AFP 8/3/09, Nguyễn Phương Nga lược dịch
Một khoảng trời cách biệt từ Luân Ðôn, Nữu Ước
Ngồi
bán bắp trên một lề đường ở TPHCM có thể là cả một khoảng trời cách
biệt từ thị trường chứng khoán Wall Street ở Nữu Ước hoặc trung tâm tài
chánh Square Mile ở Luân Ðôn, nhưng chị Lê Thị Hoa nói rằng chị cũng bị
ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu.
Từ những người tài
xế taxi và bán hàng rong đến nhân viên văn phòng và những kẻ đầu cơ
chứng khoán, mọi người đều đồng ý với nhau rằng các khó khăn tài chánh
trên thế giới đã trôi giạt vào Việt Nam và dân nghèo đang bị khốn khổ.
Chị
Hoa, một phụ nữ 37 tuổi, với làn da dạn dày mưa nắng qua hàng năm trời
lăn lộn buôn bán trên các đường phố đầy bụi bặm và cuồng nhiệt ở thành
phố Sài Gòn cũ, trung tâm kinh tế của Việt Nam, than thở, "Ba tháng qua
tôi chẳng bán được gì nhiều".
Chị Hoa nói rằng hồi năm ngoái
chị còn kiếm được hơn 100 ngàn đồng (tương đương với 6 đô la) một ngày,
nhưng bây giờ thì chị chỉ thu vào được ít hơn 80 ngàn đồng.
"Mọi
người đang bàn tán về khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ai ai cũng bị khó
khăn nhiều hơn trước đây, và không phải chỉ có tui là mình ên", chị nói
trong khi cố nở một nụ cười tự nhiên dù đang trong hoàn cảnh gian nan.
Công nhân bỏ thành phố trở về quê quán vì kinh tế đi xuống
Mặc
dù Việt Nam dưới chế độ cộng sản đã thay đổi nhanh chóng trong thập
niên qua, nhưng đất nước vẫn nghèo nàn và chủ yếu vẫn là nông nghiệp,
với các nhà chuyên môn cảnh báo rằng suy giảm kinh tế sẽ làm còi cọc sự
phát triển và đẩy hàng triệu người Việt Nam trở lại cảnh nghèo đói.
Theo
các con số mới nhất do nhà nước đưa ra thì có khoảng 12 triệu trong
tổng số 86 triệu người đang sống trong hoàn cảnh nghèo đói, và có vô số
thêm nhiều người nữa đang sống nguy nan lơ lửng gần cảnh bần cùng.
Ông
John Hendra, Phối hợp viên trường trực của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam,
cho hãng thông tấn AFP biết, rõ ràng là cả nước đang phải chịu đựng
những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu -- và chính những người
nghèo nhất sẽ phải trả cái giá nặng nề nhất.
"Trong khi hiện
chỉ có rất ít các dữ liệu chính xác để đặt vấn đề cho cụ thể hơn, thì
sự giảm sút mới đây trong tháng Hai về xuất nhập cảng, vận chuyển hàng
hóa và du khách quốc tế đến viếng thăm cho thấy có một sự suy thoái
đáng kể đang bắt đầu ở Việt Nam" theo ông Hendra cho AFP biết.
"Giống
như tất cả các nền kinh tế phát triển mở rộng, thì Việt Nam bị ảnh
hưởng bởi nhu cầu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên hiệp Âu Châu, cùng với
nhau tiêu thụ 60% các mặt hàng xuất cảng của Việt Nam, đang giảm
xuống".
"Ðiều hiện đang rõ ràng là nó sẽ ảnh hưởng đến công ăn
việc làm cũng như các tầm mức nghèo đói vì nhiều gia đình Việt Nam sống
dựa vào nguồn lợi tức chỉ cao hơn mức nghèo đói có chút xíu, vì thế có
nguy cơ thật sự là sẽ tuột trở lại hàn cảnh nghèo đói".
Dù cho
ngành ngân hàng của Việt Nam tương đối vẫn còn được cách ly, do đó ít
bị bộc lộ ra cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì nền kinh tế của
Viêt Nam càng ngày lại càng hoà nhập và lệ thuộc vào xuất cảng.
Mức
tăng trưởng GDP của Việt Nam rơi xuống còn 6.2% trong năm 2008, là mức
thấp nhất trong gần một thập niên và là một mức suy sụp rõ rệt từ 8.5%
của năm 2007.
Trong khi đó, Bộ Lao động Việt Nam lo ngại là có thể 400,000 công nhân sẽ mất việc làm trong năm nay.
Ông
Ayumi Konishi, giám đốc Việt Nam của Ngân hàng Phát triển Á Châu nói
rằng xáo trộn kinh tế "không tránh khỏi sẽ có những tác động tai hại
trên sự tăng trưởng của Việt Nam và điều đó có nghĩa là các nỗ lực liên
tục nhằm vào công cuộc xoá đói giảm nghèo ở nông thôn lẫn thành thị sẽ
bị kềm hãm lại"
Các con số mới nhất của chính phủ đưa ra cho
thấy số người sống trong cảnh nghèo đói ở khoảng 13% dân số vào năm
2008 -- tức là khoảng 12 triệu người. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so
với con số hơn 60% hồi năm 1990.
Nhà nước Việt Nam quy định hoàn
cảnh nghèo đói là mức sinh sống tốn kém trung bình hàng tháng của một
đầu người ít hơn 200 ngàn đến 270 ngàn đồng, tuỳ vào nơi người đó cư
ngụ. Số tiền này tương đương với ít hơn 40 xu (Mỹ kim) một ngày.
Nhưng
không phải mọi người ai cũng bi quan về những năm tháng sắp đến, với
nhiều nhà lãnh đạo kinh doanh chỉ ra cho thấy rằng mặc dù tăng trưởng
đang chậm lại, nhưng nó vẫn còn mạnh, với nhà nước đang nhắm vào chỉ
tiêu 6.5% cho năm 2009.
"Chúng tôi không được miễn nhiễm khỏi
các khó khăn kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam đang chứng tỏ có một sức
bật đáng ngạc nhiên", theo ông Tom Tobin, giám đốc điều hành của công
ty HSBC Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông nói, "Tôi nghĩ là Việt
Nam sẽ bật trở lại khá nhanh chóng"
Ðiều đó chỉ an ủi được chút
ít cho anh Hoàng Việt, 23 tuổi, đã quay trở về miền Trung nghèo nàn để
tìm việc sau khi rời bỏ công việc ở TPHCM, là nơi anh ta kiếm được 900
ngàn đồng một tháng -- tức là 1.5 đô la một ngày.
Cũng trong một
hoàn cảnh khó khăn tương tự ở tỉnh Quảng Ngãi thuộc miền Trung -- nơi
90% dân nghèo sống ở vùng nông thôn, theo các dữ kiện của Liên Hiệp
Quốc -- là chị Nguyễn Thị Bé Thương, cũng giống như anh Việt, đang sống
trong một căn nhà nền đá không có điện nước.
"Ðời sống đã trở
nên khó khăn hơn trong vài tháng qua. Rất khó để tìm kiếm những công
việc làm tốt lương hậu và được chủ nhân đối xử đàng hoàng". Người phụ
nữ 23 tuổi cho biết.
http://www.google.com/hostednews/afp/article/ALeqM5j3Fk5D2xWT33hwKREAL-PpZsHTyA
|