Trận
bão khốc liệt đang quét qua toàn cầu, không chừa một quốc gia nào. Hầu
hết người dân bình thường đều không dám mua sắm gì nữa, đặc biệt là các
món hàng đắt giá như xe hơi, xe gắn máy, máy điện toán, truyền hình… để
ưu tiên cho thực phẩm và các nhu dụng cần thiết. Và cũng vì, không biết
việc làm của mình sẽ bền tới đâu. Do vậy rất nhiều khu vực giao dịch
ngưng đọng và rồi thành dây chuyền, thế là nhiều cơ sở đóng cửa, và làn
sóng mất việc làm lan rộng. Hoa Kỳ cũng thế, và rồi Việt Nam còn thê
thảm hơn.
Thế giới rồi sẽ vượt qua cơn khủng hoảng này. Thời gian hồi phục có lẽ
là 2 năm, với Hoa Kỳ. Nhưng với Việt Nam, với nền kinh tế nương tựa
nhiều vào xuất cảng, hẳn là phải chờ kinh tế nước người hồi phục trước,
rồi mình mới theo sau. Phảỉ chờ thị trường Mỹ và Liên Âu tăng cầu, rồi
công nhân Việt mới có việc cho lĩnh vực cung. Và thường khi, phải chờ
có vốn tư bản từ các ông chủ Nam Hàn, Đài Loan, Mã Lai, Singapore… đổ
vào, rồi thợ Việt mới có nơi để làm việc. Chưa bao giờ nền kinh tế Việt
hiển lộ các bất toàn như hiện nay.
Tình hình này có thể làm chậm tiến trình dân chủ hoá Việt Nam hay
không? Và có thể làm đuối sức các nhà hoạt động dân chủ ở quê nhà hay
không? Và làn sóng công nhân mất việc từ hải ngoại hồi hương có thể
thúc đẩy phong trào dân chủ ở quê nhà tới đâu? Tất cả đều là các nan đề
cần suy nghĩ, để giúp các nhà hoạt động ứng phó. Bởi vì thực trạng hoạt
động dân chủ Việt Nam trước giờ vẫn là trên thượng tầng tháp ngà trí
thức, chưa bén rễ vào các thành phần lao động đông đảỏ như công nhân,
nông dân. Trí thức Việt - những người như Nguyễn Vũ Bình, Đỗ Nam Hải,
Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Phương Anh, và vân vân, trước giờ đã đau
nỗi đau của công nhân, nhưng vẫn không tiếp cận được công nhân. Một
phần vì môi trướng tiếp cận không có, và phần lớn vì công an rất mực
tinh vi, đã đánh chận trước mọi liên kết, ngăn cản mọi cuộc tụ họp cho
dù là ngày sinh nhật hay ngày Tết, vây chặt các căn hộ gia cư và thậm
chí ném đủ thứ đồ bẩn để gây rối, và áp lực từ các người thân để buộc
họ rời bỏ các hoạt động.
Tới mức độ phải tăng áp lực, công an liền tống giam và truy tố nhà báo
tự do Điếu Cày vì "tội thiếu thuế", và bố ráp văn phòng luật sư Lê Trần
Luật cũng vì quy chụp cho một khoản tiền xưa cũ nào đó. Tất cả các thủ
đoạn này cho thấy công an CSVN cực kỳ tinh vi. Họ đã học được các bài
học của Liên Xô, Đông Âu, Thiên An Môn… và nhà nước CSVN đã dập tắt lửa
từ khi chưa cháy, đã dội nước ngay từ trước khi que diêm được cầm tới.
Riêng trường hợp luật sư Lê Trần Luật, vấn đề may mắn còn được thế giới
chú ý vì văn phòng của ông đại diện cho một số giáo dân Thái Hà, trong
một số chuỗi diễn tiến được theo dõi dễ dàng qua các mạng Công Giáo.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: các trường hợp khác, các trường hợp khi người
dân bị bất công cần khiếu kiện, không chắc gì họ đã biết tới văn phòng
này để tìm đến. Và thậm chí, chưa chắc họ đã chuẩn bị hồ sơ giấy tờ kỹ
càng và nhân chứng phong phú như giáo xứ Thái Hà để giúp luật sư Lê
Trần Luật tranh cãi.
Tương tự, chúng ta có thể nghe đến tên nhà dân chủ Nguyễn Đan Quế, và
đọc dễ dàng các bài viết của ông. Nhưng người trong nước không có cơ
may như thế. Đơn giản, trí thức dân chủ đang bị phong toả, đặc biệt là
giới hành nghề luật sư bênh vực nhân quyền lại càng bị công an phong
toả táo bạo hơn. Nếu không tiếp cận được quần chúng, thì làm sao có
phong trào dân chủ? Bởi vì chúng ta không hy vọng tới chuyện thuyết
phục Bộ Chính Trị CSVN tự ý dân chủ hoá, tự ý xoá bỏ độc đảng, tự ý
chấp nhận đa đảng.
