Chủ Nhật, 2024-12-22, 1:15 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Ba » 12 » Kinh tế Việt Nam đi về đâu?
10:49 PM
Kinh tế Việt Nam đi về đâu?
Thực trạng nền kinh tế Việt Nam


a. Kinh tế vĩ mô méo mó

Xuất phát từ thể chế chính trị toàn trị cho nên Việt Nam là nơi duy nhất trên thế giới có nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”! Tại Việt Nam thì tất cả mọi lĩnh vực đời sống và xã hội đều phục vụ cho chính trị, kinh tế cũng vậy. Trong các dự án kinh tế, chính quyền Việt Nam không quan tâm nhiều đến khía cạnh thương mại mà chỉ quan tâm đến mục tiêu chính trị. Ví dụ nhà máy lọc dầu Dung Quất, thuỷ điện Sơn La hay mới nhất đây là dự án khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên.

Cũng do việc lấy mục tiêu chính trị áp đặt lên kinh tế nên chính quyền Việt Nam đã lấy doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm trụ cột cho nền kinh tế đất nước. Đây là chủ trương mang nặng tính chính trị và trái với qui luật phát triển tự nhiên. Chính quyền đã dành cho DNNN tất cả ưu đãi, hơn 70% nguồn lực của cả nước đã đổ vào khu vực này, trong khi đó hiệu quả mang lại rất nhỏ. Các DNNN này do được che chở và ưu đãi nên đã không thể cạnh tranh một cách bình thường, đồng thời các DNNN còn trở thành các “lãnh địa” do các “sứ quân” cát cứ và thống trị, các sứ quân như điện lực, xăng dầu, xây dựng cơ bản…tha hồ làm mưa làm gió trên thị trường gây điêu đứng cho nhân dân và người tiêu dùng. Khi cần thiết các sứ quân này sẵn sàng chống lệnh của “thiên triều Ba Đình”, vụ tranh cãi giữa Tập đoàn Điện lực và Tập đoàn Dầu khí đang diễn ra hay việc ngành Điện lực chống lại việc cải tổ của Bộ Công thương là minh chứng cho tình trạng “sứ quân” trong nền kinh tế Việt Nam.

Tình trạng sứ quân trong nền chính trị và kinh tế Việt Nam đã ăn sâu và trở nên rất nghiêm trọng, ngay cả quân đội và công an cũng như các cơ quan đảng (các cấp uỷ) cũng có đơn vị làm kinh tế riêng và hoàn toàn độc lập. Khi quân đội, công an cũng “đi buôn” thì ai dám đụng vào họ và như vậy nhà nước sẽ thất thu thuế nghiêm trọng, trong khi thị trường bị méo mó vì cạnh tranh không lành mạnh.

Không chỉ có thế, do sự tham nhũng tràn lan từ trên xuống dưới nên hàng lậu đã tràn vào Việt Nam như cơn lũ. Chính hàng lậu (chủ yếu từ Trung Quốc) đã góp phần bức tử nền kinh tế Việt Nam.

Sức mạnh của chính quyền Việt Nam hiện đang dựa vào quân đội, công an và bộ máy hành chính đông đảo. Lực lượng này đã tiêu tốn một khoản ngân sách khổng lồ từ nguồn ngân sách rất eo hẹp của Việt Nam.

b. Kinh tế vi mô nhỏ bé, manh mún.

Nhân nào thì quả đấy, do kinh tế vĩ mô bị méo mó thành ra nền kinh tế vi mô đương nhiên là phải còi cọc, nhỏ bé và manh mún.

Xương sống của một nền kinh tế phát triển bắt buộc phải là các doanh nghiêp tư nhân (DNTN). Thế nhưng tại Việt Nam các DNTN luôn bị o ép và đối xử không bình đẳng, khó có cơ hội để tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi của quốc tế cũng như chính phủ (do bị các DNNN hút hết vốn).

Các DNTN Việt Nam do phải cạnh tranh một cách không cân xứng với các DNNN và phải đối mặt với hàng lậu, hàng trốn thuế, hàng nhái nên bắt buộc phải tìm cách hạ giá thành, điều này đồng nghĩa với việc chất lượng sẽ giảm và khi chất lượng giảm thì người tiêu dùng sẽ quay lưng và doanh nghiệp tồn tại trong lay lắt là điều mà ai cũng thấy được.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thì do thiếu thông tin, thiếu thương hiệu nên chỉ còn cách đi làm gia công cho các hãng nước ngoài theo kiểu “lấy công làm lãi” mà thực chất là bán sức lao động (của người lao động) một cách rẻ mạt, “đổi mồ hôi lấy bát cơm”. Các doanh nghiệp khác như nông nghiệp hay khai thác thì đành bán sản phẩm thô do ngành chế biến không phát triển. Cũng do thiếu văn hoá kinh doanh và các chế tài cần thiết của chính phủ nên ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản thô cũng cạnh tranh một cách không lành mạnh, bài báo
“Đại gia và thanh long” của nhà báo Huy Đức đã phản ánh một phần thực tế này.

