Vào
chiều ngày 4-3-2009, đoàn người do lãnh đạo huyện Chương Mỹ phái đến để
cưỡng chế đất của dân thôn Phù Yên và thôn Nhật Tiến, đã gặp phản ứng
mãnh liệt của đồng bào, tạo ra một cuộc náo loạn, khiến giao thông tại
trục đường Hà Đông - Xuân Mai bị tắc nghẽn hơn một tiếng đồng hồ.
Cùng lúc đó, người dân xã
Cẩm Điền tỉnh Hải Dương đang phải đối phó với một cách cưỡng chiếm đất thâm hiểm
hơn của chính quyền đia phương. Đây là tình trạng bi đát chung của nhiều nông
dân Việt Nam, Hà Giang tìm hiểu và có bài tường trình sau đây.
Thêm vào những khó khăn
chung do tình trạng suy thoái kinh tế mang đến, nhiều người nông dân Việt Nam
còn phải đối diện với một đe dọa ngặt nghèo hơn: Đó là những cuộc cưỡng chiếm đất
đai vẫn tiếp tục xẩy ra, dồn nhiều người đến cảnh mất hết nơi canh tác, là nguồn
lợi tức duy nhất của gia đình, khiến họ vô cùng phẫn uất. Những buổi họp âm thầm
giữa các hộ dân để tìm cách phản kháng, quyết định một mất một còn với các
chính quyền địa phương, và những xô xát náo loạn diễn ra gần như cơm bữa ở nhiều
nơi.
Xô xát, náo loạn
Một cuộc náo
loạn khiến giao thông bị tắc nghẽn hơn 4 cây số, kéo dài gần một tiếng đồng hồ,
đã được nhà văn Trần Khải Thanh Thủy thuật lại trong bản tin có tên: “Đại loạn
tại Trường Yên” được gửi lên các diễn đàn điện tử ngày 5/3 với đầy đủ hình ảnh.
Giữ không được, mà nếu mà cố
tình mà cán lên xe, cho xe máy ủi mà cán lên chúng tôi thì lập tức chúng tôi phải
chiến đấu thôi, chiến đấu để mà tự vệ thôi, kể cả phải đổ máu cũng phải chiến đấu.
Cụ Thành, 70 tuổi, một nông dân ở xã Cẩm Điền
Theo lời tường
thuật của nhà văn TKTT thì đám công an cưỡng chế đất đã dùng lựu đạn xịt hơi
cay, bắt bà Bé ra ngoài, trong lúc bà cùng hai người khác nhất định cố thủ
trong lều để canh gác đất. Khói cay kiến bà Bé bị sặc sụa ngã quay lơ xuống.
Khi thấy những
cụ già bị đàn áp, dân ở đây đã mạnh mẽ khua chiêng đánh trống để hô hào nhau phản
kháng. Công an đã xông vào bắt anh Nguyễn Hữu Quý, người thanh niên lớn tiếng
nhất. Họ còng tay anh lại, ném anh lên xe, và định đưa anh đi. Nhưng nông dân ở
đây đã túa ra, xúm vào nâng xe của công an lên, nhất định giải cứu cho anh Quý,
do đó đã tạo ra cuộc náo loạn nói trên.
Liều chết một mất một còn
Trong khi tình hình ở xã Trường Yên náo loạn như thế, thì
nông dân ở xã Cẩm Điền, tỉnh Hải Dương ,một mặt ngày đêm cử người canh gác để kịp
thời ngăn cản việc xe ủi vào san bằng đất của họ, và phản kháng khi cần, mặt
khác họ âm thầm lên kế hoạch đối diện với một cách cưỡng chiếm đất kín đáo và
thâm độc hơn.
Cụ Thành, 70 tuổi, một nông dân ở đây cho biết hơn 150 hộ
dân ở xã Cẩm Điền nhất định không bán đất với giá rẻ mạt và sẽ đấu tranh bằng
cách dùng luật pháp cùng nhờ phương tiện truyền thông giúp đỡ, tuy nhiên nếu cần
thì họ nhất định liều chết để bảo vệ quyền công dân, và phương tiện sinh nhai
duy nhất của mình.
“Chúng tôi kiên quyết là không giao mặt bằng, họ mua như thế
là trái pháp luật, chúng tôi kiên quyết không bán. Nếu bây giờ họ cho người về
một là chở đất đổ vào, mà hai là cho mấy san máy ủi vào thì chúng tôi giữ. Giữ
không được, mà nếu mà cố tình mà cán lên xe, cho xe máy ủi mà cán lên chúng tôi
thì lập tức chúng tôi phải chiến đấu thôi, chiến đấu để mà tự vệ thôi, kể cả phải
đổ máu cũng phải chiến đấu.”
Trường Yên: hai bà cụ bị lựu đạn cay, ngã ra ngất xỉu. Hình do DLT gửi ra từ trong nước.
