Thứ Hai, 2025-01-20, 8:53 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 11 » Kỷ niệm 20 năm chủ nghĩa cộng sản sụp đổ (Phần II):
9:05 PM
Kỷ niệm 20 năm chủ nghĩa cộng sản sụp đổ (Phần II):

Hungari, xã hội thay đổi trước chính quyền

Bảo Thạch (RFI)

Tác động của những cơn sóng ngầm vẫn không ngừng lan tỏa trong xã hội, kể từ khi cuộc nổi dậy năm 1956 của Hung đã bị Hồng Quân Liên Xô dìm trong biển máu và một số lãnh đạo Hung, như ông Imre Nagy bị lén lút hành quyết, thi hài bị giấu kín trong vòng bí mật


Thông tín viên Hoàng Nguyễn, Budapest



Trong hai thập niên trước năm 1989, Hungari được xem như là gương mặt khả ái nhất trong phe cộng sản Đông Âu. Mức sống của dân Hung cao hơn nơi khác, nước này cũng đỡ ngột ngạt hơn Đông Đức, Roumani hay Bungari.

Tuy nhiên, tác động của những cơn sóng ngầm vẫn không ngừng lan tỏa trong xã hội, kể từ khi cuộc nổi dậy của Hung chống chủ nghĩa Stalin năm 1956 đã bị Hồng Quân dìm trong biển máu và một số lãnh đạo Hung, như ông Imre Nagy bị lén lút hành quyết, thi hài bị giấu kín trong vòng bí mật.

Vào năm 1989, dưới áp lực của công luận, Đảng cộng sản Hung đã phải công nhận cuộc nổi dậy năm 1956 không mang tính phản cách mạng. Đỉnh cao của công cuộc phục hồi cho những nạn nhân diễn ra vào tháng 6 năm 1989, khi gần nửa triệu người Hung tham gia việc tái mai táng cho Imre Nagy tại trung tâm thủ đô Budapest. Hungari, qua đó, đã nối lại với lịch sử đích thực của mình và chủ nghĩa cộng sản, từ đó, không còn lý do tồn tại.

HUNGARY 20 NĂM NHÌN LẠI

Đầu năm 2009, công luận và truyền thông Cộng hòa Hungary có chuỗi nhìn lại những biến cố lớn diễn ra cách đây 20 năm, khiến Hungray từ một quốc gia trong khối XHCN cũ, trở thành một xứ dân chủ vỏn vẹn trọng vòng 10 tháng, mà không hề trải qua những đụng độ, đổ máu.



Tuy nhiên, để đạt được thành quả có thể coi là mẫu mực ấy, phe đối lập dân chủ ở Hung đã có vài chục năm bền bỉ và kiên trì, bắt đầu từ đầu thập niên 70 thế kỷ trước, hoạt động khá mạnh với những ấn phẩm samizdat (tự xuất bản) vào đầu thập niên 80, và đạt được sự tổ chức, đoàn kết và có ý thức ở mức cao khi tổng bí thư Gorbachev lên nắm quyền ở Liên Xô và thực hiện các chính sách cải tổ (perestroika), công khai (glasnost).

Cho đến mốc thời gian 1989, Hungary đã được “dọn đường” về chính trị, xã hội và kinh tế cho những biến chuyển dân chủ sâu rộng. Từ năm 1985-1986, phe đối lập đã có những hội nghị lớn ở vùng Monor, nhằm tìm ra con đường cho tương lai quốc gia – có thể coi đây là những “tiểu Hội nghị Diên Hồng” của Hungary. Năm 1987, bản “Khế ước Xã hội” của các nhân sĩ nổi tiếng đã được ấn hành, đề cập tới những điều kiện để phát triển nền chính trị dân chủ, với đòi hỏi nổi tiếng là lãnh tụ cộng sản Kádár János phải ra đi. Cùng năm, một văn kiện rất quan trọng khác là “Chuyển biến và cải tổ” cũng được ra mắt, đó là một chương trình cải cách, phân tích thể chế và tình hình kinh tế Hungary do 60 chuyên gia kinh tế và chính trị học chấp bút.

Trong hai năm 1987-88, các đảng đối lập lớn như Diễn đàn Dân chủ Hungary MDF, Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ, Liên đoàn Dân chủ Tự do SZDSZ được thành lập, Đảng Tiểu chủ Độc lập cũng hoạt động trở lại - biến cố này khiến liên minh đối lập trở thành một lực lượng chính trị khá đồng nhất về mục tiêu và ý tưởng cho đất nước. Chính họ đã tổ chức những cuộc biểu tình lớn, thu hút sự tham gia và hưởng ứng của đông đảo nhân dân, vào năm 1988 nhân kỷ niệm cách mạng 1848 (tháng 3), rồi nhân 30 năm ngày thủ tướng Nagy Imre của cuộc cách mạng 1956 bị tử hình (tháng 6).