Cho đến giờ Việt Nam chưa có một công ty nào mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói đến tầm cỡ thế giới. Đọc hồi ký của các tỉ phú sáng lập ra các công ty nổi tiếng của Nhật, Hàn Quốc…chúng ta đều thấy đó là các công ty của các DNTN và dấu ấn của cá nhân lãnh đạo đã thể hiện rõ trong sự thành công. Các DNNN ở Việt Nam mà giám đốc là do “bổ nhiệm” là “người của nhà nước” thì các DNNN đó không bao giờ phát triển được.

2. Hướng đi nào cho nền kinh tế Việt Nam?

Cải cách thể chế chính trị, tách bạch giữa ý chí chính trị và mục tiêu phát triển kinh tế. Trả lại quyền điều tiết thị trường cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhà nước chỉ nên làm những việc mà tư nhân không thể làm được. Đồng thời nhà nước phải hạn chế tối đa sự can thiệp của mình vào nền kinh tế, nhà nước chỉ giữ vai trò trọng tài và chế tài trong các quan hệ kinh tế để cho thị trường phát triển và cạnh tranh lành mạnh, tuyệt đối không để các doanh nghiệp lớn chèn ép các doanh nghiệp nhỏ bằng cách bán phá giá hoặc cạnh tranh theo kiểu “lấy thịt đè người”.

Nhà nước phải thật lòng trong việc chống tham nhũng, chống buôn lậu, chống làm hàng giả. Phải tôn trọng và tạo cơ hội đồng đều cho tất cả các thành phần kinh tế. Bãi bỏ việc ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp tập trung, tất cả các doanh nghiệp đều tuân thủ một bộ luật duy nhất là Luật kinh doanh (theo đề nghị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

Ý kiến của nhà kinh tế Vũ Thành Tự Anh là tiếp tục tư nhân hoá (cổ phần hoá) các xí nghiệp nhà nước thuộc khối DNNN. Tuy nhiên nhà nước phải rất cẩn thận và minh bạch nếu không những kẻ có thế lực chính trị sẽ biến tài sản chung thành của riêng. Bài học dành cho các thế lực đang có âm mưu này là tấm gương các nhà tỉ phú Nga tham lam cấu kết với quan chức thời tổng thống En xin mua lại các nhà máy (của nhà nước) với giá rẻ mạt và sau đó kiếm được hàng chục tỉ đô la trong một thời gian ngắn đã phải trả giá đắt khi Pu tin lên nắm quyền. Kẻ nhanh chân thì chạy thoát ra nước ngoài (Boris Berezovsky, Vladimir Gusinsky) kẻ chậm chân thì bị tù mọt gông (Mikhail Khodorkovsky).

Cũng theo ông Vũ Thành Tự Anh thì chính quyền cần tách bạch giữa việc kinh doanh của các doanh nghiệp với các nhiệm vụ xã hội (ví dụ việc làm từ thiện), trợ cấp xã hội hay an sinh xã hội là việc của chính phủ chứ không phải việc của doanh nghiệp.

Một ý kiến khác rất đáng ghi nhận của ông Nguyễn Trần Bạt trong bài viết
“Việt Nam với chiến lược xây dựng hai nền kinh tế”, ông cho rằng “nhiệm vụ chiến lược” của Việt Nam là phải xây dựng hai nền kinh tế: Kinh tế phát triển và kinh tế bản thể (thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa). Hai thị trường này cần phát triển song song, tránh việc dồn tất cả các nguồn lực cho thị trường xuất khẩu mà bỏ quên thị trường trong nước. Với hơn 80 triệu dân, Việt Nam được các doanh nghiệp lớn trên thế giới đánh giá là “tiềm năng” và muốn có thị phần ở Việt Nam, trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn bỏ ngỏ thị trường này.

Đành rằng thị trường xuất khẩu là rất khổng lồ, đơn đặt hàng nhiều với số lượng lớn, tiền thu nhanh và bằng ngoại tệ mạnh…thế nhưng thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro: không ổn định, khó tiên liệu và nắm bắt, phụ thuộc vào sự thất thường của thị trường.

Thị trường nội địa tuy nhỏ (vì đại đa số người Việt còn nghèo, tâm lý thích hàng ngoại và sợ hàng nội do chất lượng kém), sức tiêu thụ yếu, đồng vốn thu hồi chậm…thế nhưng thị trường này lại rất ổn định, dễ nắm bắt tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng (vì là sân nhà, người nhà) nên các doanh nghiệp có thể kịp thời thay đổi kế hoạch sản xuất và kinh doanh cho phù hợp với hoàn cảnh.

