Đặng Vũ Chấn
Rồi
mai, đất nước ta sẽ hội nhập vào luồng chính của thế giới dân chủ văn
minh. Lúc ấy, những rào cản trong cơ chế chính trị đã được gỡ bỏ, nhân
dân được nhiều phần chủ động hơn trong việc quyết định vận mạng của đất
nước. Lúc ấy, thay vì là một cồ xe cũ kỹ chậm chạp dần đầu đoàn xe nhân
dân trên con đường mòn độc đạo, chính quyền sẽ đóng vai trò của một
chất xúc tác, điều hòa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát huy
sức sống mãnh liệt của mình dể tân hưng đất nước. Lúc ấy sự phát triển
của Việt Nam sẽ không còn bị giới hạn bởi một Ðảng và nhà Nước độc
quyền mà chỉ bị hạn chế bởi chính trí tuệ và khả năng canh tân của dân
tộc mình.
Trong giai đoạn đầu tân hưng đó, nước Việt ta sẽ vừa có những khó khăn và thuận lợi cơ bản như sau:
Thuận
lợi thứ nhất là sức sống trẻ. Hiện nay hơn phân nửa dân ta trong nước
là thành phần từ 30 tuổi trở xuống. Sức sống năng động này đang cần
những điều kiện và môi trường tích cực để bừng lên xây dựng đất nước
thay vì lãng phí năng lực trong những sinh hoạt đồi trụy trác táng, đua
xe bạt mạng.
Thuận lợi thứ hai là dân ta đã được tôi luyện trong
những hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt từ đó khắc phục vươn lên sống còn.
Sự thông minh năng nổ xoay sở linh động này cũng đang cần được điều
hướng để cùng nhau xây dựng cái chung và tăng tiến cá nhân trong sự hài
hòa với môi trường và tập thể chung quanh.
Thuận lợi thứ ba là
nguồn tài chánh và nhân lực du nhập từ các cộng đồng người Việt ở nước
ngoài đã nhờ môi trường tự do dân chủ pháp trị mà phát triển vượt bực.
Những chuyên viên việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng mang kinh nghiệm làm
việc và kiến năng được đào tạo từ các nước tiên tiến về đóng góp cho
đất nước
Song song với các thuận lợi trên, là những khó khăn.
Khó khăn thứ nhất là vì luôn luôn phải đấu tranh sinh tồn trong hoàn
cảnh bấp bênh, từ chiến tranh loạn lạc sang tới thời kỳ bao cấp ngăn
sông cấm chợ phải lo cho đủ miếng ăn từng ngày, qua tới thời đổi mới
kinh tế thị truờng phải lo chụp giựt cơ hội làm ăn trước khi nhà nước
đổi ý, đổi luật, nên dân ta (và cả nhà nước hiện nay) đã tiêm nhiễm
thói quen làm ăn theo tinh thần "Mì ăn Liền", lo việc trước mặt mà
không để ý tới hậu quả tương lai lâu dài. Thêm vào đó hiện nay tệ nạn
tham nhũng và sự mất niềm tin vào hệ thống luật pháp, mà người dân cho
là chỉ phục vụ giai cấp lãnh đạo, đang tập cho dân ta nhiễm thói quen
coi thường luật pháp quốc gia, thậm chí còn tìm cách qua mặt. Những
điều trên dễ đưa tới những di hại về văn hóa đạo đức xã hội, môi
trường, môi sinh trên đường dài mà một nước Việt tân hưng phải đối phó.
Ngoài
ra sau những năm dài đấu tranh quốc cộng, sống dưới một chế độ luôn đề
cao hận thù đấu tranh kỳ thị giai cấp, luôn đề cao cảnh giác nghi ngờ
những thế lực thù địch, luôn nuôi dưỡng sự sợ hãi bị tố khổ trù dập,
nuôi dưỡng cái nhìn nhất nguyên độc quyền, nhân dân ta dễ mất đi niềm
tin vào nhau, nhiễm tinh thần phân hóa cục bộ, có thể ảnh hưởng tiêu
cực trên sự đại đoàn kết dân tộc. Xác xuất chia rẽ phe nhóm cục bộ càng
dễ xẩy ra sau này khi người Việt nước ngoài đổ về giúp nước mang theo
những ảnh hưởng trường phái khác nhau từ Mỹ hay Pháp hay Ðức, Nhật, Úc
v.v..so với các trường phái nội địa.