Cho nên, đến đầu năm 1989, thì xã hội Hungry đã có những biến đổi vô cùng lớn lao so với các nước thuộc phe XHCN thời ấy. Nước Hung đã có những ngân hàng thương mại, người dân Hung từ mùa hè năm 1987 đã được tự do ra nước ngoài với cuốn "hộ chiếu thế giới". Hungary chấp nhận và đồng tình với việc mở cửa thị trường theo hướng tự do, việc chuẩn bị cho quá trình tư hữu hóa được tiến hành với các đạo luật bổ trợ. Một điểm hết sức quan trọng là sự ra đời của Đạo luật Bầu cử mới của Hungary là bắt buộc phải có nhiều ứng viên trong những kỳ bầu cử, là một điều được coi là tiên phong thời đó.

Vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, đổi mới, cải tổ không chỉ là sự nghiệp của phong trào đối lập và cư dân, mà còn là nhu cầu tồn tại của nhóm cởi mở trong nội bộ Đảng Công nhân Xã hội Hungary (MSZMP, tức Đảng Cộng sản Hungary).

Cuối năm 1988, lãnh tụ Kádár János bị thay thế trên cương vị tổng bí thư Đảng, bởi Grósz Károly là một chính khách cộng sản tương đối cởi mở. Đồng thời, nội các Hung - đứng đầu là ông Németh Miklós - cũng theo hướng đổi mới. Với lời tuyên bố của lãnh tụ Liên Xô Gorbachev sẽ giảm các đạo quân Xô-viết đồn trú tại Đông Âu, cũng như những nỗ lực dân chủ hóa của vị chính khách này - như lời khẳng định "người dân Liên Xô cần dân chủ như cần dưỡng khí để thở" - xã hội Hung đã chín muồi cho những biến đổi dân chủ ôn hòa.



Tuy nhiên, những nỗ lực dân chủ của phe đối lập cần một cú hích trong xã hội, và cú hích ấy đã đến rất bất ngờ vào cuối tháng 1-1989. Nhân cơ hội tổng bí thư đảng đi dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos ở Thụy Sĩ, một nhân vật cải cách trong đảng là Pozsgay Imre đã đột ngột tuyên bố trước báo giới kết quả nghiên cứu của một ủy ban đặc trách trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng về sự kiện 1956. Theo quan điểm của ủy ban này, thì biến cố 1956, trước nay vẫn chính thức bị coi là "bạo loạn phản cách mạng", thực chất là một cuộc nổi dậy của nhân dân.

Các sử gia Hungary nhận định rằng kể từ thời điểm ấy, thể chế cũ ở Hung đã đánh mất tính chính đáng và phong trào đối lập dân chủ - đặt trên nền tảng những ước vọng và đòi hỏi của cuộc cách mạng 1956 - chính thức được thừa nhận về căn bản.

Tuy nhiên, phải đợi đến phiên họp ngày 10/11-2-1989 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Hungary thì những biến chuyển năm 1989 ở nước Hung mới có diện mạo rõ rệt. Trong phiên họp được đáng giá là lịch sử ấy, Đảng Cộng sản Hungay chính thức thừa nhận tính chất khởi nghĩa nhân dân của cách mạng 1956, đồng thời, chấp nhận sự cần thiết của sự hình thành một thể chế đa đảng và cho biết, họ sẵn sàng tham gia vào quá trình biến đổi ấy.

Với quan điểm như thế, chính Đảng Cộng sản Hungary đã góp phần cho sự thành lập của Bàn tròn Đối lập vào ngày 22-3-1989, là một đại diện chung của phe đối lập, có quan điểm thống nhất trong những cuộc đàm phán với Đảng Cộng sản Hungary, dẫn đến sự hình thành của Đảng Xã hội Hungary (MSZP, xuất thân từ Đảng Cộng sản MSZMP, gồm những nhân vật cải tổ) vào tháng 10-1989.

