây cấp cứu, để không còn bệnh nhân nào trong tương lai phải gánh chịu sai lầm này nữa?

Cuộc đấu tranh hiện nay của con dân Việt Nam chỉ nhằm khôi phục lại tính chất nhân bản vốn sẵn có trong con người Việt Nam, tìm lại tình anh em, nghĩa đồng bào. Cuộc đấu tranh đòi dân chủ đa nguyên hiện nay không đòi hỏi xương máu của bất cứ ai, không phục vụ cho một quyền uy hay một chủ thuyết cao siêu nào cả. Nó chỉ nhằm phục vụ con người Việt Nam trong tinh thần liên đới trong một không gian liên đới giữa những con người thông hiểu nhau, quí trọng nhau, hợp tác với nhau để xây dựng và chia sẻ một tương lai chung tốt đẹp hơn.

Nguyễn Gia Thưởng

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 838 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0