Trong cuộc khủng hoảng này các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới cảm nhận được sự quan trọng của thị trường nội địa, tuy nhỏ bé nhưng vẫn có thể duy trì được sản xuất trong khi các doanh nghiệp hoàn toàn dựa vào xuất khẩu có nguy cơ đóng cửa và phá sản.

Hướng đi cho các doanh nghiệp hướng tới thị trường nội địa là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sự khác biệt cho mình, tránh chạy theo hàng rẻ tiền của Trung Quốc.

Cố gắng tạo dựng thương hiệu và gây dựng uy tín, tuy mất thời gian nhưng là việc không thể không làm trong kinh doanh hiện đại. Phải thay đổi tư duy là hàng đẹp đem xuất khẩu còn hàng rẻ thì bán trong nước, phải làm ngược lại là hàng trong nước phải đẹp và tốt hơn (hoặc bằng) hàng xuất khẩu (như ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt).

Các doanh nghiệp phải tư vấn và hướng dẫn cách sử dụng các mặt hàng mới, nêu rõ ưu và khuyết điểm so với hàng ngoại nhập (quan trọng là phải thành thật), tiếp thị và quảng bá mạnh mẽ hơn đến người tiêu dùng, ví dụ in catalog mẫu mã hàng hoá kèm theo giá cả cụ thể và nơi hàng đang bày bán, bằng tờ rơi hay trên internet…(nhiều công ty đã làm) và tôi tin rằng doanh nghiệp nào có quyết tâm sẽ thành công. Trong lĩnh vực may mặc một vài thương hiệu Việt đã có chổ đứng trên thị trường nội địa ví dụ Việt Tiến, Thái Tuấn…

Bất cứ một cuộc khủng hoảng nào dù lớn dù nhỏ thì đa số người dân nghèo là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và gánh nhiều thiệt thòi nhất. Đáng buồn là thành phần nghèo khổ lại chiếm số đông ở Việt Nam vì vậy đứng trên khía cạnh chính trị và xã hội thì ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt rất đáng lưu tâm. Ông cho rằng


“con người phải là mục tiêu của mọi chương trình phát triển”, việc “lấy tăng trưởng GDP hay lấy tăng trưởng việc làm làm mục tiêu là phiến diện”. “Phát triển việc làm và chất lượng của nó để tác động một cách tích cực vào sự tiến bộ của đời sống con người mới là mục tiêu lâu dài”.

“Từ chỗ xác định được mục tiêu lâu dài là con người và sự phát triển đời sống của con người, chúng ta sẽ có những thái độ xã hội, thái độ chính trị thoả đáng và những chiến lược kinh tế phù hợp để đạt được mục tiêu ấy”.


Cuộc khủng hoảng lần này còn kéo dài và hậu quả để lại sẽ rất lớn, chính quyền Việt Nam không nên giấu giếm sự thật mà cần cập nhật thông tin một cách đầy đủ và chính xác để toàn dân và xã hội tìm cách đối phó. Các vị lãnh đạo nên phát biểu có trách nhiệm, tránh kiểu phát ngôn bừa bãi và vung vít như ông Nguyễn Tấn Dũng rằng vào tháng 5/2009 Việt Nam sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Tuyên bố này của ông Dũng khiến giáo sư Trần Hữu Dũng, chủ nhân web Viet-Studies hài hước bình luận rằng nếu đúng như ông Dũng nói thì Việt Nam vào tháng 5 sẽ thay Mỹ làm đầu tàu kinh tế kéo thế giới ra khỏi khủng hoảng!

Trước khi kết thúc bài viết, tưởng cũng nên nhắc đến một sự việc có vẻ thuộc về kinh tế nhưng hệ quả là rất lớn về mặt chính trị mà nhà nước này xem ra lại không chịu nhìn rõ: việc khai thác bô xít tại Tây Nguyên. Lãnh đạo Việt Nam cần dừng ngay lại dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, dự án này không những không mang lại lợi ích kinh tế mà còn huỷ hoại môi trường sống và văn hoá người Tây Nguyên. Đồng thời dự án này rất nguy hiểm cho an ninh quốc gia và có nguy cơ chia cắt đất nước. Nhà văn Dương Thu Hương đặt câu hỏi là sự việc sẽ đi đến đâu nếu Trung Quốc (bí mật) cung cấp vũ khí và tiền bạc cho các dân tộc Tây Nguyên vốn đang hiềm khích rất nặng với chế độ cộng sản do chính quyền đã thực thi các chính sách rất sai lầm đối với đồng bào Tây Nguyên?


Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)

Category: Kinh tế | Views: 1243 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 11
Khách: 11
Thành Viên: 0