Cũng cần kể đến những biến cố trọng đại diễn ra trước đó, vào mùa hè 1989 ở Hungary:

- Thứ nhất là lễ mai táng thủ tướng Nagy Imre và các cộng sự, những người đã bị điện Kremlin chỉ thị hành quyết trong cuộc cách mạng 1956. Buổi lễ diễn ra vào ngày 16-6, thu hút đại diện của chính quyền và tất cả các tổ chức đối lập, cũng như gần nửa triệu dân cư tập trung tại Quảng trường Anh hùng, trung tâm thủ đô Budapest. Tất cả đều coi đây là một cuộc "thử lửa" cho một biến chuyển hòa bình, và kết quả là ngày hôm đó đã được dân Hung xem như ngày hòa giải dân tộc, xóa bỏ và hóa giải những oan khiên trong quá khứ,

- Thứ hai, là việc hàng trăm ngàn người tị nạn Đông Đức tràn sang Hungary, vạ vật tại các tòa đại sứ Phương Tây (đặc biệt là ĐSQ CHLB Đức) xin chiếu khán nhập cảnh và họ cho biết, bằng mọi giá, họ không muốn trở lại thể chế bưng bít ở Đông Đức. Ngày 10-9, ngoại trưởng Hungary Horn Gyula (về sau là thủ tướng Hungary trong nhiệm kỳ 1994-98), đã có một quyết định táo bạo và ngoạn mục, là mở biên giới Hung - Áo cho người tị nạn Đông Đức tràn sang Phương Tây. Động thái này, về sau đã được chính giới nước Đức trân trọng đánh giá: "Người Hungary đã dỡ những viên gạch đầu tiên của bức tường Berlin và nước Đức phải biết về điều đó".

Đây đã là tiền đề cho sự thành lập của Đệ tam Cộng hòa Hungary vào ngày 23-10-1989 và việc đảng cầm quyền nhường chỗ cho các chính đảng đối lập trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên vào năm 1990.



Nước Hung đã trải qua thời hậu cộng sản một cách khá êm ấm và khá mẫu mực.

- Đạo luật bồi hoàn tài sản tinh thần và vật chất cho những nạn nhân chế độ cũ đã được đưa ra và ông Sólyom László, kiến trúc sư của đạo luật này, người từng giữ chức chánh án Tòa án Hiến pháp Hungary thời kỳ 1990-2000, hiện là tổng thống Hungary, đã coi đây là dấu ấn của Hungary thế kỷ XX trong mắt ông.

- Đạo luật Thanh lọc cho phép kiểm tra quá khứ của những người từng tham gia chế độ cũ trong các cơ quan mật vụ chính trị, công khai hóa ở mức độ chấp nhận được những nhân vật ấy, mà không gây xáo trộn quá đáng trong xã hội. Các đảng viên cộng sản cũ không bị kỳ thị, truy đuổi hay phân biệt đối xử một cách đáng kể.

Từ khi đạo luật này được thông qua và sửa đổi nhiều lần cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, khá nhiều nhân vật nổi tiếng (chính khách, các nhân sĩ, văn nghệ sĩ, nhà thể thao...) bị phát hiện là từng công tác với cơ quan an ninh mật thời trước. Tuy nhiên, trong từng trường hợp, dư luận xã hội đều tỏ ra công bằng và thấu hiểu, nên những rạn nứt ở mức độ lớn đã không xảy ra.

- Quá trình tư hữu hóa các công sở quốc doanh diễn ra nhanh chóng và triệt để. Tuy nhiên, đây là khâu được coi "có vấn đề" nhất của quá trình chuyển biến: cùng với chủ nghĩa kinh tế thị trường nhiều khi rừng rú ở Hung trong hai thập niên qua, đã khiến một bộ phận có quyền thế trong chính quyền có dịp làm giàu rất nhanh, trong khi nền kinh tế trong nước suy sụp vì những khoản nợ nước ngoài. Và đây cũng là điều khiến người dân Hung, trong dịp 20 năm nhìn lại quá khứ, cảm thấy tiếc.

Tuy nhiên, người dân Hung nói chung không có xu hướng hoài vọng quá khứ, không tiếc rẻ quá khứ "vàng son" như ở nhiều nước XHCN cũ khác. Các thăm dò dư luận cho thấy người dân không muốn trở lại chế độ cũ, không cảm thấy tiếc vì biến cố 20 năm trước, và đều đồng nhất với ý kiến cho rằng biến chuyển dân chủ là đúng đắn, cần thiết và chính là sự tiếp nối những nguyện vọng của dân tộc Hungary từ năm 1956.

Nguồn: RFI
Category: Chính trị | Views: 718 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 28
Khách: 28
Thành Viên: 0