Ðể đối phó với những nan đề trên, nước Việt tân hưng cần ưu tiên tiến hành hai hướng sau:
Thứ
nhất, củng cố và hoàn thiện một cơ chế chính trị và môi trường dân chủ
pháp trị để xây dựng lại niềm tin của nhân dân vào luật pháp và chế độ.
Khi nhân dân thấy có cơ chế chính trị và luật pháp vững chắc thực sự
bảo vệ mình thay vì phục vụ giai cấp lãnh đạo, đảm bảo cho mình điều
kiện có thể chọn lựa lãnh đạo và sa thải chính quyền bất xứng đi ngược
lại quyền lợi nhân dân qua bầu cử định kỳ, dân sẽ thấy nhu cầu phải tôn
trọng luật pháp và yên tâm lo nghĩ tới tương lai dài hạn. Cơ chế chính
trị này được thể hiện qua một bản hiến pháp tối cao mà không một ai hay
một tập thể nào có thể chà đạp coi thường. Bản hiến pháp này ngăn cấm
mọi sự độc quyền độc tôn lãnh đạo của bất cứ một Đảng hay cá nhân phe
nhóm nào và quy định tam quyền phân lập, đảm bảo tính độc lập giữa nhà
nước hành pháp, quốc hội lập pháp, và tòa án tư pháp. Ba ngành này sẽ
kiểm soát nhau để tránh mọi sự lạm dụng chi phối dễ đưa đến tình trạng
vừa đá bóng vừa thổi còi như Đảng CS hiện nay. Cơ chế chính trị cũng
phải triệt để đảm bảo quyền tự do ngôn luận để tối thiểu người dân có
thể an toàn tri hô la làng khi bị ức hiếp hay thấy những sai trái nơi
chính quyền., và có thể tự do thảo luận phê phán đúng sai. Nói chung cơ
chế phải đảm bảo mọi quyền tự do quy định trong bản tuyên ngôn quốc tế
nhân quyền, và bộ máy công an cảnh sát và quân đội phải được tách rời
khỏi mọi Đảng phái mà chỉ mang sứ mạng duy nhất là bảo vệ lãnh thổ, bảo
vệ hiến pháp và luật pháp quốc gia
Hưóng thứ hai, đề cao phát
huy tinh thần Hòa và Ðồng. Ðây là tinh thần đa nguyên, chấp nhận tôn
trọng sự khác biệt của nhau mà vần thuận hòa với nhau, để đồng lòng
cùng nhau hướng tới lo việc chung. Có như thế thay vì phân hóa chia rẽ,
mọi thành phần dân tộc sẽ biến những khác biệt nhau thành lực bổ túc
tổng hợp để đoàn kết cùng nhau đưa đất nước chóng đi lên hàng tiên tiến
trên thế giới. Ðể phát huy tinh thần này, lãnh vực giáo dục cần được
đặt ưu tiên, để nâng cao dân trí và xây dựng nơi những thế hệ tương lai
một tư duy và phong cách của con người mới tự tin, khách quan khoa học,
khai phóng. Khi dân trí được nâng cao với kiến thức mở rộng, người dân
sẽ thấy những khác biệt nhau là điều bình thường, và không những thế
còn cần thiết để cho đời sống được đa dạng, phong phú và ngày càng
thăng tiến hơn. Thấy được sự khác biệt đa dạng là cần thiết, và tự tin
vào tư thế đồng làm chủ thực sự để chủ động quyết định vận mạng đất
nước và hướng đi của xã hội, người dân sẽ càng cảm nhận nhu cầu phải
cùng nhau trách nhiệm bảo vệ phát huy những giá trị tốt đẹp chung và
canh tân xã hội càng ngày càng tốt hơn.
Những ưu tiên tiến hành
kể trên nằm trong hai hướng Canh Tân Con Người và Canh Tân Môi Trường
mà dân ta trong cũng như ngoài nước cần chuẩn bị điều kiện ngay từ bây
giờ cho một Nước Việt Mới.. Chuẩn bị như thế nào là câu hỏi thách đố
mồi người chúng ta.
Đặng Vũ Chấn Nguồn: Ðặng Vũ Chấn
|