Nhưng dư luận lo ngại cho số phận của những người dân ở đây
và không biết họ sẽ cầm cự được bao lâu nữa vì anh Toàn, cũng là nông dân Hải
Dương cho biết chính quyền địa phương đã cương quyết tìm mọi cách chiếm đất cho
bằng được và đang giết chết hết lúa của họ:
“Bây giờ thì chả còn tí ruộng nào, nó cướp hết rồi! Đấy thì
chúng tôi không bán nhưng mà nó không cấp nước, nó không bơm nước để cho dân cấy,
vụ chiêm này là không được cấy rồi, bây giờ quá mùa rồi. Đấy, đấy, đất canh tác
đấy. Từ trong Tết là chúng nó không bơm nước cho dân chúng tôi. Chúng tôi đã gửi
đơn lên thủ tướng chính phủ thế nhưng mà đến bây giờ chưa thấy trả lời gì. Nói
chung là chiêm này thì chúng tôi không có thóc gạo ăn. Chết thì cũng chưa chết
mà đói thì có...”
Cụ Thành khẩn khoản lên tiếng kêu cứu:
“Chúng tôi nhờ báo nhờ đài nói cho thế giới người ta biết
Việt Nam làm cái việc này, có cái việc lộn xộn này, nói cho đến tai các nhà
lãnh đạo đảng và nhà nước chúng tôi, yêu cầu các vị phải về trực tiếp họp với
dân.”
Để tôi nói lại với ông ấy vậy
Đài Á Châu Tự Do đã tìm cách tiếp xúc với ông Phan
Nhật Bình, chủ tịch tỉnh Hải Dương để tìm hiểu sự việc. Nội dung buổi điện đàm
được ghi âm lại như sau:
“Alô, chúng tôi là thông tín viên Hà Giang của đài Á Châu Tự
Do, xin phép được nói chuyện với ông Phan Nhật Bình, chủ tịch tỉnh Hải Dương được
không ạ?
Thì cứ nói đi xem nào?
Từ trong Tết là chúng nó không
bơm nước cho dân chúng tôi. Chúng tôi đã gửi đơn lên thủ tướng chính phủ thế
nhưng mà đến bây giờ chưa thấy trả lời gì. Nói chung là chiêm này thì chúng tôi
không có thóc gạo ăn. Chết thì cũng chưa chết mà đói thì có...
Anh Toàn, nông dân Hải Dương
Dạ thưa chúng tôi được tin trong nước cho biết là hiện giờ ở
tỉnh Hải Dương đang có tranh chấp đất đai rất là căng thẳng giữa chính quyền địa
phương với nông dân. Khoảng hơn 150 hộ không muốn bán đất, nhưng đang cảm thấy
họ bị cưỡng bách bán bởi vì chính quyền nói rằng đó là lệnh trên và họ bị bắt
buộc phải nhận cái giá mà chính quyền đưa ra, ngoài ra cũng có việc nước canh
điền của họ đã bị cúp đi, từ hồi Tết đến bây giờ, thành ra người ta không có thể
canh tác được. Xin ông, với tư cách là chủ tịch tỉnh Hải Dương có thể cho chúng
tôi biết thêm về vấn đề này được không ạ?
Hm, thôi thôi thế thì, vâng, tôi nghe thế, thì tôi nói lại
với ông ấy vậy.”
Đánh động lương tâm thế giới
Nhưng nếu nhà nước cứ tiếp tục không có biện pháp gì ngoài
việc chuyển đơn khiếu nại của dân từ cơ quan này đến cơ quan khác, thì sao?
Anh Luân, một thanh niên khác ở tỉnh Hải Dương cho rằng nếu
tình trạng này cứ kéo dài thì người dân ở đây chuẩn bị đánh động lương tâm thế
giới: Anh nói:
“Chúng tôi sẽ mang cụ già lên rìa đường đi ăn xin, kêu
là hết ruộng rồi, cho các cháu nghỉ học để lên đường đi ăn xin thôi, xong nếu
mà cố lắm thì đi bộ lên chính phủ nữa để kêu chính phủ, mà chính phủ không trả
lời nữa thì chúng tôi chỉ có nước về chúng tôi đứng ở rìa đường chúng tôi đi ăn
xin…”
Giới quan sát cho rằng dù âm thầm hay náo loạn, những người
nông dân Việt Nam thấp cổ bé miệng đang phải đối phó đơn phương với sự cưỡng
bách đất đai của chính quyền địa phương khắp nơi. Và dù dưới chính sách cải
cách ruộng đất hay kỹ nghệ hóa đất đai, người dân vẫn mãi là nạn nhân của một
nan đề trầm trọng mà nhà quyền Việt Nam không muốn hay không thể giải quyết được.
Hà Giang, thông tín viên RFA