Chỉ có một điều may mắn, rằng chúng ta đang sống trong thời đại
Internet. Cũng may mắn nhờ phương tiện này, nhà hoạt động Tạ Phong Tần
đã kể rõ các hành vi công an bố ráp thô bạo tại văn phòng luật, nơi chị
phụ tá cho luật sư Lê Trần Luật. Và cũng nhờ phương tiện Internet,
người hải ngoại biết được các sinh hoạt dân chủ, và các nhà dân chủ
cũng tiếp cận với các tư tưởng mới và kinh nghiệm đấu tranh dân chủ nơi
các nước khác.
Nhưng từ chỗ hiểu biết để tới chỗ thực hiện là một quá trình dài. Và
cũng cần có môi trường. Phong trào dân chủ nào cũng cần có quần chúng.
Bất kể công an phong toả ra sao và tới mức nào, nếu không tiếp cận với
quần chúng, phong trào dân chủ không thể lan rộng được. Điều bi thảm là
chúng ta đang sống trong một trận bão kinh tế toàn cầu. Trong khi người
hải ngoại lo cho việc làm của họ nơi xứ người, thì đại đa số dân trong
nước laị lo cho gìn giữ việc làm của họ, và sẽ không dám mạo hiểm cho
bất kỳ suy tính nào. Thậm chí, sẽ rất nhiều người tìm cách gia nhập vào
guồng máy nhà nước CSVN, mục tiêu là ổn định kinh tế gia đình, và do
vậy, làn sóng cán bộ mới này sẽ phải gìn giữ chế độ, vì đời sống của
gia đình họ đã gắn liền với nền tảng chế độ độc đảng.
Bản tin từ thông tấn nhà nước VTC News ngày 25-2-2009 cho biết:
"Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) hôm nay, 25/2 vừa
dự báo: Trong năm 2009 sẽ có khoảng 400 nghìn lao động Việt Nam mất
việc, nếu bức tranh khủng hoảng kinh tế tiếp tục xấu đi và không được
phục hồi trong 6 tháng cuối năm.
Theo ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục việc làm Bộ LĐ, TB&XH, ước
tính đã có hơn 80 nghìn người mất việc trong năm 2008. Trong đó, tỉnh
có lao động mất việc cao nhất là TP Hồ Chí Minh, với hơn 19 nghìn
người. Tiếp theo là Hà Nội: Hơn 10 nghìn người; Đồng Nai, Bình Dương:
8-10 nghìn người; Hưng Yên, Vĩnh Phúc: 4-5 nghìn người."
Hãy thử nói dân chủ với một người bình thường ở ngoaì phố Sài Gòn. Chưa
chắc họ đã chịu dừng chân để trả lời chúng ta. Tương tự, hãy thử nói
dân chủ với một người trong nhóm dự kiến "400 nghìn lao động Việt Nam
mất việc", chắc chắn, các anh chị công nhân này sẽ xem đó là chuyện xa
xỉ, vì rất nhiều người trong nhóm công nhân này đang ăn mì gói nhiều
ngày trong tháng, vì không lo nổi đời sống bình thường nữa.
Tình hình này cho chúng ta thấy phong trào dân chủ sẽ thiệt hại, vì
chúng ta đang bị công an ngăn cản tiếp cận quần chúng, và phần vì không
cung ứng được những gì công nhân cần có cấp thời. Công nhân đang cần
nhiều vốn tư bản từ các ông chủ Nam Hàn, Đài Loan… và đang cần thị
trường xuất cảng hồi phục tại Mỹ và Liên Âu. Các nhà dân chủ tất nhiên
thấy những chuyện này nằm ngoaì tầm tay.
Như thế, nếu không suy nghĩ và tìm giải pháp tiếp cận quần chúng, phong
trào dân chủ đang trở thành món hàng xa xỉ, bất kể rằng trong thâm tâm
từng người công nhân, tư do dân chủ vẫn là cái gì đẹp nhất. Dân chủ
không phảỉ là cái gì lơ lửng trên trời, mà phải là cái gì sờ được, cầm
nắm được, và các nhà hoạt động chưa làm nổi chuyện này. công an đã cô
lập được phần lớn các nhà dân chủ. Và thực tế, quyền tự do báo chí hoàn
toàn không có tại Việt Nam, và do vậy cuộc chiến dân chủ hoá đã cực kỳ
gay go, còn khó hơn là thời của các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc
Kháng.
Dưới chế độ CSVN, con người đã bị tiền định như thế: không có quyền nói
điều mình muốn nói. Và trận bão kinh tế này có phải đã thổi dạt phong
trào dân chủ vào một góc tường? Đáng quan ngại vậy.